Ăn cắp như một nghệ sĩ

Một số danh nhân có chung quan điểm về cách học hỏi trong sáng tạo: “ăn cắp” thành công là biến thứ đó thật sự thành “của mình”. Vậy thế nào là thật sự thành “của mình”? Liệu người nghệ sĩ có thể thuyết phục được thế giới ấy là “của họ” hay không? Ranh giới nào phân định được điều này? 

Bức “Le Taureau” (1945) – cách điệu con bò đực của Picasso.

Danh họa Pablo Picasso được cho là từng nói về việc “sao chép” trong nghệ thuật rằng: “Good artists copy, great artists steal.” (Tạm dịch: Nghệ sĩ giỏi thì sao chép, nghệ sĩ xuất sắc thì ăn cắp). Trích dẫn này được viral lần nữa với đại chúng nhờ Steve Jobs nhắc lại trong phim tài liệu The lost interview. Khá hài hước khi câu nói thể hiện quan điểm về việc sao chép lại có nguồn gốc khó xác minh. Có nguồn tin cho rằng Picasso chưa từng nói câu đó.  

Nhà soạn nhạc người Nga Igor Stravinsky cũng từng bày tỏ quan điểm tương tự: “Lesser artists borrow, great artists steal.” Ở đây, ông dùng từ “vay mượn” (borrow) thay vì “sao chép” (copy). Nhà thơ T. S. Eliot thì viết, có giấy trắng mực đen, rằng: “Những nhà thơ chưa trưởng thành thì bắt chước, những nhà thơ đã chín chắn thì ăn cắp. Mấy nhà thơ tồi làm hỏng những thứ họ lấy được, còn nhà thơ giỏi biến chúng thành thứ tốt hơn, hay ít nhất là khác đi.” (trích từ The Sacred Wood năm 1920, một tuyển tập các bài nghị luận phê bình văn chương). 

“Không có gì mới dưới vầng thái dương này”

Triết gia người Pháp Voltaire từng nói “Originality is nothing but judicious imitation” (Tạm dịch: Cái nguyên bản chỉ là một sự mô phỏng khôn ngoan). Sáng tạo cần có nguyên liệu. Tiêu biểu như loài người khôn ngoan sao chép lại thiết kế của tự nhiên để tạo ra sản phẩm hữu ích cho mình. Hay các nghệ sĩ khôn ngoan “sao chép” từ văn hóa dân gian. Ví dụ hội họa châu Phi được cho là đã truyền cảm hứng cho nhiều trường phái nghệ thuật quan trọng như Lập thể (Cubism), Dã thú (Fauvism), Biểu hiện (Expressionism)…   

Những tình huống kể trên, chúng ta dễ dàng đồng tình gọi tên là “học hỏi”, “truyền cảm hứng”, “gìn giữ và phát huy”. Một phần lý do nằm ở quan niệm “tài sản chung”, hay theo luật bản quyền là “public domain” (*). Kiến thức về tự nhiên hay sáng tạo dân gian vô danh đều nghiễm nhiên được coi như tài sản chung của nhân loại (hay ít nhất là của một dân tộc nào đó, khoan bàn tới trường hợp “chiếm dụng văn hóa”). 


Sự phát triển của xã hội loài người không thể loại trừ những giao thoa văn hóa thông qua nghệ thuật, nhưng cần phải làm đúng cách, với sự tôn trọng.  

Để sáng tạo cái mới thông qua việc sao chép cần quá trình lao động. Có bài tập khá phổ biến ở các trường mỹ thuật là biến một sự vật phổ biến (ví dụ chiếc lá) thành logo. Sinh viên phải đi qua các bước từ vẽ tả thật (thuần túy sao chép lại những gì nhìn thấy được), rồi từ đó giản lược chi tiết, cách điệu chiếc lá. Bước đầu của mọi người thường giống nhau (có chăng khác ở kỹ năng vẽ, ai tả chiếc lá giống thật hơn); nhưng thành phẩm sau cùng lại đa dạng. Trong quá trình này, tư duy, tính cách, sở thích… của mỗi người dẫn họ tới những kết quả khác nhau. Nguyên liệu sao chép ban đầu đã không còn chỉ là chiếc lá nữa. Học vẽ bắt đầu từ việc ghi chép thực tế. Các danh họa tranh trừu tượng hầu như đều vẽ tả thật rất đỉnh. Đây là nguồn dữ liệu tích trữ giúp các họa sĩ tưởng tượng.  

Sẽ khó phân định hơn nếu người ta không sao chép tự nhiên mà là một tác phẩm hoàn chỉnh. Có thời gian ở Việt Nam nổi lên các lớp học vẽ thông qua chép tranh. Những bức tranh này thường có tạo hình đơn giản, không tả thật. Người học được hướng dẫn để vẽ lại đúng theo như vậy. Nhiều người làm chuyên môn cho rằng cách thức này giống đi đường tắt, không thật sự giúp tăng sức sáng tạo, kỹ năng vẽ, cũng như hiểu biết về hội họa. Mặt khác, có thể những học viên này chẳng có tham vọng bán tranh kiếm lợi, họ chỉ muốn thư giãn bằng việc quẹt màu với bút lông. 

Trong phong trào nghệ thuật Japonisme vào thế kỷ 19 ở châu Âu, các nghệ sĩ phương Tây mê mẩn những tác phẩm đến từ Nhật. Họ học hỏi kỹ thuật vẽ lẫn đề tài của các họa sĩ Nhật, có khi vẽ lại gần như nguyên si như danh họa van Gogh đã chép tranh danh họa Hiroshige. Dù về chi tiết, phiên bản của van Gogh dùng chất liệu khác (sơn dầu thay vì tranh in khắc gỗ) và khác biệt đôi chút về màu sắc lẫn viền tranh. 

Bức “Sudden Shower over Shin Ohashi, Atake” (Cơn mưa bất chợt trên cầu Shin, Atake) – Hiroshige (trái) & Bức “Bridge in the Rain” (Cây cầu trong mưa) – Van Gogh (phải).

Nếu van Gogh sống ở thời đại mạng xã hội, khéo ông đã bị bóc phốt kịch liệt trên tiktok. Liệu có phải van Gogh “đạo nhái”? Rõ ràng ông đã chép đôi ba bức tranh Ukiyo-e của Nhật (tự nghiên cứu, chép được, lại còn tranh phức tạp, là trình độ khác với học viên lớp chép tranh được cầm tay chỉ từng bước). Nhưng sự nghiệp của ông lớn hơn vậy rất nhiều. Ông tạo ra được những tác phẩm định hình phong cách riêng, thông qua bút pháp lẫn đề tài. Người ta nhớ đến Van Gogh với những Đêm đầy sao hay tranh chân dung tự họa…, đại chúng ít biết tới vài bức tranh chép (có lẽ để luyện tập) của ông. Chưa kể ông không kiếm được tiền từ những bức tranh chép này, và đáng buồn hơn, cả những bức tranh sáng tạo độc đáo của mình (cả đời ông chỉ bán được một bức). 

Năm 2024 diễn ra sự kiện chấn động giới hội họa thế giới: Vụ kiện tụng từ 2019 tranh chấp bản quyền trí tuệ giữa Ye Yonqging và họa sĩ Christian Silvain đã kết thúc bằng việc “học viên chép tranh” đến từ Trung Quốc thừa nhận đã sao chép 87 bức của họa sĩ người Bỉ trong suốt 25 năm. Những bản sao chép bán được giá gấp cả chục lần tranh gốc, cho những khách hàng toàn người nổi tiếng và tỷ phú thế giới. Ye Yonqging dù bị xử thua, phải công khai xin lỗi, nhưng chỉ phải trả số tiền phạt rất nhỏ so với những gì đã kiếm được. Toàn bộ sự nghiệp của Ye Yonqging thuần chỉ sao chép (giống tới 90% tranh gốc), không phát triển, sáng tạo thêm chút nào. Thậm chí Ye Yonqging còn không có nhân phẩm bằng những người vẽ tranh “sú” (nói lái của từ “souvenir” – đồ lưu niệm) ở đường Nguyễn Thái Học, ít nhất họ trung thực với bản thân và khách hàng rằng đây là hàng chép. 


Có khi trong sáng tạo nghệ thuật, cái hay có thể nảy sinh từ… cái sai, mà cũng không nhất thiết phải là cái hay đầu tiên.

Vậy có phải “kiếm được tiền” là một trong những căn cứ để phân định giữa đạo nhái sai trái và sao chép nhằm luyện tập hay không? Nếu Ye Yonqging không bán tranh chép thì có vấn đề gì không? 

Cái hay nảy sinh từ cái sai?

Kịch bản phim Vua sư tử (1994) của Disney có rất nhiều điểm tương đồng với bộ manga Nhật Bản – Kimba Sư tử trắng (1950 – 1954) của tác giả Osamu Tezuka, được chuyển thể thành phim hoạt hình (1965 – 1967). Khi so sánh hai bộ phim, khán giả thấy nhiều phân cảnh y chang. Đến cái tên nhân vật cũng không giúp che giấu cho Disney, Kimba với Simba. Ngay cả diễn viên lồng tiếng cho nhân vật Simba khi lớn – Matthew Broderick cũng thừa nhận rằng ban đầu ông tưởng đây là dự án remake phim Kimba Sư tử trắng. Tới lúc biết được sự thật thì ông thấy… không cần để tâm lắm. 

Về phía Nhật, ông Takayuki Matsutani – chủ tịch hãng Tezuka Productions, có thái độ khá mềm mỏng. Ông chỉ ra những điểm giống giữa hai tác phẩm, nhưng cho rằng nếu Osamu Tezuka còn sống cũng sẽ thấy vui với việc này. Vị giám đốc kết luận rằng tổng thể hai phim vẫn khác hẳn nhau. Trái ngược với quan điểm của vị sếp lớn, thời điểm phim Vua sư tử công chiếu tại Nhật, hơn 400 họa sĩ hoạt họa và họa sĩ truyện tranh đã ký tên yêu cầu Disney phải credit cho tác phẩm Kimba Sư tử trắng.  

Đến tận giờ, Disney vẫn một mực khẳng định rằng phim Vua sư tử lấy cảm hứng từ vở kịch Hamlet của văn hào Shakespeare (một tác phẩm đã thành public domain). Phía Nhật rõ ràng không muốn tham gia vào cuộc chiến pháp lý với Disney. Những vụ kiện tụng về bản quyền sáng tạo luôn vô cùng phức tạp. Quyền tác giả bảo hộ hình thức thể hiện chứ không bảo hộ ý tưởng (mời bạn đọc thêm bài viết “Bản quyền tác phẩm AI” trên Tia Sáng). Dĩ nhiên, luật bản quyền luôn cần cải tiến, bổ sung cho bắt kịp với thay đổi của thời đại. 

Một cảnh phim The Simpsons: “Con phải báo thù cho ta, Kimba. À nhầm, Simba.”

Ví dụ chúng ta đã có luật bản quyền cho việc remake (làm lại). Chúng ta vừa có sản phẩm mới, vừa có sự đồng thuận của tác giả và ghi nhận sáng tác cũ, giúp các tác phẩm đó thêm sức sống lâu bền, đồng thời đảm bảo quyền lợi của các bên. Như bộ phim Perfetti sconosciuti (2016) của Ý hiện đang giữ kỷ lục bộ phim được làm lại nhiều nhất thế giới với 24 lần, trong đó có cả phiên bản Việt Nam mang tên “Tiệc trăng máu”. Mỗi bản remake lại được thêm thắt những yếu tố văn hóa bản địa rất thú vị. 

Còn về luật của “lòng người” thì sao? Hơn 400 nghệ sĩ công khai lên tiếng đòi hỏi sự tôn trọng, công nhận với tác phẩm của Nhật. Những người làm sáng tạo, gần như ai cũng chịu ảnh hưởng từ ai đó. Chúng ta đánh giá cao sự trung thực, lẫn việc bày tỏ lòng biết ơn với những người mình đã từng học hỏi được điều gì đó. Nói rộng hơn, đây còn là đạo đức nghề nghiệp. Disney có thể không thua về luật, nhưng có lẽ đã thua trong lòng không ít khán giả. 

Ở tầm rộng hơn, việc không credit (ghi nhận + cung cấp thông tin đầy đủ, rõ ràng) cho các nguồn cảm hứng có thể gây ra hậu quả tồi tệ. Ví dụ sử dụng chất liệu truyền thống của một cộng đồng mà không tìm hiểu hẳn hoi, không công khai nguồn gốc có thể bị coi là “chiếm dụng văn hóa”. Làm vậy không giúp tôn vinh, phổ biến kiến thức về cộng đồng đó; thậm chí về lâu về dài còn xóa bỏ sự tồn tại, đóng góp của họ trong lịch sử. Sự phát triển của xã hội loài người không thể loại trừ những giao thoa văn hóa thông qua nghệ thuật, nhưng cần phải làm đúng cách, với sự tôn trọng.  


Người chỉ muốn nhái lại sản phẩm của người khác không thật sự thích quá trình sáng tạo. Họ chỉ ham nhanh chóng được thừa nhận, hoặc kiếm được nhiều tiền.

Dù không chịu credit cho Kimba của Tezuka Osamu, tác phẩm Vua sư tử của Disney vẫn là một phim hay, có những sáng tạo độc đáo như phần âm nhạc và thiết kế hoạt họa. Đây hẳn là một pha “ăn cắp” thành công theo quan điểm của T. S. Eliot, vì giờ thế giới có hai bộ phim hay về sư tử. Và thời kỳ hoàng kim của phim hoạt hình 2D Disney đã tạo nhiều tuyệt phẩm khác nữa. Thế giới còn nhiều phi vụ nhập nhèm tương tự trong lịch sử, đặc biệt khi chúng ta đối chiếu với luật pháp hiện hành. Từ phía làm luật, khó mà dự đoán được trong những người đang tập chép lại các tuyệt tác, ai sẽ phát triển được phong cách riêng, ai sẽ thành Ye Yonqging (nhằm đưa ra những rào cản bằng luật từ sớm). Từ phía một người làm sáng tạo, hãy credit cho nguồn cảm hứng của mình, nếu luyện tập chép y hệt thì đừng bán (các tác phẩm “public domain” là vấn đề khác), còn đã làm sản phẩm gắn tên mình thì nhất thiết phải có cái gì đó của mình (chưa hay cũng được). Từ phía người thưởng thức, đôi lúc tính nguyên bản không quan trọng bằng chất lượng sản phẩm (không loại trừ có những sản phẩm “lấy cảm hứng”, được thêm thắt, thay đổi hay hơn cả bản gốc). Ngược lại, khán giả quá khắt khe máy móc, buộc tội mọi chi tiết giống nhau mà bỏ qua đánh giá tổng thể, chưa chắc đã tốt cho sự phát triển sáng tạo nói chung. Khó mà nói chuyện tuyệt đối đúng sai ở đây được. 

Có khi trong sáng tạo nghệ thuật, cái hay có thể nảy sinh từ… cái sai, mà cũng không nhất thiết phải là cái hay đầu tiên. Để tóm gọn sự lỏng lẻo này, nhà thiết kế đồ họa nổi tiếng người Mỹ – Paul Rand đã nói: “Don’t Try To Be original, Just Try To Be Good” (tạm dịch: Đừng cố làm thứ nguyên bản, chỉ cần cố làm tốt). Cứ phải có sản phẩm hay cái đã! 

Họa sĩ Christian Silvain và một bức tranh của ông. 87 bức của ông đã bị một người Trung Quốc sao chép y hệt và bán với giá gấp hàng chục lần cho những người nổi tiếng.

Những sao chép vô tri

Dù lắm lúc khó rạch ròi giữa “lấy cảm hứng” và “đạo nhái”, tiêu chuẩn tối thiểu của sáng tạo nghệ thuật nên là con người. Con người mới có quá trình lao động và chủ đích. Người chép tranh mà sau phát triển được phong cách riêng khác với người chỉ mãi đi chép có lẽ là ở mục đích. Người chỉ muốn nhái lại sản phẩm của người khác không thật sự thích quá trình sáng tạo. Họ chỉ ham nhanh chóng được thừa nhận, hoặc kiếm được nhiều tiền. Dù cả hai nhóm đều trải qua quá trình lao động nhất định (để chép được cũng cần đôi phần kỹ năng). 

Ứng dụng generative AI được phổ biến rộng rãi gây ra những tranh cãi gay gắt xoay quanh định nghĩa sáng tạo. Một số người bảo vệ các sản phẩm (hình ảnh, âm thanh, video, văn bản…) do generative AI tạo ra cho rằng: việc máy móc sao chép không khác gì quá trình con người sao chép, học hỏi; rồi vội vã kết luận bản chất là như nhau. Hiểu lầm trầm trọng về “bản chất” này có thể được lý giải bằng khái niệm Zombie trong triết học (mà zombie này không đòi ăn não ai). Hãy tưởng tượng một phiên bản giống hệt bạn, làm mọi thứ bạn làm, nói mọi thứ bạn nói. Nhưng đó chỉ là zombie, không phải bạn. Vì nó không có tri giác, hành động không có chủ đích, không xuất phát từ điều gì, không có trải nghiệm. Những thứ được gọi là “AI art” cũng vậy, chúng không được tạo ra thông qua quá trình lao động, không nhờ tri giác (ít nhất đến giờ là vậy); từ đó không đem lại giá trị trải nghiệm cho người viết mấy dòng lệnh yêu cầu tạo ra chúng. Nói ngắn gọn thì, họ không có kỹ năng tạo ra sản phẩm. Họ đến cửa hàng pizza, yêu cầu một cái bánh với chừng này thành phần, đế dày đế mỏng, chứ không biết làm pizza (chỉ biết lý thuyết không đồng nghĩa với sở hữu kỹ năng đó). 

Sự sao chép, “học” của generative AI mang tính chiếm dụng, vì nó không thông qua đồng thuận với các tác giả (hiện vẫn chưa có điều luật cụ thể), cũng không credit cho người sáng tạo chân chính, và nhất là không tạo ra sự phát triển. Thu thập dữ liệu rồi trộn lẫn lên không đồng nghĩa với phát triển. Những hình ảnh mô phỏng style Ghibli, không giúp người xem biết thêm về Ghibli (không hiểu được các họa sĩ Ghibli vẽ ra sao chẳng hạn), hay rèn luyện, học hỏi được kỹ năng gì. Dĩ nhiên, có người chỉ muốn mua cái bánh pizza ăn cho ngon, biến ảnh selfie của mình thành hình vẽ na ná Ghibli cho vui vậy thôi. Họ không quan tâm tới nghệ thuật hay có những ý nghĩ hoang đường, lố bịch về bản chất công việc sáng tạo. Đây lại là câu hỏi về nhận thức tiêu dùng: Đu trend chóng vánh, vài cái hình vô thưởng vô phạt, mà tốn lượng điện và nước sạch khổng lồ thì có đáng không? Nên chăng ta dành đầu tư nghiên cứu ứng dụng AI cho những thứ cần thiết, có ích hơn? 

Tạm kết

Suy nghĩ về việc thế nào mới là sáng tạo, sao chép thế nào thì không phải là đạo nhái là câu hỏi quan trọng dành cho những người làm sáng tạo, và cả những người thưởng thức. Con người sẽ còn cần tiếp tục tranh luận về vấn đề này trên cả khía cạnh nghệ thuật, triết học lẫn luật pháp. Trước mắt thì, chuyện sao chép giữa con người với nhau vốn đã đủ phức tạp. Chúng ta không cần nhân thêm rắc rối nhanh chóng bằng máy móc nữa.□ 

——

(*) Theo công ước Berne, sau khi tác giả mất 60~70 năm (tùy từng nước), tác phẩm sẽ tự động trở thành “public domain”. Ai cũng có thể khai thác mà không cần trả phí bản quyền.

Bài đăng Tia Sáng số 10/2025

Tác giả

(Visited 90 times, 30 visits today)