Ấn Độ: Đưa khoa học lên mặt tiền sáng tạo

Trong bài phát biểu về tình hình đầu tư ngân sách năm 2021, Bộ trưởng Bộ Tài chính Ấn Độ Nirmala Sitharaman nhấn mạnh R&D và đổi mới sáng tạo là một trong sáu trụ cột quan trọng. Đi kèm với nó sẽ là những biện pháp đảm bảo tăng cường đầu tư nghiên cứu công và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của đất nước.

Khoa học là trụ cột phát triển

Bà Nirmala Sitharaman cho biết, chính phủ sẽ thành lập một quỹ Khoa học quốc gia (NRF), một tổ chức của chính phủ có nhiệm vụ đầu tư trên một phạm vi lớn, từ khoa học tự nhiên đến khoa học xã hội nhân văn, với ngân sách 50.000 Rs trong vòng 5 năm. Năm 2019, bà cũng từng loan báo về cơ quan này khi soạn thảo đề xuất “Chính sách giáo dục mới” (NEP) nhằm “đảm bảo cho hệ sinh thái nghiên cứu tập trung vào những lĩnh vực được chính phủ ưu tiên”.

“Thật vững dạ khi thấy khoa học đã được đưa ra mặt tiền của việc phân bổ ngân sách thông qua việc đầu tư 50.000 Rs trong vòng năm năm cho Quỹ Khoa học quốc gia và mở rộng hợp tác với Nhật Bản để chia sẻ hiểu biết và công nghệ”, giáo sư Anju Seth, giám đốc Viện nghiên cứu quản lý Calcutta (IIM Calcutta), chia sẻ niềm vui sau khi nghe bài phát biểu của bà Nirmala Sitharaman.

Quỹ Khoa học quốc gia sẽ góp phần xây dựng năng lực nghiên cứu tại các trường đại học thông qua một cơ chế tư vấn, đặc biệt trở thành điểm xúc tác cho hợp tác nghiên cứu giữa các trường mà cho đến bây giờ vẫn còn khiêm tốn về năng lực với những trường hàng đầu Ấn Độ. Để làm tốt điều này, bản thân Quỹ Khoa học quốc gia sẽ là một tổ chức độc lập và đại diện cho tất cả các cơ quan, tổ chức nghiên cứu và giáo dục, giáo sư Ashutosh Sharma, tổng thư ký Ban KH&CN Ấn Độ, trao đổi với The Hindu. “Nguyên tắc này sẽ góp phần đảm bảo không có sự trùng lặp giữa đầu tư cho nghiên cứu giữa Quỹ Khoa học quốc gia và Bộ KH&CN”.

Quan điểm về việc tạo nhiều cơ quan cấp kinh phí đầu tư cho nghiên cứu và cơ chế làm việc rõ ràng minh bạch cũng được các nhà khoa học Ấn Độ hoan nghênh. Chittenipattu Rajendran, một nhà địa chất tại Viện nghiên cứu Khoa học tiên tiến ở Bangalore, cho biết: “Về nguyên tắc thì việc thành lập một cơ quan độc lập, ít giấy tờ quan liêu là một việc rất tốt. Hệ thống tài trợ cho khoa học hiện nay của chúng ta không như kỳ vọng do hết sức chậm chạp trong việc tài trợ và phân bổ các nguồn kinh phí thực hiện nghiên cứu. Tuy nhiên tôi cho rằng, Quỹ Khoa học cần chú ý đến việc tài trợ cho những nghiên cứu ở mức xuất sắc, nếu không nó sẽ tương tự như những cơ quan quản lý khoa học khác”.

Bên cạnh việc thành lập Quỹ Khoa học quốc gia, bà Nirmala Sitharaman còn thông báo sẽ đầu tư khoảng 40 tỉ rupe cho nhiệm vụ nghiên cứu cấp quốc gia khác về đại dương, bao gồm các dự án nghiên cứu cơ bản, khám phá và bảo tồn đa dạng sinh học.

Việc thúc đẩy khoa học sẽ góp phần làm gia tăng đổi mới sáng tạo trong các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ… và quan trọng hơn là giúp cho đất nước đạt được những mục tiêu kinh tế bằng sự tự chủ về công nghệ. Cuộc điều tra về kinh tế mới nhất của Ấn Độ cũng cho thấy quốc gia này thúc đẩy đổi mới sáng tạo để đạt được mục tiêu trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới.

Giải pháp để đạt được mục tiêu này là gì? Ông Kiran Mazumdar-Shaw, chu tịch hội đồng điều hành Biocon & Biocon Biologics, một trong những công ty dược phẩm hàng đầu Ấn Độ, nhận xét “Tôi tin tưởng khu vực tư nhân sẽ đóng một vai trò quan trọng trong nghiên cứu và đổi mới sáng tạo ở Ấn Độ. Một sự tập trung mạnh hơn vào các hợp tác giữa giới hàn lâm và ngành công nghiệp sẽ là cách thúc đẩy hệ sinh thái nghiên cứu và đổi mới sáng tạo”.

Có vẻ như quan điểm của ông là đúng bởi hiếm có lĩnh vực nào ở Ấn Độ lại phát triển dựa trên kết quả nghiên cứu khoa học và đạt thành công ở tầm quốc tế như dược phẩm. Trong thập niên vừa qua, Ấn Độ là “điểm nóng” phát triển công nghệ sinh học và dược phẩm cũng như phát triển công nghiệp dược, chuyên sản xuất các thuốc liên quan đến cấu trúc và chức năng của gene ở cấp độ phân tử, vaccine, insulin và nhiều liệu pháp sinh học khác. Viện Huyết thanh Ấn Độ, Bharat Biotech, Biological E và một số công ty khác của Ấn Độ chiếm tới 50% năng lực sản xuất vaccine toàn cầu. Trong năm 2019-2020, Ấn Độ thu về 20,6 tỉ USD về dược phẩm.

Đại dịch Covid-19 giúp Ấn Độ đánh giá được năng lực KH&CN của mình. Nó cho thấy, cộng đồng khoa học Ấn Độ cần hợp tác và đưa ra những giải pháp liên ngành cho đời sống và sản xuất, ngay cả trong ngành dược phẩm cũng vậy. Điều tra kinh tế của chính phủ cho thấy ngành dược phẩm cần nắm bắt được những cơ hội mới từ đại dịch và mở rộng chuỗi giá trị sang những xu hướng mới như một thực thể hóa học mới Novel Chemical Entities (NCEs), dạng thuốc mới chứa một tiền chất không hoạt động và chỉ sau khi được giải phóng khỏi thuốc gốc mới có hoạt tính. Và muốn làm được như vậy cần gia tăng thêm các hoạt động hợp tác R&D. Ông Kiran Mazumdar-Shaw cho rằng, chính phủ ngoài việc dành nhiều kinh phí đầu tư cho các dự án hợp tác công nghiệp – hàn lâm, cần đưa ra một số chính sách khác như khấu trừ thuế cho các công ty để họ có thể có động lực rót thêm tiền vào R&D hoặc khuyến khích đăng ký sở hữu trí tuệ.

Đầu tư vào vaccine

Thủ tướng Ấn Độ Shri Narendra Modi (bên phải) lắng nghe CEO Viện Huyết thanh Shri Narendra giới thiệu về tiềm lực của Viện trong chuyến tới thăm vào ngày 28/11/2020. Nguồn: pmindia.gov.in

Bên cạnh những đầu tư dài hạn, Ấn Độ cũng sẽ rót tiền vào đầu tư phát triển vaccine chống Covid-19. Các nhà nghiên cứu ngay lập tức đã đón chào thông tin này và cho rằng, dù hướng đến Covid nhưng năng lực từ đó cũng sẽ góp phần cải thiện phản hồi của quốc gia đối với những dịch bệnh tương lai. Ông Kiran Mazumdar-Shaw cho rằng, bên cạnh việc phát triển vaccine thì cần quan tâm đến cơ sở hạ tầng phục vụ, bao gồm chuỗi thiết bị làm lạnh và nền tảng số để giám sát sự chuẩn bị, “vào cuối năm 2021, chúng ta cần phân bổ nhiều kinh phí cho R&D về vaccine để tiến tới tạo sự miễn dịch cộng đồng với nhiều bệnh do virus gây ra cũng như điều trị những bệnh khác như ung thư, đái tháo đường, tim, ung thư…”

Cam kết đã đem lại 26,7 tỉ rupees (tương đương 365 triệu USD), tăng 5,6 tỉ (27%) so với ngân sách mà ngành y tế nhận được vào năm ngoái. Với gói đầu tư này thì các nhà vi trùng học và an toàn sinh học Ấn Độ là những người “hưởng lợi” nhiều nhất. Chính phủ đã cam kết rót tiền vào bốn viện nghiên cứu quốc gia mới, chín phòng thí nghiệm có độ an toàn sinh học cao mới để nghiên cứu về các mầm bệnh siêu lây nhiễm và một viện nghiên cứu quốc gia khác về “một sức khỏe” (one health) – một cách tiếp cận liên ngành, thu hút nhiều bên tham gia, thực hiện theo từng quy mô địa phương, vùng, quốc gia đến toàn cầu nhằm tìm hiểu cơ chế phát sinh và tiến triển của các bệnh truyền nhiễm thông qua mối tương tác giữa con người, động vật, môi trường – để liên kết nghiên cứu và giám sát sự lây nhiễm.

Với sự đầu tư mới này, các viện nghiên cứu vi trùng học sẽ được thúc đẩy năng lực nghiên cứu về các mầm bệnh trên khắp quốc gia. Ấn Độ hiện mới chỉ có duy nhất một viện nghiên cứu chủ yếu tập trung vào đào tạo và nghiên cứu về vi trùng là Viện Vi trùng học quốc gia (NIV) ở Pune. “Hiện tại, có quá nhiều phụ thuộc vào một viện nghiên cứu nên dễ dẫn đến những chậm trễ trong nghiên cứu,” Anant Bhan, một nhà nghiên cứu về sức khỏe toàn cầu tại trường đại học Yenepoya, Mangalore, nhận xét.

Trong những ngày đầu đại dịch, NIV là phòng thí nghiệm duy nhất có quyền xác nhận các ca dương tính với SARS-CoV-2. Do đó, các mẫu từ những ca lây nhiễm ban đầu, bao gồm ba mẫu bị nghi ngờ từ ba sinh viên ở bang miền nam Kerala trở về từ Vũ Hán, đã được vận chuyển khắp đất nước để tới Pune. Vì vậy những trung tâm mới “có thể dẫn đến khả năng phản hồi nhanh qua việc vận chuyển mẫu, nhận diện một dịch bệnh”, Bhan nói thêm.

Một nhà vi trùng học hàng đầu là Shahid Jameel tại trường đại học Ashoka gần Delhi, cũng hoan nghênh quyết định của chính phủ khi tập trung cho một nơi triển khai công việc theo khái niệm “một sức khỏe” để hợp tác nghiên cứu về sức khỏe con người và động vật nhằm giải quyết vấn đề bệnh truyền nhiễm. Trong vài năm trở lại đây, ở Ấn Độ đã xảy ra những dịch bệnh do virus từ động vật lây nhiễm lên người, nhiều loại liên quan trực tiếp đến tác của con người vào môi trường tự nhiên và làm suy thoái rừng. Riêng năm 2020, nhiều bang đã phải hứng chịu dịch cúm gia cầm và các bệnh sốt xuất huyết, sốt chikungunya và sốt rét đều do muỗi gây ra. Tuy nhiên chính quyền nhiều bang đã bỏ qua việc nghiên cứu và chính sách quản lý gia súc vật nuôi, các bệnh truyền nhiễm, y tế công cộng cũng như sự suy thoái rừng, biến đổi khí hậu. Do đó, thành công của cách tiếp cận “một sức khỏe” sẽ còn phụ thuộc vào cách các bang điều phối nỗ lực và nguồn lực của mình tốt như thế nào trong thời gian tới.

Thanh Nhàn tổng hợp

Nguồnhttps://www.thehindu.com/business/budget/union-budget-2021-50000-crore-for-national-research-foundation/article33720164.ece

https://www.fortuneindia.com/the-covid-19-budget-2021/budget-2021-will-give-impetus-to-research-innovation/105143

https://www.indiatoday.in/diu/story/budget-2021-cuts-spending-in-health-research-but-extends-lion-s-share-to-icmr-1765269-2021-02-02

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)