Ấn Độ sẽ đưa người lên vũ trụ vào năm 2020
Được Thủ tướng Narendra Modi thông báo vào ngày 15/8 vừa qua, nhiệm vụ đưa người lên vũ trụ vào năm 2020 và khoảng thời gian ngắn để thực hiện nhiệm vụ đó đã làm nhiều người, trong đó có cả người đứng đầu cơ quan vũ trụ Ấn Độ, ngạc nhiên.
“Đây thực sự là điều bất ngờ với chúng tôi,” Kailasavadivoo Sivan – chủ tịch Tổ chức nghiên cứu vũ trụ Ấn Độ (ISRO), nói. Dẫu các nhà khoa học vũ trụ Ấn Độ đã thảo luận về việc đưa người ra khỏi quỹ đạo Trái đất hơn một thập kỷ qua nhưng cho đến tận bây giờ, ý tưởng này vẫn chưa nhận được sự ủng hộ đáng kể nào của chính phủ.
Sau thông báo của Thủ tướng Modi, Sivan nói, với sự hỗ trợ của nhiều quốc gia khác, ISRO có thể hoàn thành được nhiệm vụ này. Chính phủ dự kiến toàn bộ chương trình có thể cần khoảng 100 tỷ rupe (tương đương 1,4 tỷ USD).
“Khoảng thời gian ngắn từ nay đến năm 2020 chỉ đủ cho việc tiến hành chương trình rất cơ bản”, John Logsdon – một chuyên gia về chính sách khoa học không gian tại trường đại học George Washington, nhận xét. Nếu thành công, Ấn Độ có thể trở thành quốc gia thứ 4 thế giới đủ khả năng phóng tàu vũ trụ do chính mình thiết kế chế tạo, sau Mỹ, Nga và Trung Quốc.
Một số nhà quan sát cho rằng Ấn Độ cũng còn nhiều việc ở phía trước và có thể phải nỗ lực nhiều để kịp mốc thời gian này. Một số người khác chỉ trích Chính phủ Ấn Độ thông báo về một chương trình vũ trụ mà không có ISRO cố vấn. “Thật lạ khi thấy thông báo của ông Modi như một diễn văn chuẩn bị cho cuộc bầu cử 2019 hơn là vạch đường đi cho chương trình vũ trụ Ấn Độ,” Gauhar Raza – một nhà nghiên cứu và cựu giám đốc Hội đồng Khoa học và nghiên cứu công nghiệp ở New Delhi, nhận xét.
Sivan nói, ISRO đã có trong tay nhiều cấu phần chính cần thiết cho một tàu vũ trụ, bao gồm một mô đun mang các phi hành gia và một hệ thống thoát hiểm cho phi hành đoàn, sẽ được sử dụng trong trường hợp gặp sự cố khi phóng. ISRO đã phát triển và thử nghiệm thành công một thiết bị vũ trụ con thoi tái sử dụng có thể vận chuyển phi hành đoàn và quay trở lại Trái đất. Tên lửa GSLV Mark III của cơ quan này thiết kế và chế tạo có thể sẽ được dùng để phóng tàu.
ISRO sẽ nâng cấp một số công nghệ của tên lửa và thử nghiệm tất cả các nhiệm vụ chức năng của nó, Ajey Lele – một nhà nghiên cứu tại Viện Phân tích và Nghiên cứu quân sự, một think tank do chính phủ tài trợ ở New Dehli, cho biết. Chẳng hạn, vốn được thiết kế chỉ để phóng vệ tinh – thiết bị nhẹ hơn so với tàu vũ trụ, nên tên lửa GSLV Mark III cần được nâng cấp để đủ khả năng phóng được tàu vũ trụ. Và dẫu ISRO đã phát triển các công nghệ hỗ trợ con người hoạt động trong vũ trụ, như bộ trang phục dành cho các phi hành gia, hệ thống hỗ trợ cuộc sống và kiểm soát môi trường, nhưng không có kinh nghiệm trong việc giữ sức khỏe cho các phi hành gia khi họ ở trong vũ trụ hoặc đưa họ trở lại trái đất an toàn.
Theo Sivan, ISRO sẽ cần sự hỗ trợ của nhiều viện nghiên cứu khác – như Viện nghiên cứu y học không gian vũ trụ tại Bangalore – và của các quốc gia giàu kinh nghiệm để phát triển thêm một số năng lực của họ. “Chúng tôi cần hợp tác với một số quốc gia để có thể giảm bớt thời gian thực hiện và tiết kiệm tiền bạc”, ông nói. Để huấn luyện các phi hành gia, Ấn Độ sẽ phải cần tới các cơ sở của Mỹ, Nga và châu Âu, Gopalan Madhavan Nair – người từng giữ chức chủ tịch ISRO từ năm 2003 đến 2009.
Logsdon cho rằng, Ấn Độ có thể mua công nghệ từ các công ty thương mại song song với việc tự phát triển các công nghệ tương đương. Tuy nhiên ông cũng cảnh báo là điều đó sẽ rất tốt kém. “Việc con người bay vào không gian với nhiều rủi ro không thể không tốn kém”, ông nói.
Thanh Nhàn dịch
Nguồn:https://www.nature.com/articles/d41586-018-06146-1