Ấn Độ trên đường trở thành siêu cường
Với dân số bằng gần 1/5 dân số thế giới, hiện Ấn Độ làm ra 2% tổng thu nhập toàn cầu, trong khi người châu Âu chiếm 8% dân số thế giới làm ra 31% và người Mỹ chiếm 5% thậm chí đã làm ra 28% tổng sản phẩm thế giới. Tuy nhiên, tỷ lệ này sẽ thay đổi nhanh chóng. Theo dự đoán của nhiều nhà kinh tế thì trong vòng 15 năm tới, Ấn Độ sẽ vượt cả Nhật Bản cũng như Đức.
Việc 4 người Ấn Độ có mặt trong câu lạc bộ những người giàu nhất thế giới là điều trước nay chưa có và nó nói lên một điều rằng Ấn Độ đã trưởng thành nhanh chóng và có sức nặng kinh tế và chính trị trong các cuộc chơi toàn cầu. Chuyên gia kinh tế quốc tế cho rằng quá trình phát triển nhảy vọt của Tiểu lục địa này, mà đến giữa thế kỷ 21 sẽ trở thành một cường quốc thế giới bên cạnh Mỹ và Trung Quốc, có thể so sánh với bước tiến bộ nhảy vọt về công nghiệp của Đế chế Đức cuối thế kỷ 19, trong thời kỳ mà Anh Quốc được coi là cường quốc kinh tế hàng đầu ở châu Âu và kiểm soát thị trường thế giới về kỹ thuật điện, luyện thép và công nghiệp hóa học. Không chỉ báo chí mà cả các nhà phân tích đều thừa nhận Ấn Độ có tiềm năng trở thành siêu cường thế giới. Người Ấn Độ sẽ vươn lên bất chấp phần còn lại của loài người có muốn điều đó hay không.
Cuộc cải cách tận gốc nền kinh tế thị trường được mở ra từ những năm 1990 của thế kỷ trước đã giúp Ấn Độ tái hòa nhập vào thị trường thế giới. Ba chục năm trước, nước Ấn Độ khổng lồ bị trói buộc vào dây xích được gọi là “tỷ lệ tăng trưởng Hindu” chỉ với 3,5% hằng năm. Song ba năm qua, tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ đã lớn gấp hơn hai lần, trung bình đạt 9% chủ yếu nhờ động lực nhu cầu nội địa và hiện nay, bất chấp bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm, Ấn Độ vẫn duy trì được mức tăng trưởng 8,7% và như vậy đã vượt cả Hàn Quốc và xếp hạng thứ ba ở châu Á.
Thành tựu kinh tế của người Ấn Độ theo chuẩn mực thế giới chắc chắn đã đạt được mức nào đó. Với dân số bằng gần 1/5 dân số thế giới, hiện Ấn Độ làm ra 2% tổng thu nhập toàn cầu, trong khi người châu Âu chiếm 8% dân số thế giới làm ra 31% và người Mỹ chiếm 5% thậm chí đã làm ra 28% tổng sản phẩm thế giới. Tuy nhiên, tỷ lệ này sẽ thay đổi nhanh chóng. Theo dự đoán của nhiều nhà kinh tế thì trong vòng 15 năm tới, Ấn Độ sẽ vượt cả Nhật Bản cũng như Đức.
Sự phát triển của Ấn Độ rất đáng kinh ngạc, vì mới đây thôi, Ấn Độ còn là một “ngôi nhà nghèo” của thế giới với số dân rất lớn không biết chữ. 1/3 người lớn và hơn 50% phụ nữ không biết đọc, biết viết, nhưng đồng thời Ấn Độ lại có nguồn lực kỹ sư, nhà khoa học và chuyên gia tin học lớn thứ hai vào Mỹ làm việc. Người Ấn Độ đứng đầu về công nghệ tin học, trước hết với các phòng thí nghiệm ở Bangalore, thung lũng Silicon của châu Á. Không ở đâu, ngay cả California cũng không có nhiều chuyên gia và kỹ sư công nghệ tin học làm việc như ở Bangalore. Sự phát triển bùng nổ về công nghệ tin học từ lâu đã không còn hạn chế ở Bangalore hoặc ở những trung tâm khác như ở Hyderabad, Niu Đêli và Mumbai, mà đã có bước mở rộng đáng kể tới nhiều khu vực, nó như các vòi của con bạch tuộc vươn ra khắp cả nước. Tỷ lệ tăng trưởng của công nghệ tin học Ấn Độ đã trở thành một hiện tượng đến nỗi Bill Gates phải dự đoán và thừa nhận trong vòng 10 năm nữa Hãng Microsoft của ông sẽ phải phụ thuộc vào lực lượng chuyên gia của Ấn Độ. Bill Gates hiện đã đầu tư 1,7 tỷ USD ở Ấn Độ để xây dựng 4 trung tâm phát triển và phòng thí nghiệm lớn nhất của ông nằm ngoài nước Mỹ sẽ là ở Hyderabad.
Bước tiếp theo của Ấn Độ trong chiến dịch ứng dụng công nghệ cao phục vụ phát triển kinh tế là việc thành lập các trung tâm nghiên cứu mới trong lĩnh vực công nghệ gene và sinh học. Ấn Độ theo đuổi mục tiêu trở thành siêu cường trong lĩnh vực này, trong đó Ấn Độ muốn trở thành một đối thủ cạnh tranh thực sự với phương Tây trong quá trình toàn cầu hóa về đổi mới, cách tân và sáng tạo. Tuy nhiên, trong lĩnh vực phát minh khoa học và kỹ thuật, số bằng phát minh hằng năm ở Ấn Độ còn thua xa mức của thế giới. Phần lớn các giải thưởng Nobel đều rơi vào tay các nhà nghiên cứu của Mỹ. Nhưng Ấn Độ có 380 trường đại học và 1.500 viện nghiên cứu hằng năm đào tạo 500.000 kỹ sư, chuyên gia tin học và kỹ thuật viên, nhiều hơn Mỹ. Đây là một “biển tài năng” rất lớn của thế giới và đến lúc nào đó Ấn Độ sẽ có vụ thu những trái ngọt đổi mới. Trong lĩnh vực dược phẩm, Ấn Độ hiện đã có những hãng sản xuất lớn như Ranbaxy, Wockhardt, hoặc Dr. Reddy’s và không lâu nữa sẽ dẫn đầu thế giới, đặc biệt trong đó có thuộc chống căn bệnh thế kỷ AIDS. Rồi trong y học, các ca phẫu thuật tim, cấy ghép xương hông nhân tạo và giá chỉ bằng 1/5 so với giá ở châu Âu. Cuối cùng là vũ trang và nghiên cứu vũ trụ. Thế giới đã biết rằng cường quốc hạt nhân Ấn Độ đã phóng tên lửa và vệ tinh lên vũ trụ và trong thời gian sớm nhất sẽ đưa người máy lên mặt trăng.
Cho đến gần đây, khi Ấn Độ còn trong quá trình bắt nhịp với toàn cầu hóa và đã phải chấp nhận sự phân công lao động quốc tế thì Trung Quốc đã trở thành “công xưởng sản xuất của thế giới” và xuất khẩu sản phẩm công nghiệp đại trà. Ngược lại, Ấn Độ dường như vẫn say mê theo đuổi các phòng thí nghiệm phát triển và các “nhà máy trí tuệ” của thế giới, nghĩa là cung cấp phần mềm. Tuy nhiên, thành công của Ấn Độ trong dịch vụ công nghệ thông tin là rất xuất sắc, nhưng Ấn Độ không thể hóa phép để có thể tạo được khối lượng việc làm lớn cho những người không có trình độ, vì tới năm 2010 Ấn Độ cần tạo ra 60 triệu việc làm mới. Điều đó chỉ có thể khắc phục được khi kết hợp lĩnh vực công nghiệp xuất khẩu hiện đại với lĩnh vực công nghiệp truyền thống, nghĩa là người Ấn Độ phải tăng cường xây dựng các khu công nghiệp và các đặc khu kinh tế và mở rộng việc mua lại các công ty ở phương Tây. Cách đây vài năm, không ai có thể hình dung được chủ hãng thép “Stahlbaron” lớn nhất thế giới lại là một người Ấn Độ với cái tên Lakshmi Mittal hoặc việc Ấn Độ thu về được báu vật của Anh là hãng sản xuất xe hơi Jaguar và Rover liên doanh với hãng chế tạo xe hơi Rotan Tata của Ấn Độ hoặc là nhà máy lọc dầu lớn nhất thế giới ngày nay ở phía Tây Bắc Ấn Độ do Tập đoàn Mukesh Ambani xây dựng.
Các khách sạn sang trọng ở thủ đô luôn được đặt kín chỗ, chủ yếu là khách nội địa. Một chai rượu giá bằng thu nhập cả một năm của người dân thường. Các trung tâm đông người mua sắm nhộn nhịp. Tầng lớp trung lưu của Ấn Độ hiện tăng nhanh lên khoảng 250 triệu người. Song mặt trái của quá trình phát triển bùng nổ là vòng xoáy nghèo đói đáng sợ của nhiều người dân. Vẫn có 70% người lao động sống nhờ vào nông nghiệp với điều kiện canh tác tồi tệ, thiếu hệ thống thủy lợi tưới tiêu, chịu nhiều ảnh hưởng của thời tiết, thiên tai. Tuy nhiên, từ khi thực hiện chính sách cải cách, một số chỉ tiêu xã hội đã được cải thiện tốt hơn, nhưng sau những biến đổi chính thức đó vẫn còn 26% dân Ấn Độ, tức hơn 300 triệu người sống dưới mức nghèo khổ, với thu nhập chưa đầy 1USD/ngày. Những người bi quan trong giới chuyên gia kinh tế dự đoán thực tế có tới ¾ dân chúng hằng ngày phải sống với mức chưa đầy 20 Rupi, nghĩa là chỉ bằng 50 xu USD, “thấp không thể hình dung nổi”.
Ấn Độ có 6 tôn giáo lớn và vô số giáo phải trong một Nhà nước liên bang và Hindu là đạo giáo lớn nhất với 3.600 giáo phái và các nhóm khác nhau. 13% dân chúng thừa nhận học thuyết của đấng tiên tri. Ấn Độ cũng là nước có tín đồ Hồi giáo lớn nhất, lớn hơn ở Pakistan và chỉ đứng sau Indonesia với 160 triệu, đông nhất thế giới. Hiến pháp Ấn Độ công nhận 18 ngôn ngữ chính, ngoài ra còn 1.600 thổ ngữ.
Về mặt chính trị, Ấn Độ ngày nay được nhiều nước quan tâm chú ý. Tháng 3/2006, Hạ viện nước này đã quyết định đường lối phấn đấu đưa Ấn Độ trở thành một dân tộc lớn thứ hai trên thế giới. Trong bước ngoặt lịch sử đáng ngạc nhiên này, Tổng thống Mỹ Bush đã thông báo muốn giúp Ấn Độ trở thành “cường quốc thế giới”. Cái giá cho liên minh mới này là Hiệp định hạt nhân giữa Mỹ và Ấn Độ, giải phóng chế độ kiểm soát hạt nhân đối với Ấn Độ và trong trường hợp đặc biệt sẽ thừa nhận Ấn Độ là cường quốc hạt nhân chính thức.
Tuy nhiên, Ấn Độ còn phải cần ít nhất 2 thập kỷ nữa và phải thường xuyên đạt tỷ lệ tăng trưởng liên tục hơn 8%/năm thì mới có thể có được tiêu chuẩn của cường quốc. Mặt khác, trong quá trình phát triển, Ấn Độ cũng sẽ phải chịu những mặt trái của nó, những tác động kìm hãm sự phát triển, đó là khủng hoảng kinh tế thế giới chẳng hạn, rồi các vấn đề căng thẳng xã hội trong nước, thiên tai, dịch bệnh, các cuộc xung đột đẫm máu mới và kéo dài giữa đạo Hồi và đạo Hindu hoặc thay đổi Chính phủ, thể chế lãnh đạo… Thật khó khăn và không đơn giản chút nào để vực một “con voi” đứng dậy và cho nó vận động