An Giang phát triển mô hình trồng nấm công nghệ cao

Với việc thực hiện dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng KHCN sản xuất, chế biến và tiêu thụ nấm ăn, nấm dược liệu quy mô công nghiệp tại An Giang”, An Giang đang hướng đến phát triển mạnh mẽ nghề trồng nấm trên địa bàn tỉnh. Đây là dự án nằm trong chương trình hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn miền núi giai đoạn 2011 – 2015 do Bộ KH&CN quản lý.  

Theo kế hoạch đã duyệt, công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Tiến Dũng và KS Dương Hoàng Phi Hùng thực hiện dự án. Trung tâm Công nghệ Sinh học Thực vật (Viện Di truyền Nông nghiệp, Bộ KH&CN) đảm nhiệm chuyển giao 15 công nghệ về xây dựng mô hình sản xuất giống, nuôi trồng, bảo quản và chế biến nấm theo hướng công nghiệp tại tỉnh An Giang.

Mục tiêu mà dự án hướng tới là ứng dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất giống nấm ăn và nấm dược liệu có công suất 50 tấn giống/năm đạt tiêu chuẩn chất lượng, đảm bảo năng suất nấm phù hợp với điều kiện khí hậu ở An Giang để phát triển nghề trồng nấm bền vững ở địa phương; chuyển giao và tiếp nhận 16 qui trình công nghệ sản xuất giống, nuôi trồng, bảo quản và chế biến nấm; đạt sản lượng nấm tươi 400 tấn nấm tươi/năm, trong đó sản xuất theo mô hình tập trung 300 tấn/năm và sản xuất theo mô hình phân tán 100 tấn/năm; xây dựng hoàn chỉnh 1 cơ sở sản xuất nấm từ khâu nhân giống, nuôi trồng, chế biến để làm mô hình chuẩn cho địa phương. Bên cạnh đó, dự án sẽ còn đào tạo 10 kỹ thuật viên và tổ chức 10 lớp tập huấn kỹ thuật công nghệ cho nông dân.

Sau hai năm triển khai, công tác chuyển giao công nghệ được đánh giá là thực hiện tốt: 15 công nghệ của Trung tâm Công nghệ sinh học thực vật, trong đó ba quy trình nhân giống gồm 2.000 ống giống cấp 1, 4.000 ống giống nấm cấp 2, 56 tấn giống nấm cấp 3, tám quy trình công nghệ nuôi trồng nấm ăn, nấm dược liệu, ba quy trình công nghệ bảo quản nấm tươi, sấy nấm, muối nấm, một quy trình công nghệ xử lý phế thải sau thu hoạch. Các quy trình công nghệ trồng nấm mèo, linh chi, nấm rơm, nấm bào ngư… đều thể hiện độ phù hợp với điều kiện môi trường tự nhiên của An Giang. Một số loại nấm khác như kim châm, ngọc châm, đùi gà, nấm mỡ.. không cho triển vọng nuôi trồng tại địa phương.

Một trong những mục tiêu quan trọng của dự án là xây dựng ba mô hình ứng dụng công nghệ vào sản xuất. Theo đó, mô hình đầu tiên là sản xuất nấm tập trung theo quy mô công nghiệp các loại nấm thích hợp với kho bãi nhà xưởng và 900m2 nhà lán trồng nấm, sản xuất 344,5 tấn nấm tươi/năm. Hai mô hình tiếp theo là sản xuất nấm phân tán nuôi trồng các loại nấm thích hợp ở địa phương, đạt 90 tấn nấm tươi/năm và chế biến, sơ chế nấm tập trung các loại nấm bào ngư, nấm mèo, nấm linh chi, sản xuất 18 tấn muối và 10 tấn nấm mộc nhĩ, linh chi khô/năm. Cả ba mô hình này đều đảm bảo các tiêu chí kỹ thuật của vấn đề chuyển giao công nghệ. Sản phẩm nấm tươi và nấm sơ chế, chế biến đều đảm bảo tiêu chí về chất lượng.

Trên thực tế, dự án đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của nghề trồng nấm tại An Giang qua 300 lượt người dự tập huấn nắm bắt được kỹ thuật nuôi trồng nấm, trên 10 nông hộ xây dựng mô hình nuôi trồng và sản xuất có lãi. Bên cạnh đó, cơ quan chủ trì còn huấn luyện được cho trên 30 lượt công nhân lành nghề làm việc tại mô hình sản xuất, nuôi trồng và chế biến tập trung. Dự án đã tạo việc làm ổn định tại mô hình sản xuất, nuôi trồng và chế biến nấm tập trung là 20 người với mức lương từ 3 – 3,5 triệu đồng/tháng, trên 60 lao động thời vụ có thu nhập từ 2,7 – 3 triệu đồng/tháng.

Với sự hỗ trợ về công nghệ, nhiều hộ nông dân trong tỉnh đã đầu tư sản xuất với quy mô lớn, các ngành các cấp đã quan tâm và có nhiều chương trình hỗ trợ phát triển nghề trồng nấm, thị trường tiêu thụ sản phẩm nấm ngày một thuận lợi.

Hiệu quả từ dự án không chỉ đến từ mặt kinh tế. Dự án đã góp phần cải thiện môi trường do tận dụng được nguồn phế phụ phẩm từ sản xuất nông nghiệp như rơm rạ, mùn cưa; góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường. Phế thải từ sản xuất nấm còn được sử dụng để bón cho cây trồng.

 

Tác giả

(Visited 9 times, 1 visits today)