An toàn nợ – những câu hỏi cốt lõi

Trên con đường hội nhập vào nền tài chính quốc tế, trong bối cảnh Việt Nam sẽ liên tục phải vay nợ, đặc biệt là vay thương mại với lãi suất cao, mục tiêu an toàn nợ phải được đặt lên hàng đầu trước khi cân nhắc cho từng dự án lớn cụ thể riêng lẻ. Bài viết này trả lời hai câu hỏi tất yếu cần được đặt ra: - Đâu là ngưỡng an toàn nợ? - Quốc hội và Chính phủ phải phối hợp thế nào để đảm bảo an toàn nợ và các mục tiêu chiến lược khác?

Đâu là ngưỡng an toàn nợ?
Đảm bảo khả năng trả nợ đủ và đúng hạn là yêu cầu tiên quyết đầu tiên mà Chính phủ phải đáp ứng vì đó là thể diện của quốc gia và là điều kiện cơ bản để có thể tiếp tục duy trì nguồn vốn thuận lợi ổn định phục vụ cho các mục tiêu đầu tư phát triển. Muốn đảm bảo an toàn nợ, chúng ta phải biết đâu là ngưỡng an toàn.
Trong một cuộc phỏng vấn được đăng tải gần đây trên trang vnexpress, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đề cập khả năng nới rộng ngưỡng an toàn nợ quốc gia, vượt mức 50% GDP như hiện nay. Tuy nhiên, bài phỏng vấn không thể hiện thật rõ ý Phó Thủ tướng muốn nới rộng ngưỡng an toàn của nợ công hay nợ nước ngoài của quốc gia1.
Nếu Chính phủ quyết định nới rộng ngưỡng an toàn nợ nước ngoài của quốc gia thì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới an ninh tài chính của quốc gia. Đối với nợ trong nước, dòng thanh toán chảy từ túi người này sang túi người kia trong cùng một nền kinh tế và không ảnh hưởng tới thu nhập tổng thể của quốc gia. Nhưng đối với nợ nước ngoài, dòng thanh toán sẽ hoàn toàn chảy ra khỏi nền kinh tế. Như vậy, giả sử như nợ nước ngoài của Việt Nam ở mức là 50% GDP, lãi suất trung bình hằng năm lạc quan ở mức 4%, kỳ hạn bình quân được vô cùng ưu đãi là 15 năm, thì hằng năm nền kinh tế quốc gia sẽ mất đi 2% GDP cho các khoản thanh toán lãi, và 3,3% cho các khoản thanh toán nợ gốc, tức là tổng thanh toán nợ nước ngoài khoảng 5,3% GDP. Đây là con số rất lớn nếu so sánh với mức tăng trưởng hằng năm khoảng 6-7,5% GDP của Việt Nam trong thời gian tới. Với khối lượng thanh toán nợ lớn như vậy, đặc biệt là phải trả bằng ngoại tệ trong bối cảnh vấn đề thâm hụt cán cân thương mại trầm trọng chưa có lời giải, thì việc mất khả năng thanh toán là rất cao. Vì vậy, không nên nới rộng ngưỡng an toàn nợ nước ngoài của quốc gia nhiều hơn mức 50% GDP như hiện nay. 

 


Kinh tế thế giới vừa trải qua cơn bão khủng hoảng dữ dội nhất kể từ sau cuộc Đại suy thoái 1929-1933 và đang chật vật hồi phục. Thế nhưng, bầu trời phía trước vẫn còn rất ảm đạm, bởi đám mây đen nợ công khổng lồ ngày càng lan rộng, phủ lên nhiều nước, sau khi đã gây ra lốc lớn làm chao đảo nền kinh tế Iceland, suýt “hất đổ” toà tháp cao nhất thế giới ở Dubai hoa lệ và đang tràn qua Hy Lạp..

Đối với nợ công, nếu Chính phủ muốn nới rộng ngưỡng an toàn 50% hiện hành thì cũng phải cân nhắc rất cẩn trọng. Khi bàn về ngưỡng an toàn, chúng ta cần đảm bảo Chính phủ có đủ khả năng để thực hiện nghĩa vụ thanh toán trong kịch bản xấu nhất, đó là khi Chính phủ phải thực hiện đầy đủ tất cả mọi nghĩa vụ nợ, kể cả nghĩa vụ nợ dự phòng2. Giả sử như nợ công của Việt Nam ở một thời điểm trong tương lai ở mức 55% GDP, lãi suất trung bình hằng năm là 8% (do trong nợ công bao gồm cả vay trong nước nên lãi suất giả định cao hơn nhiều so với lãi suất trung bình nợ nước ngoài), kỳ hạn bình quân là 15 năm, thì hằng năm Chính phủ phải thanh toán 4,4% GDP cho nợ lãi, 3.67% GDP cho nợ gốc, và tổng thanh toán hằng năm là 8,07% GDP. Nếu khi đó thu ngân sách Chính phủ ở mức tương đối trung dung là 25% GDP3, thì thanh toán nợ chiếm 32,3% của thu ngân sách. Mức chi tiêu quá lớn như vậy dành cho thanh toán nợ chắc chắn sẽ đặt Chính phủ vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Hoặc là cắt giảm những khoản chi tiêu khác, gây ảnh hưởng tới những mục tiêu kinh tế xã hội chiến lược; hoặc là vay nợ nhiều hơn nữa, thậm chí có thể dẫn đến  vượt trên mức 60% GDP. Nếu lựa chọn gia tăng vay nợ, xu thế ngày càng lệ thuộc vào vay nợ trở thành tất yếu và như vậy chi phí vay sẽ ngày càng cao do độ rủi ro ngày một lớn cho cả bên cho vay lẫn bên đi vay. Con đường này sẽ đẩy Chính phủ tới vực thẳm vỡ nợ công nếu như không có sự cứu giúp từ bên ngoài, kịch bản của Hy Lạp hiện nay.
Những tính toán trên cho thấy Việt Nam nên tiếp thu các khuyến nghị của World Bank, IMF, đồng thời nên học hỏi kinh nghiệm của các quốc gia khác trong việc thiết lập ngưỡng an toàn nợ. Đối với nợ nước ngoài, dư nợ không nên vượt quá 50% GDP. Đối với nợ công, ngưỡng 55-60% GDP đã có thể coi là phạm vi nguy hiểm. Nợ công ở trong phạm vi này sẽ có nguy cơ tăng vượt kiểm soát, do nợ càng nhiều thì càng có nhu cầu vay thêm nợ mới để thanh toán nợ cũ, trong khi chi phí vay nợ càng đắt đỏ do rủi ro tăng cao cho cả chủ nợ lẫn bên đi vay. 
Lưu ý rằng 60% GDP cũng là mức an toàn mà Liên minh Châu Âu khuyến nghị các nước thành viên của mình, trong đó đa số là các quốc gia có trình độ phát triển kinh tế trước Việt Nam hàng thập kỷ và được vay nợ với chi phí thấp hơn do hệ số tín nhiệm tài chính của quốc gia cao hơn.
      
Quốc hội và Chính phủ làm thế nào để đảm bảo mục tiêu an toàn nợ?
An toàn nợ công cần được đảm bảo tuyệt đối nhưng không vì thế mà để thiếu vốn cho những khoản đầu tư cấp thiết để thực hiện các mục tiêu chiến lược khác.

Để đảm bảo mục tiêu an toàn nợ cũng như các mục tiêu chiến lược cơ bản khác, điều đầu tiên chúng ta cần phải xem lại là cải thiện để đạt được một quy trình làm việc hợp lý giữa Chính phủ và Quốc hội, để làm sao đưa ra những quyết định quan trọng trong điều kiện đã có tương đối đầy đủ những thông tin căn bản cần thiết.    

Muốn được vậy thì cần phải có thông tin tổng thể, đồng bộ, và minh bạch. Ví dụ, dự án đường sắt cao tốc là một dự án quan trọng và phức tạp, nhưng nó chỉ là một trong số các dự án Chính phủ dự kiến thực hiện. Vậy thì Quốc hội và Chính phủ trước hết phải cùng nhau đối thoại để hình thành một cái nhìn thật tổng quan và cơ bản trước khi đưa ra các chủ trương lớn. Trình tự cụ thể như sau:
1) Đầu tiên Quốc hội và Chính phủ cần làm rõ và thống nhất về ngưỡng an toàn nợ công và nợ nước ngoài quốc gia. Quốc hội phải biết rõ ngưỡng an toàn để có căn cứ cơ sở phục vụ đánh giá và tính toán mỗi khi cần cân nhắc những vấn đề có ảnh hưởng sâu sắc tới an ninh tài chính quốc gia. Đây là yêu cầu quan trọng số một.
2) Thứ hai, thay vì đi sâu vào từng dự án cục bộ cụ thể, Quốc hội phải nắm được con số đầu tư tổng thể mà Chính phủ dự kiến sẽ đầu tư cho tất cả các dự án trọng điểm trong thời gian tới. Bao nhiêu vốn sẽ phải huy động từ ngân sách, bao nhiêu vốn phải đi vay? Bội chi ngân sách sẽ ở ngưỡng nào? Liệu Chính phủ có phải thắt chặt  các khoản chi khác để duy trì một ngưỡng bội chi hợp lý, hoặc sẽ phải vay thêm nợ mới để thanh toán nợ cũ? Các con số cụ thể ra sao?
3) Thứ ba, căn cứ theo các thông tin ở mục 2 thì ngưỡng an toàn nợ nào có khả năng bị phá vỡ4? 50%, 55%, 60%, hay có thể cao hơn? Với từng ngưỡng an toàn có khả năng bị vi phạm, liệu Chính phủ đã tính tới các phương án xử lý để đưa dư nợ về phạm vi an toàn? Các phương án này hẳn đòi hỏi phải thắt chặt chi tiêu, vậy thì dự kiến nguồn phúc lợi xã hội nào sẽ phải bị cắt giảm?
4) Thứ tư, trong danh sách các dự án mà Chính phủ dự định thực hiện trong thời gian tới, vai trò, mức chi phí, và tính hiệu quả của chúng liệu có thể xếp theo thứ tự lần lượt như thế nào? Dự án đường sắt cao tốc có vị trí ở đâu trên bảng thứ hạng này? Tỷ trọng vốn Chính phủ dự kiến phân bổ cho các dự án trọng điểm này liệu đã tương ứng với vai trò, quy mô, và tính hiệu quả của chúng? 
Khi mà Quốc hội và Chính phủ chưa thống nhất về những vấn đề mang tính tổng quan kể trên thì liệu có ích gì khi nghiên cứu từng dự án cục bộ cụ thể?
Chính phủ đề nghị Quốc hội thông qua chủ trương cho một dự án cụ thể, trong khi chiến lược tài chính giai đoạn 2010-2020 vẫn chưa được công bố.
Để đảm bảo mục tiêu an toàn nợ cũng như các mục tiêu chiến lược cơ bản khác, điều đầu tiên chúng ta cần phải xem lại là cải thiện để đạt được một quy trình làm việc hợp lý giữa Chính phủ và Quốc hội, để làm sao đưa ra những quyết định quan trọng trong điều kiện đã có tương đối đầy đủ những thông tin căn bản cần thiết. 
—————-
Chú thích:
1. Bài phỏng vấn Phó Thủ tướng tại: http://vnexpress. net/GL/Kinh-doanh/2010/05/ 3BA1C4EE/
Theo cách hiểu chung của quốc tế, nợ quốc gia là nợ công, tức bao gồm nợ trong nước và nước ngoài của Chính phủ, chính quyền địa phương, và nợ do Chính phủ bảo lãnh. Tuy nhiên trong các báo cáo ở Việt Nam, người ta thường dùng khái niệm nợ quốc gia theo nghĩa phân biệt với nợ công, có thể là để gọi tắt cho nợ nước ngoài của quốc gia, tức là bao gồm nợ nước ngoài của Chính phủ, các doanh nghiệp Nhà nước, và các thành phần kinh tế tư nhân.
2. Nghĩa vụ nợ dự phòng của Chính phủ là nghĩa vụ thanh toán của Chính phủ cho các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh trong trường hợp đối tượng được bảo lãnh không có khả năng thanh toán.
3. Nếu so với thu ngân sách trong thực tế của giai đoạn vừa qua (2001-2010) thì thấy rằng có những năm vượt trên mức 25% GDP là con số không cao. Tuy nhiên, trong thời kỳ tới, dự kiến thu ngân sách trên GDP có thể giảm do nguồn thu từ dầu mỏ đã vượt qua đỉnh cao nhất và có xu hướng giảm xuống đáng kể.
4. Theo công thức rút gọn của tác giả bài viết, ngưỡng an toàn nợ sơ bộ tương ứng với các chỉ tiêu tài khóa vĩ mô cụ thể như sau:

Ngưỡng an toàn của Nợ công/GDP =  

Trong đó: x là tỷ trọng tối đa trong thu ngân sách dành cho thanh toán nợ công trong khi vẫn đảm bảo không tăng bội chi; y là chỉ tiêu thu ngân sách so với GDP; n là dự kiến kỳ hạn trung bình của nợ công; r là dự kiến lãi suất bình quân của nợ công.
Đối với công thức tính ngưỡng an toàn nợ nước ngoài, có thể tham khảo các công thức tính mức dư nợ nước ngoài an toàn liên quan tới dự kiến mức dự trữ ngoại hối.

Tác giả

(Visited 29 times, 1 visits today)