An toàn trong các ngành công nghiệp tiềm ẩn rủi ro cao
Trong khi mức độ nhận thức về an toàn cá nhân của các nhà quản lý cũng như lực lượng lao động tương đối cao thì mức độ nhận thức về an toàn công nghệ ở nhiều nơi và nhiều lĩnh vực vẫn còn ở giai đoạn sơ khởi.
Suốt một thời gian dài an toàn thường được hiểu là an toàn cá nhân mà chưa có một hệ thống quản lý, đánh giá hoàn chỉnh về an toàn công nghệ đi kèm. Điều này dẫn đến tình trạng trong khi mức độ nhận thức về an toàn cá nhân của các nhà quản lý cũng như lực lượng lao động tương đối cao thì mức độ nhận thức về an toàn công nghệ ở nhiều nơi và nhiều lĩnh vực vẫn còn ở giai đoạn sơ khởi.
Lịch sử của những ngành công nghiệp rủi ro cao cho thấy những thảm họa lớn nhất đều liên quan đến an toàn công nghệ như tai nạn ở nhà máy điện hạt nhân Chernobyl năm 1986, vụ rò khí MIC ở Bhopal Ấn Độ năm 1984; vụ nổ ở Flexborough Anh năm 1974, vụ nổ ở nhà máy lọc dầu của BP ở Texas năm 2005 v.v.
Lĩnh vực hoạt động | Mức độ rủi ro về an toàn cá nhân |
Mức độ rủi ro về an toàn công nghệ |
Năng lượng hạt nhân | Thấp |
Rất cao |
Nhà máy hóa chất | Trung bình | Rất cao |
Khai thác & thăm dò dầu khí | Cao | Rất cao |
Khai khoáng | Rất cao | Thấp |
Với các hoạt động bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa hằng ngày, cần có một hệ thống quản lý công việc để xác định, đánh giá và kiểm soát những rủi ro khi tiến hành công việc. Một hệ thống như vậy gồm nhiều phần, dưới đây là hai phần chính:
1/ Đánh giá rủi ro công việc: xác định các rủi ro của công việc, đánh giá mức độ nguy hiểm, áp dụng các biện pháp để kiểm soát và giảm thiểu những mối nguy hiểm tiềm tàng
2/ Giấy phép làm việc cho những hoạt động tiềm ẩn những rủi ro cao VD: cô lập các nguồn năng lượng, vào không gian hạn chế, làm việc ở trên cao, nâng cẩu v.v
Tám yếu tố bảo đảm an toàn công nghệ
An toàn công nghệ là một hệ thống các quy định được dùng trong quá trình thiết kế, chế tạo và vận hành các hệ thống công nghệ nhằm đảm bảo an toàn cho hệ thống. An toàn công nghệ sẽ giúp ngăn ngừa những sự cố liên quan đến rò rỉ của các nguồn năng lượng, phóng xạ, hóa chất, chất độc hại hoặc là những chất dễ gây cháy nổ.
Tai nạn liên quan tới an toàn công nghệ xảy ra với tần suất không thường xuyên nhưng hậu quả vô cùng to lớn: làm chết hoặc bị thương nhiều người, phá huỷ hoàn toàn hoặc là một bộ phận lớn của nhà máy, gây ra những ô nhiễm lớn về môi trường và ảnh hưởng lớn đến uy tín của công ty.
Với những hậu quả tiềm tàng lớn như vậy, các nhà quản lý và nhân viên vận hành cần hiểu biết sâu sắc về vấn đề an toàn công nghệ cho những hoạt động chính của nhà máy trong suốt quá trình hoạt động từ giai đoạn chuẩn bị dự án, thiết kế, xây dựng, vận hành.
Do khuôn khổ bài viết có hạn, người viết chỉ xin giới thiệu một số yêu tố quan trọng để đảm bảo an toàn công nghệ trong quá trình vận hành, bảo trì bảo dưỡng và sửa chữa:
1/ Nhân lực: nhân viên kỹ thuật quan trọng phải có phân công trách nhiệm rõ ràng, được đào tạo những kỹ năng cần thiết và được đánh giá trình độ để có thể tiến hành công việc được giao một cách an toàn, đặc biệt là có khả năng xử lý những tình huống vượt ra ngoài phạm vi hoạt động bình thường của công nghệ.
2/ Đánh giá và quản lý các rủi ro công nghệ: các quy trình để phát hiện, đánh giá và kiểm soát chặt chẽ rủi ro tiềm tàng trong quá trình vận hành.
3/ Đảm bảo tính toàn vẹn của thiết bị: các chiến lược bảo trì, bảo dưỡng và vận hành cho những nhóm thiết bị chính. Đảm bảo thiết bị luôn được vận hành ở trong mức giới hạn cho phép. Các thiết bị an toàn quan trọng và các thiết bị bảo vệ phải được xác định và bảo trì bảo dưỡng theo đúng quy trình và đúng thời gian.
4/ Quản lý sự thay đổi: thay đổi luôn đi kèm với những rủi ro do đó những thay đổi lớn phải được quản lý bởi chặt chẽ để đảm bảo các rủi ro phát sinh được xác định và kiểm soát. VD thay đổi về thiết bị; thay đổi về quy trình vận hành, thay đổi về giới hạn vận hành an toàn v.v…
5/ quy trình vận hành: các tài liệu vận hành phải luôn được cập nhật định kì. Nhân viên vận hành phải tuân thủ những quy trình vận hành một cách nghiêm ngặt.
6/ Quản lý khủng hoảng và tình huống khẩn cấp: có các kế hoạch cho các tình huống khẩn cấp và tiến hành tập dượt thường xuyên.
7/ Điều tra sự cố: bất cứ sự cố nào dù nhỏ cũng phải được điều tra và khắc phục những lỗi công nghệ để phòng tránh sự lặp lại.
8/ Đánh giá hoạt động vận hành: ở mức độ đơn giản nhất nên xây dựng một hệ thống KPIs (Key performance indicators) để đánh giá hoạt động vận hành.
Sự phát triển nhanh chóng của khoa học kỹ thuật đã dẫn đến những sự ra đời của nhiều ngành sản xuất mới đi kèm với những yêu cầu mới về vấn đề an toàn công nghệ. Trong khuôn khổ có hạn của một bài viết, tác giả mới chỉ có thể dừng ở mức tóm lược và giới thiệu ở mức độ tổng quan những thành phần chính của một hệ thống quản lý để đảm bảo an toàn công nghệ trong quá trình vận hành.
Tài liệu tham khảo:
1. Managing the Risk of Organizational accident James Reason 2000
2. Failure to Learn The BP Texas City refinery disaster Andrew Hopkins 2009
3. OSHA Process Safety Management of Highly Hazardous Chemicals standard (29 CFR 1910.119)
3. BP Integrity Management Standard
Tác giả hiện là kỹ sư về an toàn công nghệ cho nhà máy LNG Tangguh của BP ở Papua- Indonesia