Ánh nắng mặt trời có thể kích hoạt hormone khiến đàn ông đói hơn
Các nhà khoa học nhận thấy nồng độ ghrelin kích thích sự thèm ăn trong máu nam giới tăng lên sau khi họ phơi nắng. Ở nữ giới, estrogen đã giúp ngăn chặn hiện tượng này.
Nam giới ăn nhiều hơn trong những tháng mùa hè. Mức tăng không lớn, nhưng theo thời gian, điều này đủ để gây tăng cân. Ảnh: Unsplash
Ánh nắng ngày hè có thể khiến chúng ta cảm thấy nóng nực, đổ mồ hôi và da sạm đi – nhưng nó còn có thể khiến đàn ông đói hơn, bằng cách kích hoạt cơ chế giải phóng hormone tăng sự thèm ăn trong cơ thể của họ.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Metabolism cho thấy việc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời có thể mang lại những tác động phức tạp hơn chúng ta vẫn tưởng.
Từ lâu, ta vẫn biết dang nắng quá nhiều làm tăng nguy cơ ung thư da, nhưng các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng việc tiếp xúc vừa phải với ánh nắng còn có thể giúp chống lại bệnh tim mạch và các nguyên nhân tử vong khác. Các nhà khoa học cho rằng ánh nắng giúp giải phóng oxit nitric khỏi da, một quá trình làm cho các mạch máu giãn ra, từ đó khiến huyết áp giảm xuống. Một số nghiên cứu thì chỉ ra lợi ích của ánh nắng mặt trời đối với quá trình sản xuất vitamin D của cơ thể.
Với mong muốn xem xét vai trò của ánh nắng đối với việc tiêu thụ thực phẩm, Giáo sư Carmit Levy thuộc khoa di truyền phân tử người và hóa sinh, Đại học Tel Aviv, và các đồng nghiệp của ông đã phân tích dữ liệu của 3.000 người từng tham gia cuộc khảo sát dinh dưỡng quốc gia. Các nhà nghiên cứu nhận thấy nam giới ăn nhiều hơn trong những tháng mùa hè. Mức tăng không lớn – tương đương với việc ăn thêm 300 calo mỗi ngày – nhưng theo thời gian, điều này đủ để gây tăng cân.
Để hiểu rõ hơn, họ yêu cầu các tình nguyện viên nam và nữ tiếp xúc với ánh sáng mặt trời 25 phút vào một buổi trưa trời quang đãng, và nhận thấy nó kích hoạt nồng độ hormone kích thích sự thèm ăn trong máu của nam giới – ghreli – tăng lên, nhưng tình trạng này không xảy ra ở nữ giới.
Tương tự, các thí nghiệm trên chuột cho thấy khi con đực tiếp xúc với tia UVB, chúng ăn nhiều hơn, có động lực để tìm kiếm thức ăn và lượng ghrelin trong máu tăng lên. Chuột cái không có biểu hiện nào như vậy.
Sự kích hoạt giải phóng ghrelin có thể gây tổn thương DNA trong tế bào da. Estrogen ngăn chặn điều này, nhóm nghiên cứu nghi ngờ đây là lý do khiến ánh sáng mặt trời không ảnh hưởng đến phụ nữ theo cách tương tự.
Levy giải thích rằng ghrelin, đôi khi được gọi là ‘“hormone đói”, có những tác dụng khác đối với cơ thể. Bên cạnh khả năng điều hòa sự thèm ăn, nó cũng làm giảm viêm và giảm thiểu nguy cơ suy tim, đồng thời giảm huyết áp động mạch. “Ghrelin có thể là câu trả lời cho lý do vì sao việc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch”, bà cho hay.
Carlos Diéguez và Rubén Nogueiras, các giáo sư tại Đại học Santiago de Compostela, Tây Ban Nha, những người không tham gia vào nghiên cứu, mô tả kết quả rất “thú vị”, họ cho rằng khám phá này sẽ gợi mở thêm nhiều nghiên cứu trong tương lai hòng đánh giá ảnh hưởng của tuổi tác và sắc tộc đến việc tiếp xúc với tia UVB và lượng thức ăn nạp vào. “Xa hơn, công trình này chắc chắn sẽ mở đường cho các nghiên cứu về vai trò của da trong việc cân bằng nội môi năng lượng và trao đổi chất, một lĩnh vực chưa được chú trọng xứng đáng,” họ bình luận.
Tiến sĩ Duane Mellor, một chuyên gia dinh dưỡng và là giảng viên tại Đại học Aston – người không tham gia vào nghiên cứu, lại có phần thận trọng hơn. “Nó cho thấy tia UVB có thể ảnh hưởng đến sự chuyển hóa hormone như thế nào và điều này có thể liên quan đến sự gia tăng hormone thèm ăn ghrelin, ít nhất là ở chuột,” ông nói.
“Tuy nhiên, cần lưu ý rằng bài báo này không khẳng định việc tiếp xúc với ánh sáng mặt trời và tia UVB sẽ khiến nam giới tăng cân. Thay vào đó, nó cung cấp một số thông tin thú vị, chẳng hạn như việc tiếp xúc vừa phải với tia UVB có thể mang lại một số lợi ích về mặt sức khỏe, bao gồm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và viêm nhiễm, vì ghrelin có tác dụng chống viêm.”
Đinh Cửu dịch
Nguồn:
Sunlight may trigger hormone that makes men hungrier, study suggests