Bắc Kinh khuyến khích sinh viên khởi nghiệp

Hiện nay, các sinh viên mới ra trường và khởi nghiệp đang được giới truyền thông nhà nước ca ngợi là tầng lớp sáng tạo mới, góp phần xây dựng lên Thung lũng Silicon của Trung Quốc.

Đang làm lễ tân thì bỏ việc để gia nhập vào một nhóm nhạc rock, xăm trổ tay và liều lĩnh tham gia vào những cuộc phiêu lưu mạo hiểm trên thương trường – với tất cả những điều này, nếu vào thời điểm trước đây có lẽ Ding Jia đã bị “gắn mác” là kẻ nổi loạn ở Trung Quốc. Nhưng giờ đây, cô có thể được nhà nước tuyên dương là người “sáng tạo”.

Ngồi trong quầy bar nhỏ của mình trên một con phố thời thượng ở Thượng Hải, cô gái 31 tuổi Ding chia sẻ: “Tôi chưa có lấy một công việc chính thức nào trong suốt mấy năm nay.”

Cô không có gì để phải hối hận, nhưng cô cũng không ôm ấp ảo tưởng gì.

“Kinh doanh là chuyện rất vất vả, lợi nhuận có thể rất thấp”, cô tâm sự.

Thời gian vừa qua, cô và hàng chục chủ cửa hàng xung quanh bị buộc phải đóng cửa tạm thời do các quan chức thành phố thực hiện chuyến đi thị sát định kỳ để kiểm tra tình hình thực thi các quy định của thành phố.

Phần lớn các bậc phụ huynh ở đây đều thích con cái làm trong nhà nước hoặc các doanh nghiệp quốc doanh; họ thường khuyên ngăn con đừng làm riêng vì công việc này nhiều rủi ro mà thành quả lại chẳng đáng là bao. Tuy nhiên, bố mẹ Ding (mẹ cô làm y tá, bố là tài xế taxi) lại rất ủng hộ con.

Thái độ ủng hộ này của họ đã tìm được tiếng đồng vọng ở chính quyền cấp cao. Hiện nay, các sinh viên mới ra trường và khởi nghiệp đang được giới truyền thông nhà nước ca ngợi là tầng lớp sáng tạo mới, góp phần xây dựng lên Thung lũng Silicon của Trung Quốc.

“Những người sáng tạo là những người thể hiện tinh thần mạo hiểm và đổi mới, và chính sự sáng tạo đó sẽ là động cơ bền bỉ thúc đẩy sức phát triển kinh tế của Trung Quốc”, Thủ tướng Lý Khắc Cường nói hồi đầu năm 2015. “Tôi sẽ đưa thêm củi vào ngọn lửa đổi mới này.”

Bên cạnh những lời động viên về mặt tinh thần, nhiều sinh viên khởi nghiệp đã và đang nhận được những sự hỗ trợ thực tế từ chính quyền địa phương và các trường đại học, như các khóa đào tạo, các khoản trợ cấp, các văn phòng miễn phí sử dụng cùng nhiều hình thức hỗ trợ khác.

Những người lạc quan hy vọng rằng những Jack Ma hay Mark Zuckerberg mới sẽ ra đời từ đây, song những người hoài nghi cho rằng chính sách này sẽ mang đến thất bại cho những thanh niên thiếu kinh nghiệm.

Mục tiêu ở đây là giúp chuyển nền kinh tế nhà xưởng của Trung Quốc sang nền kinh tế tri thức, đồng thời giải quyết tình trạng thất nghiệp cho sinh viên. Hầu hết các nhà tuyển dụng tư nhân đều không có nhu cầu sử dụng các tân cử nhân mới tốt nghiệp các trường đại học đông đúc trong nước – điều này khiến các sinh viên sau khi ra trường chỉ kiếm được những công việc có mức thu nhập còn thấp hơn cả công nhân có tay nghề trong các nhà máy hay công nhân xây dựng.

Theo một nghiên cứu của Trường Đại học Bắc Kinh, mức lương khởi điểm bình quân ở Thượng Hải hiện chỉ đứng ở mức 3.241 Nhân dân tệ (khoảng 511 USD) – đây quả là một con số nhỏ bé trong một thành phố thuộc Top 10 thị trường bất động sản đắt đỏ nhất thế giới.

Các nghiên cứu tại Trung Quốc cho thấy 20-30% sinh viên hiện nay có mong muốn khởi nghiệp. Tuy số lượng sinh viên đã tăng tới mức kỷ lục vào năm ngoái song số lượng sinh viên tìm việc trong thị trường công việc truyền thống đang bắt đầu có dấu hiệu giảm xuống.

Doanh nhân theo quota

Những người hoài nghi cho rằng việc khuyến khích sinh viên khởi nghiệp hiện nay ở Trung Quốc chủ yếu chỉ nhằm giúp các cơ quan nhà nước đạt được chỉ tiêu đã đề ra trong khi lại gây bất ổn chính trị trong những sinh viên bất mãn.

Nhưng ngược lại, một doanh nhân vừa được tính là người đã có công ăn việc làm lại vừa được tính là một doanh nghiệp mới đăng ký hoạt động.

Parker Liu, COO của một startup công nghệ di động tại Bắc Kinh, bắt tay vào xây dựng các công ty khởi nghiệp từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường. Anh cho biết các quan chức trong quận thường tới dự các sự kiện doanh nhân để tìm kiếm startup và ngỏ lời đỡ đầu cho họ với hy vọng rằng họ sẽ đăng ký kinh doanh tại địa bàn của mình.

Liu cho biết anh đã nhận được những khoản tiền trợ cấp nhỏ từ chính quyền các quận và cũng giới thiệu các quan chức này cho các startup khác, song anh vẫn hoài nghi về lợi ích mà các doanh nhân có thể đạt được.

Anh nói: “Vấn đề ở đây là tiền bạc không đi kèm với kiến thức. Các quan chức chính phủ này không biết gì về doanh nhân hay startup nhưng họ hiểu rõ về chính trị. Họ bị áp quota.”

Theo Liu, sự hỗ trợ này của chính quyền cũng khích lệ nhiều người tham gia vào những khu vực có rào cản thị trường thấp như thương mại điện tử, trò chơi di động, và giáo dục dự bị đại học.

“Lợi nhuận ở những lĩnh vực này rất thấp nên không giúp ích gì nhiều cho thị trường lao động,” Geoffrey Crothall, giám đốc truyền thông tại tổ chức phi chính phủ China Labour Bulletin, cho biết. “Bản thân các doanh nhân cũng rất chật vật để kiếm sống nên mức lương mà họ có thể trả được cho nhân công cũng thấp theo.”

Tuy không có dữ liệu chính thức song tỉ lệ khởi nghiệp thất bại dường như là rất cao.

Cui Ernan, chuyên gia phân tích lao động của công ty nghiên cứu Dragonomics, cho biết: “Kỹ năng quản lý của các sinh viên rất kém. Trong số những doanh nghiệp do sinh viên quản lý mà tôi quan sát được, chỉ có một số ít là thành công.”

Cộng đồng mơ ước

Công viên Sinh viên Khởi nghiệp ở phía bắc Thượng Hải được xây dựng làm lò ươm doanh nghiệp cho các sinh viên muốn khởi nghiệp. Khu vực sinh hoạt chung được trang trí bằng những khẩu hiệu đầy khích lệ tinh thần về sáng tạo; bên ngoài là một tấm biển ghi “Cộng đồng mơ ước”.

Một số người đã biến ước mơ của mình thành những thành công khiêm tốn.

Nhờ được miễn phí tiền thuê văn phòng, dịch vụ kế toán và dịch vụ internet nên Jiang Gongbao đã có thể thành lập công ty marketing Long Ai tồn tại đủ lâu để có thể tuyền dụng một vài nhân viên.

Jiang cho biết anh hiểu rõ những rủi ro khi khởi nghiệp, song anh coi đó là những cơ hội học hỏi.

“Thất bại không phải là điều tồi tệ, bởi quá trình xây dựng một doanh nghiệp lúc nào cũng là điều có ý nghĩa”, anh nói.

Zhu Jiang, phó tổng quản lý vườn ươm này, đã và đang hỗ trợ rất nhiều cho các doanh nhân hoạt động tại đây. Tuy vậy, anh không phải là người “truyền giáo”.

“Tôi không khuyến khích tất cả các sinh viên đều khởi nghiệp. Để trở thành một doanh nhân thành đạt đòi hỏi những phẩm chất mà không phải ai cũng có được.”

Nhiều nhà đầu tư mạo hiểm tỏ ra nghi ngờ vai trò của các vườn ươm doanh nghiệp, bởi các quan chức trong bộ máy chính quyền Trung Quốc có ít hoặc không hề có kinh nghiệm điều hành các công ty tư nhân, vì thế họ cũng không có đủ kỹ năng cần thiết khi đánh giá các kế hoạch kinh doanh.

Gary Rieschel, nhà sáng lập quỹ đầu tư mạo hiểm Qiming Ventures từng đầu tư vào nhiều startup thành công của Trung Quốc như Alibaba, nêu ý kiến: “Tôi nghĩ đây không phải là cách làm đúng đắn.”

William Bao Bean, một nhà đầu tư mạo hiểm khác của Trung Quốc chuyên hỗ trợ các startup công nghệ Trung Quốc, nói: “Trường đại học không phải là nơi lý tưởng để học khởi nghiệp.”

Theo giới phê bình, việc cần làm lúc này là dỡ bỏ những rào cản chính sách đang gây khó dễ cho khu vực tư nhân, chẳng hạn như những yếu kém trong hỗ trợ pháp lý cho các ý tưởng mới, những hạn chế khi tiếp cận nguồn vốn, và ma trận các quy định đang tiếp tay để các quan chức nhà nước “vòi vĩnh” doanh nghiệp nhỏ.

Trong một cuộc phỏng vấn với phóng viên báo Reuters tại Thượng Hải, Robert Zoellick, cựu chủ tịch Ngân hàng Thế giới, nêu ý kiến: “Một số nước mắc sai lầm khi chỉ chú trọng vào một số ngành công nghệ và ưu tiên một số doanh nghiệp. Việc đầu tiên cần làm ở đây là phải tạo ra được một sân chơi bằng phẳng. Cần phải có luật lệ và chính sách bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ có hiệu quả. Tôi nghĩ rằng Trung Quốc đang cố gắng thực hiện điều đó.”

  Ngọc Khánh dịch từ

http://www.reuters.com/article/2015/10/19/china-entrepreneurs-insight-pix-graphic-idUSL3N12J19D20151019

 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)