Bài học từ dự án phục hồi suối Cheonggyecheon

Hơn hai thập niên qua, dòng suối Cheonggyecheon ở Seoul, Hàn Quốc luôn được nhắc đến như một ví dụ thành công về phục hồi dòng chảy đô thị ô nhiễm. Nhưng liệu đó có phải là tất cả?

Dự án phục hồi Suối Cheonggyecheon được biết đến như một kỳ tích. Ảnh: Shutterstock

Những ai theo dõi bộ phim truyền hình dài 12 tập Lật tẩy tội ác (Unmasked) hẳn sẽ nhớ một cảnh ấn tượng vào cuối tập 8, khi hình ảnh Cha Seong Wook, một diễn viên nổi tiếng bị mất tích 20 năm, được AI tái tạo và chiếu trên màn hình lớn ở một tòa nhà cao tầng ở trung tâm Seoul. Khi đó, người cha trên một cây cầu bắc qua suối Cheonggyecheon mắt nhòa lệ, dõi theo gương mặt đứa con của mình. Dòng suối trong xanh chảy trôi và dòng người liên tục di chuyển bên dòng suối như một ẩn dụ về thời gian, thêm phần nhấn mạnh vào nỗi xúc động, sự đau đớn khôn nguôi của người cha… 

Lật tẩy tội ác chỉ là một trong số nhiều bộ phim thuộc làn sóng Hallyu chọn Cheonggyecheon, một niềm tự hào của Seoul, như một ngoại cảnh quan trọng của các thước phim. Điều gì làm nên sự tự hào này? Khi dòng chảy lịch sử từng chết cứng dưới lớp bê tông và nhựa đường được hồi sinh, Cheonggyecheon không chỉ là một điểm đến được yêu thích của Seoul mà còn là một mô hình sáng tạo, một nỗ lực kết hợp phục hồi môi trường tự nhiên với bảo tồn văn hóa và lịch sử trong một một chính sách phát triển đô thị độc đáo, qua đó xây dựng thương hiệu cho sự cạnh tranh toàn cầu. 

Nhưng tất cả chỉ có thế? 


Khi hoàn thành vào năm 2005 với chi phí khoảng 386 triệu USD, thu hút 700.000 người tham gia, suối Cheonggyecheon đã trở thành một công viên dài 5,8 km và được đón nhận như một thành công đầy tự hào, một dự án mang tính biểu tượng về sự vươn lên của một đô thị đẳng cấp quốc tế.

Một dự án đầy tham vọng

Cho đến giữa những năm 1970, suối Cheonggyecheon chảy từ Tây sang Đông, qua trung tâm Seoul với nhiều điểm nhấn lưu giữ ký ức từ triều đại Joseon. Cheonggyecheon (Dòng suối Thung lũng sạch), là một con suối cổ dài 10,92 km, chảy qua trung tâm Seoul và tạo hình một xương sống sinh thái của thành phố. Dưới thời Joseon, Cheonggyecheon là địa điểm lý tưởng để giặt giũ, gặp gỡ và chốn vui chơi của trẻ em, tuy nhiên do các kế hoạch cải tạo để mở rộng tuyến đường thủy của Cheonggyecheon đã dẫn đến mà nhiều vấn đề như lũ lụt, điều kiện mất vệ sinh, tội phạm và kinh doanh bất hợp pháp.

Và cũng phần nào giống như dòng sông Tô Lịch của Hà Nội, Cheonggyecheon rơi vào cảnh bị ô nhiễm trầm trọng do quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa ở Seoul vào những năm 1950 -1960 khi trở thành một kênh nước thải, nơi mọc lên những ngôi nhà ổ chuột của những người làm nghề giặt giũ thuê trên dòng suối. Khu vực Cheonggyecheon trở thành mặt tối của thành phố Seoul. Để giải quyết nhanh tình trạng này và thúc đẩy phát triển kinh tế, chính quyền Seoul đã quyết định xây dựng đường cao tốc trên cao Cheonggye dài gần 6 km, phía dưới là một con đường khác nằm trên dòng suối đã bị cống hóa – “một biểu tượng cho sự vội vã hiện đại hóa của Seoul bất chấp chi phí môi trường” (Time Magazine). Mặc dù giấu được làn nước ô nhiễm nhưng con đường huyết mạch của Seoul này lại dẫn đến hệ quả là ô nhiễm không khí, ô nhiễm tiếng ồn và hơn thế, giảm sức hấp dẫn vùng trung tâm và phân hóa giàu nghèo. 

Thảm thực vật được trồng dọc suối và dọc lối đi bộ đã thu hút nhiều loài động vật và làm tăng sự đa dạng sinh học. Ảnh: Shutterstock

Mọi chuyện bắt đầu thay đổi kể từ cuối những năm 1990, khi những người dân Seoul chợt nhận ra rằng phát triển kinh tế không phải là tất cả, đặc biệt sau những sự kiện như sự sụp đổ trung tâm thương mại Sampoong vào năm 1995 làm 501 người chết, 937 người bị thương hay sự khủng hoảng kinh tế năm 1997. Họ bắt đầu quan tâm đến vấn đề sức khỏe và môi trường nên đòi hỏi chính quyền thành phố phải có kế hoạch khôi phục dòng suối, tạo dựng không gian xanh cho Seoul. Ngay cả những người trong chính quyền cũng nhận ra điều đó. “Dưới đường cao tốc, khu vực này vô cùng bẩn thỉu, dân số và công việc kinh doanh giảm sút”, Phó thị trưởng Seoul Chong Seok Hyo, người sau này tham gia dự án phục hồi Cheonggyecheon, thừa nhận với Time Magazine vào năm 2006. “Cần phải thay đổi môi trường hoàn toàn”. 

Sau khi xem xét ý kiến ​​của mọi người, dự án phục hồi Cheonggyecheon với sự ủng hộ của 74,4% người dân đã được chính quyền Seoul khởi xướng vào ngày 1/7/2003. Ngoài việc trả lại dòng suốt trong lành và tạo dựng không gian xanh, mở cho Seoul, dự án cũng còn có nhiều mục tiêu khác, đó là khôi phục một phần lịch sử đô thị của Seoul, cải thiện tinh thần người dân, đồng thời thu hút khách du lịch và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Khi hoàn thành vào năm 2005 với chi phí khoảng 386 triệu USD, thu hút 700.000 người tham gia, dòng suối đã trở thành một công viên dài 5,8 km và được đón nhận như một thành công đầy tự hào, một dự án mang tính biểu tượng về sự vươn lên của một đô thị đẳng cấp quốc tế.


Mặc dù sự thành công của Cheonggycheon có thể khiến nhiều người choáng váng nhưng sự hào nhoáng này không thể làm mờ đi những chỉ trích và những yếu tố mà các nhà khoa học Hàn Quốc cho rằng “giả tự nhiên”, “một dự án không hoàn chỉnh”, “bể cá có giá 360 tỷ won”.

Dự án phục hồi Cheonggyecheon cũng liên quan đến một nhân vật nổi tiếng trên sân khấu chính trị Hàn Quốc, Lee Myung-Bak. Sự thành công của dự án trong thời gian là thị trưởng Seoul không chỉ đem lại uy tín cho ông mà còn góp phần đưa ông trở thành Tổng thống thứ 17 của Hàn Quốc.

Cho đến giờ, người ta cho rằng, một trong những khó khăn của một dự án từ trên xuống (top down) như Cheonggyecheon là sự đồng thuận bởi trước đây, các yếu tố quản trị liên quan đến mối quan hệ giữa khu vực công và khu vực tư đã gây khó khăn cho nhiều dự án lớn của Hàn Quốc. Để chuẩn bị cho dự án, người dân Seoul đã được nghe giới thiệu về dự án tại chính địa điểm diễn ra dự án, các nhà sinh thái học quốc tế và Hàn Quốc cũng được mời tư vấn, và các kiến trúc sư nước ngoài là chuyên gia trong các dự án tương tự cũng được tham vấn. 

Chính quyền Seoul cũng tích cực truyền thông về dự án để thu hút công chúng, đồng thời đích thân thị trưởng tham gia để giải đáp các thắc mắc. Bên cạnh đó, thị trưởng Lee Myung-Bak đã thành lập một cơ quan cố vấn cho dự án theo luật định là Ủy ban Công dân Cheonggyecheon, bao gồm các tổ chức NGO, nhà nghiên cứu, doanh nhân và nhà báo. Ít nhất là trong vài tháng đầu tiên, có vẻ như ủy ban này thực hiện tốt vai trò của mình, nhưng ngay sau đó lại xung đột thường xuyên với các quan chức, chủ yếu xung quanh vấn đề quy hoạch tổng thể, phương pháp khai thác di sản lịch sử, và cuối cùng dẫn đến giải thể. 

Dự án được dự báo là tốn kém. Hiệp hội Kỹ thuật Dân dụng Hàn Quốc cho rằng việc phá hủy đường cao tốc trên cao cũng như con đường chạy qua suối sẽ cần tới 100 tỷ won (khoảng 92 triệu USD). Thị trưởng Lee Myung-Bak đã phản ứng bằng cách sử dụng dự án để thúc đẩy “Chủ nghĩa phát triển mới” của mình (New Developmentalism). Có vẻ như quyết tâm chứng tỏ với công chúng về một dự án phục hồi thành công đã được chứng minh ngay từ thời điểm xây dựng. Ngay trong tháng 7/2003, cây cối đã bắt đầu được trồng để phủ xanh dọc theo tuyến đường, sau đó là các băng ghế và tạo dựng khu vực nghỉ ngơi. Hai mươi hai cây cầu cuối cùng đã được xây dựng bắc qua dòng suối.


Nếu quá trình phục hồi diễn ra trong bầu không khí dân chủ hơn, cho phép tôn trọng quan điểm của con người về lịch sử và sinh thái thì nó có thể dẫn đến việc phục hồi dòng suối bền vững hơn. Thay vào đó, chính quyền thành phố quan tâm nhiều hơn đến việc tạo ra thành công chính trị của người khởi xướng. 

Đằng sau thành công 

Gần hai thập niên sau khi phục hồi Cheonggyecheon đủ đem lại một khoảng lùi quan trọng để người ta có thể đánh giá thành công của một dự án và thậm chí, cả thất bại của nó.

Nếu chỉ dựa vào những con số thống kê và hiệu quả kinh tế thì nhìn góc độ nào cũng thấy thành công của  dự án Cheonggyecheon. Ví dụ nếu xét về môi trường tự nhiên thì sự phục hồi con suối trong lành đã bảo tồn tự nhiên, tạo không gian xanh cho Seoul, đảm bảo chất lượng nước thải và bổ cập, giảm thiểu phát thải khí nhà kính, giảm thiểu vết sinh thái… Thảm thực vật gồm các loài cây diên vĩ, liễu, lau sậy, tuyết mai, cây bụi Euonymus, bồn bồn, ngải, cây thuộc chi Thiên khuất… được trồng dọc suối và dọc lối đi bộ đã thu hút nhiều loài động vật và làm tăng sự đa dạng sinh học từ 17 loài lên xấp xỉ 400 loài. 

Có nhiều người lo ngại về nguy cơ ảnh hưởng đến giao thông của Seoul khi mất đi tuyến đường huyết mạch xuyên thành phố, tuy nhiên trên thực tế, dự án phục hồi đã làm thay đổi bộ mặt giao thông đô thị khi tạo dựng không gian đô thị lấy người đi bộ làm trung tâm, thi hành các chính sách giao thông bền vững bằng cách giảm bớt lưu lượng giao thông khổng lồ ở giữa thành phố, tập trung vào giao thông công cộng (tàu điện ngầm, xe buýt). Đây cũng là cách thức để Seoul giảm tình trạng ô nhiễm không khí tồn tại cả thập kỷ. Chỉ ba năm sau khi cải tạo dòng suối, khu vực trung tâm thành phố đã giảm được 10% lượng nitơ dioxide và giảm 15% lượng bụi mịn trong không khí. Hiệu ứng đảo nhiệt ở trung tâm thành phố cũng giảm. Nhiệt độ của khu vực Cheonggyecheon trước khi phục hồi cao hơn 2,20C so với mức trung bình của Seoul, nhưng đã giảm xuống 1,30C sau khi phục hồi. Nhiệt độ của điểm xanh trong dòng suối thấp hơn 0,90C so với khu vực lân cận. 

Một trong những hiệu quả đáng kể khác của dự án là thu hút được hàng triệu du khách đến Cheonggyecheon, nơi các sự kiện văn hóa đa dạng được tổ chức hầu như mỗi ngày tại Cheonggye Plaza, điểm bắt đầu của dòng suối được phục hồi. Sự phục hồi của dòng suối đem lại động lực phát triển cho cả khu vực, giá đất cũng tăng 30-50% trong phạm vi 50 mét cách dòng suối, khác hẳn với các dự án xây dựng thông thường là giá đất tăng gần các con đường lớn. 

Mặc dù sự thành công của Cheonggycheon có thể khiến nhiều người choáng váng nhưng sự hào nhoáng này không thể làm mờ đi những chỉ trích và những yếu tố mà các nhà khoa học Hàn Quốc cho rằng “giả tự nhiên”, “một dự án không hoàn chỉnh”, “bể cá có giá 360 tỷ won”… Bởi lẽ, trên thực tế, dòng suối như người ta thấy không hẳn là dòng suối tự nhiên, đó chỉ là một kênh đào được bao bọc bằng bê tông và không khác gì bất kỳ dòng chảy đô thị được thiết kế nào. Dòng suối này trên thực tế chỉ là một đoạn suối và nguồn nước nó nhận được không phải là nguồn tự nhiên mà được dẫn bằng đường ống từ sông Hán cách đó hơn sáu km và được bơm cơ học từ bên dưới bức tượng điêu khắc nghệ thuật hình con ốc mang tên “Mùa xuân”. 

Khi phục hồi, Cheonggycheon không được nối với thượng nguồn nên thường cạn nước về mùa khô. Ảnh: Shutterstock

Tại sao vậy? Việc không phục hồi hoàn toàn dòng suối và không được nối với thượng nguồn khiến cho Cheonggycheon trở thành dòng chảy gián đoạn, thường cạn nước về mùa khô. Vì vậy nó đòi hỏi phải bổ cập thêm nước quanh năm để giữ được độ sâu tối đa 40cm nước, nghĩa là lượng nước chảy vào Cheonggycheon cần được duy trì 120.000 tấn nước mỗi ngày. Chính quyền Seoul quyết định lấy nước từ ba nguồn – sông Hán, nước ngầm và nước từ nhà máy xử lý nước thải Jungnang. Do đó, để Cheoggyecheon được phục hồi như dân chúng thấy, với dòng nước nhân tạo được cung cấp dọc theo dòng suối, cần một chi phí lớn để duy trì hằng năm. Chi phí cho việc bơm nước hằng năm này lên tới hơn 7 tỷ won (khoảng 8 triệu USD). Hệ quả là bất chấp những hiệu ứng tích cực về bảo tồn hệ sinh thái và thúc đẩy sự đa dạng sinh thái nhưng việc bơm một lượng lớn nước như vậy 24 giờ mỗi ngày làm tiêu tốn một lượng lớn nhiên liệu hóa thạch, có thể góp phần gây ra các vấn đề môi trường như hiệu ứng nhà kính và làm giảm ý nghĩa của việc phục hồi. 

Bên cạnh đó, việc Cheoggyecheon được phục hồi nhân tạo với đáy bằng xi măng không tạo ra sự trao đổi nào với tự nhiên, qua đó không tận dụng được cơ chế làm sạch như mọi dòng chảy khác. Do đó, để giữ cho dòng suối được trong lành, không bị tái ô nhiễm, phải có nhiều nỗ lực bổ sung, chẳng hạn như làm sạch đáy dòng nước để loại bỏ rêu, kiểm soát chất lượng nước hằng ngày, làm vườn, giám sát v.v. 

Khi tái thiết kế, chính quyền Seoul đặt mục tiêu là dòng suối Cheonggyecheon có năng lực cắt lũ lớn ở mức 200 năm xuất hiện một lần. Vì vậy, dòng nước được thiết kế thẳng để cho một lượng lớn nước lớn có thể chảy xuống hạ lưu kịp thời. Dạng dòng chảy này không phù hợp với môi trường sống của các loài sinh vật. 

Tất cả những điều này cho thấy, các cân nhắc về sinh thái không được tính đến nhiều như các cân nhắc kỹ thuật trong quá trình thiết kế và thực thi dự án. Thậm chí, có vẻ như hầu hết yếu tố của kế hoạch khôi phục dòng suối đã chịu ảnh hưởng trực tiếp của kỹ thuật dòng chảy. Tất cả các đá, cây nước, cây cối, cá và thậm chí cả nước đều được dàn dựng cẩn thận để tạo ra hiệu ứng nhân tạo của một dòng suối hoặc một cảnh tượng của dòng suối giống tự nhiên nhưng lại không phải tự nhiên. 

Tại sao điều này lại xảy ra? Tiếng nói của các nhà sinh thái học có được quan tâm không? Trên thực tế, dự án phục hồi suối Cheonggyecheon đã được thiết kế theo tư duy kỹ trị của thị trưởng Lee Myung bak và phục vụ tham vọng chính trị của ông. Đó là lý do mà ông gói gọn dự án này trong quãng thời gian làm thị trưởng Seoul, ví dụ dự án được khởi động vào dịp kỷ niệm một năm lễ nhậm chức của ông và kết thúc 10 tháng trước khi kết thúc nhiệm kỳ thị trưởng, trong lễ khai trương với giá 3,6 tỷ won (4 triệu USD). “Hiệu ứng Cheonggyecheon’ đã tạo đà cho ông trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2007.

Với một dự án được thực hiện gấp rút vì tham vọng chính trị, không dễ dàng để những tiếng nói phê phán được lắng nghe, một trong số đó là Ủy ban Công dân Seoul Xanh, một tổ chức giám sát việc quản trị vì sự phát triển bền vững của Seoul. Tổ chức này đã đặt ra những câu hỏi quan trọng liên quan đến mục tiêu phát triển bền vững. Thông qua khảo sát, họ cho rằng 70,0% người dân ủng hộ việc trùng tu, nhưng 88,9% cũng muốn dự án bắt đầu sau khi chuẩn bị đầy đủ, 79,7% ủng hộ một dạng nguồn nước bền vững hơn so với kế hoạch của chính quyền thành phố, 63,5% muốn khu vực Cheonggyecheon được tái tạo thành một không gian sinh thái hơn là một không gian công nghệ cao mới. Một số ý kiến đóng góp khác cũng lên tiếng về việc cần thay thế kế hoạch cấp nước bằng nguồn nước chảy tự nhiên từ thượng nguồn xuống hạ lưu, tuy nhiên không thể được chấp nhận vì sẽ mất nhiều thời gian hơn để xây dựng so với kế hoạch. 

Cheonggyecheon mới được tạo ra không chỉ đi ngược với sinh thái bền vững mà còn ít tôn trọng lịch sử. Một trường hợp điển hình là Kwanggyo, một trong những cây cầu đá đẹp nhất được xây dựng trong triều đại Joseon, bắc qua suối. Các chuyên gia đã đề nghị khôi phục cây cầu trong hình dáng lộng lẫy ban đầu và ở vị trí ban đầu của nó nhưng chính quyền thành phố đã quyết định thực hiện kế hoạch đặt cầu cách vị trí ban đầu 150 mét và thiết kế với nhiều yếu tố của một cây cầu hiện đại với lý do không muốn sắp xếp lại cấu trúc đường gần đó. Thậm chí, khi được các chuyên gia tư vấn về giá trị lịch sử, thị trưởng Lee Myung-bak đã cho rằng “Tôi chắc chắn rằng sẽ không có kho báu lịch sử có giá trị nào được chôn vùi dưới đáy Cheonggyecheon. Nếu có, nó sẽ chỉ là một đống đá”. Đây là lý do, trong quá trình khôi phục suối, người ta đã phát hiện ra một số mảnh đá kè và cầu đá từ triều đại Joseon nhưng không được quan tâm bảo quản đúng cách nên kết quả là phần nhiều đã gần như bị phá hủy. 

Những xung đột như vậy trong quá trình thực hiện dự án phục hồi Cheonggyecheon cho thấy vai trò của sinh thái và lịch sử chưa được coi trọng. Theo thời gian, những gì bị khuất lấp đã bị phơi lộ và cho thấy gánh nặng của chi phí bảo trì cũng như các vấn đề phát sinh của dòng nước không bền vững, phá hủy sinh cảnh… Nếu quá trình phục hồi diễn ra trong bầu không khí dân chủ hơn, cho phép tôn trọng quan điểm của con người về lịch sử và sinh thái thì nó có thể dẫn đến việc phục hồi dòng suối bền vững hơn. Thay vào đó, chính quyền thành phố quan tâm nhiều hơn đến việc tạo ra thành công chính trị của người khởi xướng. 

Với hào quang từ ‘hiệu ứng Cheonggyecheon”, thị trưởng Lee Myung-bak đã trúng cử Tổng thống Hàn Quốc vào năm 2007 và nhậm chức vào tháng 2/2008. Tuy nhiên, mười năm sau, ông bị bắt giam và bị cáo buộc ít nhất 12 tội danh, trong đó có việc nhận hối lộ 11 tỷ won (tương đương 10,2 triệu USD). Vào năm 2020, Tòa án Tối cao Hàn Quốc đã tuyên mức án 17 năm tù đối với cựu Tổng thống Lee Myung-bak nhưng vào năm 2022, ông được ân xá.□

Tài liệu tham khảo: 

“The Restored Cheonggyecheon and the Quality of Life in Seoul”. Journal of Urban Technology. 2013

“Is Cheonggyecheon sustainable? A systematic literature review of a stream restoration in Seoul, South Korea”. Sustainable Cities and Society. 2019

“The politics of urban nature restoration” The case of Cheonggyecheon restoration in Seoul, Korea”. International Development Planning Review. 2010

“Ecological effects of daylighting and plant reintroduction to the Cheonggye Stream in Seoul, Korea”. Ecological Engineering. 2020

Bài đăng Tia Sáng số 9/2025

Tác giả

(Visited 31 times, 30 visits today)