Bài học từ Zeff Bezos và Amazon
Có nhiều quyển sách viết về Amazon nhưng Jeff Bezos Và Kỷ Nguyên Amazon (Tên gốc là: The Everything store: Jeff Bezos and the age of Amazon) là quyển mà tính cách cá nhân trong công việc & trong cuộc sống của Jeff Bezos được khắc hoạ rõ nhất. Bên cạnh đó, những biến cố, những cột mốc của Amazon được miêu tả lại trực quan sinh động cùng với cách thức họ đã giải quyết như thế nào. Với tôi, những kiến thức này vẫn còn rất hữu dụng ở thị trường Việt Nam, đặc biệt đối với những ai đang làm trong lĩnh vực thương mại điện tử.
Về tính cách cá nhân của Jeff Bezos có nhiều điểm đáng lưu ý:
1. Ông ấy khởi nghiệp ở độ tuổi chín muồi của sự nghiệp, sau một thời gian dài đi làm tích luỹ kinh nghiệm, mối quan hệ và tiền bạc. Mối quan hệ với các nhà đầu tư trong lĩnh vực tài chính giúp ông ấy có được những nguồn tiền đầu tư đúng lúc và may mắn cứu công ty thoát khỏi vực thẳm phải đến những hơn 10 lần. Bên cạnh đó, Jeff có một tư duy toán học tốt, điều đó đem đến cho ông nhiều lợi thế khi làm kinh doanh: thực tế, tập trung vào con số hiệu quả, tính toán các chỉ số khác nhau để kiểm chứng giả thuyết.
2. Jeff rất quyết đoán và “máu lạnh”. Sự bình tĩnh của Jeff (và đôi lúc là sự độc đoán, ích kỷ tiêu cực) đã giúp Amazon tồn tại qua những giai đoạn khó khăn nhất. Khi tất cả mọi người đều nghi ngờ những việc ông làm, điều duy nhất ông đã phản ứng lại lúc đó, là ông cho họ thấy lòng tin của ông vào chính mình lớn hơn cả thảy và không một chút run sợ hay nao núng. Có lẽ để đạt được tới cảnh giới này phải thực sự bỏ ngoài tai tất cả lời người khác nói về mình hay xã hội đánh giá về mình như thế nào.
3. Jeff rất thực dụng, từ việc chọn vợ (có hẳn xác xuất để chọn được người bạn đời thông minh đàng hoàng nhé), đến việc chọn những người cộng sự ban đầu, cũng cho thấy rằng mọi việc của ông đều có sự tính toán từ trước. Trừ vợ ra, những người được cho là đồng sáng lập với Jeff thời gian ban đầu ở Amazon cũng đều được Jeff cân nhắc và tính toán “tiễn” họ ra đi vào đúng từng thời điểm công ty chuyển mình. Bởi vì.. xem số (4)
4. Ông rất đề cao tính công nghệ và khả năng sáng tạo. Ông cho rằng Amazon được xây dựng trở thành một công ty công nghệ chứ không phải là công ty bán lẻ trực tuyến. Ông luôn muốn những lớp nhân viên kế thừa được tuyển dụng về sau phải luôn giỏi hơn người trước để nguồn nhân lực phải tự tranh đấu, học hỏi để giỏi hơn mỗi ngày. Ông không thích người thoả mãn với một kết quả nhất định, Ông đòi hỏi rất cao ở tất cả mọi người trong Amazon và bản thân mình, không được ngừng sáng tạo, ông cần sự đổi mới (innovation), ông cần một cuộc cách mạng thay đổi liên tục.
5. Ông không tin vào khái niệm Work – Life balance. Đối với ông, hai thứ đó là một và cần phải quyết liệt với những quyết định của mình đưa ra.
6. Bản thân ông cũng không hẳn là một nhà lãnh đạo tài ba, nhưng hình ảnh Jeff Bezos được phác hoạ trong sách này rất rõ lão là một tay buôn thứ thiệt, giữ bí mật kinh doanh, giữ suy nghĩ của mình và không chia sẻ với bất kỳ ai kể cả người thân thiết nhất. Tuy nhiên, trên thực tế, Jeff chưa bao giờ là nhà điều hành giỏi như trong quyển sách này miêu tả, ông cũng không được lòng nhân viên về sau.
7. Thêm một điểm: Không liên quan tới tính cách cá nhân nhưng Jeff đầu tư nhỏ lẻ vào khá nhiều các công ty Internet trước thời kỳ bong bóng dot-com diễn ra. Ông được hưởng lợi từ một số công ty thành công, một trong số đó có Google.
Về Amazon:
1. 5 năm đầu khởi nghiệp của Amazon được miêu tả rất chi tiết và rõ ràng, tìm hiểu kỹ hơn đó cũng sẽ là hình ảnh phản ánh 5 năm đầu khởi nghiệp của bạn: sẽ có lúc công ty phát triển nóng, phát triển tới mức không kiểm soát được; sẽ có những lúc công ty rơi vào hố đen bế tắc tưởng không thoát nổi; sẽ có những giai đoạn khủng hoảng niềm tin; sẽ có vô vàn vấn đề giữa người sáng lập và những quản lý cấp trung (các công ty ở Việt Nam hiện nay cũng đang gặp phải); sẽ có những lúc công ty không còn khả năng thanh toán tiền mặt và rơi vào trạng thái nợ nần; sẽ có những khoảnh khắc người đồng sáng lập rời bỏ đi với nhiều điều tiếng ở lại,… Rốt cuộc thì ở mỗi vấn đề đó, Amazon đã giải quyết như thế nào? (Tìm câu trả lời trong sách!).
2. Các khoản lỗ lớn nhất của Amazon rơi vào thời điểm trước bong bóng dot-com diễn ra: những thương vụ mua bán sáp nhập với giá trị cao ngất ngưởng (bong bóng xì hơi thì các công ty được đưa về giá trị thật); các khoản thu mua để độc quyền phân phối một số mặt hàng trọng điểm như dịp lễ Giáng sinh (và rồi ôm hàng thua lỗ),…
3. Từng đau đầu và tranh cãi quyết liệt vào những lúc cho ra đời sản phẩm mới hay ý tưởng mới. Có lẽ nhiều công ty thương mại điện tử trong nước cũng từng gặp vấn đề này nhất là khi mò kim đáy bể giữa thị trường mênh mông rộng lớn khi chưa biết đúng – sai và tính hiệu quả như thế nào? Amazon đã giải quyết vấn đề này thiệt hay, thiệt trọn vẹn cho cả đôi bên và một lần nữa phải ngả mũ thán phục bạn Jeff ở tài linh hoạt của bạn ấy.
4. Kết thân với các chuỗi bán lẻ và học nhiều nhất có thể từ việc bán lẻ thông thường để áp dụng cho Amazon. Họ học từ công nghệ quản lý kho bãi, đến cách bày trí trong các siêu thị, vận chuyển kho hàng, cách khách hàng suy nghĩ, logic trong hành vi mua hàng thường gặp,… Amazon mời những người kỳ cựu ở BestBuy, Walmart,.. về làm việc cùng với mình. Để “săn” được những người này, chưa từng là điều dễ dàng, bạn Jeff là một thiên tài thương thuyết và đàm phán, chưa kể rất biết cách quan sát và tiếp cận những đối tượng mục tiêu của mình bằng những cách không thể tưởng tượng được:
Tóm gọn lại học được từ Amazon: Hãy học mơ mộng và suy nghĩ như một công ty bán lẻ đồ sộ nhưng hãy để công nghệ hiện thực hoá giấc mơ ấy thành con số.