Bạn đã đặt đúng câu hỏi chưa?

Đặt câu hỏi trước đối tác và khách hàng là một trong những kỹ năng quan trọng của các startup, thế nhưng không phải ai cũng nhận ra điều này và biết cách đặt câu hỏi cho đúng.

Trong quá trình khởi nghiệp, giai đoạn khó khăn nhất là làm sao thấu hiểu khách hàng, tìm ra nhu cầu thị trường nhằm xây dựng sản phẩm phù hợp. Do đó, trong giai đoạn này, kĩ năng tìm hiểu thông tin thông qua việc đặt câu hỏi là quan trọng hơn cả. Hơn nữa, ngoài khách hàng, startup còn phải hỏi cả các chuyên gia, đối tác để học hỏi kinh nghiệm.

Kĩ năng đặt câu hỏi mặc dù quan trọng nhưng qua quá trình quan sát của mình, dường như mọi người không mấy chú ý đến điều này. Chính vì vậy, nhiều khi họ rơi vào tình huống dở khóc dở cười mà không biết.

Đừng đặt câu hỏi chung chung

Những câu hỏi ngớ ngẩn thường xuất phát từ việc người đặt câu hỏi thiếu thông tin cần thiết. Nếu bạn đang tìm hiểu về thương mại điện tử, đừng đặt câu hỏi chung chung như: “Anh/Chị nhận định như thế nào về thương mại điện tử Việt Nam những năm trở lại đây?”. Những năm là mấy năm, không có khung thời gian cụ thể, không có sự so sánh, người được hỏi sẽ cảm thấy khó chịu vì câu hỏi không có mục đích rõ ràng và họ sẽ trả lời cho qua chuyện. Hơn nữa, câu hỏi như vậy cũng thể hiện là người được hỏi không chuẩn bị gì hoặc không suy nghĩ kĩ về vấn đề mình được hỏi.

Trở lại ví dụ về câu hỏi phía trên, nếu tìm hiểu kĩ sẽ thấy, trong thương mại điện tử còn được phân chia thành nhiều loại hình khác nhau, ví dụ sàn giao dịch thương mại điện tử hay cổng thanh toán trực tuyến, v…v… Nếu chia nhỏ thông tin mình muốn tìm hiểu trong một lĩnh vực rộng lớn, chắc chắn bạn sẽ nhận được thông tin thêm phần chi tiết và rõ ràng hơn nhiều.

Quy tắc vàng cho việc khai thác thông tin bằng việc đặt câu hỏi đó chính là câu hỏi càng chi tiết, câu trả lời nhận được sẽ có nhiều thông tin hơn. Thay bằng những câu hỏi đánh giá rất chung hay cảm nhận chung, bạn cần đưa ra nhiều sự lựa chọn nhỏ cho người được hỏi trả lời. Ví dụ như thay vì hỏi “Lĩnh vực thanh toán trực tuyến hiện nay như thế nào?”, thì nên hỏi “Trên thị trường hiện nay có ba cổng thanh toán trực tuyến trong nước, được cấp phép chính thức, ngoài những khó khăn thường thấy như người dùng chưa thực sự quen với việc thanh toán qua mạng Internet, phí xử lý giao dịch còn cao, anh/chị có nghĩ các cổng thanh toán trực tuyến hiện nay còn gặp những khó khăn nào? Bên cạnh những khó khăn đó, chắc chắn không ít cơ hội đang chào đón họ, liệu cơ hội này có thực sự đáng để đánh đổi bằng những khó khăn mà các công ty đó phải đối mặt như hiện nay không?”

Đừng hỏi khách hàng những câu hỏi mang tính cảm tính

“Anh/chị có thích sản phẩm này không? Tại sao có? Tại sao không?” là những câu hỏi khó chịu và sẽ không đưa ra được những dữ liệu quý giá cần thiết. Thử giả định bản thân mình là người được hỏi, bạn có thấy câu hỏi này có chút gì đó “gai gai” và thử thách không?  Khi được hỏi những câu hỏi như vậy, sẽ nhiều người trả lời: “thấy nó sao sao ấy”. Vậy làm sao định nghĩa được cái “sao sao” của khách hàng nếu không cắt khúc nó ra?

Một câu hỏi đầy tính trách nhiệm với khách hàng sẽ giúp lấy lòng khách hàng và nhận được những phản hồi chân thành, ví dụ như: “Anh/chị có thích chức năng A của sản phẩm không? Nếu có, sau đây là những lý do có thể đã khiến anh/chị yêu thích nó, xin vui lòng chọn những lý do được đề cập. Nếu không, ắt hẳn đây là những lý do khiến chức năng này làm cho anh/chị cảm thấy phiền toái, xin vui lòng lựa chọn những rắc rối mà nó đã mang đến cho anh/chị.” Hơn nữa, hỏi theo từng chức năng như vậy mới theo sát được chất lượng sản phẩm của mình.

Đưa ra giả định hoặc thông tin có giá trị trước khi đưa ra câu hỏi

Người được hỏi thường lấy làm khó chịu nếu bạn chỉ tập trung vào việc hỏi mà không có bất kỳ thông tin giá trị chia sẻ lại với họ. Giống như một sự trao đổi, bạn nên đưa ra các tình huống giả định hoặc thông tin có giá trị để “làm quà” cho người được hỏi. Khi bạn hỏi về những vấn đề xoay quanh lĩnh vực game ở Việt Nam chẳng hạn, hãy dùng một ít thông tin ở thị trường Trung Quốc để lấy làm căn cứ đặt câu hỏi. Bên cạnh sự trao đổi thông tin hữu ích, đó cũng là cột mốc cho bạn và người được hỏi có những câu trả lời sát hơn với vấn đề mà bạn mong muốn tìm hiểu.

Đặt câu hỏi trong đúng ngữ cảnh

Trong một sự kiện giao lưu với Guy Kawasaki tại TP.HCM đã bắt gặp một tình huống dở khóc dở cười. Guy Kawasaki là một trong những chuyên gia hàng đầu về marketing, là người viết nhiều quyển sách khởi nghiệp nổi tiếng và được biết đến như một nhà đầu tư cá nhân tiêu biểu tại Silicon Valley (Mỹ). Ông đến Việt Nam nhằm chia sẻ định hướng và tầm nhìn kinh doanh trong quá trình khởi nghiệp. Những kiến thức của ông chia sẻ đều mang hàm lượng thông tin cao và có giá trị thực hành hữu ích. Song trong ngày hôm đó, một bạn trẻ – người may mắn được đặt câu hỏi cuối cùng trong sự kiện có đông người, đã đứng dậy và hỏi ông một cách rất tự tin: “Đây là hai logo mà tôi yêu thích và chuẩn bị sử dụng nó trong việc ra mắt sản phẩm, ông thích logo nào hơn?”

Nếu đó chỉ là câu hỏi được đặt ra trong một ngữ cảnh khác, khi chỉ có bạn trẻ đó và Guy Kawasaki thì có vẻ sẽ phù hợp. Nhưng đây là sự kiện nghiêm túc thu hút gần 300 người tham gia, câu hỏi quá mang tính cá nhân và có phần không hợp lý theo chủ đề dành cho diễn giả. Ông Guy Kawasaki ở thời điểm đó khá bối rối và xin phép không trả lời vì câu hỏi không phù hợp với chương trình.

Cách đây hai năm, trong một sự kiện do công ty hỗ trợ khởi nghiệp 5Desire tổ chức với sự tham gia của người đồng sáng lập quỹ Formation 8 (Một quỹ đầu tư được tạp chí Fortune gọi là “Quỹ đầu tư hot nhất ở Silicon Valley”) – John Lonsdale. Vừa đặt chân đến Việt Nam lần đầu tiên, ông đã được hỏi: “Ông đánh giá như thế nào về thị trường Việt Nam?”. Vì chưa có trải nghiệm gì về thị trường Việt Nam trước đó, cũng như chưa đầu tư vào công ty nào ở Việt Nam nên John Lonsdale chỉ trả lời chung chung một cách lịch sự.

Thế nên, việc tìm hiểu về người được hỏi cũng quan trọng không kém. Người được hỏi qua đó sẽ cảm thấy được tôn trọng hơn và nếu bạn đặt câu hỏi đúng chuyên môn của họ, chắc chắn bạn sẽ học được nhiều hơn mong đợi.

Tác giả

(Visited 5 times, 1 visits today)