Bán ổi kèm sinh thái

Nhìn trên bản đồ, cù lao Tân Lộc có dáng thon dài, nên được ví von như hạt gạo. Còn từ phía đất liền nhìn qua, chỉ thấy một màu xanh bồng bềnh giữa sông Hậu.

Chín Điệp không chọn bán trái cho thương lái, mà “bán bụng” cho khách và bán giá không trung gian cho khách mang về.

Mùa này, có hôm nhiệt độ lên tới 37 – 38 độ C, những lượn sóng dập dềnh thăm thẳm lại khiến cù lao có vẻ mát rượi hơn đất liền.

Nơi đây từng là xóm nhà giàu, xóm chủ lò đường kết và cả một chợ đường lớn nhất miền Tây.

Cù lao Tân Lộc thuộc quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ, được biết tới lần lượt theo thời gian là cù lao Tam Tỉnh (điểm tiếp giáp của ba tỉnh: Cần Thơ, An Giang và Đồng Tháp). Sau đó là Sa Châu, bởi hình thành từ phù sa cát từ thượng nguồn sông Mekong đổ về. Sau đó nữa là cù lao Ngọt, bởi từng có thời kỳ phát triển rực rỡ nghề trồng mía lập lò đường với trên 250 lò. Và cù lao Cá, do làng cá bè và những ao nuôi cá tra nổi tiếng hơn chục năm trước.

Nói cho “bự sự” thì Tân Lộc đã trải qua nhiều mô hình tăng trưởng, và nay nhiều người thích cái tên cù lao Ngọt, vì nghĩa của từ này còn là sự ngọt ngào của hương vị các loại cây trái miền Tây, mà tiêu biểu là lễ hội trái cây thường niên vào dịp mùng 5 tháng 5 âm lịch. Đó còn là không gian yên bình với những con đường nhỏ, nhịp cầu cong và mái ngói rêu phong của những kiến trúc cổ, cùng với nhịp sống, cách hành xử thuần phác của cư dân đất cồn, trải qua nhiều đời chung sống chan hoà.

Tui bán 7.000 đồng một ký ổi cho khách tham quan mà trong lòng cứ lo không biết là có mắc quá? Thường khi lái chỉ mua có 5.000 đồng hà.

– Nhưng giá bán lẻ ngoài chợ là bao nhiêu một ký?

– 10.000 đồng!

– Vậy thì được rồi. Khách có nói gì không mà chị lo?

– Có người hỏi tui bán rẻ quá sao có lời nên đưa thêm tiền. Rồi tui phải tìm cách cho lại người ta cái gì đó không thôi kỳ cục lắm. Cứ một đoàn khách chục người tui tặng 5 – 7 ký đem về. Người ta tham quan mình lấy 20.000 đồng/người rồi còn gì.

Chị Chín Điệp (Lê Hồng Điệp), chủ nhân điểm vườn rộng 4.000m2 trồng 600 gốc ổi lê trái đang trĩu cành, một trong vài địa chỉ du lịch được ưa thích của cù lao Tân Lộc, hiền lành, nói: ăn “bao bụng” 20.000đ một người lớn, tui nghĩ mình cần phải làm thêm món gì cho khách hài lòng.

Chị Chín và cô con dâu nấu được nhiều món ngon nếu khách đặt ăn. Có vài món đáng chú ý, nếu không muốn nói là độc đáo. Đầu tiên là khai vị ăn chơi với ổi chín chiên giòn có màu đẹp, vị béo, với chút hương ổi ngập ngừng đầu lưỡi. Món gỏi ổi với cách làm được chia sẻ là ổi dòn xắt miếng, trộn với tôm khô, khô mực xé, hành tím, nước mắm chua ngọt, rắc thêm lá chúc xắt nhuyễn, đóng vai trò dẫn dắt hương vị. Và ly rượu ổi ngâm 100 ngày thơm dịu dàng, xem ra rất phù hợp với buổi ăn trưa.

Qua thăm cù lao có bốn bến đò lớn, và dù khởi hành từ bến đò nào, cũng chỉ chừng 10 phút là cặp bờ đất cù lao, có chiều dài hơn 20km xuôi theo sông Hậu. Với diện tích hơn 3.200ha, đất cù lao màu mỡ để các loại cây trái sinh sôi. Đặc biệt, mận An Phước đâu đâu cũng thấy trồng, dấu hiệu nhận biết được bà con hóm hỉnh đặt tên là “mận ngủ mùng”. Cho mận ngủ mùng để kiểm soát được ruồi đục quả, cho trái ngon và năng suất cao. Chị Chín Điệp là một trong những người trồng giống ổi lê sớm nhất cù lao, cho biết thời mận chưa ngủ mùng giá trồi sụt thất thường, cây lại lão nên chuyển sang ổi, và hiện nay vườn nhà chị đang là điểm dừng chân của nhiều đoàn khách du lịch tứ phương tới vườn ổi Chín Điệp.

Khách vượt đường xa tới đây cốt để tìm kiếm những giá trị khác biệt, có thể khẩu vị mỗi người một kiểu; nhưng từ trái ổi, con cá, cọng rau tại chỗ đều là món ngon khi mẹ con chị Chín trổ tài. Còn gì ngon bằng gà nuôi thả trong vườn ổi, cá tươi từ sông Hậu và rau hái trong vườn.

Một món được 100% du khách yêu cầu phải có cho bữa cơm trưa nhà vườn là cá bống kho do đích thân cô con dâu Chín Điệp đứng bếp. Chín Điệp nói cá bống cát xứ cù lao có quanh năm, bán chợ lớn chợ nhỏ mỗi ngày nhưng phải mua lúc tươi rói; ướp nước dừa, nước mắm và gia vị vừa đủ, sau đó để tủ lạnh một đêm cho thấm. Trước khi ăn chỉ cần 15 phút với lửa riu riu là có một ơ cá ngon. Dọn lên bàn, những con cá bống cỡ ngón tay cái duỗi mình săn chắc trong màu nước sền sệt vàng óng, ăn với cơm gạo Nàng Hoa nấu bằng nước dừa, có thể là bữa cơm nhớ đời ở xứ cù lao.

Với giá 100.000 đồng/người cho bữa ăn sáu món, hầu hết thực khách đều cho là hợp lý.

Nguyễn Mạc Linh Phượng, cô bạn trẻ làm việc ở phòng văn hoá quận Thốt Nốt, say sưa nói về cù lao Tân Lộc với những ý tưởng phát triển du lịch địa phương, mà chính cô là người vận động bà con hơn một năm qua.

Thực ra, để nhà vườn hiểu được mà làm như trường hợp Chín Điệp, không nhiều. Chín Điệp tính toán: 600 gốc ổi thu hoạch cầm chắc 6 tấn, bán sỉ 5.000 đồng/kg và phải phụ thuộc vào thương lái. Xắn tay vào làm du lịch trong một năm, đón khách tham quan bán 7.000 đồng/kg, tăng 40% giá trị, lại được chủ động, chưa kể các nguồn thu khác khi có khách ghé vườn. Điều quan trọng nhất là đầu tư làm du lịch sinh thái phải chăm sóc tốt hơn. Anh Ba Sơn, chồng chị Chín, luôn túc trực ngoài vườn.

“Tuy là nông dân ít học, nhưng khi làm du lịch tui có ba phương châm phải làm cho được. Thứ nhất là vệ sinh, sạch nhà sạch bếp sạch ngõ. Thứ hai là trồng cây ăn trái không được để dư lượng thuốc bảo vệ thực vật có hại cho khách ăn. Thứ ba là phục vụ ân cần, chu đáo, không “chặt chém” trong mọi trường hợp”. Chín Điệp nói, thoạt nghe có vẻ như “thuộc bài”, nhưng quan sát cách làm việc, thăm nhà, thăm vườn rồi cùng ngồi ăn trưa mới hiểu là chị thật lòng và điều vốn dĩ từ bao đời nay lại rất ư là bài bản khi làm du lịch bền vững.

Chín Điệp ý tứ trong cách lót đan xi măng xuyên vườn cây, để khách đi vừa sạch chân vừa tránh được tình trạng làm hư cây, hỏng trái, nay mai chị dọn đất trồng rau trong nhà lưới; và mời sang năm khách tới sẽ có nước mắm ủ từ cá linh, cá cơm gia truyền, đủ để vừa ăn vừa mua đem về.

bài, ảnh Đỗ Khuê (theo TGTT)
Nguồn: Thegioihoinhap

Tác giả

(Visited 8 times, 1 visits today)