Băng cháy và lời giải của Việt Nam

Việt Nam đang đẩy mạnh nghiên cứu về băng cháy (tên khoa học gas hydrate hoặc methan hydrate) trên vùng biển và thềm lục địa của mình, xác lập các luận cứ khoa học, định hướng cho thăm dò, đánh giá trữ lượng và lựa chọn công nghệ khai thác, tiến tới khai thác loại hình năng lượng mới này phục vụ phát triển KTXH và bảo vệ quyền lợi của mình trên Biển Đông.

Trao đổi về lĩnh vực nghiên cứu mới mẻ này, ngày 15-3, TS. Vũ Trường Sơn – Giám đốc Trung tâm Địa chất và Khoáng sản biển (Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Bộ TN&MT) – đơn vị có chức năng và nhiều kinh nghiệm điều tra địa chất khoáng sản biển, cho biết:

– Băng cháy là nguồn năng lượng mới được rất nhiều quốc gia quan tâm vì trữ lượng khổng lồ và khả năng tác động tới biến đổi khí hậu toàn cầu của nó. Khoáng sản năng lượng mới này dự báo lớn gấp 3 lần tổng tài nguyên năng lượng hóa thạch được biết đến trên toàn thế giới. Tuy nhiên nó cũng được xem là nguy cơ tiềm ẩn gây ra các thảm họa môi trường. Hiện nay đã có hơn 90 nước trên thế giới đang tiến hành các chương trình nghiên cứu điều tra băng cháy ở các mức độ khác nhau.

Mới đây nhất, ngày 12-3 vừa qua, Nhật Bản công bố nhóm nhà khoa học trên tàu khoan Chikyu đã lấy thành công khí đốt từ lớp methane hydrate nằm sâu 300m dưới lớp trầm tích ở đáy đại dương. Dùng một mũi khoan đặc biệt và phương pháp giải nén, đội khoa học đã biến methane hydrate ở bên dưới đáy biển thành khí metan và băng để đưa lên mặt đất. Đây là cột mốc quan trọng, đánh dấu sự hoàn thiện về cả công nghệ điều tra, tìm kiếm và công nghệ khai thác loại hình năng lượng mới là băng cháy trên thế giới.

Việt Nam tiếp cận với băng cháy ra sao, thưa Tiến sĩ?

– Biển Việt Nam nằm trong khu vực Biển Đông, được Sở Địa chất Hoa Kỳ (USGS) đánh giá đứng hàng thứ 5 ở Châu Á về tiềm năng băng cháy. Dù chưa được trang bị đầy đủ thiết bị, công nghệ và còn thiếu nguồn nhân lực nghiên cứu, điều tra băng cháy, nhưng dựa vào các kết quả điều tra, khảo sát những năm qua về địa chất, cấu trúc – kiến tạo, địa mạo và kết quả tìm kiếm, thăm dò dầu khí cho thấy trên các vùng biển Việt Nam hội tụ nhiều yếu tố để có mặt băng cháy.

Bộ TN&MT từ hơn 5 năm trước đã tổ chức các hội nghị khoa học về triển vọng khí hydrat trên các vùng biển Việt Nam. Tổng cục Biển và Hải đảo VN cũng đã xây dựng chương trình nghiên cứu, đánh giá tiềm năng băng cháy ở ta, cử cán bộ tham gia các hội thảo quốc tế về băng cháy và khoáng sản biển sâu tại Nhật, Hàn Quốc, Nga, Hoa Kỳ, Jamaica, ký biên bản ghi nhớ hợp tác nghiên cứu, điều tra địa chất – khoáng sản biển sâu với Hàn Quốc, Nga.

Để có thể tiến hành điều tra, nghiên cứu, cần sự đầu tư lớn về trang thiết bị kỹ thuật, phương tiện, như các tàu nghiên cứu chuyên dụng, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ khoa học, quản lý, tiếp thu công nghệ, trao đổi thông tin, kinh nghiệm với các nước và tổ chức quốc tế. Nhiều tổ chức trên thế giới bày tỏ sẵn sàng hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực nghiên cứu băng cháy, đặc biệt trong đào tạo và phối hợp các hoạt động mang tính quốc tế.

Tiến sĩ có thể nói rõ hơn những vùng có triển vọng băng cháy tại nước ta?

– Trên vùng Biển Đông thuộc chủ quyền của Việt Nam hội tụ đủ điều kiện hình thành băng cháy. Đó là độ sâu đáy biển, đặc điểm địa mạo, nhiệt độ đáy biển, trầm tích, nguồn khí, các dấu hiệu địa hóa, địa vật lý…, đặc biệt là cấu trúc địa chất, bối cảnh địa chất và một trong các điều kiện tiên quyết là sự xuất hiện của các bể chứa dầu khí Sông Hồng, Phú Khánh, Tư Chính – Vũng Mây, Nam Côn Sơn, các nhóm bể Hoàng Sa, Trường Sa.

Dựa vào kết quả nghiên cứu, thăm dò dầu khí, có thể phân Biển Đông Việt Nam ra 4 vùng dự báo để đánh giá tiềm năng băng cháy, đó là quần đảo Hoàng Sa và kế cận, Phú Khánh, Tư Chính – Vũng Mây và quần đảo Trường Sa và kế cận.

Thưa TS, Trung tâm Địa chất và Khoáng sản biển đã có kết quả điều tra địa chất khoáng sản biển gì đáng quan tâm góp phần nghiên cứu, đánh giá tiềm năng băng cháy?

– Những dấu hiệu, điều kiện và tiền đề địa chất để hình thành băng cháy tại các bể trầm tích trên đòi hỏi phải sớm tiến hành nghiên cứu băng cháy để làm rõ tiềm năng, triển vọng loại hình khoáng sản có giá trị này. Các nước trên thế giới khi tiến hành điều tra băng cháy đều đã có số liệu điều tra cơ bản địa chất biển ở tỷ lệ 1/500.000 – 1/250.000.

Ở Việt Nam nhiều vùng biển còn chưa được điều tra cơ bản về địa chất khoáng sản. Cần nhanh chóng phủ kín điều tra cơ bản về địa chất trên các vùng biển Việt Nam trong thời gian tới theo đúng định hướng của Đảng và Nhà nước. Trung tâm Địa chất và Khoáng sản biển chúng tôi đã hoàn thành xuất sắc Dự án “Điều tra đặc điểm địa chất, địa động lực, địa chất khoáng sản, địa chất môi trường và dự báo tai biến địa chất các vùng biển Việt Nam”, thuộc Đề án tổng thể điều tra cơ bản TNMT biển (Đề án 47), nâng diện tích vùng biển được điều tra cơ bản ở tỷ lệ 1/500.000 lên 247.000km2 (chiếm khoảng 24% diện tích vùng biển Việt Nam).

Hiện Trung tâm đề xuất tiếp tục triển khai giai đoạn 2012 – 2020 của Đề án 47 Dự án điều tra cơ bản địa chất khoáng sản biển phủ kín vùng biển Việt Nam độ sâu đến 300m nước. Hy vọng các dự án điều tra địa chất khoáng sản vùng biển sâu tới đây tiếp tục cung cấp thêm các số liệu, cơ sở khoa học thực tế để nghiên cứu, đánh giá tiềm năng băng cháy của Việt Nam.

Trân trọng cảm ơn TS!

  

Tác giả

(Visited 11 times, 1 visits today)