Bằng chứng cho thấy côn trùng có thể cảm nhận đau đớn
Hai nhà nghiên cứu ở Đại học Queen Mary London cùng cộng sự ở Đại học Tehran đã tìm thấy bằng chứng cho thấy côn trùng có thể cảm nhận đau đớn.
Các nghiên cứu trước đây và bằng chứng truyền miệng cho rằng côn trùng không cảm thấy đau. Do đó, con người thường làm hại hoặc giết chúng một cách dễ dàng. Trong nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Proceedings of the Royal Society B, các nhà khoa học cho thấy những giả định của chúng ta có thể đã sai.
Nhóm tác giả nhấn mạnh, các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng cả động vật và côn trùng đều có hệ thống sinh lý – dẫn đến phản ứng được coi là trải nghiệm đau đớn ở động vật. Trải nghiệm này được tách riêng thành đau cảm thụ (phản ứng khi bị chấn thương thể chất gây kích thích vượt ngưỡng đau) và bất kỳ cơn đau nào có thể xuất hiện liên quan đến sự kiện này. Cả hai phản ứng này đều có thể tồn tại khi bạn cắt chân một con côn trùng chẳng hạn. Tuy nhiên, người ta chưa rõ liệu làm vậy có thể thực sự gây đau đớn có côn trùng hay không. Để trả lời câu hỏi này, các nhà nghiên cứu đã tìm hiểu về cảm thụ giảm dần – hành vi cao cấp hơn có thể liên quan đến một sự kiện có hại.
Khi bị tổn thương đột ngột, con người có thể ngừng phản ứng với cơn đau – chẳng hạn, một số người không nhận ra họ đã bị thương trong một vụ tông xe cho đến khi được điều trị trong bệnh viện. Nghiên cứu trước đây đã lý giải rằng, một sự kiện gây tổn thương như vậy có thể thúc đẩy não sản xuất các opiate (các chất được coi là thuốc phiện nội sinh, có tác dụng giảm đau). Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh côn trùng không thể sản xuất opiate, nhưng chúng tạo ra các neuropeptide (một loại chất dẫn truyền thần kinh) với mục đích tương tự. Họ phát hiện ra rằng côn trùng tạo ra neuropeptide này khi bị tổn thương, cho thấy chúng có tồn tại cảm thụ giảm dần – đây có thể là bằng chứng cho thấy côn trùng cũng có cảm giác đau.
Liệu có cần bảo vệ côn trùng trong nghiên cứu?
Nhóm nghiên cứu cho biết vẫn còn nhiều việc cần làm để xác định xem côn trùng có thực sự cảm thấy đau hay không, và nếu có, thì làm thế nào để giải quyết các vấn đề đạo đức liên quan đến việc đối xử với côn trùng.
Việc bảo vệ động vật trong nghiên cứu thường dựa vào khả năng cảm thấy đau đớn của chúng – một khía cạnh của nhận thức, hoặc tri giác. Hầu hết các loại động vật đều có khả năng phát hiện vết thương và phản ứng tránh xa mối đe dọa. Nhưng điều này không nhất thiết đồng nghĩa với việc chúng sẽ thấy đau đớn – đây còn là trải nghiệm về nhận thức, ý thức được về sự tổn hại và đau đớn.
Một số sinh vật không xương sống như ruồi giấm hoặc giun tròn từ lâu đã được sử dụng trong nghiên cứu, góp phần tạo ra những đột phá trong di truyền, phát triển tế bào và các quá trình sinh học. Người ta ước tính chúng đóng vai trò quan trọng trong khoảng 1/5 số giải Nobel Y sinh dựa trên nghiên cứu liên quan đến động vật. Hiện nay, ngày càng nhiều nhà khoa học chuyển sang sử dụng động vật không xương sống trong nghiên cứu để tránh các vấn đề đạo đức liên quan đến phúc lợi động vật.
Khi bắt đầu sự nghiệp nghiên cứu, Lars Chittka, Giáo sư Sinh thái học hành và và giác quan ở Đại học Queen Mary London, một trong những tác giả của nghiên cứu, không bao giờ phản đối khi đồng nghiệp của ông mở hộp sọ ong và lắp các điện cực vào để nghiên cứu hệ thần kinh của chúng. Nhưng giờ đây ông tự hỏi những quy trình như thế này có thể gây ra “tình trạng rất khó chịu” cho côn trùng hay không. Chittka khẳng định chưa có khuôn khổ pháp lý nào về việc sử dụng côn trùng trong công nghiệp cũng như nghiên cứu.
Chittka nhận xét rằng, điều quan trọng là phải chắc chắn về vấn đề này khi ngành công nghiệp côn trùng đang phát triển theo hướng trở thành nguồn thực phẩm cho con người cũng như gia súc. Năm 2013, Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc đã khuyến nghị sử dụng côn trùng để góp phần chống nạn đói, và xác định đây là nguồn thực phẩm giàu đạm, chất dinh dưỡng và dễ tiếp cận.
Nhiều người cho rằng việc đối xử với côn trùng như thế nào trong nghiên cứu chẳng phải là vấn đề đáng bận tâm, khi mọi người vẫn bắt ruồi giấm và gián trong nhà bếp, và thuốc trừ sâu đang tiêu diệt vô số côn trùng gây hại hàng ngày. Nhà thần kinh học Matthew Cobb ở Đại học Manchester (Anh) cho rằng nghiên cứu nên tuân theo các tiêu chuẩn đạo đức cao hơn, vì công chúng – những người tài trợ hầu hết cho các nghiên cứu – đặc biệt quan tâm đến phúc lợi động vật trong thí nghiệm. Hơn nữa, khác với việc phun thuốc diện rộng trên cánh đồng, các nhà khoa học chỉ tương tác với một vài cá thể tại một thời điểm, vì vậy họ đủ khả năng để đối xử nhân đạo với chúng.
Vậy khi đó chúng ta nên đưa ra những tiêu chuẩn đạo đức như thế nào? Một số nhà khoa học, bao gồm Chittka cho rằng côn trùng nên được bảo hộ theo một số hình thức quy định, tuy nhiên, không nhất thiết phải giống với các biện pháp bảo vệ giống các động vật có xương sống – theo nhà nghiên cứu hành vi động vật Jennifer Mather ở Đại học Lethbridge (Canada). “Mỗi loài đều khác nhau và xứng đáng được bảo vệ phù hợp nhất”, bà nói.
Thanh An tổng hợp
Nguồn: https://phys.org/news/2022-07-evidence-insects-possibly-pain.html
https://undark.org/2022/07/25/if-insects-feel-pain-should-they-be-protected-in-research/