Bảo hiểm nông nghiệp để thoát nghèo
Tại Kenia, dự án bảo hiểm bồi thường cho nông dân khi bị mất mùa, do một tập đoàn nông nghiệp của Thụy Sĩ, công ty bảo hiểm Kenia và nhà cung cấp dịch vụ điện thoại di động phối hợp triển khai. Tuy nhiên, dự án chưa thực sự hoàn hảo.
Cánh đồng ngô của vợ chồng nông dân Koech không xa Kitale ở phía tây Kenia. Từ lâu đời vùng đất này chuyên trồng ngô, cây lương thực truyền thống của Kenia. Tuy nhiên năm nay không chỉ riêng nhà Koech mà hầu hết nông dân ở đây bị mất mùa ngô vì lý do thời tiết.
Người nông dân Kenia đang phải vất vả chèo chống trong điều kiện biến đổi khí hậu, mưa không thuận, gió không hòa. Nạn hạn hán, lũ lụt xẩy ra thường xuyên, mùa màng thất bát, làm cho cuộc sống của người dân nước này ngày càng điêu đứng. Chính phủ Kenia cũng không giúp được gì cho nông dân nghèo, bản thân người dân Kenia lại không mấy tin tưởng vào các công ty bảo hiểm vì trong quá khứ, người dân đã nộp tiền bảo hiểm nhưng khi có sự cố thì không nhận được tiền bồi thường vì tiền không cánh mà bay.
12.000 nông dân tham gia ngay từ đầu
Gần đây ở nước này xuất hiện Quỹ bảo hiểm nhằm hỗ trợ người nông dân vượt qua khó khăn, thuộc tập đoàn nông nghiệp Syngenta chuyên kinh doanh hạt giống, phân bón và thuốc bảo vệ cây trồng. Quỹ này cùng với một công ty bảo hiểm của Kenia và Safaricom, nhà cung cấp dịch vụ điện thoại di động hàng đầu châu Phi xúc tiến dự án “Kilimo Salama Plus”. Nông dân là nhóm đối tượng chủ yếu. Mục tiêu chính của dự án là bảo hiểm thiên tai cho người nông dân và giúp nông dân tăng năng suất cây trồng.
Dự án “Kilimo Salama” (tiếng Suaheli là “nông nghiệp an toàn”) của Quỹ Syngenta ra đời cách đây hai năm. Theo đó, người nông dân được bảo hiểm khoản đầu tư mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và hạt giống (trong đó có cả việc mua sản phẩm của Syngenta). Tuy nhiên, người nông dân chỉ được bảo hiểm đối với một số loại cây trồng nhất định. Khoản phí bảo hiểm bằng 10% số tiền đầu tư. Người nông dân chi trả một nửa số tiền này nửa còn lại do người đề xuất phương án bảo hiểm và Ngân hàng thế giới đảm nhận. Đã có 12.000 nông dân tham gia, 1200 người đã nhận được khoản tiền bồi thường từ 15 đến 50% tổng số vốn đầu tư mà họ đã bỏ ra.
Tại Kenia, để gieo trồng ngô trên diện tích 0,5 ha phải chi khoảng 13.000 Schilling tiền vốn và có thể thu lại khoảng 30.000 Schilling. Phí bảo hiểm khoảng 3000 Schilling (10%). Nếu trong thời kỳ cây trồng phát triển mà lượng mưa giảm so với mức thông thường là 20% thì năng xuất cây trồng, theo kinh nghiệm lâu năm, cũng giảm tương ứng. Ai tham gia bảo hiểm sẽ nhận được khoản tiền bồi thường vì khoản thiếu hụt 20% này (tức 6000 Schilling).
Tiếng lành đồn xa, chỉ sau một năm số người tham gia bảo hiểm tăng lên 20.000 người.
Thanh toán tiền đền bù thông qua mạng điện thoại di động
Hiện tại “Kilimo Salama Plus” chấp nhận cả bảo hiểm cho từng công đoạn sản xuất hoặc cho cả một vụ thu hoạch. Mô hình bảo hiểm này chỉ có thể hoạt động được khi các đối tác có giải pháp được tự động hóa đến từng chi tiết. Thí dụ Quỹ bảo hiểm này có một mạng lưới quan trắc thời tiết dày đặc chạy bằng điện mặt trời. Số liệu được thu thập thường xuyên và chuyển về một trung tâm máy tính thông qua mạng lưới điện thoại di động của Safaricom để so sánh với các số liệu khí hậu bình quân trong những năm qua và đối chiếu với kết quả thu hoạch những năm gần đây. Trên cơ sở những dữ liệu này, hãng bảo hiểm tính mức độ tổn thất chung để đền bù chứ không phải tiến hành điều tra đối với từng trường hợp một. Việc nộp tiền bảo hiểm và chi trả tiền bồi thường được thực hiện qua M-Pesa, hệ thống chuyển tiền không thông qua ngân hàng, do đó không phải thực hiện các thủ tục mở tài khoản rắc rối, phức tạp, việc này được thực hiện qua điện thoại di động, đây chính là điều làm cho Safaricom nổi tiếng trên thế giới.
Cái lợi đối với người nông dân là nhờ có bảo hiểm nên những năm mùa màng thất bát chí ít họ cũng nhận được một khoản bồi thường đủ để mua sắm hạt giống và phân bón cho vụ tiếp theo. Đây vốn là khó khăn lớn nhất đối với nông dân nghèo ở châu Phi và đây cũng là nguyên nhân làm cho người nông dân luôn bị lâm vào cảnh bần hàn không thể thoát khỏi cái bẫy nghèo khổ. Cạnh đó thông qua điện thoại di động những người nông dân tham gia bảo hiểm còn thường xuyên được tư vấn, hướng dẫn liên quan đến việc gieo trồng, chăm sóc đối với các loại cây trồng chính như ngô, kê và đậu đỗ.
Vậy tập đoàn nông nghiệp được gì ?
Cái lợi đối với Syngenta cũng không nhỏ. Đầu tiên thông qua loại hình bảo hiểm này tập đoàn Syngenta buộc người nông dân phải gắn với mình. Tập đoàn chỉ thực hiện bảo hiểm với các loại hạt giống lai của Syngenta hay Seedco và thông qua mạng lưới phân phối của các tập đoàn này ở châu Phi. Do đó hàng năm người nông dân luôn phải mua hạt giống của các tập đoàn này.
Khi đã tạo dựng được sự lệ thuộc vào các loại hạt giống lai cũng là lúc nhà sản xuất giống xây dựng được một mạng lưới khách hành lâu dài. Đây là điều làm cho không phải ai cũng thấy dự án bảo hiểm này là hoàn hảo. Ông Johan van der Kamp thuộc Tổ chức Cứu đói thế giới của Đức ở Nairobi cho rằng, “điều này làm cho các doanh nghiệp có thể tăng giá hạt giống lai một cách vô tội vạ “. Hơn nữa, do chỉ có một số loại sản phẩm có thể được lựa chọn để bảo hiểm nên ảnh hưởng tiêu cực đến sự đa dạng sinh học. Hạt giống lai hiện nay đã được sử dụng rộng rãi trong nông nghiệp nhưng ông Van der Kamp vẫn kiên trì quan điểm: “Cuối cùng thì người nông dân vẫn là người bị thua thiệt.”
Tất nhiên Syngenta nhìn nhận vấn đề này hoàn toàn khác. Ông Marco Ferroni, giám đốc quỹ này hy vọng, dự án “Kilimo Salama Plus” sẽ thu hút được sự tham gia của 50.000 hộ nông dân, kể cả những hộ có diện tích trồng trọt tương đối lớn.
Do khí hậu ở Kenia thay đổi nên việc trồng ngô gặp nhiều khó khăn. Chuyên gia về phát triển van der Kamp cho rằng, “do thiếu nước nên việc trồng ngô ở Kenia có nhiều bất lợi.” Trong khi đó, ngô là loại lương thực quen thuộc của người dân. Đây chính là lý do vì sao dự án Syngenta lại được sự hưởng ứng của nông dân nghèo. Dù sao đi nữa thì trong tương lai người ta sẽ vẫn tiếp tục trồng ngô ở đây. Chính vì thế gia đình nông dân Koech cho rằng, “Đối với chúng tôi thì có bảo hiểm vẫn hơn không.”
Xuân Hoài (Theo Spiegel 2.4)