Bão tinh thần trên sàn chứng khoán
Sau mấy tháng sóng gió, cơn bão trượt giá trên sàn chứng khoán đã tạm thời lắng xuống. Liều thuốc an thần hữu hiệu nhất có lẽ là việc thu hẹp biên độ dao động 1% tại sàn HoSE và 2% tại sàn HaSTC. Nhờ đó khối lượng và giá trị giao dịch thông qua khớp lệnh phiên đều giảm đi rõ rệt. Ví dụ, hôm thứ 6 (28.03), số lượng giao dịch chỉ đạt hơn 3,7 triệu đơn vị, giá trị giao dịch đạt trên 224,486 tỷ đồng. Trong khi, phiên giao dịch hôm trước 27-3, tổng khối lượng giao dịch đạt 7,421,000 đơn vị; tổng giá trị giao dịch đạt 453.757 tỷ đồng. Dĩ nhiên nguyên tắc “không có người – không có vấn đề”, “không có giao dịch – sẽ không có biến động” - chỉ là giải pháp tình thế, bất đắc dĩ.
Bây giờ, khi đã bình tĩnh hơn, chúng ta có thể dành ít phút để chiêm nghiệm những gì đang diễn ra. Tạm thời, có thể làm một vài kết luận sau đây.
Thông báo kết quả đấu giá cổ phần Công ty 20 – Bộ Quốc phòng |
Thứ nhất, muốn thị trường ổn định đừng để chứng khoán và ngân hàng dẫm chân lên nhau. Ai cũng biết chứng khoán là một kênh huy động vốn và chia sẻ rủi ro rất hiệu quả. Khác với hệ thống ngân hàng, nơi hàng triệu người dân gửi tiền và niềm tin của mình cho một hoặc một nhóm người (Tổng giám đốc hoặc Hội đồng quản trị của ngân hàng), trao họ quyền quyết định tài sản của mình, thì trên sàn chứng khoán – mỗi nhà đầu tư là một thế giới riêng. Vì vậy, tại một thời điểm, trên sàn sẽ có hàng vạn quyết định đầu tư khác nhau, người mua kẻ bán, rủi ro vì thế sẽ được san sẻ. Chứng khoán nhờ vậy vững hơn, linh hoạt và nhanh hồi phục hơn ngân hàng trong bão táp tài chính. Tuy nhiên, điều này chỉ có được khi ngân hàng và chứng khoán tồn tại độc lập. Còn nếu chúng dẫm chân lên nhau thì hậu quả sẽ khó lường. Việc ngân hàng đua nhau lập công ty chứng khoán, tích cực tham gia chơi chứng khoán, rồi tranh nhau bán tháo cổ phiếu cầm cố trong thời gian qua là một ví dụ điển hình. Nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời quá trình giải chấp tràn lan như hiện nay thì màu xanh trên sàn chắc chắn sẽ không giữ được bao lâu. Lúc đó, thú thực tôi không biết chúng ta lấy công cụ nào nữa để cứu nguy chứng khoán? Nhưng có đúng là chứng khoán cần được cứu hay không?
Để trả lời câu hỏi thứ hai này, cần phải xem lại nghiêm túc mối quan hệ giữa thị trường chứng khoán và sức khỏe của nền kinh tế. Rõ ràng, VN-Index hiện chưa phải là hàn thử biểu của kinh tế Việt Nam. Điều này được nhiều người thừa nhận và cũng không khó để kiểm chứng. Suốt thời gian qua VN-index “vững vàng” đi xuống bất chấp những thông tin rất tốt về hiệu quả sản xuất kinh doanh của đại đa số công ty niêm yết trên sàn, bất chấp các nổ lực chống lạm phát đã có kết quả bước đầu của Chính phủ. Vì sao? Đơn giản là chứng khoán Việt Nam hiện đang là một sân chơi riêng, tồn tại độc lập ngoài lề nền kinh tế. Mà nếu vậy thì tại sao chúng ta lại phải nổ lực cứu chứng khoán làm gì? Nếu chỉ đơn thuần là để giải quyết vấn đề tâm lý? Cái khó của chúng ta là để hệ thống ngân hàng dấn quá sâu vào chứng khoán, bây giờ thắt chặt tiền tệ, ngân hàng khó khăn làm chứng khoán náo loạn. Do đó, theo chúng tôi, cái chúng ta cần tập trung bình ổn hiện nay không phải là chứng khoán mà chính là khả năng thanh khoản của hệ thống ngân hàng.
Thứ ba, nền kinh tế chuyển đổi và áp lực hội nhập nhanh vào sân chơi toàn cầu đang làm cho các mối quan hệ kinh tế của chúng ta méo mó, nhiều khi chẳng giống ai. Nhiều doanh nghiệp lao đao vì tự dưng huy động được quá nhiều vốn đầu tư. Bình thường đảm bảo sản xuất tốt chỉ cần vài chục tỷ, giờ bổng nhiên huy động được hàng trăm tỷ dễ dàng. Làm gì? Tiền nhiều không phải lúc nào cũng tốt và với ai cũng tốt. Nhiều tiền mà không biết làm gì, rất dễ dẫn tới làm bừa, làm ẩu, hậu quả thật khó lường. Bởi tiền chứng khoán, khác với tiền ngân hàng, đằng sau nó là một đội quân đầu tư chuyên nghiệp với nhiều yêu sách và kỳ vọng. Nói đâu xa, ngay bản thân Chính phủ cũng vậy, đầu tư nước ngoài tăng đột biến, ngay lập tức lạm phát tuột khỏi tầm kiểm soát. Mối quan hệ giữa Ngân hàng Nhà nước và ngân hàng thương mại cũng lạ, khi thì theo thị trường lúc thì theo mệnh lệnh. Chúng ta không nên biện hộ đó là đặc thù của mô hình kinh tế thị trường có sự kiểm soát của nhà nước. Bởi kiểm soát không phù hợp với qui luật chỉ góp phần tạo nên những giá trị ảo, gây hiệu ứng phụ khó chữa… Muốn có một nền kinh tế khỏe cần nhanh chóng xây dựng hệ thống thể chế minh bạch, công khai. Muốn minh bạch công khai – không còn cách nào khác là dám nhìn thẳng vào sự thật. Chúng ta đang ở đâu trong sân chơi toàn cầu? Kinh tế Việt Nam yếu ở những điểm nào? Mô hình phát triển của ta có vấn đề gì không? Sau đó mới đến chuyện cụ thể hơn: làm thế nào để tránh được suy thoái và phát triển bền vững?
Cuối cùng, chứng khoán Việt Nam là thị trường của niềm tin. Niềm tin mua gì cũng thắng đã giúp cho VN-Index leo lên đỉnh cao trong nửa đầu năm 2007. Niềm tin – phải tháo chạy bằng mọi giá đã đẩy chỉ số này xuống đáy dưới 500. Rõ ràng niềm tin đang quyết định sắc màu của sàn chứ không phải là sự chuyên nghiệp. Bây giờ, bình tĩnh lại chúng ta có thể nhận thấy mốc 500 điểm của VN-Index là mốc đáy của niềm tin – nếu giữ được trên mốc này thị trường sẽ bình phục. Còn mức trần sẽ là bao nhiêu? Với biên độ dao động như hiện nay thì không khó để dự đoán trong năm nay VN-Index cũng chỉ loanh quanh ở quảng 600-800 điểm. Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc vào hai yếu tố cơ bản: Mức độ suy thoái của kinh tế Mỹ và khả năng thích ứng của kinh tế Việt Nam.