Bảo vệ hai loại tế bào não để giảm nguy cơ sa sút trí tuệ 

Các nhà khoa học đã xác định được hai loại tế bào não có liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ (tình trạng suy giảm nhận thức do sự hư hại các mạch máu trong não bộ gây ra) ở người lớn tuổi. Phát hiện này có thể là cơ sở để các nhà khoa học tiếp tục phát triển những phương pháp mới để bảo vệ những tế bào này trước khi chúng chết. Kết quả được công bố trên Cell vào ngày 28/9.

Các mảng amyloid vón lại, rải rác quanh các tế bào thần kinh – một dấu hiệu đặc trưng của bệnh Alzheimer. Ảnh: SPL/Alamy.

Lý thuyết được chấp nhận rộng rãi nhất về bệnh Alzheimer cho rằng căn bệnh này là do sự tích tụ các protein amyloid trong não. Điều này dẫn đến các “mảng” amyloid giống như cục vón, từ từ giết chết các tế bào thần kinh và cuối cùng tàn phá trí nhớ và khả năng nhận thức. Nhưng không phải tất cả những người bị suy giảm nhận thức vào cuối đời đều có các khối amyloid trong não và không phải ai bị tích tụ amyloid cũng phát triển thành bệnh Alzheimer.

Nhà sinh học thần kinh Hansruedi Mathys tại Trường Y thuộc Đại học Pittsburgh ở Pennsylvania, nhà thần kinh học Li-Huei Tsai và nhà khoa học máy tính Manolis Kellis tại Viện Công nghệ Massachusetts ở Cambridge cùng các đồng nghiệp đã quyết định tìm hiểu tình trạng này. Họ đã tận dụng dữ liệu từ một nghiên cứu lớn theo dõi các kỹ năng nhận thức và vận động ở hàng nghìn người cao tuổi. Các nhà nghiên cứu đã kiểm tra các mẫu mô từ 427 bộ não của những người từng tham gia nhưng hiện tại đã qua đời. Một số người tham gia mắc chứng mất trí nhớ điển hình của bệnh Alzheimer, một số bị suy giảm nhận thức nhẹ và số người còn lại thì không có dấu hiệu suy giảm trí tuệ.

Các nhà nghiên cứu đã phân lập các tế bào từ vỏ não trước trán của mỗi người tham gia, đây là vùng liên quan đến chức năng não cấp cao như lập kế hoạch, giải quyết vấn đề và kiểm soát cảm xúc. Để phân loại các tế bào, họ đã giải trình tự tất cả các gene hoạt động trong mỗi tế bào. Điều này giúp họ tạo ra một bản đồ não cho thấy các loại tế bào khác nhau sẽ xuất hiện ở đâu.

Nhóm nghiên cứu đã xác định được hai loại tế bào quan trọng có dấu hiệu di truyền cụ thể. Một người có gene mã hóa reelin – một loại protein liên quan đến rối loạn não như tâm thần phân liệt, và một người khác có gene mã hóa somatostatin, một loại hormone điều chỉnh các quá trình sinh lý trên khắp cơ thể.

Các nhà nghiên cứu nhận thấy ở những người bị suy giảm nhận thức mức độ cao, số lượng những tế bào này lại tương đối thấp. Ngược lại, những người không bị suy giảm nhận thức có số lượng những tế bào này cao, ngay cả khi họ cũng có một lượng lớn amyloid trong não – dấu hiệu của bệnh Alzheimer. Điều này cho thấy những tế bào này bảo vệ não chống lại các triệu chứng của bệnh.

Hầu hết các nghiên cứu về bệnh Alzheimer đều tập trung vào các tế bào thần kinh kích thích, những tế bào truyền tín hiệu để kích hoạt các tế bào thần kinh khác. Nhưng các tác giả phát hiện ra rằng các tế bào có reelin hoặc somatostatin là các tế bào thần kinh ức chế, ngăn chặn sự tương tác giữa các tế bào thần kinh. Do đó, những tế bào ức chế này có thể đóng vai trò nào đó đối với các loại chức năng nhận thức bị mất khi một người mắc bệnh Alzheimer.

 “Đây là một bài báo thú vị”, Lea Grinberg, nhà thần kinh học tại Đại học California, San Francisco, nhận định. “Cho đến nay, hầu hết những công trình hướng đến phát triển các phương pháp điều trị bệnh Alzheimer đều tập trung vào cách tấn công các mảng amyloid trong não, nhưng phát hiện mới này có thể giúp xác định các phương thức để bảo vệ những tế bào não dễ bị tổn thương”.

Jerold Chun, nhà khoa học thần kinh tại Viện khám phá y tế Sanford Burnham Prebys ở La Jolla, California, cho rằng việc mất đi các tế bào ức chế có thể giải thích lý do tại sao những người mắc bệnh Alzheimer dễ bị co giật do hoạt động thần kinh quá nhiều. Theo ông, tập bản đồ mà nhóm nghiên cứu đã phát triển sẽ là cơ sở thông tin hữu ích cho những nhà khoa học khác. □

Tuấn Đỗ lược dịch

https://www.nature.com/articles/d41586-023-03012-7

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)