Bảo vệ hơn nữa quyền lợi của nhà sản xuất và người tiêu dùng
Ngày 28/12, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa, Bộ Công thương đã tổ chức Hội nghị sơ kết chương trình hành động “ Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nhằm đánh giá tình hình thực hiện năm 2011 và dự thảo kế hoạch, mục đích triển khai trong năm 2012.
Thị trường trong nước tiếp tục duy trì tăng trưởng bình quân hàng tháng trên 20% so với cùng kỳ năm trước. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước ước đạt hơn 2.000 tỷ đồng, tăng 24% so với năm 2010, là mức tăng khá cao trong bối cảnh nền kinh tế gặp khó khăn, tiêu dùng sụt giảm. 90% người dân được hỏi ở TP Hồ Chí Minh trả lời đã và đang dùng hàng Việt Nam, con số này ở Hà Nội là 83%.
Theo đánh giá của Bộ Công thương, tuy công tác xúc tiến thương mại trong năm qua – với 22 chương trình diễn ra tại nhiều địa bàn, bao gồm cả nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo có tổng chi phí hơn 20 tỷ – đã đạt những kết quả tích cực, nhưng thực tế tình hình thương mại trong nước vẫn còn rất nhiều khó khăn và tồn tại. Điển hình là tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ diễn biến ngày càng phức tạp và có xu hướng gia tăng về quy mô (số lượng và giá trị hàng vi phạm), lĩnh vực, phương thức sản xuất và hình thức tổ chức tiêu thụ.Vẫn còn những doanh nghiệp lợi dụng khuyến mại để thực hiên hành vi gian lận thương mại, tiêu thụ các mặt hàng tồn, hàng cũ, hàng nhái, sắp hết hạn sử dụng, ảnh hưởng đến lợi ích, lòng tin của người tiêu dùng.
Tính đến thời điểm này, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra hơn 156 nghìn vụ, xử lý hơn 68 nghìn vụ ( trong đó khoảng 10 nghìn vụ buôn bán hàng lậu, hàng cấm; hơn 11 nghìn vụ hàng giả, hàng kém chất lượng, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; hơn 39 nghìn vụ kinh doanh trái phép và vi phạm khác; gần 7.600 vụ vi phạm lĩnh vực giá với tổng số thu khoảng 256 tỷ đồng.
Trong dịp cuối năm và Tết nguyên đán Nhâm Thìn sắp đến, thị trường cần những hoạt động giám sát, kiểm tra sát sao hơn nữa từ các cơ quan chức năng, đặc biệt trong khâu kiểm duyệt vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo chất lượng cho người tiêu dùng.
Nhiệm vụ, mục tiêu đề ra trong năm 2012 vẫn là khắc phục những tồn đọng trong năm 2011, đẩy mạnh hơn nữa công tác vận động người dân, trong đó trước hết là cán bộ công chức, viên chức ưu tiên dùng hàng Việt. Nhưng để có được lòng tin của người dân đối với hàng Việt thì cần đẩy mạnh hơn nữa công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống đầu cơ, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm tra việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết. Và một điều quan trọng nữa là xử lý kịp thời các vi phạm nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhà sản xuất và người tiêu dùng.