Bệnh tiểu đường: tăng gấp đôi nhưng hơn một nửa không được điều trị
Trên toàn cầu, tổng số người trưởng thành mắc bệnh tiểu đường type 1 hoặc type 2 trên toàn cầu đã vượt mốc 800 triệu, theo một nghiên cứu mới trên Lancet của nhóm tác giả Imperial London.
Tỷ lệ này đã tăng gấp đôi từ khoảng 7% lên khoảng 14% dân số trong giai đoạn 1990-2022, trong đó, tỷ lệ mắc tiểu đường ở nam giới tăng từ 6,8% lên 14,3% và ở nữ giới từ 6,9% lên 13,9%. Cùng với sự gia tăng dân số và già hóa, ước tính có khoảng 828 triệu người trưởng thành mắc tiểu đường trong năm 2022, gấp 4 lần số người ước tính mắc bệnh hồi năm 1990, cách đây ba thập kỷ.
Tỷ lệ mắc tiểu đường thay đổi đáng kể ở các quốc gia, trong đó các nước thu nhập thấp và trung bình có mức tăng lớn nhất. Ví dụ Pakistan là quốc gia có tỷ lệ mắc tiểu đường ở phụ nữ tăng từ 9,0% năm 1990 lên 30,9% năm 2022, cao nhất trong số các quốc gia, trong khi một số quốc gia có thu nhập cao như Nhật Bản, Canada và nhiều nước Tây Âu có tỷ lệ mắc tiểu đường trong ba thập kỷ qua không thay đổi, thậm chí giảm nhẹ.
Đáng chú ý, tỷ lệ điều trị tiểu đường vẫn ở mức thấp tại nhiều nước thu nhập thấp và trung bình, khiến gần 450 triệu người trưởng thành từ 30 tuổi trở lên (59%) không được điều trị trong năm 2022 – gấp 3,5 lần so với năm 1990. Ngược lại, các khu vực như Bắc Mỹ, châu Đại Dương, Trung và Tây Âu cùng một số nước ở Mỹ Latin, Đông Á và Thái Bình Dương lại được cải thiện đáng kể về tỷ lệ điều trị, với hơn 55% số người mắc bệnh tại các quốc gia ở khu vực này được điều trị vào năm 2022. Quốc gia có tỷ lệ điều trị cao nhất là Bỉ, với 86% ở nữ giới và 77% ở nam giới.
Như vậy, khoảng cách giữa các quốc gia có tỷ lệ điều trị cao nhất và thấp nhất đã tăng từ 56% lên 78% ở nữ giới và từ 43% lên 71% ở nam giới trong giai đoạn 1990-2022.
GS. Majid Ezzati (Trường Y tế Công cộng, ĐH Hoàng gia London), tác giả chính của nghiên cứu này đánh giá sự bất bình đẳng này “đặc biệt đáng lo ngại” vì ở các quốc gia thu nhập thấp, người mắc bệnh thường trẻ hơn. Nếu không được điều trị hiệu quả, họ sẽ đối mặt với nguy cơ biến chứng suốt đời, bao gồm bệnh tim, tổn thương thận hoặc mất thị lực, thậm chí tử vong sớm.
Một nguyên nhân quan trọng dẫn đến sự gia tăng tỷ lệ mắc tiểu đường type 2 và sự khác biệt giữa các quốc gia là tình trạng béo phì và chế độ ăn uống kém. Tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường cao hoặc tiếp tục tăng ở những khu vực mà tình trạng béo phì phổ biến hơn so với nhiều quốc gia có thu nhập cao, đặc biệt là các quốc gia ở Thái Bình Dương và Tây Âu, nơi nhìn chung tỷ lệ béo phì và tiểu đường không tăng hoặc tăng tương đối ít.
TS. Ranjit Mohan Anjana từ Quỹ nghiên cứu bệnh tiểu đường Madras, Ấn Độ, nói rằng cần chú trọng phòng ngừa bệnh tiểu đường thông qua chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục để có sức khỏe tốt hơn. “Phát hiện của chúng tôi cho thấy cần phải có những chính sách có mục tiêu lớn hơn, đặc biệt ở những khu vực có thu nhập thấp trên thế giới, nhằm hạn chế thực phẩm không lành mạnh và giúp thực phẩm lành mạnh có giá cả phải chăng. Đồng thời cũng cần khuyến khích tập thể dục thông qua các biện pháp như trợ cấp cho thực phẩm lành mạnh, cung cấp bữa ăn học đường miễn phí, cũng như thúc đẩy các khu vực an toàn để đi bộ và tập thể dục, bao gồm miễn phí vào công viên công cộng và trung tâm thể hình”.
Trong khi đó, GS. Jean Claude Mbanya từ Đại học Yaoundé 1, Cameroon nhận xét rằng, phần lớn những người mắc tiểu đường chưa được điều trị thường không được chẩn đoán, vì vậy việc tăng cường phát hiện tiểu đường phải trở thành ưu tiên hàng đầu tại các quốc gia có tỷ lệ điều trị thấp. “Để chẩn đoán bệnh tiểu đường tốt hơn, cần có các sáng kiến như tầm soát tại nơi làm việc và cộng đồng, mở rộng hoặc linh hoạt hóa giờ làm việc của các cơ sở y tế để người dân có thể khám bệnh ngoài giờ hành chính, tích hợp tầm soát và chăm sóc bệnh tiểu đường với các chương trình đã có sẵn như HIV/AIDS và lao, đồng thời tận dụng các nhân viên y tế cộng đồng đáng tin cậy”, ông nói.□
Trà My lược dịch
Nguồn: https://www.imperial.ac.uk/news/258217/diabetes-rate-doubles-800-million-adults/
Bài đăng Tia Sáng số 22/2024