Bếp gas hồng ngoại tận dụng phụ phẩm nông nghiệp
Nhóm tác giả thuộc Viện Nghiên cứu và phát triển vùng, Bộ KH&CN, gồm PGS.TS Lê Tất Khương, ThS Hoàng Đức Trọng, ThS Nguyễn Tùng Cương và Nguyễn Mạnh Hà, đã nghiên cứu thành công bếp gas sinh học hồng ngoại tận dụng được nguồn chất đốt từ phế thải và phụ phẩm nông nghiệp.
Bếp gồm lò hóa khí hình trụ hai lớp bằng kim loại, giữa có bộ phận cách nhiệt có thể chịu hàng ngàn độ C, với khoang đốt, van đốt và hệ thống nén nhiên liệu với nguyên liệu là các phụ phẩm nông nghiệp như vỏ trấu, rơm rạ, lõi ngô…, tạo thành viên nén. Khi được đưa vào khoang đốt và chuyển thành khí cháy, khí sẽ chuyển sang bộ phận đốt và tạo hồng ngoại.
Bếp có khả năng vận hành liên tục, không bị tắt lửa, giảm thiểu khí độc như các loại bếp củi, bếp than tổ ong, bếp gas… Qua thực tế, chi phí nguyên liệu cho bếp gas hồng ngoại cũng giảm từ 25 đến 40% so với bếp gas thường và từ 10 đến 30% so với bếp than tổ ong. Ngoài ra, bếp gas hồng ngoại còn góp phần giải quyết các phụ phẩm nông nghiệp, tránh hiện tượng đốt rơm rạ hoặc bỏ phí sau thu hoạch nông vụ.
Trong tương lai, bếp gas sinh học hồng ngoại có thể mở rộng áp dụng ở khu vực nông thôn, nơi sẵn có nguồn nguyên liệu đa dạng và phong phú.