Bí mật của da Vinci trong bức Mona Lisa

Hơn một thập niên tìm hiểu và phân tích kiệt tác Mona Lisa, Pascal Cotte – một nhà nghiên cứu độc lập về lịch sử nghệ thuật bằng hình ảnh đa phổ ở Pháp, đã phát hiện ra những chi tiết nằm bên dưới những nét cọ của danh họa Ý Leonardo da Vinci.


Một triển lãm Mona Lisa số hoá của Lourve. Ảnh: Lourve

Được treo ở cung điện Lourve, Paris, bức họa vẽ vào đầu thế kỷ 16 Mona Lisa là một trong những tác phẩm nổi tiếng bậc nhất của danh họa Leonardo da Vinci. Nhiều người trên khắp thế giới cất công tới nơi trưng bày 35.000 hiện vật nghệ thuật này chỉ để ngắm Mona Lisa: ước tính số người bị ánh mắt nàng cuốn hút chiếm 80% trong tổng số 10,2 triệu khách hằng năm.

Khi hoàng đế Francis I của Pháp mua bức họa để trang trí cho phòng tắm của mình vào năm 1517 với mức giá 4.000 đồng florin vàng, ông không ngờ sau đó nhiều thế kỷ, Mona Lisa lại trở thành một trong những bức họa đắt giá bậc nhất thế giới. Tuy không trải qua cuộc đấu giá hiện đại nào nhưng người ta đã định giá bảo hiểm 100 triệu USD khi đưa bức họa từ cung điện Louvre đến Washington và New York, Mỹ cho một cuộc triển lãm đặc biệt từ ngày 14/12/1962 đến ngày 12/3/1963 (có thể quy đổi mức giá tương đương ngày nay là 660 triệu USD).

Dĩ nhiên, sức hút của bức họa không chỉ nằm ở sự đắt giá của nó mà là ở giá trị nghệ thuật. Bức họa miêu tả chân dung của một người phụ nữ Ý tên là Lisa Gherardini, thành viên dòng họ Gherardini – một trong những dòng họ danh giá bậc nhất ở vùng Tuscany, và là vợ của thương gia lụa Francesco del Giocondo. Bức họa được cho là vẽ trong những năm 1503 và 1506; tuy nhiên sau đó Leonardo da Vinci có thể đã tiếp tục hoàn thiện bức tranh vào cuối năm 1517. Người đời sau biết đến thông tin này là nhờ Giorgio Vasari, nhà sử học kiêm họa sĩ, nhà văn thế kỷ 16, người đầu tiên sử dụng thuật ngữ Phục hưng (Renaissance) trên văn bản.

Bức Mona Lisa có điểm tương đồng rõ rệt với nhiều nét miêu tả của nghệ thuật Phục hưng về Đức Mẹ, người được coi là một mẫu hình lý tưởng của phái nữ thời điểm đó. Da Vinci vẽ người phụ nữ ngồi trên một chiếc ghế bành, đôi tay gập lại, một dấu hiệu cho thấy dáng điệu kín đáo và dè dặt. Nàng im lặng ngồi nhưng sống động một cách lạ lùng, đây là điều mà Leonardo da Vinci đã đạt được bằng kỹ thuật sfumato – một phương pháp vẽ được áp dụng để tạo sự chuyển đổi nhuần nhuyễn giữa các pha màu sắc, bắt chước khu vực nằm ngoài hoặc nằm trong phạm vi tiêu điểm mắt người (da Vinci thường sử dụng sfumato sau khi thực hiện nhiều nghiên cứu về quang học và thị giác). Chính sự hòa trộn mềm mại này đã đem lại cho Mona Lisa một biểu hiện trạng thái bâng khuâng mơ hồ trên khóe miệng và khóe mắt. Mặt khác, ánh nhìn kỳ lạ của nàng như theo sát người xem khi họ đi qua bức tranh, điều mà nhiều nhà khoa học gọi là “hiệu ứng Mona Lisa”.

Mới đây, Pascal Cotte, người nghiên cứu về các công nghệ về chụp ảnh đa phổ, đã xuất bản bài báo “Mona Lisa’s spolvero revealed” trên Journal of Cultural Heritage, đề cập đến những chi tiết ẩn dưới các lớp cọ của danh họa, kết quả thu được kể từ khi ông bắt đầu nghiên cứu về bức họa nổi tiếng này năm 2004.

 

Không chỉ có một Mona Lisa

 

Trong vòng hơn một thập kỷ nghiên cứu về Mona Lisa, Pascal Cotte đã thu thập được một bộ dữ liệu quý gồm 1.650 bức ảnh bằng kỹ thuật do chính mình phát triển. Không phải ai cũng có được may mắn này như Cotte. Lợi thế lớn nhất mà ông có được là danh tiếng của công ty Lumiere Technology do ông đồng sáng lập vào năm 1998. Lumiere Technology thường được mời tham gia vào hoạt động ở các bảo tàng và phòng thí nghiệm lịch sử nghệ thuật bởi công nghệ không phá hủy trong phân tích các bức họa không chỉ cho phép thực hiện các khám phá đặc biệt mà còn góp phần đem đến những giải pháp tốt trong bảo tồn. Năm 2004, Cotte được Lourve mời đến để số hóa Mona Lisa với công nghệ Lumiere do chính mình phát triển. Ông đã áp dụng phương pháp khuếch đại lớp (LAM) trên những bức ảnh có độ phân giải cao tới 240 triệu điểm ảnh chụp bằng camera đa phổ có khả năng dò được ánh sáng phản xạ của 13 bước sóng và “bắt” được sự tương tác giữa ánh sáng và vật chất. Nhờ vậy, ông có thể phát hiện được sự hiện diện của than chì hoặc chất liệu khác mà mắt thường không thể thấy trên bề mặt các bức vẽ. “Hệ quang phổ này cho phép chúng tôi nhìn thấy rất nhiều đường vẽ cực mảnh và độ phân giải cao cho phép khuếch đại cả tín hiệu hết sức mờ nhạt và phân biệt được các thông tin có được”, Cotte giải thích với Artnet News qua email.

Cùng với cộng sự là Lionel Simonot, một nhà vật lý ở trường Đại học Pitiers, Cotte đã phát hiện ra khi vẽ Mona Lisa, Leonardo da Vinci đã sử dụng kỹ thuật spolvero, phương pháp chuyển một thiết kế từ một bản mẫu lên bề mặt một tấm toan hay một bức tường… Người ta thường đặt song song bản vẽ mẫu lên trên bề mặt toan vẽ, sau đó rắc bột mịn như than chì, phấn hoặc đất sét lên những cái lỗ được tạo ra bằng vật nhọn như kim dọc theo đường viền của bản mẫu. Lúc đó, những đường rất mảnh của bụi mịn sẽ in lên bề mặt tấm toan để giúp họa sĩ có thể dễ dàng lặp lại những phác thảo ưng ý của chính mình. Khó có thể quan sát bằng mắt thường sự hiện diện của spolvero.

Leonardo da Vinci đã học kỹ thuật spolvero từ thời còn ở xưởng họa của thầy mình là Andrea del Verrocchio, và áp dụng trên nhiều bức tranh, ví dụ như The Lady with an ermine (Người đàn bà và con chồn), Ginevra de’Benci, La Belle Ferronnière (Chân dung người phụ nữ vô danh). “Do đó chúng ta không ngạc nhiên khi khám phá kỹ thuật này ở Mona Lisa”, các tác giả viết trong bài báo. Dấu vết của spolvero tiết lộ là da Vinci đã thay đổi vị trí của đầu và tay. “Ông thay đổi vị trí của đầu và khiến cho Mona Lisa có thể nhìn thẳng vào bạn”, Cotte nói.


Kết quả phân tích các bức ảnh chụp Mona Lisa. Nguồn: Pascal Cotte

Vì sao đến giờ người ta mới phát hiện ra kỹ thuật spolvero ở Mona Lisa? Trước đây, công nghệ chụp ảnh bằng tia hồng ngoại truyền thống chưa đủ khả năng làm được việc này. Trong nghiên cứu về Mona Lisa năm 2006, các kỹ thuật tia hồng ngoại mà Louvre áp dụng mới chỉ phát hiện ra những khu vực cần bảo tồn – các ngón tay trái, các chi tiết của tay phải, và một lớp bện xoắn dưới vai trái, nhưng họ không đề cập đến sự hiện diện của spolvero trong công bố của mình. Trong năm 2019, bất chấp việc đã có trong tay thiết bị hiện đại nhưng họ vẫn chưa có được bằng chứng về nó.

Cotte tiết lộ phải kiểm tra cả nghìn tấm ảnh chụp từng khu vực cực nhỏ với kích thước ở mức độ nano mét trên bề mặt bức tranh để có thể chắc chắn về việc phát hiện ra dấu vết mờ nhạt của than chì và riêng việc đo đạc độ dày của các đường than chì diễn ra trong suốt một năm. Họ phát hiện ra những đường viền bằng chì trắng trộn lẫn với dầu quả óc chó và ô xít chì trùng khớp với những đốm than chì bên dưới, không rõ rệt ở trán nhưng rõ nét ở tay và bầu trời phía sau.

Bằng việc ghép nối các thông tin với nhau, Cotte đã có thể hình dung về cách Leonardo da Vinci sử dụng spolvero cho bức vẽ này giống như các nghệ sĩ cùng thời. “Khám phá này rất có ý nghĩ trong việc hiểu về cách tiến hành vẽ bức tranh bởi nó đặt bức tranh vào một thời kỳ mà kỹ thuật này được sử dụng rộng rãi, đồng thời làm phong phú cơ sở dữ liệu thông tin về những kỹ thuật ông thường áp dụng, ví dụ như khoảng cách lỗ, bột than chì, chiều rộng của đường chì… Bên cạnh đó, nó còn chứng minh được sự tồn tại của một bản vẽ trên giấy mà danh họa có thể sử dụng để sao chép và có lẽ có các phiên bản cũng được tạo ra từ bản vẽ này. Chúng tôi đang nghĩ đến phiên bản Mona Lisa được trưng bày ở Bảo tàng Prado, Madrid từ năm 1819”, ông viết trong công bố.

Mona Lisa là người “đến sau”?

 

Đây không phải là lần đầu tiên Cotte nhận diện được các đặc điểm bị giấu kín dưới bề mặt bức tranh. Năm 2015, ông đã tuyên bố là da Vinci đã phác thảo ra những nét chân dung của một người phụ nữ hoàn toàn khác biệt và xuất bản cuốn sách Lumiere on the Mona Lisa: Hidden portraits với niềm tin là mình đã phát hiện ba chân dung dưới hình ảnh nàng Mona Lisa bí ẩn, trong đó có thể là một chân dung theo phong cách Đức mẹ.

Lý giải của Cotte gây ra nhiều tranh cãi. Phần lớn các nhà lịch sử nghệ thuật và chuyên gia mĩ thuật đều nói có quá nhiều điều cần phải đọc thêm để lý giải về bức tranh này. Công việc tái tạo một bức chân dung theo kiểu số hóa như kiểu Cotte không đáng tin cậy. Gay gắt hơn, có nhà lịch sử nghệ thuật giấu tên cho rằng “nhà khoa học đó [ám chỉ Cotte] đã dành quá nhiều thời gian vào photoshop”.

Martin Kemp, một giáo sư lịch sử nghệ thuật hồi hưu của trường Đại học Oxford, có vẻ như ôn hòa: “Đây là một dữ liệu đặc biệt và rõ ràng một cách hoàn hảo là bức tranh này đã trải qua những thay đổi quan trọng trong quá trình vẽ. Leonardo cũng đã từng làm điều này với những bức họa khác; ông ấy thực sự là người thích sửa chữa tác phẩm của chính mình”. Tuy nhiên Kemp cũng không quên nói thêm “Ngay cả khi ‘lột’ các lớp sơn và phát hiện ra hai hay ba chân dung dưới bề mặt bức tranh thì điều đó cũng không thể chứng minh cho nhận định thiếu căn cứ của Cotte. Thực ra, quá trình sáng tạo của Leonardo như một dòng chảy, có những ý tưởng đến rồi lại đi mà thôi”.

Trong khi đó, cây bút mĩ thuật Jonathan Jones của The Guardian phản đối việc Mona Lisa ban đầu là chân dung của “một người phụ nữ khác”: “Chúng ta nên nhớ da Vinci vẽ bức tranh này trong nhiều năm – từ năm 1503 cho đến năm 1506, với những hiểu biết về khoa học và nghệ thuật”. Nhìn lại kết quả công việc của Cotte, Jonathan Jones nhấn mạnh là ông đã quên đi việc da Vinci là một thiên tài. “Do đó, da Vinci không làm bất cứ điều gì tầm thường như vẽ bức chân dung quan trọng của mình lên gương mặt của ai đó. Những gì ông ấy đã làm thật cuốn hút: ông ấy đã họa chân dung cho đến khi khuôn mặt của một người phàm trở thành một huyền thoại”.

Tuy nhiên Cotte không quá để tâm đến những nhận xét đó. Ông cho rằng “Khám phá này làm tăng thêm bí ẩn về sự sáng tạo, và cuối cùng chúng tôi hiểu ra rằng bức họa này là kết quả của một hoạt động sáng tạo diễn ra trong thời gian dài – vốn kéo dài hơn một thập kỷ và trong nhiều giai đoạn. Tôi cảm thấy tự hào bởi vì không ai trả tiền cho tôi làm điều đó. Tôi chỉ thực hiện nghiên cứu với niềm say mê khoa học. Việc khám phá ra điều gì mới mẻ và hình thành một giả thuyết vững chắc cần mất một thời gian dài”.

Vậy việc soi tỏ rất kỹ Mona Lisa ở nhiều góc độ có làm thay đổi cái nhìn của ông về bức họa? Cotte mỉm cười “Khi kết thúc việc tái cấu trúc khuôn mặt của Lisa Gherardini, tôi ngắm lại cô ấy và thấy cô hoàn toàn khác biệt với Mona Lisa ngày nay. Không thể là cùng một người được”.

Dù sao việc chưa xác quyết được hết những bí mật về Mona Lisa không phải không có lợi. “Sự tò mò của công chúng thi thoảng lại trỗi lên khiến họ có thể tự hỏi là ‘liệu có thể đoán được bức chân dung bí ẩn đó bằng việc tới tận Louvre không’. Tại sao lại không nhỉ?”.

 

Tô Vân tổng hợp

 

Nguồn:

https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S1296207420304362

https://www.smithsonianmag.com/smart-news/theres-hidden-drawing-behind-mona-lisa-180975947/

https://www.independent.co.uk/arts-entertainment/art/news/secrets-mona-lisa-french-scientist-pascal-cotte-claims-know-secret-behind-world-s-most-famous-smile-a6765681.html

Tác giả

(Visited 61 times, 2 visits today)