Biến đổi khí hậu tác động đến giáo dục và học tập

Biến đổi khí hậu (BĐKH) có nguy cơ làm gia tăng các rào cản ở hiện tại và tương lai trong nỗ lực phổ cập giáo dục toàn diện cho tất cả trẻ em và thanh thiếu niên, theo Báo cáo tác động của BĐKH đến bất bình đẳng đa chiều ở Việt Nam, do Viện Nghiên cứu phát triển Mekong và Oxfam Việt Nam mới công bố.

Ảnh: Giaoducbiendoikhihau

Báo cáo đánh giá, cách thức mà BĐKH tác động đến lĩnh vực giáo dục khá phức tạp. BĐKH có thể tác động trực tiếp, khiến trường học bị phá hủy, thời gian học tập của trẻ em bị trì hoãn do thiên tai như lũ lụt và mưa bão gây ra. Mặt khác, BĐKH có thể gây ra tác động ở mức độ gián tiếp, ví dụ, nhiệt độ tăng và thay đổi về xu hướng lượng mưa có thể tạo ra những tác động tiêu cực đến sinh kế nông nghiệp, tạo thêm áp lực tài chính cho các hộ gia đình dễ bị tổn thương, từ đó đẩy họ đến lựa chọn để cho con cái đi làm kiếm thu nhập thay vì đi học. Dưới đây là một số thông tin từ báo cáo:

Bằng chứng từ nhiều quốc gia đã chứng minh rằng cứ mỗi năm đi học tăng thêm có thể làm tăng thu nhập của một cá nhân khoảng 8-10% (1). Ngược lại, thu nhập cả đời của một người có thể giảm 3% nếu họ mất đi một phần ba thời gian của một năm học, theo kết quả các phân tích toàn cầu về giáo dục bị bỏ lỡ (2). Cái giá của việc không được đi học không chỉ nằm ở việc thu nhập của một lứa học sinh bị giảm sút trong tương lai mà nhìn rộng hơn, một phần lực lượng lao động kỹ năng kém sẽ làm chậm tốc độ tăng trưởng của cả một quốc gia.

Tác động của BĐKH trong lĩnh vực giáo dục không đồng đều giữa các quốc gia và giữa các nhóm dân cư do tồn tại các bất bình đẳng trong năng lực quản lý rủi ro và khả năng chống chịu thiên tai. Các nước đang phát triển, với hệ thống giáo dục mong manh hơn, có khả năng phải đối mặt với nhiều thách thức hơn. Tác động sâu sắc của BĐKH còn liên quan tới khả năng của các hộ gia đình để đầu tư vào giáo dục cho trẻ em cũng như khả năng học tập của trẻ ở trường, hai yếu tố thường ít được ghi nhận hơn nhưng lại có hậu quả mang tính lâu dài.

Trước tiên và quan trọng nhất, thu nhập giảm sút do thời tiết cực đoan và thiên tai có thể dẫn đến việc trẻ em bị buộc phải nghỉ học hoặc bỏ học bởi khả năng đầu tư cho giáo dục chủ yếu được quyết định dựa trên tình hình kinh tế của hộ gia đình. Trong bối cảnh BĐKH hiện nay, mức độ trầm trọng của tác động này sẽ ngày càng lớn đối với những nhóm hộ gia đình có sinh kế dựa nhiều vào tài nguyên thiên nhiên, sản xuất phụ thuộc vào các điều kiện thời tiết và khí hậu. Về mặt này, các hộ gia đình nghèo ở nông thôn là đối tượng đặc biệt dễ tổn thương do họ phải chịu gánh nặng kép cả về hoàn cảnh kinh tế và yếu tố môi trường.

BĐKH sẽ làm trầm trọng thêm các vấn đề liên quan đến dinh dưỡng như khan hiếm lương thực, đói ăn và suy dinh dưỡng thể thấp còi, tất cả đều liên quan trực tiếp đến khả năng học tập của trẻ em. Cụ thể hơn, nhiều kết quả nghiên cứu đã chỉ ra rằng trẻ em suy dinh dưỡng thường đi học ít hơn, bị suy giảm khả năng tập trung, và có điểm số thấp hơn, cũng như gặp phải nhiều vấn đề về sức khỏe hơn so với các bạn được nuôi dưỡng tốt (3).

Ở Việt Nam, trẻ em thuộc các hộ gia đình nghèo nhất có nguy cơ bị thấp còi cao gấp 3 lần so với trẻ em thuộc các gia đình khá giả, trong đó Tây Nguyên, Trung du và Miền núi phía Bắc là những vùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Báo cáo ghi nhận các trường hợp trẻ em không đủ thức ăn đầy đủ dinh dưỡng, thay vào đó, em bé phải ăn thức ăn rắn từ khá sớm theo bữa ăn chung của bố mẹ. Thực hành nuôi dưỡng trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ không đầy đủ khiến trẻ có nguy cơ phát triển trí não kém, khả năng học tập yếu, khả năng miễn dịch thấp, gia tăng các bệnh nhiễm trùng (4).

Các đánh giá về BĐKH cho thấy, Đồng bằng sông Cửu Long, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên và Miền núi phía Bắc là những khu vực mà các hộ gia đình và trẻ em có khả năng phải di cư cao nhất do có mức độ tiếp xúc và nhạy cảm cao với BĐKH. Ngay cả khi BĐKH không trực tiếp khiến người dân phải di dời thì vẫn sẽ làm tăng tần suất và cường độ của các thiên tai và các áp lực từ môi trường, gây áp lực di cư. Một phân tích thực nghiệm gần đây trên 470 xã thuộc 12 tỉnh thành đã chứng minh ở các xã lũ lụt thường xuyên hơn hoặc nghiêm trọng hơn trong thập kỷ qua thì lượng dân di cư cũng gia tăng đáng kể.

Đối với trẻ em di cư, chuyển trường có thể làm gián đoạn việc học, gây ra các nguy cơ tiềm ẩn đối với khả năng tiếp thu và kỹ năng xã hội của trẻ. Ngoài ra, rào cản chính sách về đăng ký hộ khẩu thường trú cũng đang cản trở nhiều gia đình trong việc tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản bao gồm cả giáo dục cho con cái. Đối với nhóm trẻ em không di cư cùng cha mẹ, ở lại địa phương cùng ông bà, người thân thì cũng vẫn bị ảnh hưởng do cha mẹ di cư. Việc thường xuyên bị tách khỏi cha mẹ hoặc thiếu thốn chăm sóc của cha hoặc mẹ gây ra nhiều tác động tiêu cực đến sức khỏe, hành vi, và thành tích học tập của trẻ.

Nguồn tài liệu dẫn theo Báo cáo:
(1) Ngân hàng Thế giới (2018). Báo cáo Phát triển Thế giới: Học để Nhận thức được Tiềm năng của Giáo dục. Washington, DC: Nhóm
Ngân hàng Thế giới.
(2) Hanushek, E. A., & Woessmann, L. (2020). Các Tác động Kinh tế của Các Thiếu hụt về Học tập. OECD.
(3) Galal OHJ. Mối quan hệ giữa dinh dưỡng và kết quả học tập của trẻ em. Tạp chí Dinh dưỡng Vương quốc Anh. 2003;25:11–20.
Shariff, M., Bond, J., & Johnson, N. (2000). Dinh dưỡng và thành tích học tập của trẻ em trong các trường tiểu học ở thành thị tại
Malaysia. Tạp chị Dinh dưỡng Lâm sàng Châu Á và Thái Bình Dương, 9(4), 264-73
(4) UNICEF (2019). Tình hình Trẻ em trên Thế giới

Tác giả

(Visited 150 times, 1 visits today)