Biến rác thành sản phẩm hữu ích
Với công nghệ MBT- CD.08, Công ty TNHH Thủy lực Máy (Hà Nội) đã biến rác thành nhiều sản phẩm hữu ích như gạch không nung, viên nhiên liệu đốt, dầu PO…
Công nghệ đã được Bộ Xây dựng cấp chứng chỉ là công nghệ xử lý rác phù hợp và được phép nhân rộng trong cả nước và Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng phát minh sáng chế độc quyền.
Biến rác thành tiền
Lý giải về nguyên nhân tại sao MBT-CD.08 chọn hướng nghiên cứu theo chu trình khép kín mà đầu ra phải là sản phẩm hữu ích cho cuộc sống, ông Nguyễn Gia Long, khẳng định ngay đó là phải biến rác thành tiền – đây phải là triết lý ngay từ khâu nghiên cứu đến sản xuất, vì chỉ có như vậy mới có sự phát triển bền vững.
Thực tế cũng cho thấy, khá nhiều công nghệ xử lý rác đã nghiên cứu thành công nhưng chỉ sau khi chuyển giao một thời gian, dứt bỏ bầu sữa đầu tư của Nhà nước thì công nghệ gần như chết yểu không thể tồn tại được. Sở dĩ các công nghệ này thất bại bởi chúng ta quên đi bài toán sơ đẳng về kinh tế: Lấy thu bù chi.
MBT-CD.08 là công nghệ kết hợp các phương pháp cơ sinh học (MBT) để phân loại ra ba dòng vật chất trong rác thải hỗn hợp: Các vật chất cháy được, các vật chất không cháy và các vật chất kim loại, rác độc hại. Tái chế và tái tạo thành các sản phẩn như: Viên nhiên liệu (sử dụng cho các nồi hơi công nghiệp); Viên gạch không nung (sử dụng cho các công trình xây dựng dân dụng đơn giản); Kim loại như sắt, đồng, nhôm… bán tận thu, các vật chất độc hại như pin, ắc quy… được tập trung chở đi xử lý, tái chế toàn bộ 100% rác thải thành nguyên liệu.
Công nghệ MBT-CD.08 được thiết kế dạng module kín, kết nối thành dây chuyền, sử dụng cơ giới và tự động hóa nhiều, rất ít công nhân tiếp xúc trực tiếp với rác, không phát tán mùi và nước rỉ rác trong suốt quá trình xử lý; Có trung tâm điều khiển và kiểm soát toàn bộ quá trình xử lý và tái chế, dễ dàng nâng hoặc hạ công suất từ 20 – 50 tấn/ngày cho cấp huyện, thị hoặc 500 – 1.000 tấn/ngày cho cấp tỉnh, thành phố.
Vì một Việt Nam “xanh”
MBT-CD.08 có tính linh hoạt khá cao, có thể tạo ra nhiều lựa chọn cho sản phẩm tái chế các nguyên liệu có trong rác thải. Có thể sản xuất phân bón hữu cơ tốt nhất bằng công nghệ ủ tháp, sản xuất các chủng loại nhiên liệu dạng viên, thanh từ hỗn hợp nhiều thành phần có trong chất thải (cháy được), sản xuất các chủng loại gạch xây dựng từ rác vô cơ (không cháy), tận thu các vật chất còn giá trị tái tạo bán thương mại, tăng nguồn thu cho nhà máy xử lý rác và không gây phát sinh ô nhiễm ngay tại nơi xử lý.
Đặc biệt, dây chuyền công nghệ có thể lắp đặt gần khu dân cư, hay trong khu công nghiệp, dần hình thành một ngành kinh tế rác thải.
Được biết, công nghệ MBT-CD.08 đã được triển khai hiệu quả tại Nhà máy xử lý rác thải Sông Công (Thái Nguyên) với dây chuyền thiết bị công suất 50 tấn/ngày. Được triển khai trên khu đất tại xã Tân Quang, Sông Công, Thái Nguyên với diện tích 2ha, tổng mức đầu tư là 35,2 tỉ đồng. Đối với công nghệ viên đốt, theo Dự án đầu tư Nhà máy xử lý và tái chế rác thải Sông Công, sau khi trừ chi phí đã có lãi 158.306 đồng/tấn. Ngoài ra công nghệ MBT-CD.08 cũng đã và đang được triển khai tại một số địa phương khác như: Khu công nghiệp Đồng Văn (Hà Nam); Sơn Tây, Hà Nội; huyện Côn Đảo (Bà Rịa – Vũng Tàu); huyện Di Linh (Lâm Đồng); huyện Yên Định (Thanh Hóa); huyện Yên Phong (Bắc Ninh).
Hiện công nghệ xử lý rác MBT-CD.08 đang tiếp tục được nghiên cứu, phát triển với việc chế tạo các mô đun phát điện, lò đốt rác công nghiệp, tái chế túi nilon và cao su thành dầu PO… góp phần xử lý rác thải công nghiệp, rác thải y tế và các loại rác thải độc hại khác. Hy vọng việc hoàn thiện công nghệ này sẽ giúp giải quyết tối đa loại rác thải độc hại như rác thải y tế và một số rác thải độc hại khác mà chưa loại công nghệ nào xử lý được triệt để, góp phần bảo vệ môi trường và hướng đến một Việt Nam “xanh”.