Bình đẳng là chìa khóa giúp thành phố Mexico cổ đại tồn tại lâu dài

Vào thời kỳ đỉnh cao, Monte Albán là nơi cư trú của 17.000 người - bất chấp nơi đây thiếu nguồn nước sạch và đất đai chẳng hề màu mỡ


Nhìn từ trên cao, ta có thể thấy những tàn tích của Monte Albán (trên đỉnh đồi) cùng thành phố Oaxaca (Mexico) trải rộng xung quanh. Ảnh: Jennifer Booher / Alamy

Tàn tích của Monte Albán – với những kim tự tháp, kênh đào và sân bóng – nằm trên đỉnh đồi khô cằn phía trên thành phố Oaxaca (Mexico). Vào thời kỳ đỉnh cao, thành phố, được dựng nên vào năm 500 trước Công nguyên, là trung tâm hành chính và tôn giáo của người Zapotec, và là nơi sinh sống của 17.000 người, mặc dù nơi đây thiếu nguồn cung cấp nước và cũng chẳng có đất đai màu mỡ.

Một nghiên cứu mới đã cho thấy chìa khoá làm nên sự thành công của cộng đồng này, giúp nó tồn tại lâu hơn bất cứ đô thị Mexico nào cùng thời – bất chấp điều kiện nghèo nàn – chính là nhờ việc người dân nơi đây sinh sống bình đẳng hơn những cộng đồng Zapotec cổ đại khác.

Bài báo được được xuất bản trên Frontiers in Poli Science, gợi ý rằng người dân nơi đây không quá chênh lệch về tiền tài, địa vị, quyền lực. Dân số nơi đây gia tăng nhanh chóng, khiến người dân đặt tiêu chuẩn rất cao về an ninh khu vực và có nhu cầu sống chất lượng hơn.

Theo các nhà khoa học, cuộc sống nơi đây được chỉ đạo từ dưới lên trên – góp phần thúc đẩy thời kỳ thịnh vượng kéo dài 1.300 năm của khu vực này. “Trên thế giới, hiếm có một khu định cư nào từ thời đó tồn tại lâu như vậy”, nhóm cho hay.

“Nơi đây, có rất ít dấu hiệu cho thấy sự chuyên quyền hoặc tập trung quyền lực, cũng chẳng có dấu hiệu rõ rệt về sự bất bình đẳng giàu nghèo”, Gary Feinman, đồng tác giả nghiên cứu và là giám tuyển về nhân chủng học tại Bảo tàng Field ở Chicago, chia sẻ với tờ The Guardian “Thay vào đó, chúng tôi tìm được rất nhiều bằng chứng cho thấy các hộ gia đình đã gắn kết, hợp tác với nhau”.

Nhìn chung, người dân không tôn vinh những người đứng đầu của thời kỳ đó. Các chuyên gia chỉ tìm thấy một tác phẩm điêu khắc trên đá, phác hoạ một người đeo mặt nạ thần mưa để dẫn đầu nghi lễ.


Một ngôi đền trong Quảng trường Lớn tại Monte Albán. Ảnh: Getty Images

Kiến trúc của di tích cho thấy đây là một xã hội thiên về tập thể – trái ngược với những đô thị khác cùng thời. Tất nhiên, nơi đây vẫn có sự phân tầng xã hội, hầu hết các ngôi nhà được làm bằng gạch không nung, còn những người có địa vị cao thì xây nhà bằng đá. Dân thường chia sẻ với nhau khoảng không gian trước nhà và tường chắn, họ phụ thuộc lẫn nhau về mặt kinh tế thông qua hoạt động trao đổi hàng thủ công và thực phẩm.

“Không có lăng mộ xa hoa, không có kho tài sản khổng lồ của gia đình hay bất cứ bằng chứng nào về khoảng cách giàu nghèo quá chênh lệch. Nơi đây cũng chẳng có cung điện lớn, được trang trí công phu và tỉ mỉ, cho thấy đây là nơi ở của người cai trị”, nghiên cứu cho biết. “Từ thuở sơ khai khi thành phố được dựng nên, trung tâm của thành phố là một quảng trường lớn nơi người dân có thể tụ tập.”

Các nghiên cứu trước đây cũng cho thấy rằng, so với các thành phố khác trong khu vực, bộ xương của những người nghèo hơn ở Monte Albán không quá khác so với người giàu. Ngay cả, bộ xương của nam và nữ cũng không có dấu hiệu nào cho thấy sự khác biệt trong quá trình nuôi dưỡng – đồng nghĩa với việc nơi đây không có tình trạng trọng nam khinh nữ.

Bên cạnh đó, nghiên cứu nhấn mạnh “không có dấu hiệu nào cho thấy chính quyền thành phố lưu trữ thực phẩm với số lượng lớn”, mà chỉ có hệ thống chợ.

Những người cai trị có thể không chuyên quyền như những nơi khác, nhưng vẫn có một tầng lớp quý tộc cha truyền con nối. Một số sống gần đỉnh đồi hơn những ngôi nhà khác, và một số ngôi nhà trông cuốn hút hơn và lớn hơn. Có nhiều đám tang với cách thức tổ chức phức tạp hơn, giới tinh hoa cũng có lễ mai táng riêng.

Từ năm 800 sau Công nguyên, dân chúng của thành phố có thể đã bắt đầu rời đi khi bất bình đẳng gia tăng, mặc dù các nhà khoa học không đưa ra được kết luận về lý do sau rốt dẫn đến sự sụp đổ của thành phố. Các hướng dẫn viên du lịch tại khu di sản thế giới UNESCO này thường cho rằng sự suy giảm chủ yếu là do hạn hán.

Nhưng nghiên cứu cho thấy cư dân của nó có thể đã chuyển đến các thành phố mới nổi, nhằm né tránh các cuộc đấu đá nội bộ của giới tinh hoa

“Monte Albán là một thành phố nơi tồn tại những quy luật bất thành văn mang tính cộng đồng, xã hội”, Feinman, tác giả bài báo, nhận định. “Và với một chính phủ đề cao tập thể và tương đối bình đẳng, nó đã tồn tại hơn một thiên niên kỷ. Tuy nhiên, khi nó sụp đổ, dân số của thành phố sụt giảm nghiêm trọng, nhiều cơ sở lần lượt giải tán, mở ra một thời kỳ cai trị chuyên quyền hơn”.

Hà Trang tổng hợp

Nguồn: 

Equality was key to ancient Mexican city’s success, study suggests

The Foundation of Monte Albán, Intensification, and Growth: Coactive Processes and Joint Production

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)