Bốn chính sách quan trọng có thể loại bỏ hơn 90% rác thải nhựa 

Một nghiên cứu mới trên tạp chí Science đã cho thấy, có bốn chính sách có thể giảm đến 91% lượng rác thải nhựa không được tái chế hoặc không được xử lý đúng cách - cũng như giảm đến một phần ba lượng khí nhà kính liên quan đến nhựa.


Các chính sách này bao gồm:

– Yêu cầu các sản phẩm mới phải được sản xuất bằng 40% nhựa tái chế 

– Giới hạn sản lượng nhựa mới ở mức của năm 2020

– Đầu tư vào việc quản lý rác thải nhựa – chẳng hạn như bãi chôn lấp và dịch vụ thu gom rác thải

– Áp dụng một mức phí nhỏ đối với bao bì nhựa

Các chính sách này cũng có thể mang lại tác động tích cực đối với khí hậu nhờ vào tiềm năng giảm một lượng khí thải tương đương với việc loại bỏ 300 triệu xe chạy bằng xăng trong một năm.

Nghiên cứu “Pathways to reduce global plastic waste mismanagement and greenhouse gas emissions by 2050”, được các nhà khoa học tại Đại học California, Berkeley và Đại học California, Santa Barbara thực hiện trước thềm các cuộc đàm phán tại Busan, Hàn Quốc – nơi các đại biểu từ hơn 190 quốc gia ​​sẽ thống nhất hiệp ước ràng buộc pháp lý đầu tiên trên thế giới về ô nhiễm nhựa.

“Những cuộc đàm phán sắp tới tại Busan là cơ hội duy nhất để chúng ta đoàn kết lại và giải quyết vấn đề này”, GS.TS Douglas McCauley (Đại học California, Santa Barbara) cho biết. “Một trong những khám phá thú vị nhất trong nghiên cứu này là: chúng ta thực sự có thể chấm dứt gần như hoàn toàn ô nhiễm nhựa bằng Hiệp ước sắp tới. Chúng ta không thể lãng phí cơ hội ngàn năm có một này”.

Nếu cuộc đàm phán tại Busan không đưa đến một giải pháp thống nhất nào, lượng tiêu thụ nhựa hằng năm sẽ tăng 37% từ năm 2020 đến năm 2050 và ô nhiễm nhựa sẽ tăng gần gấp đôi trong cùng kỳ.

“Nghiên cứu này chứng minh chúng ta đã tiến xa đến mức nào, không chỉ trong việc định lượng các vấn đề liên quan đến nhựa mà còn trong việc xác định và đánh giá các giải pháp tiềm năng”, TS. Roland Geyer – giáo sư Khoa Sinh thái Công nghiệp, Trường Khoa học và Quản lý Môi trường Bren tại Đại học California Santa Barbara cho biết. 

Nếu không có gì thay đổi trong tương lai, lượng khí thải nhà kính liên quan đến nhựa cũng sẽ tăng vọt 37% so với mức năm 2020 – lên 3,35 gigaton carbon dioxide tương đương vào năm 2050. Mức này tương đương với gần 9.000 nhà máy điện chạy bằng khí đốt tự nhiên hoặc mức sử dụng năng lượng của hơn 436 triệu hộ gia đình trong một năm.

Các quốc gia ở Nam bán cầu sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ cuộc khủng hoảng nhựa. Song, do các cơ chế tài chính trong hiệp ước có thể thúc đẩy những đầu tư cần thiết vào cơ sở hạ tầng quản lý chất thải và tái chế ở các khu vực này để giảm ô nhiễm nhựa, hiệp ước có thể giúp giải quyết một vấn đề lớn liên quan đến công lý môi trường toàn cầu.

“Tôi lạc quan về một tương lai bền vững”, TS. Nivedita Biyani – nhà nghiên cứu về Mô hình nhựa toàn cầu, Phòng thí nghiệm khoa học đại dương Benioff tại Đại học California Santa Barbara, cho biết.

“Hiệp ước này cho thấy chúng ta có thể giảm thiểu tình trạng quản lý kém hiệu quả rác thải nhựa nếu như cùng nhau hành động. Việc hợp tác như vậy có thể giúp các nhà hoạch định chính sách kết hợp nhiều chính sách khác nhau tùy theo ý muốn. Trong tương lai, tôi nghĩ rằng việc xây dựng cơ chế thu thập dữ liệu về sản xuất và thương mại nhựa sẽ là yếu tố then chốt. Chúng ta cần sự minh bạch trong chuỗi cung ứng”

Nghiên cứu này được xây dựng dựa trên dữ liệu từ một công cụ do trí tuệ nhân tạo phát triển. Công cụ này được các nhà nghiên cứu về nhựa, nhà khoa học dữ liệu và chuyên gia AI thuộc Phòng thí nghiệm Khoa học Đại dương Benioff, Trường Khoa học & Quản lý Môi trường Bren (Đại học California, Santa Barbara), và Trung tâm Khoa học Dữ liệu và Môi trường Eric và Wendy Schmidt (Đại học California, Berkeley) tạo ra.

Công cụ này ứng dụng công nghệ máy học để tích hợp thông tin về sự gia tăng dân số và xu hướng kinh tế, từ đó dự đoán tương lai của việc sản xuất, ô nhiễm và thương mại liên quan đến nhựa.□

Kim Dung dịch

Nguồn: https://phys.org/news/2024-11-global-policies-plastic-linked-carbon.html

Bài đăng Tia Sáng số 22/2024

Tác giả

(Visited 14 times, 14 visits today)