Brazil: Phục hồi bảo tàng khoa học từ đống tro tàn
Gần một năm kể từ khi ngọn lửa thiêu rụi Bảo tàng Quốc gia tại Rio de Janeiro, các nhà nghiên cứu Brazil đang vật lộn với đám tàn tích ở đây để sớm quay trở lại nghiên cứu đồng thời tiếp tục cuộc sống.
Bảo tàng Quốc gia tại Rio de Janeiro sau vụ cháy năm 2018. Nguồn: María Magdalena Arréllaga for Nature.
Vào lúc 7h55 tối ngày 2/9/2018, Buckup, một nhà khoa học nghiên cứu về các loài cá tại Đại học Liên bang Rio de Janeiro (UFRJ), nhận được một tin nhắn thoại khẩn cấp thông báo về việc bảo tàng đang bốc cháy dữ dội. Lái xe trên đường tới Bảo tàng, cách chừng 1km, ông bắt đầu thấy ngọn lửa ngút trời, “bầu trời tràn ngập tia lửa”. Khi đến Bảo tàng Quốc gia, ông thấy ngọn lửa đang xé toạc tòa nhà chính của bảo tàng rồi hung hãn tràn vào phần còn lại. Những người lính cứu hỏa đứng đó trông đầy bất lực. “Sau đó, tôi nhận ra nguyên nhân”, Buckup nói. “Họ đã hết sạch nước.” Hai chiếc vòi chữa cháy bên cạnh bảo tàng đã khô khốc và những chiếc xe cứu hỏa phải chạy đua đến một hồ nước gần đó để lấy nước.
Lúc bấy giờ Buckup vẫn chưa biết một điều, ông đang chứng kiến thảm họa khoa học lớn nhất từng được ghi nhận tại Brazil. Chẳng mấy chốc, hàng trăm năm lịch sử tự nhiên biến thành tro bụi.
Các nhà nghiên cứu Brazil không còn xa lạ gì với những thảm kịch như thế này. Trong suốt mười năm qua, các vụ hỏa hoạn đã thiêu rụi ít nhất bốn bảo tàng khoa học và các trung tâm nghiên cứu khác. Nhiều người đã cảnh báo rằng một số phận tương tự sẽ xảy đến với Bảo tàng Quốc gia. “Bảo tàng ở Rio chẳng khác gì một hộp diêm”, Kelly Zamudio, nhà di truyền học quần thể tại Đại học Cornell ở Ithaca, New York nhận định. “Thảm kịch ắt sẽ xảy ra.”
Biển lửa thiêu rụi nhiều dự án nghiên cứu
Với các nhà nghiên cứu và sinh viên, bảo tàng còn gắn bó hơn cả một nơi làm việc, vì thế việc nó bị tàn phá đã khiến họ chao đảo. Kể từ tháng chín năm ngoái, Buckup nhận thấy rằng các sinh viên và những đồng nghiệp có thâm niên trong nghề — những nhà nghiên cứu “mà bạn nghĩ rằng bạn sẽ không bao giờ có thể chứng kiến sự yếu đuối hay ủy mị của họ” — đã phải rơi lệ. “Đến tận bây giờ, những giọt nước mắt của họ vẫn ám ảnh tôi hơn chính thảm kịch”, Buckup kể.
Nhà cổ sinh vật học Antonio Carlos Fernandes hiểu cảm giác đó. Ông đã dành hơn 40 năm để nghiên cứu hóa thạch của san hô và các loài động vật không xương sống khác, đồng thời tiếp tục làm việc với tư cách một nhà nghiên cứu tình nguyện tại bảo tàng kể từ khi nghỉ hưu vào năm 2016. Trong vụ hỏa hoạn, ông đã mất hầu hết các tài liệu nghiên cứu của mình. Dù “muốn tin rằng tất cả chỉ là một cơn ác mộng” nhưng Fernandes không có kế hoạch từ bỏ công việc của mình. “Một khi là một nhà nghiên cứu, luôn luôn là một nhà nghiên cứu”, ông nói.
Đó là một cảm xúc chung. Các thành viên của bộ phận côn trùng học đã bắt đầu thay thế các bộ sưu tập bị phá hủy bằng cách thu hồi lại một số mẫu vật trước đó đã cho các tổ chức khác mượn. Họ cũng đã nhận được sự đóng góp hào phóng từ các nhà sưu tập, và đã bắt đầu mạo hiểm tiến vào rừng rậm Amazon và các khu vực khác trên khắp Brazil để thu thập các mẫu vật mới.
Dẫu còn rất nhiều khó khăn, nhưng họ vẫn đang cố gắng hết sức; như nhà côn trùng học Pedro Souza-Dias đã chia sẻ: “Dù hiện tại không thuận lợi nhưng chúng tôi vẫn đang chiến đấu. Chúng tôi không còn lựa chọn nào khác.”
Nhà thiên văn học Maria Elizabeth Zucolotto với tảng thiên thạch sống sót sau lửa. Nguồn: María Magdalena Arréllaga for Nature.
Tuy nhiên họ phải đối mặt với những ám ảnh khó tả về sự bấp bênh. Sau vụ cháy, mỗi giấc ngủ của nhà côn trùng học Thaynara Pacheco đều bị ám ảnh bởi mùi khét và nỗi sợ hãi rằng căn hộ của cô, giống như bộ sưu tập côn trùng, rồi sẽ bốc cháy. Vào tháng 3/2019, cô còn nhầm tưởng mùi nước hoa với mùi của chất bảo quản băng phiến, khi cô nhận học bổng tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Quốc gia Smithsonian (NMNH) ở Washington DC.
Đối với Pacheco, thảm kịch đồng nghĩa với việc cô sẽ phải thay đổi hoàn toàn đề tài luận án của mình. Lúc còn ở Rio de Janeiro, cô đã xem xét về trường hợp phân loại của Chelonariidae, hay bọ rùa, một họ ít được nghiên cứu gồm gần 300 loài. Nhưng những cuốn sổ tay, bản phác thảo và hơn 1.500 mẫu vật của Bảo tàng Quốc gia và các tổ chức khác đã biến mất trong đám cháy. “Đó là một cảm giác đau buồn chung, bạn biết không? Hệt như việc mất đi một người thân yêu vậy”, cô nói.
Để tiếp tục dự án mới của mình, Pacheco cần đến thăm Bảo tàng Nghiên cứu Động vật học Alexander Koenig ở Bonn, Đức, nơi lưu giữ hầu hết các mẫu vật thuộc bộ lạc Sericini. Nhưng trước tiên, cô dự định thực hiện một việc nhằm “tưởng niệm” Bảo tàng Quốc gia — bằng cách xăm hình logo của phòng thí nghiệm đã bị phá hủy của mình, hoặc thậm chí có thể là một trong những con bọ rùa mà cô từng nghiên cứu.
Cô không phải là người duy nhất. Beatriz Hörmanseder, một nghiên cứu sinh khác tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Quốc gia Hoa Kỳ, cho rằng việc xăm mình là một hình thức nhằm đối phó với chấn thương tâm lý từ sau vụ hỏa hoạn. Museu na Pele, hay Bảo tàng trên da, là một dự án mà cô đã ấp ủ cùng Luís Berbert, một nghệ sĩ xăm mình người Brazil, nhằm giúp các nhà nghiên cứu và sinh viên lưu giữ ký ức.
Hiện nay, cô đang thực hiện nghiên cứu của mình, bằng cách mô tả một hóa thạch cá sấu từ Utah. “Tôi đang hoàn thành nó một cách nghẹt thở vì tôi có rất ít thời gian và phải bắt đầu từ con số không”, cô nói. Nhưng cô nghĩ rằng nỗ lực của mình rồi sẽ được đền đáp. Việc nghiên cứu tất cả các loài cá sấu thời tiền sử sẽ có ích khi cô bắt đầu học tiến sĩ ở nơi khác, ở Bắc Mỹ hoặc Đức. “Tôi sẽ biết về tất cả mọi thứ trên thế giới này”, cô nói, và rồi cười phá lên.
Trỗi dậy từ tro tàn
Sáng sớm sau vụ cháy, trong khi một loạt phóng viên dồn dập phỏng vấn các nhà nghiên cứu, nhà thiên văn học thuộc Đại học Liên bang Rio de Janeiro (UFRJ) Maria Elizabeth Zucolotto đã thu hết can đảm bước vào bảo tàng, hay nói đúng hơn là một đống đổ nát.
Khi bước vào cổng chính, cô không nhìn thấy gì ngoài Bendegó, một thiên thạch khổng lồ bằng sắt nặng 5.360 kg được phát hiện vào năm 1784 ở phía Đông Bắc Brazil. Tảng đá đến từ không gian hầu như không bị ngọn lửa liếm qua: “Một biểu tượng của sự phản kháng”, ông Zucolotto, người phụ trách bộ sưu tập thiên thạch của bảo tàng nói.
Những mảnh vỡ từ không gian là một trong những vật đầu tiên được phục hồi từ Bảo tàng Quốc gia.
Vào ngày 18/10/2018, hơn một tháng sau vụ cháy, cảnh sát đã cho phép Zucolotto trở lại văn phòng cũ của cô. Ngày hôm đó, cô đã phục hồi nhiều thiên thạch hơn, bao gồm một thiên thạch tên là Angra dos Reis, trị giá 750.000 USD.
Zucolotto không phải là người duy nhất thực hiện công việc sàng lọc qua đống đổ nát này. Trong hầu hết các ngày, hàng chục nhà nghiên cứu đã được đào tạo, được trang bị bàn chải và bay, bước qua các mảnh vỡ của bảo tàng để tìm kiếm các đồ tạo tác. Tập trung bên ngoài, sinh viên rây đất đá qua sàng lưới, sau đó lau sạch bụi bẩn từ các vật dụng, rồi chụp ảnh chúng.
“Thật lạ lùng, chúng tôi đã có khá nhiều khoảnh khắc hạnh phúc”, nhà cổ sinh vật học Luciana Carvalho, điều phối viên của một nhóm gần 70 người. Đến cuối tháng sáu, họ đã thu hồi lại được 5.345 vật thể — hóa thạch thằn lằn bay, xương người cổ đại, cốc cà phê, kính hiển vi, ngăn kéo đầy ắp các mẫu vật, cổ vật Ai Cập và gốm sứ từ Amazon.
Thảm họa từng được dự đoán
Vụ tai nạn vào tháng chín năm ngoái chỉ là vụ mới nhất trong một loạt các vụ hỏa hoạn đã gây thiệt hại cho các tổ chức khoa học ở Brazil. Vào tháng 5/2010, một đám cháy đã phá hủy bộ sưu tập động vật học của Viện Butantan ở São Paulo — một tổ chức nghiên cứu lớn, chịu trách nhiệm cho hầu hết các loại thuốc kháng nọc độc và vaccine được sản xuất trong nước. Trung tâm nắm giữ kho chứa mẫu vật loài rắn lớn nhất khu vực Mỹ Latinh từ trước đến nay, khoảng 90.000 mẫu vật, đại diện cho hàng trăm loài, một số loài đứng trước nguy cơ tuyệt chủng hoặc đã tuyệt chủng.
Paulo Buckup và Alexandre Pimenta kiểm tra các mẫu vật cứu được từ đám cháy. Nguồn: María Magdalena Arréllaga for Nature.
Khi trụ sở của viện bị cháy, Trefaut Coleues cùng một đồng nghiệp đã đăng một mục trên tờ báo quốc gia nhằm cảnh báo rằng, một điều gì đó tương tự có thể xảy đến một lần nữa bởi điều kiện nghèo nàn của nhiều tòa nhà bảo tàng trên khắp đất nước. “Có thể thảm kịch này xuất hiện như một bài học”, họ viết. Họ kiến nghị chính phủ quan tâm đến các cơ sở sinh học khác, và sau đó liệt kê những cơ sở mà họ cho là có nguy cơ cao nhất — bao gồm Bảo tàng Quốc gia.
Một trong những mối lo ngại trong tương lai, đó là Bảo tàng Động vật học của Đại học São Paulo (MZUSP) cùng 10 triệu mẫu vật của nó. Đầu những năm 2000, khi chuẩn bị từ chức, giám đốc bảo tàng Trefaut Coleues đã thúc đẩy việc vận chuyển các bộ sưu tập trong tòa nhà từ thời 1940 sang một khu phức hợp lớn hơn, hiện đại hơn. Dự án đã được phê duyệt, và việc xây dựng được tiến hành từ năm 2012, nhưng nó đã bị gián đoạn bởi cuộc khủng hoảng kinh tế vào năm 2014. Ngày nay, địa điểm mới chỉ tồn tại dưới dạng một bộ khung bê-tông.
“Hiện tại, ngân sách của trường đại học không đủ để hoàn thành dự án, bất kể là dưới hình thức nào”, nhà ngư học Mario de Pinna, giám đốc đương nhiệm của MZUSP nói. Tuy nhiên, bảo tàng đang thực hiện các biện pháp lớn và nhỏ nhằm giảm thiểu nguy cơ – từ việc đặt máy dò nhiệt trong tất cả các bộ sưu tập, đến việc tịch thu máy pha cà phê – thứ được cho là tiềm ẩn rủi ro.
Các nhân viên bảo tàng cho biết, Bảo tàng Quốc gia đã xuống cấp từ từ trong suốt nhiều thập kỷ. Người ta cho rằng chính phủ đã phớt lờ nhiều đề xuất suốt những năm qua trong việc cải tạo và hiện đại hóa các cơ sở. Và những vấn đề tài chính thì cứ gia tăng. Ngân sách từ trường đại học, một trong những nguồn tài trợ chính của bảo tàng, đã giảm đáng kể — từ 487 triệu reais (130 triệu đô la Mỹ) vào năm 2014, còn 361 triệu reais vào năm 2019.
Các nhà nghiên cứu tự hỏi rằng các cam kết của chính phủ sẽ được duy trì trong khoảng thời gian bao lâu. Nhà chức trách đã không thực hiện những biện pháp thích hợp nhằm bảo vệ các bộ sưu tập khoa học ở Brazil sau vụ cháy Butantan, Francisco Franco, nhà sinh vật học và là người phụ trách viện nghiên cứu cho biết. “Một khi đám cháy lụi tàn, sự chú ý của chính phủ cũng sẽ nguội dần”, ông nói. Bây giờ, ông lo sợ rằng điều gì đó tương tự có thể sẽ xảy đến với Bảo tàng Quốc gia. “Chúng ta không được phép quên”.
Buckup sẽ không bao giờ quên. Một đêm tháng ba, bảo tàng xuất hiện trong tâm trí ông khi ông tham gia cùng một số nhân vật nổi tiếng nhất tại Brazil, những người được tờ báo Brazil O Globo và liên đoàn công nghiệp Rio de Janeiro tổ chức lễ kỷ niệm vì đã “tạo nên sự khác biệt” trong năm 2018. Buckup đã lên sân khấu để chấp nhận vinh dự cho những nỗ lực giải cứu mẫu vật và thiết bị của mình vào tháng 9 năm ngoái. Nhưng ông đã không đọc lên một bài diễn văn khải hoàn. “Tôi thấy không có lý do gì để ăn mừng”, ông nói khi thúc giục đám đông ủng hộ Bảo tàng Quốc gia. “Chúng ta đã mất đi một phần của quá khứ. Chúng ta không thể đánh mất tương lai của chúng ta.”
Từ ban đầu, mọi thứ đã báo hiệu điềm không lành. Thậm chí là từ trước khi bảo tàng bị cháy, Buckup đã mất các nghiên cứu sinh và trợ lý nghiên cứu vì vấn đề cắt giảm ngân sách. Hầu hết trong số đó đã chuyển ra khỏi thành phố; ít nhất một người thì rời khỏi đất nước. Còn bộ sưu tập cá do ông phụ trách, thậm chí việc bảo trì về cơ bản là đã xuống cấp. Buckup kể rằng điện thoại đã ngừng hoạt động từ lâu và Internet thì không thể truy cập trong nhiều tuần. Hơn nữa, các mẫu vật được bảo quản ở nhiệt độ không phù hợp, ông nói, bởi vì điều hòa không khí vẫn không ổn định.
Một vấn đề khác cũng khiến ông lo lắng. Mặc cho có rất nhiều yêu cầu bảo trì, nhưng theo ông, “hệ thống phòng cháy chữa cháy không hoạt động”.□
Anh Thư dịch
Nguồn: https://www.nature.com/articles/d41586-019-02141-2