Bước đi mới cho thị trường công nghệ từ viện – trường
Nhằm nâng cao hiệu quả liên kết giữa doanh nghiệp và các tổ chức nghiên cứu trong việc ứng dụng các thành tựu đổi mới sáng tạo vào sản xuất kinh doanh, Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao đã đứng ra “mai mối” cho doanh nghiệp và viện, trường cùng các sở ngành liên quan.
Có thể nói, qua Hội chợ HVNCLC TP.HCM, từ 15 đến 20/4, lần đầu tiên “kho” công nghệ của Đại học Bách khoa được giới thiệu rộng rãi đến cộng đồng doanh nghiệp và công chúng. Lần đầu tiên xuất hiện hai ngôi nhà “sáng tạo” trong hội chợ, là Ngôi nhà chung Đổi mới sáng tạo của Hội DN HVNCLC và Ngôi nhà Triển lãm thành tựu nghiên cứu của Đại học Bách khoa.
Trong Ngôi nhà Triển lãm đại học Bách Khoa TP.HCM, gần 30 thành tựu nghiên cứu của nhà trường đã được mang ra “chào hàng” với doanh nghiệp và người dân, nhiều sản phẩm gây sự tò mò đến người xem như: Hệ thống điện mặt trời hoạt động độc lập, xe điện lai, tàu đệm khí, máy tách màu hạt gạo, mô hình nhà kính thông minh, hệ thống thiết bị mài và bôi keo đế giày tự động, hệ thống nhạc nước…
Song song với chương trình triển lãm, giới thiệu những thành tựu trong ngôi nhà chung của đại học Bách Khoa, Hội DN HVNCLC tổ chức các buổi tọa đàm, trao đổi, tư vấn với chuyên gia trường đại học để doanh nghiệp và nhà trường đến gần nhau.
Để hai đường thẳng song song gặp nhau
Buổi tọa đàm “Liên kết doanh nghiệp và tổ chức nghiên cứu trong đổi mới sáng tạo: Làm thế nào để rút ngắn khoảng cách từ phòng thí nghiệm đến nhà máy sản xuất?” thu hút sự tham gia của đại diện trường Đại học Bách khoa, Đại học Cần Thơ, Đại học Nông – Lâm, đại diện các doanh nghiệp HVNCLC cùng nhiều chuyên gia…
Trong cuộc tọa đàm, đại diện công ty Thiên Long, công ty Sài Gòn Food, công ty ICP đã nói lên những mặt tồn tại, hạn chế trong việc liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp.
Ông Phạm Hoàng Ngân, Phó tổng giám đốc công ty ICP cho rằng, “giữa viện trường và doanh nghiệp đang có một khoảng cách rất lớn như hai đường thẳng song song mà chưa gặp được nhau”. Ông Ngân đưa ý kiến, để hai đường thẳng này gặp nhau thì phải tăng cường kết nối, giao lưu qua lại bằng cách tham quan, làm việc tại cơ sở của nhau, để thực tế biết hai bên cần gì.
Theo bà Huỳnh Ngọc Bảo Thi, trưởng phòng Nghiên cứu và phát triển nguồn nguyên vật liệu của Tập đoàn Văn phòng phẩm Thiên Long, việc hợp tác với các viện trường thất bại do ba nguyên nhân. Thứ nhất là khả năng ứng dụng và phù hợp của công nghệ của viện, trường, thứ hai là hạn chế về tính khả thi khi sản xuất đại trà, và cuối cùng là sự linh động của đơn vị nghiên cứu đáp ứng chưa cao. “Thông qua đây, chúng tôi mong rằng viện trường sẽ có kênh giới thiệu các chuyên gia về ngành đối với doanh nghiệp, đào tạo, giới thiệu nguồn nhân lực phù hợp với doanh nghiệp. Ngoài ra, có cơ chế để doanh nghiệp có thể thuê sử dụng những công cụ, thiết bị đắt tiền của viện, trường…
Trong khi đó, theo bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó Tổng giám đốc công ty Sài Gòn Food, sản phẩm công nghệ của trường có thời gian nghiên cứu dài, người phụ trách chương trình thay đổi nhiều… hơn nữa vấn đề doanh nghiệp đặt ra phù hợp với khoa nào cần có bộ phận hỗ trợ doanh nghiệp, chứ để doanh nghiệp liên hệ tới lui cũng chưa được. “Ngoài ra, nên cho sinh viên thực tập tiếp cận và làm luận văn tốt nghiệp bằng những đề tài của doanh nghiệp sẽ thiết thực hơn là của nhà trường đưa ra trong thời gian thực tập”, bà Lâm nói.
Đại diện trường Đại học Bách khoa, Đại học Nông – Lâm và Đại học Cần Thơ khẳng định sự liên kết, hợp tác giữa doanh nghiệp và nhà trường có những tồn tại và sẽ khắc phục để hiệu quả được tốt nhất. PGS. TS. Vũ Đình Thành, hiệu trưởng trường đại học Bách khoa – ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh nhận xét: “Một liên kết bền chặt và cơ chế đối thoại thường xuyên giữa các nhà khoa học với doanh nghiệp là nền tảng cho sự hợp tác hiệu quả và bền vững, không những giúp cho các nghiên cứu khoa học có địa chỉ ứng dụng mà còn tạo điều kiện cho cả nhà trường và doanh nghiệp tận dụng được các nguồn lực sẵn có của nhau, tạo điều kiện cho hai bên cùng phát triển”.
Ba doanh nghiệp (Dược Lâm Đồng, Việt Hương, Sài Gòn Food) sau buổi tọa đàm đã tham gia buổi tư vấn trực tiếp với đội ngũ chuyên gia trường đại học Bách Khoa, đây là ba doanh nghiệp trước kia từng hợp tác thành công với đại học Bách Khoa. Đầu tiên, công ty Cổ phần Dược Lâm Đồng (Ladophar) nhờ tư vấn một số thiết bị công nghệ trong chế biến, xử lý dược liệu như máy rửa, máy làm khô, máy chiết xuất dược liệu. Công ty Cổ phần sản xuất và Thương mại Việt Hương cần được tư vấn về công thức làm pa tê và chà bông. Công ty Sài Gòn Food mong muốn sẽ tìm được công nghệ thích hợp trong việc chế biến các sản phẩm từ da cá. Các chuyên gia đã đưa ra những phương án để doanh nghiệp tham khảo, trao đổi. Ba doanh nghiệp trên đã đồng ý, thống nhất với chuyên gia về quá trình làm tiếp theo, cùng hy vọng sẽ hợp tác với nhau thêm nhiều lần nữa.