Ca ghép tim lợn cho người đầu tiên trên thế giới: Tín hiệu tích cực sau một tháng

Bennett là người đầu tiên được cấy ghép tim lợn. Các bác sĩ của David Bennett cho biết thời gian sống sót sau một tháng là một thành công to lớn. Bởi vì vẫn có nguy cơ cơ thể không chấp nhận và đào thải tim lợn.


Bennett với các chuyên gia vật lý trị liệu. Ông hỏi: “khi nào thì tôi được về nhà?”

Một tháng sau ca cấy ghép bệnh nhân người Mỹ, 57 tuổi, vẫn sống tương đối bình thường với tim lợn.

Bệnh nhân Bennett đã cấy ghép tim lợn vào ngày 7 tháng 1. Việc cấy ghép các cơ quan nội tạng động vật sang người được gọi là  xenotransplantation.

Joachim Denner, một chuyên gia cấy ghép của Đại học Tự Do Berlin, Đức, giải thích: “Thời gian tồn tại kéo dài một tháng là một thành công lớn đối với việc cấy ghép xeno, nên nhớ ca ghép tim đầu tiên từ người sang người ở Đức, người được ghép tim cũng chỉ sống được chưa đầy 24 giờ”. Nhưng loại phẫu thuật này là một lĩnh vực kkhoa học hoàn toàn mới mẻ. Có nguy cơ tình hình sẽ xấu đi.

Denner cho biết nguy lớn nhất đối với tính mạng của bệnh nhân là nội tạng sẽ bị đào thải. Hệ thống miễn dịch cần một khoảng thời gian nhất định trước khi hình thành phản ứng miễn dịch. Hiện tại, các kháng thể và tế bào miễn dịch có khả năng đào thải tim đang trong quá trình hình thành để rồi tống khứ nội tạng lạ này.

Theo Trung tâm Y tế Đại học Maryland ở Baltimore, nơi diễn ra ca phẫu thuật vào đầu tháng giêng, ở bệnh nhân Bennett không có dấu hiệu đào thải. Ông ta tỉnh táo, phản ứng nhanh và hỏi nhân viên y tế khi nào có thể về nhà. Tuy nhiên, cũng còn lâu Bennet mới được về nhà vì ông cần được theo dõi liên tục tại bệnh viện.

Kỳ tích y học của các nhà khoa học Hoa Kỳ là đã phá vỡ hoặc đảo lộn các cơ chế khác nhau trong cơ thể con người để ngăn cản quá trình đào thải ngay từ đầu. Để nội tạng của động vật có thể cấy ghép cho con người, bộ gene của động vật hiến tặng phải được chỉnh sửa trước đó. 

Trong đó có chỉnh sửa cấu trúc trên bề mặt của tế bào lợn, mà người vốn đã có kháng thể kháng lại trong tự nhiên. Ngoài ra, còn có nguy cơ hình thành cục máu đông. Bệnh nhân cũng được dùng thuốc để ức chế phản ứng miễn dịch.

Ngay từ những năm 80 đã có những nghiên cứu về Xenotransplant. Lợn đặc biệt thích hợp làm vật hiến tặng vì quá trình trao đổi chất của chúng tương tự như ở người. Ở Hoa Kỳ, vào những năm 1980, một bác sĩ đã cấy ghép tim của khỉ đầu chó cho một trẻ sơ sinh bị rối loạn chức năng tim. Tuy nhiên bé gái đó chỉ sống sót được vài tuần. Theo Denner, kỷ lục sống sót của một con khỉ đầu chó ghép tim lợn ở Đức là 195 ngày.

Con lợn dùng để cấy ghép ở Baltimore được lai tạo bởi một công ty Hoa Kỳ. Việc nuôi lợn tại các trang trại đặc biệt này được giám sát rất nghiêm ngặt và hiện tại chỉ có vài con. Tuy nhiên, nếu đạt được tiến bộ thì trong tương lai việc tạo ra những con lợn đặc biệt này sẽ được đẩy mạnh. Từ con lợn người ta có thể cấy ghép nhiều cơ quan khác nhau nữa.

Xuân Hoài dịch

Nguồn bài và ảnh: https://www.spiegel.de/wissenschaft/medizin/xenotransplantation-mann-lebt-seit-einem-monat-mit-schweineherz-a-f74c9ede-01a6-423b-9d33-5d4e672c3739 

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)