Cá mập hổ giúp ước tính quy mô hệ sinh thái cỏ biển ở Bahamas

Một nhóm nghiên cứu quốc tế đã sử dụng những cuộc di chuyển của quần thể cá mập hổ để ước tính kích thước của hệ sinh thái cỏ biển.

Trong bài báo họ xuất bản trên Nature Communications, “Tiger sharks support the characterization of the world’s largest seagrass ecosystem”, các nhà nghiên cứu đã miêu tả các phương pháp họ sử dụng để đo đạc diện tích ở đáy biển có cỏ mọc ở Bahama Banks tại Bahamas 1.

Vì biến đổi khí hậu đang diễn ra, các nhà khoa học trên thế giới tiếp tục nghiên cứu những vùng có thể bị tác động và những cách có thể để làm chậm quá trình này. Trong nỗ lực mới, các nhà nghiên cứu chỉ ra, hơn 17% tổng lượng carbon được lưu trữ trong trầm tích biển là ở cỏ biển. Do đó, phát hiện này có thể cho thấy cỏ biển đóng vai trò quan trọng trong biến đổi khí hậu.

Thật không may là không có ai thực sự biết diện tích của các đáy biển có cỏ biển bao phủ trên thế giới như thế nào? Nếu ai đó cố gắng lặn xuống đáy biển khảo sát để có thông số tin cậy lập bản đồ cỏ biển thì công việc sẽ diễn ra chậm chạp. Do gặp một số giới hạn ở dưới đáy của vùng nước khá nông gần bờ, người đó sẽ cần dành không ít thời gian để hít thở không khí và tạm dừng bơi. Vì vậy, để hiểu rõ hơn về nơi cỏ biển, những thực vật có hoa sống ở biển này, một nhóm các nhà khoa học đã tìm đến một số đồng minh khác thường: cá mập hổ (Galeocerdo cuvier), loài được biết là ưa thích sống ở vùng biển có cỏ biển, để có thể dễ dàng hơn trong việc tìm thông số tin cậy. “Nghiên cứu này có thể đem lại cho chúng ta hi vọng về tương lai đại dương của chúng ta. Nó thể hiện cách tất cả đều được kết nối với nhau”, Austin Gallagher, nhà khoa học dẫn dắt nghiên cứu và là người điều hành NGO Beneath the Waves, trả lời đài truyền hình Úc ABC. “Những con cá mập dắt chúng tôi đến với hệ sinh thái cỏ biển ở Bahamas, nơi chúng ta đều biết là có tầm quan trọng bậc nhất trong việc lưu trữ carbon xanh của hành tinh này”.

Các nhà nghiên cứu đã bắt 15 con cá mập hổ và gắn các thiết bị dò vị trí lên chúng rồi thả ra biển. Dò theo những chuyển động của cá mập hổ theo thời gian cho phép các nhà nghiên cứu tạo ra một bản đồ ảo về các vùng cỏ biển mà chúng sống. Các nhà nghiên cứu cũng thực hiện 2.500 khảo sát bằng người nhái vào các vùng biển đó. Đây không phải là lần đầu tiên giới khoa học sử dụng động vật để tìm kiếm các cánh đồng cỏ biển, giáo sư Michael Rasheed, người phụ trách Phòng thí nghiệm Sinh thái cỏ biển ở trường đại học James Cook, nói với ABC. “Có một số câu chuyện về các con rùa biển gắn định vị được tìm thấy ở các nơi con người vẫn nghĩ ‘tại sao chúng có thể đến được đây?’. Và khi con người thấy được cách có thể đo lường được các cánh đồng cỏ biển huyền bí ở giữa Đại Tây dương”.

Nỗ lực mới này được các nhà nghiên cứu hi vọng sẽ gia tăng hiểu biết cơ bản bằng việc đo đạc kích thước của hệ sinh thái cỏ biển ở Bahama Banks, một vị trí có cỏ biển bao phủ lớn của thế giới. Trên thực tế, sử dụng dữ liệu bằng hai cách tiếp cận, các nhà nghiên cứu đã tạo ra một bản đồ có độ chính xác và hợp lý về các cánh đồng cỏ biển ở Bahama Banks và ước tính kích thước của chúng – xấp xỉ 66.000 đến 92.000 km2. Các nhà nghiên cứu còn phát hiện ra, đây là cánh đồng cỏ điển lớn nhất từ trước đến nay mà con người biết. Họ cũng lưu ý là diện tích bao phủ cỏ biển trên toàn cầu đã gia tăng khoảng 41%.  “Kết quả nghiên cứu của chúng tôi chỉ dấu là cỏ biển ở Bahamas có thể chứa từ 19,2% đến 26,3% tổn lượng carbon mà tất cả các cánh đồng cỏ biển lưu giữ trên trái đất”, Wells Howe, một nhà quản lý chương trình dự án Carbon xanh ở Beneath the Waves, nói với Popular Science.

Rasheed đặt câu hỏi về liệu liệu phát hiện về cánh đồng cỏ biển lớn nhất thế giới này có thực sự chính xác. Có thể thông số này có được từ việc hợp nhất một số hệ sinh thái cỏ biển với nhau, vì không thể dễ dàng chỉ ra nơi nào kết thúc và nơi nào bắt đầu. Tuy vậy ông cũng thừa nhận phát hiện mới “tất nhiên là một hệ sinh thái cỏ biển rất lớn”.

Thông qua nghiên cứu này, các nhà nghiên cứu muốn lưu ý đến tầm quan trọng của nghiên cứu về lượng diện tích đáy đại dương có cỏ biển. Việc phát hiện thêm những cách để bảo vệ hoặc mở rộng diện tích các cánh đồng cỏ biển có thể hữu dụng trong việc làm chậm quá trình biến đổi khí hậu. “Những gì trong phát hiện này cho chúng ta thấy khám phá đại dương và nghiên cứu nó có vai trò quan trọng với một tương lai sinh thái”, Gallagher viết trong công bố. “Tiềm năng của đại dương trong việc tham gia vào quá trình này cũng chỉ có giới hạn”.

Tô Thanh Vân tổng hợp

Nguồn: https://www.smithsonianmag.com/smart-news/tiger-sharks-help-scientists-map-out-worlds-largest-seagrass-ecosystem-180981065/

https://phys.org/news/2022-11-tiger-sharks-size-seagrass-ecosystem.html

——————-

  1. https://www.nature.com/articles/s41467-022-33926-1

Tác giả

(Visited 23 times, 1 visits today)