Các bảo tàng Florence mở ra cánh cửa cho những tác phẩm nghệ thuật đương đại
Phòng trưng bày Uffizi và cung điện Palazzo Strozzi gần đây đã chuyển mình, trưng bày đan xen các tác phẩm nghệ thuật đương đại với những kiệt tác của các bậc thầy xưa, thúc đẩy đối thoại giữa quá khứ và tương lai, hiện đại và truyền thống.
Bao quanh ông Eike Schmidt (Giám đốc của Uffizi) lần lượt theo chiều kim đồng hồ từ trái sang là các tác phẩm của Adriana Pincherle, Tesfaye Urgessa, Yayoi Kusama, Renato Guttuso và Marc Chagall. Ở ngoài cùng bên trái, sâu trong sảnh, là bức tranh từ thế kỷ 16 của Amico Friulano del Dosso. Ảnh: Clara Vannucci / The New York Times
Bước đến Phòng trưng bày Uffizi để ngắm nhìn các tác phẩm của những bậc thầy như Botticelli, Raphael và Michelangelo, nhiều du khách đã tỏ ra ngạc nhiên khi bắt gặp những bức chân dung tự họa của nghệ sĩ người Ethiopia Tesfaye Urgessa và nghệ sĩ Nhật Bản Yayoi Kusama.
Vào thời điểm mà các bảo tàng trên thế giới đang triển khai những hoạt động mới mẻ để kể một câu chuyện toàn diện hơn về nghệ thuật, Uffizi đã tụt lại phía sau. Được xem là bảo tàng cổ điển hàng đầu châu Âu, chính di sản bên trong và sự mong đợi của được chiêm ngưỡng một phần lịch sử hội hoạ xưa của du khách đã ngăn trở Uffizi phát triển.
Nhưng kể từ khi đảm nhiệm chức vị giám đốc vào năm 2015, Eike Schmidt đã dần dần cố gắng tích hợp nghệ thuật đương đại vào nơi này, ông nỗ lực gia tăng sự hiện diện của những nữ nghệ sĩ và nghệ sĩ da màu với mong muốn tiếp cận các du khách trẻ trung, đa dạng hóa người xem. “Trước đây, Uffizi rất hiếm khi tổ chức triển lãm nghệ thuật đương đại”, Schmidt cho biết trong một cuộc phỏng vấn gần đây tại bảo tàng. “Đối với mọi người, thế chẳng khác nào ‘thánh đường’ thiêng liêng đã bị xâm phạm”. “Với riêng tôi, việc quan trọng là phải phủi bụi nơi này và trưng bày những gì phù hợp”, ông nói thêm.
Các bảo tàng khác tại Florence cũng đang có những nỗ lực tương tự nhằm mở rộng phạm vi tiếp cận của họ, bao gồm việc kết hợp hiện đại với truyền thống hoặc soi chiếu các tác phẩm nghệ thuật lịch sử qua lăng kính hiện đại để thúc đẩy đối thoại giữa các thể loại và thời đại. một cuộc triển lãm của nghệ sĩ đương đại Jeff Koons vừa khép lại tại Cung điện Palazzo Strozzi, còn Bảo tàng Novecento thì vẫn đang trưng bày tác phẩm của nữ họa sĩ người Anh Jenny Saville.
Arturo Galansino, giám đốc cung điện Palazzo Strozzi cho rằng không dễ để thay đổi nhận thức của công chúng về nghệ thuật ở Florence. “Hầu hết mọi người thích xem nghệ thuật đương đại,” anh nói, “Ở Ý thì ngược lại. Mọi người cảm thấy thoải mái hơn khi nhìn ngắm quá khứ”.
Điều này bắt đầu thay đổi vào năm 2015, Galansino cho biết, khi tác phẩm điêu khắc thép mạ vàng “Pluto and Proserpina” của Koons được đặt ở khu vực trung tâm cung điện Palazzo Vecchio, tòa thị chính thời trung cổ của Florence, giữa các bản sao kiệt tác của Donatello và Michelangelo – các tác phẩm được trưng bày trong triển lãm đồ cổ hằng năm (Florence International Biennale Antiques Fair). “Đó là một khoảnh khắc mang tính biểu tượng,” Galansino nhận định.
Koons chia sẻ rằng anh cảm thấy được người dân Florence chào đón, và anh coi thành phố là một địa điểm lý tưởng bởi “bạn có thể đắm chìm trong thời kỳ Phục hưng, nhưng bạn cũng có thể đối thoại với nghệ thuật đương đại.”
“Đó là ý nghĩa của nghệ thuật”, anh bổ sung. “Nghệ thuật gắn kết những hoàn cảnh khác nhau và cho thấy cách mọi thứ đan quyện vào nhau”.
Với mong muốn thay đổi cách mọi người vẫn thường hình dung về mình, Phòng triển lãm Uffizi, Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan và Bảo tàng Frick ở New York đã suy nghĩ về những ý tưởng trưng bày mới. “Mọi nghệ sĩ đều thích được xuất hiện ở Uffizi”, Max Hollein – giám đốc Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan nói. “Đó là chốn thiên đường.”
Vượt qua lằn ranh
Mới đây, Uffizi đã mở một cuộc triển lãm trưng bày các tác phẩm của nghệ sĩ người Bỉ Koen Vanmechelen – một nghệ sĩ đương đại chuyên tập trung vào mối quan hệ giữa tự nhiên và văn hoá. Triển lãm “Seduzione” kéo dài đến ngày 20 tháng 3, trưng bày 30 tác phẩm bao gồm những con cự đà có sừng cực lớn, một chú hổ đỏ đang lấy đà và Medusa đen – trắng. Tất cả những hình ảnh kỳ lạ này tạo ra một ấn tượng mạnh mẽ, kỳ lạ giữa sảnh đường linh thiêng của Uffizi.
Tác phẩm “Cosmopolitan Fossil II” của Koen Vanmechelen. Triển lãm cá nhân của nghệ sĩ người Bỉ đang diễn ra tại Uffizi đến hết ngày 20 tháng 3. Ảnh: Clara Vannucci / The New York Times
Bảo tàng này gần đây còn tổ chức các buổi trưng bày tác phẩm của những nghệ sĩ hiện đại như nhà điêu khắc người Anh Antony Gormley, Giuseppe Penone với các tác phẩm mang đậm dấu ấn phong trào Arte Povera (Nghệ thuật thị giác và Thiết kế), Urgessa với những tác phẩm tập trung vào phê bình xã hội, chủng tộc và chính trị căn tính. Urgessa thừa nhận rằng ban đầu ông cảm thấy lạc lõng khi đặt các tác phẩm của mình tại Uffizi, nhưng rồi các du khách ở đó đã bày tỏ sự thích thú và chào đón ông, để rồi bảo tàng Uffizi đã dần dần thay đổi, không còn là “một cái gì đó thuộc về quá khứ, như những kim tự tháp”. “Ngày nay, mọi người muốn lắng nghe một câu chuyện mới mẻ,” ông nhấn mạnh, “một câu chuyện gần gũi với đời của họ”.
Schmidt cho biết ông đã cam kết sẽ dành cho các nữ nghệ sĩ ít nhất hai cuộc triển lãm mỗi năm. Ví dụ, vào tháng 2 năm ngoái, Uffizi đã tổ chức “Lo Sfregio” (“The Scar”), một sự kiện phản đối bạo hành phụ nữ. Tại đây, họ trưng bày bức tượng bán thân Costanza Piccolomini Bonarelli của Gian Lorenzo Bernini cùng với triển lãm ảnh mang tên “Pain is not a privilege” (Tạm dịch: Nỗi đau nào phải là một đặc ân) của Ilaria Sagaria, trong đó miêu tả các nạn nhân của các vụ tấn công bằng axit.
Thông qua các cuộc triển lãm, Uffizi cũng đang cố gắng vượt qua giới hạn những hình ảnh rập khuôn mà mọi người thường hình dung về bảo tàng này: lịch sử châu Âu, nam giới, người da trắng. Với “On Being Present” vào năm 2020, bảo tàng đã khám phá bản sắc của Người da đen trong các bức tranh, chẳng hạn như nhà thông thái trong “Adoration of the Magi” của Dürer và chân dung của các vị vua Ethiopia trong bộ sưu tập tranh Paolo Giovio. Cũng trong năm đó, Uffizi tổ chức một cuộc triển lãm về phụ nữ, quyền lực và sự giải phóng ở La Mã cổ đại.
Bên cạnh đó, những bức tranh mới của Uffizi cũng mang màu sắc mới mở hơn. Vào mùa thu năm ngoái, họ đã thêm một tác phẩm của hoạ sĩ đường phố Endless và 52 bức chân dung tự hoạ của các hoạ sĩ truyện tranh Ý vào bộ sưu tập của mình.
Với mục tiêu tiếp cận “càng nhiều người càng tốt”, Schmidt cho biết ông “tin rằng điều này sẽ mang lại kết quả tuyệt vời và sẽ mở ra nhiều sự giao thoa khác”.
Tác phẩm “Black Medusa” và “White Medusa” của Vanmechelen được đặt hai bên tác phẩm “Medusa” của Caravaggio. Ảnh: Clara Vannucci / The New York Times
Trong quá trình xác định những gì nhận diện nên Uffizi, bảo tàng đã cởi bỏ nút thắt, tổ chức chương trình “Uffizi Diffusi” trong thời gian diễn ra đại dịch, nhằm đưa tác phẩm ra khỏi phòng lưu trữ, gửi đến những địa điểm quanh vùng Tuscany, trưng bày chúng theo một chủ đề nhất định.
Mặc dù mãi cho đến năm 2015 bảo tàng này mới có website riêng – Schmidt ví von rằng họ vẫn đang ở “thời kỳ Đồ Đá” – nhưng giờ đây Uffizi đã trở thành một hiện tượng truyền thông, với gần 700.000 người theo dõi trên Instagram, hơn 100.000 trên TikTok và gần 128.000 trên Facebook. Gần đây, bảo tàng này thậm chí còn ra mắt một chương trình nấu ăn trên YouTube mang tên “Uffizi da Mangiare ” (hay “Uffizi on the Plate”) với những đầu bếp chế biến bữa ăn lấy cảm hứng từ các tác phẩm trong bộ sưu tập.
Schmidt cho biết bảo tàng đã ‘hái quả ngọt’: khách trong độ tuổi từ 19 đến 25 “tăng hơn gấp đôi” kể từ năm 2020. Tương tự, Galansino chia sẻ rằng bằng cách trưng bày các tác phẩm của những nghệ sĩ đương đại – chẳng hạn như Ai Weiwei, và Olafur Eliasson vào mùa thu tới – cung điện Palazzo Strozzi đã thu hút được một lượng khách tham quan mới, hơn 30% trong số đó ở độ tuổi dưới 30.
Nhờ những nỗ lực của Phòng trưng bày Uffizi và cung điện Palazzo Strozzi, cũng như vị trí đắc địa của Florence – nằm giữa các đô thị lớn như Rome và Milan, Galansino tin rằng Florence có thể trở thành “một thành phố nghệ thuật đương đại”. “Tôi nghĩ chúng tôi đã thuyết phục được công chúng rằng nghệ thuật đương đại cũng quan trọng như các kiệt tác của những bậc thầy xưa kia,” Galansino nói. “Mọi người đã quên mất rằng Florence vẫn đang tiếp tục sống giữa thời hiện đại, nó không chỉ sống trong quá khứ.”
Trên thực tế, Uffizi không phải là bảo tàng đầu tiên dùng TikTok, Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan đã sử dụng nền tảng này trước đó 1 năm cho một vài dự án, nhưng tài khoản của nó sau đó đã dừng hoạt động. Các video trên TikTok của Uffizi rất hài hước và đôi khi hơi kỳ quái. Trong một bài đăng, một con coronavirus hoạt hình nhảy vào Uffizi và dừng lại trước tác phẩm “Medusa” của Caravaggio, sinh vật thần thoại đã biến những ai dám nhìn nó thành đá. Virus biến thành một tảng đá và rơi xuống sàn nhà, vỡ làm đôi. Sau đó, Medusa đeo khẩu trang. Video còn lồng nhạc nền với tiếng Cardi B hét lên: “coronavirus.”
Trong một video khác, người lùn Morgante trong bức tranh vẽ vào năm 1552 của Bronzino đã nhảy ra khỏi khung hình và khỏa thân đi săn, xuyên qua khu vườn của Uffizi giữa nền nhạc “Blinding Lights” của The Weeknd. Người phụ trách sản xuất video này cho biết trên thực tế Morgante, một kẻ mua vui cho vương triều Medici, đã đi săn trong những khu vườn đó, đồng thời khẳng định nhiều bài viết của bà trên TikTok dựa trên sự thật lịch sử.
Anh Thư tổng hợp
Nguồn: Uffizi Gallery, Bastion of Tradition, Evolves (Slowly) With the Times
As Museums Get on TikTok, the Uffizi Is an Unlikely Class Clown