Các biện pháp có thể giảm nguy cơ mắc tiểu đường

Trong 30 năm qua, số lượng bệnh nhân tiểu đường trên toàn thế giới đã tăng gần gấp đôi. Tình trạng này diễn ra ở tất cả các quốc gia và khu vực. Người trên 65 tuổi là những người bị ảnh hưởng nhiều nhất, trung bình toàn cầu cứ 5 người trong nhóm này thì có 1 người bị tiểu đường. Theo dự báo, số ca mắc bệnh tiểu đường trên toàn thế giới có thể tăng từ 529 triệu người hiện nay lên 1,3 tỷ người vào năm 2050, theo bài đăng trên tạp chí The Lancet.

Những người bị tiểu đường do bị mất cân bằng trong quá trình điều hòa lượng đường trong máu. Ban đầu các tế bào không còn phản ứng đúng cách với insulin nội tiết tố đường trong máu, và sau đó các tế bào sản xuất insulin trong tuyến tụy bị tổn thương.

Các yếu tố nguy cơ chính của bệnh tiểu đường loại 2 là béo phì và chế độ ăn uống sai lầm, ngoài ra còn có yếu tố di truyền.

Một nhóm nghiên cứu quốc tế do Kanyin Liane Ong từ Đại học Washington dẫn dắt đã đánh giá tình trạng mắc bệnh tiểu đường ở 204 quốc gia và khu vực, kiểm tra sự phân bố của bệnh tiểu đường giữa các độ tuổi khác nhau và mối liên hệ của nó với 16 yếu tố rủi ro khác nhau. Kết quả thu được cho thấy, kể từ năm 1990, tỷ lệ người mắc bệnh tiểu đường trên toàn thế giới đã tăng gần gấp đôi. Cách đây 30 năm, mới chỉ có 3,2% dân số thế giới bị ảnh hưởng nhưng hiện nay con số này là 6,1%. Tổng cộng có 529 triệu người trên toàn thế giới đang sống chung với bệnh tiểu đường ngày nay.

Các nhà nghiên cứu kết luận, tiểu đường là một phần của gánh nặng bệnh tật toàn cầu (GBD). Ong cho biết: “Tốc độ gia tăng bệnh tiểu đường không chỉ đáng báo động mà còn là thách thức đối với hệ thống chăm sóc sức khỏe trên thế giới. Điều này liên quan đặc biệt đến các biến chứng của bệnh tiểu đường“.

Nếu xu hướng này tiếp tục, đến năm 2050, 1,3 tỷ người trên toàn thế giới có thể mắc bệnh tiểu đường. Theo dự báo của nhóm, tỷ lệ những người bị ảnh hưởng sẽ tăng từ 60 đến 70%.

Tập trung nhiều ở Trung Đông và Châu Đại Dương

Hóa ra, nơi có tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường cao không ở các nước công nghiệp hóa giàu có ở phương Tây mà là ở Bắc Phi, Trung Đông và Châu Đại dương. Trong khi đó, tỷ lệ bệnh nhân tiểu đường ở Đức là từ 4 đến 6 % tổng dân số thì ở quần đảo Marshall, tỷ lệ người bị bệnh là 22%. Ở các quốc gia vùng Vịnh thuộc Trung Đông, tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường trung bình là 15%. Nếu chỉ nhìn vào số người trên 65 tuổi, tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường cao hơn đáng kể. Nguyên nhân chính là do tình trạng béo phì và chế độ ăn uống không lành mạnh.

Nhóm nghiên cứu cho rằng, béo phì, lười vận động và chế độ ăn uống không lành mạnh là những nguyên nhân chính dẫn đến sự phát triển này. Ong giải thích: “Đặc biệt ở các nước có thu nhập thấp và trung bình, thường có sự chuyển đổi đột ngột từ chế độ ăn uống truyền thống sang thực phẩm được sản xuất công nghiệp. Điều này có liên quan đến sự gia tăng đáng kể bệnh tiểu đường loại 2″.

Các yếu tố kinh tế-xã hội cũng có vai trò nhất định, như chăm sóc sức khỏe và giáo dục thường không đầy đủ, đặc biệt là ở các nước đang phát triển và mới nổi, đồng thời cũng có những bất bình đẳng về xã hội và tài chính khiến phần lớn dân số gặp khó khăn trong cuộc sống.

Theo các nhà nghiên cứu thì bệnh tiểu đường loại 2 phần lớn có thể phòng ngừa và trong nhiều trường hợp có khả năng hồi phục nếu được phát hiện và điều trị sớm.

Những biện pháp giảm nguy cơ tiểu đường

Giảm cân nặng

Chỉ số khối cơ thể (BMI) từ 25 trở lên được coi là thừa cân và chỉ số BMI từ 30 trở lên được coi là béo phì.

Tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày

Tập tạ và các môn thể thao sức bền (ví dụ: chạy bộ, đạp xe, bơi lội) được coi là đặc biệt hiệu quả. Nhưng mọi biện pháp vận động đều có giá trị. Việc đi cầu thang bộ thay vì thang máy, đi bộ trong khi nói chuyện điện thoại hoặc đạp xe đi làm đều giúp ích cho bạn.

Ăn uống lành mạnh

Theo các nghiên cứu, chế độ ăn Địa Trung Hải sẽ có tác dụng phòng ngừa bệnh tiểu đường loại 2. Đặc biệt, các chất xơ ăn kiêng giúp chống lại quá trình chuyển hóa đường và chất béo bị xáo trộn và cải thiện tác dụng của insulin trong cơ thể. Nên dùng 15 gam chất xơ mỗi ngày và 1000 calo (khoảng 30 gam). Do đó, chế độ ăn uống của bạn nên bao gồm nhiều rau và trái cây cũng như các sản phẩm ngũ cốc nguyên hạt. Cắt giảm muối và đường, các loại đậu đỗ cũng làm tăng sự cân bằng chất xơ trong chế độ ăn uống.

Tránh chất béo

Không nên ăn nhiều thịt và xúc xích. Những người không thể không ăn thì nên chọn các thực phẩm ít chất béo, đối với phô mai cũng như các loại cá cũng vậy (nên ăn cá hồi, cá ngừ, cá thu) và chú ý đến một chế độ ăn uống cân bằng protein và chất béo. Các axit béo omega-3 (PUFA) trước đây được cho là rất quan trọng để phòng ngừa và điều trị các bệnh tim mạch nhưng các phân tích khoa học gần đây vẫn chưa chứng minh được điều đó.

Hạn chế các loại nước ngọt

Nước chanh, cola và nước ép trái cây là núi đường dạng lỏng và làm tăng lượng đường trong máu và insulin, không chỉ góp phần đáng kể vào tình trạng thừa cân và béo phì mà còn thúc đẩy kháng insulin và do đó có thể dẫn đến bệnh tiểu đường.

Cà phê có thể có tác dụng bảo vệ: bốn hoặc tối đa bảy tách cà phê mỗi ngày (kể cả loại cà phê đã khử khử coffein) có thể giảm 25% nguy cơ gây tiểu đường loại 2.

Hạn chế chất có cồn

Uống rượu làm tăng lượng đường trong máu, làm tổn thương hệ thần kinh và dẫn đến gan nhiễm mỡ do rượu. Tốt nhất nên tránh hoàn toàn hoặc chỉ uống vừa phải, là 10 gam đối với phụ nữ (một ly rượu vang trắng) và 20 gam đối với nam giới (nửa cốc bia).7.Không hút thuốc lá

Hút thuốc lá hay chất nikotin là yếu tố quan trọng gây bệnh tiểu đường

Những người bỏ thuốc lá có thể nguy cơ bị tiểu đường typ 2 từ 30 đến 50%.

Hãy giữ huyết áp ở mức độ trung bình

Điều này làm giảm nguy cơ biến chứng nguy hiểm do bệnh tiểu đường. Huyết áp cao kết hợp với lượng đường trong máu tăng cao và rối loạn chuyển hóa lipid (cholesterol LDL cao) dẫn đến tổn thương các mạch máu nhỏ (thận, mắt, tim, dây thần kinh, não) và các mạch lớn (=xơ cứng động mạch) trong tim , não, chân và thận.

Ngủ đẫy giấc

Thiếu ngủ hoặc rối loại giấc ngủ tác động tiêu cực đến giá trị đường trong máu, đến tác động của insulin và bài tiết insulin. Rối loạn giấc ngủ nghiêm trọng, bao gồm cái gọi là hội chứng ngưng thở khi ngủ, có liên quan chặt chẽ với bệnh tiểu đường.

Hãy tránh stress

Hormone stress (căng thẳng) khiến lượng đường trong máu tăng lên. Do đó, hãy cố gắng giảm thiểu các nguyên nhân gây căng thẳng không cần thiết hoặc tránh chúng hoàn toàn càng nhiều càng tốt. Mọi người nên dành đủ thời gian để nghỉ ngơi và áp dụng việc luyện thở hoặc yoga.

Xuân Hoài tổng hợp

Nguồn:

https://www.focus.de/gesundheit/ratgeber/diabetes/diabetes-weltweite-fallzahl-hat-sich-fast-verdoppelt_id_197693186.html

https://www.hna.de/welt/diabetes-elf-massnahmen-tipps-risiko-senken-gesundheit-zuckerkrankheit-92382488.html

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)