Các công ty ở Trung Quốc săn lùng nhân tài

Khác hẳn những năm 1980 và 1990 khi hầu hết những sinh viên trẻ tài năng của Trung Quốc mong muốn ra nước ngoài học tập, và những cô cậu này đã có đủ may mắn được học tập ở những nước tiên tiến nhất như Mỹ hay Nhật. Sau khi tốt nghiệp, họ muốn ở lại để theo đuổi những chương trình đào tạo bậc cao và rất miễn cưỡng quyết định trở về Trung Quốc. Giờ đây, với sự phát triển kinh tế nhanh chóng, điều kiện sống và làm việc được cải thiện đáng kể, ngày càng nhiều những công dân Trung Quốc đang nghiên cứu, học tập ở hải ngoại trở về quê hương làm việc hoặc bắt đầu tiến hành hoạt động kinh doanh.

Cuộc chạy đua nhân lực
Trung Quốc đang đẩy mạnh phát triển nhiều khu công nghệ cao đã làm cho số lượng những công ty đa quốc gia xuất hiện ngày càng tăng, cung cấp một lượng lớn cơ hội việc làm cho những sinh viên Trung Quốc du học trở về. Mặc dù những công ty đa quốc gia này đã giúp thu hút và giữ lại những tài năng, nhưng họ lại đặt ra những thách thức lớn cho những công ty và cả những viện nghiên cứu trong nước. Wu Yikang, một cố vấn kỳ cựu của Hiệp hội Hợp tác Quốc tế về Khoa học và Công nghệ Trung Quốc, cho biết, “Ngày càng nhiều tài năng Trung Quốc đổ dồn vào những công ty đa quốc gia bởi vì họ mong muốn được làm việc về những nghiên cứu công nghệ cao mũi nhọn và được trả lương xứng đáng”. “Có một thực tế rằng, những công ty đa quốc gia ở Trung Quốc đã tạo ra một lượng lớn những cơ hội việc làm cho những sinh viên Trung Quốc đã tốt nghiệp, và họ cũng đã thu hút rất nhiều sinh viên Trung Quốc đang học tập ở nước ngoài”, ông nói thêm.
 

Theo thống kê của chính phủ, kể từ năm 1979, khi Trung Quốc mở cửa cho phép sinh viên ra nước ngoài du học, hơn 1 triệu người đã rời đất nước, và 30% trong số họ đã trở về quê hương. Nhưng số lượng này còn quá ít ỏi. Thị trường vẫn cần một nhu cầu lớn những chuyên gia Trung Quốc được đào tạo ở nước ngoài có tầm nhìn quốc tế và chuyên môn quản lý. Sự thiếu hụt những tài năng như thế là một thách thức lớn đối với những công ty Trung Quốc đang có kế hoạch mở rộng việc kinh doanh của họ ở nước ngoài, cũng như các công ty đa quốc gia đang hoạt động ở Trung Quốc. Rất nhiều những công ty đa quốc gia hiểu rằng, họ có thể đào tạo những người bản địa để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về lao động. Nhưng để làm được điều này cần phải có thời gian và tiền bạc.
Một báo cáo mới đây cho thấy, hầu hết 40% tài năng trẻ được đào tạo của Trung Quốc làm việc trong các công ty đầu tư nước ngoài. Một cuộc khảo sát ở Thượng Hải chỉ ra rằng, tỷ lệ những nhà nghiên cứu Trung Quốc và những nhân viên R&D ngoại quốc trong những tổ chức nghiên cứu đầu tư nước ngoài đặt tại đại lục là gần 40:1.
Tuy nhiên, Wu Yikang chỉ ra rằng những người Trung Quốc làm R&D có thể có một kiến thức nền rất tốt nhưng vẫn còn thiếu kinh nghiệm thực tiễn. Các công ty đa quốc gia cung cấp những chương trình đào tạo có thể giúp thúc đẩy các nhà nghiên cứu Trung Quốc. Nhưng các công ty này cũng sợ rằng, một khi họ đầu tư đào tạo ra những tài năng bản địa, những công ty đối thủ của họ có thể thu hút những tài năng đang nổi lên này bằng nhiều cách. Wu cho biết, “Những tài năng được đào tạo bài bản trong các công ty đa quốc gia thực sự trở thành nguồn nhân lực tiềm tàng cho nhiều công ty Trung Quốc, khi mà những công ty này phát triển mạnh mẽ”.
Và với sự thay đổi nhanh chóng cả về kinh tế lẫn xã hội, ở Trung Quốc đã xuất hiện những công việc mới như dây truyền ứng dụng hay quản lý rủi ro, mà ở đó rất khó tìm được những ứng viên có đủ khả năng thực thụ. Bởi vậy, những công ty đa quốc gia và cả những công ty trong nước chỉ có thể tuyển dụng những sinh viên Trung Quốc được đào tạo ở nước ngoài cùng với những kinh nghiệm làm việc của họ ở đó.
Theo công ty săn đầu người toàn cầu Whitney Group, công nghiệp tài chính của Trung Quốc đang “đói” những chuyên gia có kinh nghiệm làm việc ở nước ngoài. “Mặc dù nhiều sinh viên đại lục được đào tạo bài bản ở hải ngoại đang trở về Trung Quốc, nhưng thị trường vẫn đang trong tình trạng thiếu cung”, Harry O’Nei, giám đốc quản lý Whitney Group, nói. Whitney hiện có khoảng 400,000 người trong cơ sở dữ liệu của họ nhưng những ứng viên thích hợp cho thị trường Trung Quốc chỉ chiếm con số phần trăm rất nhỏ.
Sự mở rộng các công ty đa quốc gia ở Trung Quốc đã đẩy nhanh nhu cầu tìm kiếm những nhà quản lý có kinh nghiệm với tầm nhìn quốc tế. Những tập đoàn tư vấn nguồn nhân lực, bao gồm cả Whitney, đã dự đoán trong một vài năm tới, cứ bốn nhà quản lý các công ty đa quốc gia thì sẽ có một người được đào tạo ở nước ngoài với kinh nghiệm làm việc trong những thị trường phát triển ở hải ngoại.

Tăng cường thu hút
Nền kinh tế Trung Quốc với sự toàn cầu hóa đang gia tăng, nhiều công ty lớn của nước này đang tìm mọi cách thu hút những chuyên gia Trung Quốc ở nước ngoài với nhiều đề nghị hấp dẫn. Có khoảng 110 lĩnh vực đầu tư đặc biệt với những khuyến khích các tài năng Trung Quốc đã được thiết lập ở nhiều vùng khác nhau. Vào cuối 2005, hơn 5000 công ty đã được thành lập, hoạt động trong các lĩnh vực từ công nghệ cao, tài chính tới tư vấn, và đang tạo ra giá trị hàng năm lên tới hơn 1.28 tỷ USD.
Bắc Kinh cũng đang nỗ lực thu hút các nhà nghiên cứu ở nước ngoài trở về, rất nhiều trong số họ hiện đang lãnh đạo nhiều dự án nghiên cứu khoa học lớn tầm cỡ quốc gia. Tại Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc (CCER) của Đại học Bắc Kinh, mức lương trả cho những nhà kinh tế trở về từ 30,000-50,000 USD một năm, không bao gồm cả thuê nhà và những bổng lộc khác. Một bằng PhD ở nước ngoài là yêu cầu chuyên môn tối thiểu để nhận được một việc làm ở CCER. Tính trung bình, hiện nay có khoảng 10-15 ứng viên cạnh tranh để có một vị trí ở CCER.
Cùng với nhiều thành phố khác đang dẫn đầu về số lượng những chuyên gia trở về, Thượng Hải được xem là đi tiên phong trong việc thu hút những chuyên gia Trung Quốc ở hải ngoại. Vào 8/2003, Thượng Hải đã phát động một chiến dịch 3 năm đầy tham vọng để thu hút hơn 10,000 người Trung Quốc ở nước ngoài đến làm việc trong thành phố bằng việc đưa ra những chính sách ưu đãi bao gồm một thẻ cư trú ở Thượng Hải với những quyền lợi như những người địa phương và trợ cấp chính phủ cho những người bắt đầu các hoạt động kinh doanh của họ tại đây. Đến cuối tháng 11, thành phố này đã đạt được mục tiêu phía trước của kế hoạch và đã thu hút 10,203 công dân Trung Quốc từ 110 nước và vùng lãnh thổ đến làm việc.

Thiếu nhưng vẫn thừa
Không phải tất cả những sinh viên Trung Quốc từ nước ngoài trở về đều được chào đón trong thị trường việc làm ở đại lục. Điều này gợi ý rằng, vấn đề về sự mất cân đối nguồn nhân lực, một kết quả của sự thay đổi xã hội và kinh tế, ngày càng tăng. Theo một đánh giá 1500 người trở về được thực hiện bởi Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển của Hội đồng Quốc gia, có khoảng 35% sinh viên Trung Quốc đào tạo ở nước ngoài rất khó khăn trong tìm việc làm khi họ trở về đất nước. Ying, 25 tuổi, là một trong nhiều trường hợp như thế. Sau một vài tháng không tìm được việc, với tấm bằng thạc sỹ về truyền thông đại chúng của Đại học Bristish, cô bắt đầu cảm thấy chán nản. Ying đã tới Anh để tiếp tục theo đuổi chương trình học tập sau đại học ngay sau khi tốt nghiệp tại một trường đại học ở Thượng Hải vào năm 2005, với hy vọng sẽ có được một công việc tốt hơn những người bạn của cô học tập ở trong nước khi trở về. Nhưng giờ thì ngược lại, cô rất khó khăn tìm cho mình một một công việc phù hợp để biến giấc mơ thành hiện thực. “Một vài công ty lớn không thích những người như tôi bởi vì tôi không có được kinh nghiệm hay kiến thức chuyên môn như họ yêu cầu, trong khi những công ty nhỏ lại trả tôi mức lương, thậm chí, thấp hơn cả mức lương của một sinh viên mới tốt nghiệp với tấm bằng cử nhân tại một trường đại học trong nước”, cô tâm sự.
Một vài năm về trước, những người Trung Quốc như Ying được gọi là haigai hay “những con rùa biển”. Ngược lại, những người được đào tạo ngay tại đại lục được gọi là tubie (những con rùa mu mềm bản địa). Bởi vậy, thuật ngữ haigai ám chỉ rằng, những người trở về được tôn trọng. Nhưng ngày nay, rất nhiều những người trở về được gọi là “tảo biển”, hay người trở về tìm việc làm do những khó khăn của họ trong tìm kiếm công việc. Hầu hết haigai là những người ra nước ngoài học tập ngay sau khi hoàn thành những chương trình đào tạo bậc phổ thông hay đại học ở trong nước, và bây giờ họ trở về đại lục mà không có kinh nghiệm làm việc ở nước ngoài hay những kỹ năng thông tin như nhà tuyển dụng yêu cầu. Họ bị đối xử không tốt hơn những sinh viên đào tạo trong nước. Rất nhiều haigai cảm thấy căng thẳng trong tìm việc bởi vì tấm bằng mà họ có trong tay không phù hợp với yêu cầu của các công ty tuyển dụng.
Những ông chủ ở Trung Quốc ngày càng thực tế hơn. Những cái mà họ tìm kiếm ở những ứng viên đó phải là những người hiểu được cả nền văn hóa Trung Quốc và nền văn hóa phương Tây, nói thành thạo cả tiếng Trung Quốc phổ thông và một ngoại ngữ, đồng thời phải là những người có kinh nghiệm làm việc ở nước ngoài.

Đức Phường (Theo AsiaTimes)

Tác giả

(Visited 5 times, 1 visits today)