Các cửa hàng tạp hóa: Điểm khởi đầu tiềm năng cho thực phẩm lành mạnh
Muốn có được chế độ ăn lành mạnh, chúng ta cần quan tâm đến những hộ buôn bán nhỏ trong chuỗi giá trị lương thực - các cửa hàng tạp hóa.

Đây là một trong những thông điệp rút ra từ nghiên cứu “Small Groceries in Viet Nam” của ba nhà nghiên cứu Alan de Brauw, Đào Thế Anh và Phạm Thị Hạnh Thơ, một kết quả từ sáng kiến Các chế độ ăn lành mạnh bền vững của Tổ chức CGIAR.
Ở nhiều quốc gia, môi trường thực phẩm đang trải qua một sự thay đổi nhanh chóng khi nền kinh tế tăng trưởng và số dân đô thị gia tăng; một hệ quả là sự tiêu thụ thực phẩm lớn hơn. Việt Nam cũng không ngoại lệ.
Các nhà nghiên cứu tập trung vào một dạng bán lẻ điển hình: các cửa hàng tạp hóa. Những nơi này tuy nhỏ nhưng đóng một vai trò quan trọng trong môi trường thực phẩm Việt Nam, đặc biệt trong khu vực nông thôn. Những gì họ bán đều đóng vai trò quan trọng trong cải thiện chế độ ăn của người Việt Nam.
Để tìm hiểu sâu hơn vào vai trò của các cửa hàng tạp hóa với những cơ hội và giới hạn của họ trong việc bán các thực phẩm lành mạnh, nhóm nghiên cứu đã chọn dữ liệu thu thập ở quận Đống Đa thuộc nội thành Hà Nội; huyện Đông Anh, nơi gần với trung tâm đô thị; và Mộc Châu, một vùng nông thôn miền núi ở Tây Bắc Hà Nội.
Các cửa hàng tạp hóa được xếp vào nhóm các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs). Có khoảng 200 cửa hàng tạp hóa thuộc diện này được nhóm nghiên cứu lấy mẫu, đều thuộc diện thưa thớt ở vùng nông thôn nhưng có mật độ cao hơn ở khu vực thành thị hoặc ngoại thành. Ở khu vực thành thị, cửa hàng tạp hóa có đối thủ cạnh tranh trực tiếp là chuỗi cửa hàng tiện lợi nhưng ở nông thôn và ngoại thành như Mộc Châu hay Đông Anh thì ít xuất hiện hơn.
Khi tìm hiểu những dạng thực phẩm an toàn, lành mạnh được bán trong các cửa hàng tạp hóa, các nhà nghiên cứu phát hiện ra cửa hàng ở Mộc Châu bán những mặt hàng đa dạng hơn các tạp hóa ở Đông Anh và Đống Đa. Phần lớn các cửa hàng tạp hóa nhỏ trong cuộc điều tra này bán cả thực phẩm lành mạnh (rau quả, đậu đỗ, trứng…), lẫn không lành mạnh (bánh kẹo, bim bim…).
Nhiều cửa hàng tạp hóa là do gia đình vận hành với một vài nhân công, trong đó 47% có chủ cửa hàng là phụ nữ, 42% có cả nam và nữ là chủ cửa hàng. Hầu hết các cửa hàng này nếu thuê nhân công thì đều chọn phụ nữ. Trung bình, chỉ 30% cửa hàng tạp hóa có mã số thuế và số lượng này ở Mộc Châu cao nhất, 58%. Về cung cách điều hành, chỉ một số có sổ ghi chép và nói chung thiếu các thiết bị hỗ trợ bán lẻ như máy quẹt thẻ, chủ yếu là do chi phí đầu tư, tuy nhiên phần lớn đều nắm được nguồn thu chi của cửa hàng. Khoảng 2/3 cửa hàng ở mỗi địa điểm cho biết đều biết rõ về chi phí sản phẩm họ bán, và 57% đến 66% cửa hàng ở Đống Đa, Mộc Châu đều biết rõ mặt hàng nào đem lại lợi nhuận nhiều nhất. Những mặt hàng lành mạnh với sức khỏe phần lớn được đề cập là sữa và dầu ăn.
Khi được hỏi sâu về kiến thức dinh dưỡng, phần lớn người bán đều có thể nhận diện loại sản phẩm có hàm lượng muối cao, ví dụ như bim bim, tuy nhiên chỉ một nửa biết được các thành phần khác, ví dụ sắt trong thịt. Bên cạnh đó, chưa đến một nửa nói có quan tâm đến thực phẩm lành mạnh và cho rằng, thách thức lớn trong việc bán các mặt hàng này là nhu cầu khách hàng thấp, giá thành cao.
Vì vậy các nhà nghiên cứu rút ra hai điểm quan trọng: thứ nhất, các cửa hàng tạp hóa nhỏ là điểm khởi đầu tiềm năng của nơi bán thực phẩm lành mạnh, đặc biệt ở đô thị; thứ hai, không cửa hàng nào có thể tiếp cận được với nguồn tài chính và hầu hết đều không chính thức, rõ ràng cần có nghiên cứu tiếp theo để hiểu rõ hơn là liệu việc tiếp cận tài chính tốt hơn có thể làm tăng lượng thực phẩm lành mạnh hơn không và nghiên cứu tập trung vào khu vực nông thôn, nơi các cửa hàng tạp hóa đóng vai trò lớn hơn trong cung cấp thực phẩm lành mạnh; thứ ba, cần cải thiện các thực hành kinh doanh thông thường và kiến thức dinh dưỡng cơ bản trong các cửa hàng tạp hóa nhỏ. Điều này có tiềm năng làm gia tăng sự hiện diện của các thực phẩm lành mạnh tại đây.
Bài đăng Tia Sáng số 3/2025