Mô hình nuôi trồng thủy sản bền vững tại TPHCM

Nhóm tác giả ở Viện Sinh học nhiệt đới đã nghiên cứu đánh giá và đề xuất một số mô hình nuôi trồng thủy sản bền vững cho huyện Cần Giờ, TPHCM.

Cần Giờ là huyện duy nhất của TPHCM có hoạt động nuôi trồng thủy sản (NTTS) mặn, lợ. Những năm qua, lĩnh vực NTTS chiếm hơn 90% giá trị sản xuất kinh tế trong nhóm ngành nông – lâm – thủy – sản của huyệnvà tạo công ăn việc làm cho khoảng 15% dân số ở đây.
Tuy vậy, sự phát triển của hoạt động NTTS còn bộc lộ nhiều nguy cơ phát triển chưa bền vững – đó là sự phát triển ồ ạt, tự phát, chuyển đổi và khai thác các diện tích đất nông nghiệp sang nuôi tôm mà thiếu đầu tư cơ sở hạ tầng một cách đồng bộ và quy hoạch vùng nuôi. Ngoài ra, vấn đề dịch bệnh xuất hiện với tần suất cao hơn và nhiều dịch bệnh mới gây thiệt hại trên diện rộng đối với tôm và các loại nhuyễn thể. Việc sử dụng hóa chất, thuốc, thức ăn,… gây ảnh hưởng đến môi trường vùng nuôi.
Trong đề tài “Nghiên cứu đánh giá và đề xuất phát triển các mô hình nuôi trồng thủy sản bền vững cho huyện Cần Giờ, TPHCM”, nhóm tác giả Viện Sinh học nhiệt đới chỉ ra, sự bền vững của các mô hình NTTS tại Cần Giờ bị tác động bởi nhiều yếu tố như cơ sở hạ tầng nuôi; sự gia tăng tần suất dịch bệnh và xuất hiện bệnh mới; môi trường vùng nuôi, xử lý nước thải, bùn thải sau vụ nuôi; sự biến đổi của các điều kiện tự nhiên như lượng mưa, nhiệt độ, độ mặn,…
Nhóm tác giả cũng đưa ra các nhóm tiêu chí cần có để xác định mô hình NTTS bền vững ở Cần Giờ, như mô hình sản xuất sản phẩm phù hợp với cơ cấu phát triển kinh tế của địa phương; sản phẩm có thị trường tiêu thụ tốt; mô hình có xác suất nuôi thành công cao; tỷ suất lợi nhuận tốt; cải thiện đời sống xã hội, phù hợp văn hóa, tập quán; phù hợp quy hoạch, định hướng phát triển; bền vững môi trường (đất, nước, hệ sinh thái).
Hiện nay, Cần Giờ có 16 mô hình NTTS, trong đó có 3 mô hình được đánh giá là bền vững, có thể nhân rộng (nuôi tôm sú sinh thái – đầm đập, hàu và cá dứa); 6 mô hình được đánh giá tương đối bền vững (sò huyết, nghêu, tôm thẻ bán thâm canh, cua biển, cá nâu, tôm sú). Ngoài ra, có 4 mô hình ít bền vững gồm tôm thẻ tâm canh, tôm sú thâm canh, cá chim, tôm thẻ siêu thâm canh; 3 mô hình không bền vững (cá bớp, ốc hương và cá chẽm).
Đặc biệt, mô hình nuôi tôm thẻ thâm canh theo hướng bền vững đã được nhóm tác giả xây dựng và triển khai thực nghiệm ở Ấp Tân Điền, xã Lý Nhơn với hai giai đoạn ương giống và nuôi thương phẩm. Trong đó, giai đoạn nuôi thương phẩm, nhóm sử dụng rong câu và chế phẩm vi sinh EM nhằm giảm thiểu sự tích tụ của các chất hữu cơ dư thừa trong ao, ảnh hưởng đến tôm và hệ sinh thái nuôi tôm. Kết quả, tôm đạt tỷ lệ sống trung bình ở giai đoạn 1 là 88,34%, giai đoạn 2 là 84,63%, tỷ suất lợi nhuận của mô hình đạt 0,82. Các kết quả này cao hơn mô hình nuôi tôm thẻ thâm canh đang canh tác tại Cần Giờ (tỷ lệ sống trung bình đạt 79%, tỷ suất lợi nhuận 0,67). Vì vậy, mô hình này có thể nhân rộng cho các hộ NTTS ở Cần Giờ.
Ngọc Đỗ

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)