Các ngành STEM: Mất cân bằng giới về nhân lực

Không có gì ngạc nhiên khi ngành công nghiệp đổi mới sáng tạo và công nghệ có tỷ lệ mất cân bằng giới lớn nhất trong tất cả các ngành, theo nhận định của báo cáo khuyến nghị chính sách Đổi mới và công nghệ vì bình đẳng giới của Văn phòng điều phối viên của Liên Hợp Quốc và UN Women vừa xây dựng mới đây.

Hiện nay, tỷ lệ nữ tốt nghiệp đại học trong lĩnh vực STEM ở Việt Nam hiện nay là 36,5%. Đơn cử, Đại học Bách khoa có hơn 78% sinh viên nam so với 22% sinh viên nữ. Với sự chênh lệch giữa nam giới và phụ nữ theo đuổi ngành khoa học và công nghệ (STEM) tại Việt Nam, không có gì ngạc nhiên khi ngành công nghiệp đổi mới sáng tạo và công nghệ có tỷ lệ mất cân bằng giới lớn nhất trong tất cả các ngành, theo nhận định của báo cáo khuyến nghị chính sách Đổi mới và công nghệ vì bình đẳng giới của Văn phòng điều phối viên của Liên Hợp Quốc và UN Women vừa xây dựng mới đây. Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), tại Việt Nam, phụ nữ chiếm khoảng 37% lực lượng lao động trong ngành công nghiệp này.

Ảnh: ILO

Ngày nay, số hóa đã thâm nhập vào hầu hết các lĩnh vực chính của nền kinh tế trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, theo một số ước tính nền kinh tế số chiếm khoảng 14,26% tổng GDP vào năm 2022, với mức tăng trưởng hàng năm ước tính là 8,9% trong giai đoạn 2022-2026. Tuy nhiên, trong nền kinh tế kỹ thuật số, phụ nữ ít có cơ hội tham gia và đóng góp đầy đủ hơn so với nam giới. Đổi mới công nghệ và kỹ thuật số có thể đồng thời tạo ra, loại bỏ và chuyển đổi các công việc và điều này đòi hỏi người lao động phải có kỹ năng cao, tuy nhiên hiện nay phụ nữ hầu như vẫn chỉ làm việc trong các ngành thâm dụng lao động. Gần 80% phụ nữ trong độ tuổi lao động ở Việt Nam có tay nghề thấp hoặc không có tay nghề. Có tới 86% lao động trong ngành dệt may và da giày của Việt Nam có nguy cơ mất việc làm trong vòng vòng 10-15 năm tới.

Nhìn chung, tỉ lệ nữ giới Việt Nam tham gia thị trường lao động cao, nguồn lao động dồi dào nhưng tỷ lệ có việc làm đã qua đào tạo thấp và có sự chênh lệch giữa nam giới và nữ giới khi cứ 4 lao động nam có việc làm thì có 1 người đã qua đào tạo (tỷ lệ 25%), ở nữ giới thì cứ 5 lao động có việc làm thì mới có 1 người đã qua đào tạo (tỷ lệ 20%).

Trong khi đó, việc phụ nữ và trẻ em gái theo đuổi các ngành học và lao động thuộc nhóm STEM vẫn còn rất hạn chế. Một nghiên cứu từ năm 2019 cho thấy cả giáo viên và học sinh nữ đều vẫn có những rào cản xã hội, định kiến văn hóa về sự phù hợp của họ/học sinh của họ trong theo đuổi các ngành học STEM. Phụ nữ được coi là người phải chịu trách nhiệm chính trong việc nuôi dạy con cái và các công việc nội trợ. Điều này hạn chế khả năng tiếp cận của phụ nữ với một ngành công nghiệp đang phát triển nhanh và cũng là rào cản đối với phụ nữ trong định hình các công nghệ và đi đầu trong đổi mới, sáng tạo. Trong khi đó, đến năm 2050, 75% công việc trên toàn cầu sẽ liên quan đến STEM.

Báo cáo khuyến nghị tăng cường và thúc đẩy giáo dục có chất lượng cho phụ nữ và trẻ em gái trong suốt cuộc đời và ở tất cả các cấp, nhất là các kiến thức về số hóa, đảm bảo phụ nữ và trẻ em gái được tiếp cận bình đẳng với đào tạo kỹ năng lãnh đạo, phát triển nghề nghiệp, học bổng, học bổng ngắn hạn và đào tạo nghề, đặc biệt là trong các lĩnh vực STEM và giáo dục kỹ thuật; và giải quyết các chuẩn mực xã hội tiêu cực cũng như khuôn mẫu giới trong hệ thống giáo dục.

Khuyến nghị tiếp theo là dự báo nhu cầu công việc và kỹ năng trong tương lai giảm thiểu các tác động bất lợi, mang yếu tố giới của số hóa và tự động hóa, đồng thời điều chỉnh chương trình giáo dục và dạy nghề các chương trình đào tạo lại và nâng cao kỹ năng để tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ chuyển đổi sang nghề nghiệp và công việc mới, đặc biệt đối với những người có nguy cơ bị thay thế bởi quá trình tự động hóa, ví dụ như lao động di cư.

Bảo Như

Tác giả

(Visited 64 times, 1 visits today)