Các nghiên cứu chỉnh sửa gene đang rời bỏ Mỹ

Mệt mỏi vì sự rắc rối về quy định và thiếu kinh phí, một số nhà nghiên cứu Mỹ đang đưa công trình nghiên cứu về gia súc chỉnh sửa gene của họ ra nước ngoài.

Từ lâu các nhà nghiên cứu Hoa Kỳ, vốn kiên trì theo hướng phát triển gia súc biến đổi gene, đã phải đối mặt với sự thiếu hụt kinh phí nghiên cứu và cũng không chắc chắn có cơ hội đưa sản phẩm của mình ra thị trường. Nhiều người đã hy vọng sự ra đời của các công nghệ chỉnh sửa gene, công nghệ cho phép các nhà nghiên cứu thay đổi bộ gene với độ chính xác cao hơn trước đây, sẽ góp phần làm giảm bớt sự giám sát của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA). Thông thường sự giám sát của cơ quan này tập trung vào các sinh vật được sửa đổi với việc đưa DNA từ các loài khác vào gene.
Nhưng vào năm 2017, FDA đã ban hành dự thảo hướng dẫn cho thấy họ cũng sẽ điều chỉnh quy định về động vật được chỉnh sửa gene. Động vật duy nhất mà FDA đã phê duyệt là một loại cá hồi được biến đổi gene để phát triển nhanh hơn, đây là quyết định đã được đưa ra sau nhiều thập kỷ. Loại cá hồi này có trước công nghệ chỉnh sửa gene, được tạo ra bằng cách chèn các yếu tố di truyền như một gene điều chỉnh hormone tăng trưởng từ các loài cá hồi khác.
FDA cuối cùng chấp thuận vào năm 2015, nhưng hai tháng sau, Quốc hội đã chặn mọi hoạt động tiếp thị cho loại cá hồi này bằng cách ra lệnh cho FDA thiết lập các yêu cầu ghi nhãn cho thịt biến đổi gene.
FDA đã không đưa ra các yêu cầu đó, cũng như không hoàn thiện các hướng dẫn để điều chỉnh vật nuôi được chỉnh sửa gene. Theo người phát ngôn của FDA, cơ quan này “rất vui mừng về tiềm năng của một số công nghệ mới hơn này và các sản phẩm đang được phát triển, bao gồm cả động vật được chỉnh sửa gene. Trong khi giúp đưa các sản phẩm sáng tạo ra thị trường, FDA cũng cần đảm bảo an toàn và niềm tin của người tiêu dùng”.
Trong khi đó, các nhà nghiên cứu và các công ty đang do dự trong việc thực hiện các dự án chỉnh sửa gene do phải chờ đợi Mỹ chấp thuận. “Không ai muốn làm [những dự án chỉnh sửa gene tương tự], sau những gì mà xảy ra với chúng tôi”, Sylvia Wulf, giám đốc điều hành của AquaBounty Technologies, công ty ở Maynard, Massachusetts, đã phát triển loại cá hồi. 
Cá hồi của AquaBounty có trước công nghệ chỉnh sửa gene, nhưng sau khi công nghệ này xuất hiện, công ty đã sử dụng kỹ thuật này để phát triển một loại cá rô phi phát triển nhanh. Thay vì cố gắng được FDA chấp thuận, AquaBounty đã tìm cách đưa cá ra thị trường ở Argenetina. Vào tháng 12, công ty đã tuyên bố, Argenetina sẽ không quy định loại cá rô phi của họ là động vật biến đổi gene. Thay vào đó, loại cá này sẽ rơi vào các quy định quản lý các giống cây trồng và động vật mới – một quy trình điều chỉnh ngắn hơn đáng kể.
Các nhà nghiên cứu Mỹ rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan. Tài trợ liên bang cho vật nuôi biến đổi hoặc chỉnh sửa gene đang thiếu, ví dụ nhà di truyền học Kevin Wells của Đại học Missouri, Columbia chỉ có thể nhớ lại một khoản tài trợ trong 30 năm qua. Các nhà nghiên cứu đã dựa vào tài trợ công nghiệp  – nhưng nguồn này cũng có thể cạn kiệt nếu các công ty không thể đưa sản phẩm của họ ra thị trường.
Việc chuyển nghiên cứu đến một quốc gia khác không phải luôn dễ dàng. Khoảng mười năm trước, những khó khăn trong tìm kiếm tài trợ đã khiến nhà di truyền học động vật James Murray chuyển dự án dê chuyển gene từ Đại học California ở Davis sang Brazil. Nhưng Brazil cấm nhập khẩu dê và thậm chí trứng dê hoặc tinh trùng. Murray và các cộng tác viên của ông cố gắng nhân bản dê của họ từ các tế bào có thể nhập khẩu hợp pháp nhưng khi các khoản tài trợ hết, các cộng tác viên của Murray đều chuyển đến một trường đại học mới. 
May mắn là một tín hiệu tích cực hơn đã tới: tháng 10 năm ngoái, FDA đã công bố kế hoạch hành động đổi mới công nghệ sinh học thực vật và động vật, trong đó có cam kết hoàn thiện hướng dẫn về động vật chỉnh sửa gene sử dụng làm thực phẩm. □

Hoàng Nam lược dịch
Nguồn: https://www.nature.com/articles/d41586-019-00600-4

Tác giả

(Visited 7 times, 1 visits today)