Các nhà khảo cổ học Chile nỗ lực cứu các xác ướp cổ xưa khỏi biến đổi khí hậu

Nghĩa trang sa mạc nơi người Chinchorro cổ đại trang trí và chôn cất những đã khuất hiện đã được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới


Các xác ướp của Chinchorro đang bị hư hại bởi tác động của thời tiết khắc nghiệt – do khủng hoảng khí hậu gây ra. Ảnh: Panther Media GmbH / Alamy

Jannina Campos đi bộ lên sườn đồi đầy cát ở Arica, một thành phố cảng toạ lạc ở rìa sa mạc Atacama, nơi khô hạn nhất hành tinh. Hàng chục điểm đánh dấu màu cam được đặt rải rác khắp con dốc. “Mỗi khi một thi thể xuất hiện, chúng tôi cắm một lá cờ, và chúng tôi lại chôn cất nó”, nhà khảo cổ học Campos cho biết. Chúng đã được bảo tồn ở mảnh đất này trong 7.000 năm và chỉ được phát hiện gần đây do gió mạnh bất thường và lượng mưa tăng lên.

Nghĩa trang rộng lớn này là một phần của Chinchorro – một nền văn hoá cổ đại của những người thợ săn và đánh cá, những người đã cẩn thận ướp xác khi người thân của họ lìa đời. Sau khi lột da và nội tạng của người thân, họ quấn bộ xương trong một hỗn hợp phức tạp gồm lau sậy, da sư tử biẻn, đất sét, len alcapa và tóc giả bện bằng tóc người. Họ tin rằng khí hậu sa mạc khô cằn sẽ giúp bảo quản vĩnh viễn thi thể.

Nhưng những ngôi mộ này – nằm rải rác quanh vùng cực Bắc của Chile, đang bị xáo trộn bởi khủng hoảng khí hậu, và hài cốt thì bị phơi nhiễm với những yếu tố khác nhau. Điều này khiến các nhà khảo cổ với nguồn lực tài chính hạn chế rơi vào một tình thế tiến thoái lưỡng nan: cố gắng giải cứu mọi thứ có thể, hay đơn giản là lấp lại các thi thể bị lộ ra và tập trung vào việc bảo tồn, nghiên cứu các xáp ước đã được khai quật.

“Các bảo tàng đều phải xoay sở với các xác ướp”, Bernardo Arriaza, một chuyên gia hàng đầu về Chinchorro tại Đại học Tarapacá ở Arica , cho biết.

Độ ẩm ở Atacama đang gia tăng, trực tiếp làm hỏng các xác ướp trong bộ sưu tập. Một số lên nấm mốc, một số bốc mùi hoặc bị côn trùng gặm nhấm. “Việc người xưa pha trộn hỗn hợp một cách cảm tính khiến họ khó đạt được điều kiện bảo quản chính xác”, ông nói thêm, “không có giải pháp kỳ diệu nào có thể cứu vãn”.

Tại một viện bảo tàng cách chân đồi một quãng ngắn, Campos chỉ về phía hàng chục thi thể Chinchorro bên dưới lớp sàn kính, cát xung quanh lấm tấm những mảnh vỡ màu trắng. “Đó là xương hoà thành cát bụi,” cô nói.

Một tia hy vọng đã đến vào tháng 7 năm ngoái, khi xác ướp Chinchorro được công nhận là Di sản Thế giới của UNESCO – sau hành trình nộp đơn kéo dài 20 năm.

Nhiều người dự đoán rằng việc các xác ướp ngày càng được quan tâm – và sự kiện khởi công xây dựng một bảo tàng mới trị giá 14 triệu bảng Anh (19 triệu đô-la) gần Arica vào năm nay – có thể giúp cản trở sự biến mất của cái mà Arriaza gọi là “kỳ quan thế giới tiền sử”.

Các học giả cho rằng xác ướp Chinchorro là minh chứng cổ xưa nhất về việc ướp xác có chủ ý có thể diễn ra ở bất kỳ đâu trên thế giới. Chúng có niên đại từ năm 5.000 trước Công nguyên – hơn hai thiên niên kỷ trước khi các pharaoh Ai Cập lần đầu tiên được ướp xác và chôn cất trong các kim tự tháp.

Chúng cũng hàm chứa một giá trị thẩm mỹ nổi bật – và một âm hưởng nhân văn sâu sắc.

Những cư dân ven biển bán du mục không đúc đồ gốm cũng như không xây dựng bất kỳ tượng đài nào. Thay vào đó, “cơ thể trở thành một loại vải bạt để họ thể hiện cảm xúc của mình,” Arriaza nói. “Người Chinchorro biến những người chết thành những tác phẩm nghệ thuật thời tiền Tây Ban Nha đích thực.”

Vì sao lại như vậy? Có thể giải thích điều này thông qua một manh mối nằm ở Caleta Camarones, cách Arica 60 dặm về phía Nam.

Nằm ở đầu một lưu vực sông xanh tươi, phì nhiêu khoét sâu qua sa mạc cằn cỗi, nơi đây là một ốc đảo tựa như vườn địa đàng – với nguồn nước ngọt ngào và là nơi trú ngụ của nhiều loài động vật – có lẽ đã thu hút những người Chinchorro đầu tiên đến định cư ở đây. Nhưng nó tiềm ẩn những mối nguy hiểm, Arriaza nói.

Sông Camarones mang 1000 microgam asen /lít nước: gấp hàng trăm lần giới hạn an toàn của con người. Phân tích các mẫu tóc cho thấy, với mỗi lần uống nước, người Chinchorro đã vô tình đầu độc chính mình – và hậu quả là tỷ lệ sẩy thai và tử vong ở trẻ sơ sinh rất cao.

Những xác ướp Chinchorro cổ xưa nhất bắt nguồn từ đây: những em bé nhỏ xíu và những bào thai chết lưu, hình dạng mỏng manh của chúng được nâng đỡ bằng gậy và được trang trí bởi những chiếc mặt nạ mangan đen được chạm khắc tỉ mỉ.


Các xác ướp, bao gồm một trẻ sơ sinh, và các mảnh khảo cổ tại bảo tàng San Miguel de Azapa ở miền bắc Chile. Ảnh: Chilean Ministry of Cultures HANDOUT/EPA

Hơn 3.500 năm trôi qua, quá trình ướp xác Chinchorro đã được tiến hành sang cả người lớn và có sự đổi khác – xác chết có màu đất son được nhồi bằng lông, quấn bằng da bồ nông. Phong tục chôn cất của người Chinchorro rất độc đáo. Trong khi người Ai Cập cho rằng chỉ những vị pharaoh và những tên tuổi kiệt xuất mới xứng đáng được ướp xác, thì người Chinchorro lại cho phép tất cả mọi người trong cộng đồng, bất kể tuổi tác hay địa vị, đều có thể thực hiện nghi thức thiêng liêng này một cách bình đẳng.

Nỗ lực vô vọng?

Ngày nay, cư dân của Caleta Camarones cảm thấy bản thân có mối liên kết bền chặt với cộng đồng Chinchorro – ông Jorge Ardiles, một thành viên của nhóm các gia đình đánh cá đã định cư ở đây 30 năm trước cho biết. “Đó không phải là một liên kết về mặt di truyền, mà là một liên kết tự nhiên”, ông lý giải. “Họ là những ngư dân; chúng tôi cũng vậy. ”

Ardiles lái chiếc xe tải nát bươm của mình dọc theo bờ biển và chỉ ra những hố đào sâu với hàng đống vỏ nhuyễn thể bỏ đi chất đống. “Ngay đó là nơi họ tìm thấy những xác ướp lâu đời nhất trên thế giới,” ông nói một cách tự hào. “Toàn bộ sườn đồi này đầy xác người.”

Cách lối đi vài mét, nằm trên những lớp lau sậy cổ xưa, một số bộ xương nhô ra khỏi tấm màn, bị mưa gió vùi dập và giờ đây đang nằm dưới sự lăm le của những kẻ trộm mộ và các yếu tố môi trường. “Các nhà chức trách không quan tâm,” Ardiles than thở. “Chúng tôi là những người đang canh giữ khu vực này.”

Người đánh cá lập luận rằng cần xây dựng một bảo tàng trong khu vực nhằm trưng bày các đồ tạo tác Chinchorro mà người dân địa phương tìm thấy: đầu mũi tên bằng thạch anh, lưỡi câu cá, lược làm từ gai xương rồng.

Nhưng những nỗ lực nhằm hiện thực hoá các sáng kiến du lịch quy mô nhỏ đã bị đình trệ, một phần vì cộng đồng này đang rơi vào một cuộc tranh chấp đất đai kéo dài hàng thập kỷ.

Ngài thị trưởng Cristian Zavala chia sẻ rằng du khách thường thất vọng khi không được tận mục sở thị những xác chết nguyên sơ trong các cung điện kiểu Inca. “Nếu bạn đến Machu Picchu, hiển nhiên bạn sẽ được nhìn ngắm các xác ướp,” ông nói. “Nhưng ở đây, lịch sử nằm dưới mặt đất.”

Zavala bày tỏ hy vọng rằng sự tham gia của UNESCO, và việc Chile đang xây dựng lại chính sách, có thể buộc chính phủ phải bảo vệ và quảng bá tốt hơn những xác ướp này.

​​“Hãy nhìn xem có bao nhiêu thi thể đang trồi lên khỏi mặt đất,” ngài thị trưởng nói thêm, chỉ tay về phía con dốc đầy xương cót. “Nếu chúng ta không quan tâm đến Chinchorro, chúng sẽ biến mất vì biến đổi khí hậu.”

Những cư dân trong vùng cũng đang hứng chịu các tác động của biến động sinh thái. Ardiles cảnh báo, đại dương gần đó đang cạn kiệt cá tôm, ông cho rằng việc các tàu cá đang đánh bắt quá mức và nước biển ấm lên là căn nguyên của vấn đề.

Thế hệ trẻ đang dần bỏ nghề đánh bắt cá và tham gia vào ngành công nghiệp khai thác của Atacama – tuy nhiên bản thân ngành này cũng đang suy tàn vì nó làm cạn kiệt nguồn nước và khiến sa mạc ô nhiễm.

“Các ngư dân lần lượt bỏ nghề”, Ardiles phản ánh. “Chúng tôi sẽ biến mất, hệt như những gì đang diễn ra với Chinchorro.”

Hoàng Nhi tổng hợp

Nguồn:

Chile’s archaeologists fight to save the world’s oldest mummies from climate change

Are the world’s oldest mummies being damaged by a changing climate?

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)