Các nước châu Âu khẩn trương tiến hành tiêm chủng Covid -19

Tại các nước, công tác chuẩn bị cho tiêm chủng đang được tiến hành rất khẩn trương. Có những nước dự kiến đến hè đã có thể tiêm chủng toàn dân.

Vương quốc Anh
Nước anh đã phê duyệt khẩn cấp cho phép đưa loại vaccine corona mới do hãng Biontech của Đức phối hợp với tập đoàn dược phẩm Pfizer của Mỹ sản xuất, được sử dụng tại nước này. Hoa Kỳ dự định trong những ngày tới cũng sẽ cho phép sử dụng khẩn cấp loại vaccine này cũng như vaccine của hãng Moderna. Trong khi đó cơ quan Dược phẩm Châu Âu (EMA) thì tuyên bố cơ quan này cần ít nhất 4 tuần lễ để cấp phép đúng quy định đối với loại vaccin đầu tiên. 
Trước mắt nước Anh sẽ ưu tiên tiêm chủng cho những người trên 80 tuổi và nhân viên y tế, những người làm công việc chăm sóc. Trong nhóm mục tiêu này có Nữ hoàng Queen Elizabeth II. 94 tuổi và hoàng thân Philipp 99 tuổi. Theo một bài báo trên tờ “Sunday Times”, nữ hoàng và hoàng thân muốn được tiêm chủng sớm nhằm tạo “đối trọng với phong trào chống vaccine”. 
Trong những ngày cuối tuần các lọ vaccine của Biontech và Pfizer đã được chuyển tới các phòng khám bệnh ở Anh, cho đến nay công tác tiêm chủng đã được triển khai cho những người đầu tiên. Theo thỏa thuận nước Anh sẽ được cung cấp tổng cộng 40 triệu lọ vaccine của Biontech và Pfizer. Sắp tới sẽ có các ứng viên vaccine khác nữa.
Khi có vaccine không đòi hỏi bảo quản ở nhiệt độ siêu lạnh (như của Pfizer) thì chính phủ Anh dự kiến sẽ mở hàng nghìn trung tâm tiêm chủng trong cả nước. Trong năm  2021 sẽ tiêm chủng cho những người trên 50 tuổi. Theo một cuộc điều tra thăm dò của YouGov tiến hành giữa tháng 11 thì có tới 67%  người Anh tán thành tiêm chủng. 

Nước Đức
Hôm thứ hai vừa qua dự thảo khuyến nghị chi tiết của Ủy ban tiêm chủng thường trực (Stiko) thuộc Viện Robert Koch về chiến lược tiêm chủng của Đức đã được công bố. Theo đó những người trên 80 tuổi, lực lượng bảo vệ, chăm sóc cũng như những nhân viên làm việc tại các trạm cấp cứu sẽ được tiêm chủng đầu tiên. Cụ thể những người trong các trại dưỡng lão, trong các cơ sở về cấy ghép về y học cũng sẽ được tiêm chủng trước. Mục tiêu là hạn chế các ca Covid-19 nghiêm trọng và tử vong vì Covid, bảo vệ những người làm việc trong môi trường có nguy cơ lây nhiễm cao và ngăn ngừa sự lây nhiễm đối với các nhóm người bị đe dọa đặc biệt. Khi có đủ vaccine, các nhóm có nguy cơ thấp hơn sẽ được tiêm chủng.
Theo điều tra của Quỹ Bảo hiểm Barner, tỷ lệ tán thành tiêm chủng của người Đức là 53%.


Ảnh: Reuters.

Nước Pháp
Trong giai đoạn đầu – dự định chậm nhất từ đầu tháng 1 sẽ tiêm chủng cho các trại dưỡng lão và nhân viên chăm sóc có nguy cơ lây nhiễm [corona] cao. Sang giai đoạn hai, sẽ tiêm chủng cho những người trên 75 tuổi, những người trên 65 tuổi có bệnh nền cũng như những người làm việc tại các bệnh viện và nhân viên chăm sóc trên 50 tuổi hoặc người ít tuổi hơn nhưng có nguy cơ cao. 
Dự kiến phải đến mùa xuân, sang hè mới có đầy đủ vaccine để tiêm chủng cho giai đoạn ba, tức cho những người làm công việc chăm sóc y tế nói chung và cho những nhân viên làm việc trong “các ngành kinh tế có tầm quan trọng sống còn” cũng như tiêm chủng cho những người từ 50 đến 65 tuổi.  Ở vị trí thứ tư là các nhóm như vô gia cư, tù nhân, những người bị bệnh thần kinh, những người làm việc trong phòng kín như nhân viên lò mổ gia súc. Trong giai đoạn cuối cùng thì tất cả mọi người dân Pháp trưởng thành đều có quyền được tiêm chủng. 
Tuy nhiên, vẫn có sự hoài nghi đối với vaccine và chỉ có khoảng 50% người Pháp tán thành tiêm chủng. Thủ tướng Pháp Jean Castex đã nói về một “hành động vị tha” và kêu gọi người dân Pháp hãy có lòng vị tha.

Nước Áo 

Bắt đầu tiêm chủng từ tháng giêng, chia làm ba giai đoạn: đầu tiên tiêm chủng tại các cơ sở dưỡng lão, những nơi chăm sóc người tàn tật và những người trên 65 tuổi. Bước tiếp theo trong giai đoạn một là tiêm chủng cho những người làm việc tại bệnh viện, các cơ sở chăm sóc sức khỏe và những người thuộc nhóm có nguy cơ cao. Từ tháng ba tiến hành giai đoạn hai, tiếp tục tiêm chủng cho nhóm người trên 65 tuổi cũng như nhân viên cơ quan an ninh, tư pháp, các trường học, các cơ sở giáo dục đào tạo và trong lĩnh vực hạ tầng cơ sơ thiết yếu. Trong tháng tư tiến hành tiêm chủng cho toàn dân.

Vấn đề hậu cần phụ thuộc nhiều vào loại vaccine. Thời kỳ đầu dự định tiến hành tập trung như các phố tiêm chủng, trung tâm tiêm chủng. Khi có các loại vaccine không đòi hỏi phải bảo quản trong nhiệt độ quá thấp thì các bác sỹ gia đình cũng sẽ được huy động làm nhiệm vụ tiêm chủng. Ở Áo cũng có tình trạng phản đối tiêm chủng tuy nhiên không nhiều, lan rộng như ở Pháp hay Đức. 

Hoa Kỳ
Tại Hoa Kỳ dự kiến sẽ tiến hành tiêm chủng cho 21 triệu nhân viên y tế đầu tiên và ba triệu lao động trong các cơ sở chăm sóc, theo ủy ban tư vấn về hoạt động tiêm chủng thuộc cơ quan phòng chống dịch bệnh CDC. 
Thống đốc  New York Andrew Cuomo cũng cảnh báo, đợt tăng nhiễm virus corona đột biến hiện nay có thể kéo dài đến tháng 1. Cuomo hy vọng đến ngày 15 tháng 12  New York sẽ nhận được lô vaccine đầu tiên và sẽ có khoảng 170.000 người được tiêm chủng. Chính quyền các bang ở Hoa Kỳ lên kế hoạch thành lập các trạm tiêm chủng. Theo một cuộc thăm dò của Viện Gallup, 60% người dân nước này tán thành tiêm chủng.

Trung Quốc
Trung Quốc đang chuẩn bị để cung cấp cho thế giới hàng chục triệu liều vaccine, với các nhà sản xuất lớn là Sinovac, Sinopharm và Cansino.  
Từ lâu Trung Quốc đã tiến hành tiêm chủng. Trong tháng sáu đã tiêm chủng một bộ phận thuộc quân đội, trong tháng bảy đã tiến hành tiêm chủng tại hai thành phố, cho các nhóm có “nguy cơ cao” gồm nhân viên y tế, nhân viên hải quan và tại các sân bay; tới đây sẽ tiêm chủng cho nhân viên giao thông vận tải, ngành hậu cần và tiếp theo là lực lượng chịu trách nhiệm  cho “các quy trình thiết yếu trong thành phố”. Trong “trường hợp khẩn cấp”, mọi công dân có thể mua vaccine với giá tương đương 50 Euro; sinh viên du học nước ngoài được tiêm chủng miễn phí. Ước tính đến tháng 11 đã có khoảng 1 triệu người Trung Quốc đã được tiêm chủng vaccine chống virus corona.

Thụy Điển
Thụy Điển đã có cách ứng phó với dịch bệnh một mình một kiểu và gây nhiều tranh cãi ở Châu Âu và cho đến nay đã phải từ bỏ và ký hợp đồng mua vaccine để tiêm chủng. Thụy Điển dự kiến bắt đầu tiêm chủng trong năm  2021, tuy nhiên người ta cho rằng người dân sẽ được bảo vệ rộng rãi trước mùa hè.
Cho đến nay, Thụy Điển luôn là nước có tỷ lệ tiêm chủng rất cao, thí dụ trong năm  2019 đã có 97% trẻ em hai tuổi tiêm phòng bệnh sởi, 95% học sinh đã tiêm chủng đợt hai. Tỷ lệ tiêm chủng ở người lớn cũng tốt. Tuy nhiên ở Thụy Điển vẫn có một tỷ lệ nhỏ người dân phản đối tiêm chủng. Mới đây Viện khảo sát Novus cho hay khoảng một phần tư dân Thụy Điển không muốn tiêm phòng chống corona, khoảng 87% trong số này lo sợ về tác động phụ. 

Ba Lan 
Nước này đã đặt mua 45 triệu liều các loại vaccine corona khác nhau của  Pfizer/Biontech, AstraZeneca và Johnson&Johnson. Theo bộ trưởng Y tế Adam Niedzielski, lô hàng đầu tiên sẽ được trao vào cuối tháng giêng. Tiêm chủng trên cơ sở tự nguyện và người dân không phải trả tiền. Đợt tiêm chủng đầu tiên là lực lượng cán bộ nhân viên y tế, nhân viên chăm sóc, vào khoảng 500.000 người. Sau đó sẽ tiêm chủng tại các trại dưỡng lão, các cơ sở chăm sóc và những người nhiều tuổi. Sau nữa mới là cán bộ nhân viên bộ máy nhà nước như cảnh sát. Người dân có thể đăng ký trực tuyến để tiêm chủng. Tuy nhiên không nhiều người Ba Lan tán thành tiêm chủng. Theo điều tra gần đây nhất do UCE Research và Syno Poland tiến hành, thì chỉ có khoảng 40% người dân Ba lan tán hành tiêm chủng.

Nga
Tổng thống Putin đã tuyên bố: Sau ít ngày nữa sẽ tiêm chủng trong cả nước bằng vaccine “Sputnik V” của Nga. Nga đã sản xuất được hai triệu liều vaccine do Nga tự phát triển và giờ đây cho dù không thể tiến hành “tiêm chủng đại trà tuy nhiên có thể thực hiện trên diện rộng” theo lời tổng thống Nga. Theo chỉ thị của ông Putin thì những người đầu tiên được tiêm chủng là các bác sỹ và giáo viên. Theo Bộ Y tế thì từ tháng giêng hoặc tháng hai sẽ tiêm chủng rộng rãi cho toàn dân, dự kiến tiến hành tiêm chủng theo địa chỉ nơi cư trú và tiêm chủng tại các phòng khám bệnh nhà nước. Loại vaccine của Nga nghiên cứu và phát triển chưa kết thúc giai đoạn khảo nghiệm lần thứ ba. 
Theo các cuộc thăm dò thì số người không tán thành tiêm chủng dao động từ 50% đến 73%. 

Italia 
Tại Italia tiêm chủng sẽ được triển khai từ nửa cuối tháng 1. Italia đã đặt mua của  Pfizer/Biontech và Moderna khoảng 3,8 triệu liều, đủ để tiêm chủng cho 1,9 triệu người. Ưu tiên tiêm chủng cho những người có nguy cơ lây nhiễm cao, đó là nhân viên y tế, cảnh sát cũng như các nhóm có nhiều rủi ro đặc biệt là người già. Franco Locatelli, thành viên Hội đồng chuyên viên – Corona cho rằng, số thuốc để tiêm chủng sẽ tăng nhanh do đó đến cuối hè, đầu thu thì có thể toàn dân hoàn thành tiêm chủng. Ban đầu các lọ thuốc sẽ được chuyển thẳng tới các bệnh viện và trại dưỡng lão. Sau này khi thuốc có nhiều hơn thì người dân có thể đến tiêm chủng tại bác sỹ gia đình hoặc tại các hiệu thuốc. 
Hiện chính phủ chưa quyết định liệu việc tiêm chủng có phải là bắt buộc hay không. Sẽ có một chiến lược truyền thông lớn để tuyên truyền vận động tiêm chủng. 
Theo một cuộc điều tra giữa tháng 11 thì chỉ có khoảng một phần ba những người Italia được hỏi cho biết họ sẵn sàng cho tiêm chủng.

Thụy Sỹ

Thụy sỹ đã đặt mua vaccine của AstraZeneca và Moderna tổng cộng 9,3 triệu liều và của Pfizer/Biontech ba triệu liều nữa để dự trữ. Dự kiến bắt đầu tiêm chủng từ cuối tháng giêng. Từ đầu tháng 12, trong chiến lược tiêm chủng của Thụy Sỹ cũng dự kiến ưu tiên các nhóm có độ rủi ro cao – các công dân Thụy Sỹ trên 65 tuổi, những người có bệnh nền, những người cùng chung sống với họ cũng như nhân viên y tế được ưu tiên tiêm chủng. Hiện chưa rõ tiêm chủng ở đâu nhưng có nhiều khả năng sẽ thành lập các trạm tiêm chủng chuyên biệt bố trí trong các tòa nhà. 
Tuy nhiên, một cuộc điều tra cho thấy chỉ có khoảng 53% người dân tình nguyện tiêm chủng, 17% nghiêng về không tiêm chủng, 25% khẳng định không tiêm chủng. Trên cơ sở luật về dịch bệnh thì có thể buộc phải tiêm chủng, tuy nhiên theo bộ trưởng Y tế Alain Berset điều này không nằm trong kế hoạch. Chính phủ Thụy sỹ thiên về sự tự nguyện của người dân, ai còn băn khoăn nghi ngờ thì cần giải thích, vận động để làm rõ. 

Xuân Trang tổng hợp
Nguồn: https://www.welt.de

Tác giả

(Visited 10 times, 1 visits today)