Các “quỷ máy” tạo công ty khởi nghiệp làm biến đổi thế giới. Phần 2: Hệ sinh thái của nền kinh tế khởi nghiệp
Đằng sau thành công của các công ty khởi nghiệp Apple và Microsoft mà ngày nay là hai đại công ty số 1 và số 2 toàn cầu (có giá trị khoảng 3 nghìn tỷ USD, khoảng sáu lần GDP Việt Nam với 100 triệu dân), không chỉ là tầm nhìn và tài năng phi thường của các tay “quỷ máy” mà còn có nhiều yếu tố quan trọng khác. Một trong số đó là một hệ sinh thái (ecosystem) hỗ trợ vô cùng đắc lực cho các công ty khởi nghiệp của nước Mỹ.

IBM, một hiện tượng lịch sử của nền kinh tế dựa trên KH&CN
Những chiếc máy tính cá nhân (personal computer – PC) đầu tiên ra đời vào những năm 1975 – 1977. Đến năm 1980, doanh thu về PC đã lên tới 1 tỷ USD nhưng đó vẫn chưa được coi là một lĩnh vực kinh doanh nghiêm túc. Hầu hết những người mua và sử dụng PC là những người đam mê điện tử nghiệp dư hoặc viết phần mềm để giải trí. Giới khoa bảng cũng chỉ mới bắt đầu sử dụng PC giải những bài toán đơn giản thay vì phải dựa vào các máy tính chủ vốn phải qua nhiều thủ tục nhiêu khê. Tuy vậy, ngành công nghiệp PC phát triển từ con số không lên đến hàng trăm tỷ đô la không thể chỉ dựa vào các tay quỉ máy mà cần có sự can thiệp của một hệ sinh thái đặc biệt.
Cho đến năm 1980 các doanh nghiệp lớn ở Mỹ hầu như không quan tâm đến PC. Đối với họ, một chiếc máy tính đáng tin tưởng vẫn là một cỗ máy có kích thước bằng một căn phòng hoặc một chiếc tủ lớn có giá ít nhất vài trăm nghìn USD. Các giám đốc điều hành vẫn thường khoe khoang rằng máy chủ của tôi lớn hơn máy chủ của anh. Ý tưởng về một chiếc máy tính trị giá 2.000 đô la đặt trên bàn làm việc của một CEO hay của các kỹ sư nghe thật nực cười cho đến khi chiếc máy đó có gắn ba chữ IBM trên đó. Chỉ đến khi đó, PC mới thực sự chinh phục được các công ty Mỹ.
IBM những năm 80 thế kỷ trước giống một quốc gia hơn là một công ty với hàng trăm nghìn công dân (nhân viên), một bộ máy điều hành đồ sộ, một nền văn hóa riêng biệt… Thực tế là, họ có mọi thứ của một quốc gia, chỉ trừ quân đội.
IBM là một hiện tượng lịch sử của nền kinh tế dựa trên KH&CN Mỹ. Trong hơn 60 năm, Tom Watson và con trai ông đã xây dựng nên công ty máy tính đứng đầu thế giới. Nhưng IBM chỉ sản xuất máy tính chủ. Vào thời đó, IBM giống một quốc gia hơn là một công ty với hàng trăm nghìn công dân (nhân viên), một bộ máy điều hành đồ sộ, một nền văn hóa riêng biệt… Thực tế là họ có mọi thứ của một quốc gia, chỉ trừ có một quân đội. IBM có các ủy ban để đưa ra từng quyết định nhằm tránh những sai lầm trong kinh doanh. Nhưng cũng vì thế mà rất khó có bất kỳ quyết định nào được thông qua. IBM đã tạo ra một quy trình nghiêm ngặt để đảm bảo chất lượng sản phẩm và vì thế thương hiệu IBM đã chiếm được trái tim và khối óc của tất cả khách hàng, từ các doanh nghiệp cho đến các cơ quan chính phủ trên thế giới. Mặt trái của qui trình IBM và của nhiều đại công ty là hệ thống bàn giấy quan liêu khiến họ hoạt đông kém hiệu quả. Đã có một nghiên cứu xem xét quy trình của IBM và phát hiện ra rằng sẽ phải mất ít nhất chín tháng để họ có thể di chuyển một chiếc hộp rỗng ra khỏi vị trí của nó (do phải thông qua nhiều bước của qui trình)1.
Đến năm 1979, IBM bắt đầu nhận thấy sự phát triển bùng nổ của PC. Theo ông Jack Sams, một cựu giám đốc điều hành của IBM “Đột nhiên có hàng chục nghìn người mua PC và họ rất thích và hài lòng với chúng. PC xuất hiện cả trong các phòng kỹ thuật vì nhiều người không thể làm việc trên máy tính chủ. Những người này trở thành tín đồ của một thứ tôn giáo là PC. Và chúng tôi thực sự quan ngại là chúng tôi đang đánh mất trái tim và khối óc của nhiều người.”

Trong kinh doanh, thời gian là tất cả, và thời gian có vẻ như sắp hết đối với IBM để tạo ra một chiếc PC của riêng họ. Vào tháng 8/1979, ban lãnh đạo IBM đã họp để thảo luận về cuộc khủng hoảng PC của IBM. Ông Chủ tịch của IBM nhận thấy rằng chỉ thêm một năm nữa là ngành công nghiệp PC sẽ quá lớn ngay cả đối với IBM. Ông nói một cách tuyệt vọng rằng theo qui trình của IBM, sẽ phải mất bốn năm và ba trăm người mới có thể làm được bất cứ điều gì. Trong khi mọi người đang hoang mang thì một nhà quản lý trẻ là Bill Lowe đã đề xuất rằng bộ phận của anh có thể cung cấp sản phẩm PC sau một năm. Ông chủ tịch IBM đột ngột kết thúc cuộc họp và yêu cầu Bill Lowe hãy quay lại sau hai tuần và cho biết anh cần gì để có thể làm được điều đó.
Một sản phẩm của IBM trong một năm! Thật nực cười! Để tiết kiệm thời gian, thay vì phát triển tất cả một chiếc máy tính từ đầu, họ sẽ mua các bộ phận đã có sẵn và lắp ráp chúng – theo cách nói của IBM thì đó là “thiết kế mở”. Lúc bấy giờ, điều này khá dễ dàng ở Mỹ. Khó nhất là các con chip của các bộ vi xử lý thì Intel luôn sẵn sàng cung cấp với chất lượng ngày càng cao với giá ngày càng rẻ. Hai tuần sau, Bill trình bày ý tưởng của mình “Quyết định chính là đi theo thiết kế mở, công nghệ không phải của IBM, phần mềm không phải của IBM, và dịch vụ cũng không phải của IBM. Và chúng tôi đã dành trọn một nửa buổi thuyết trình để đưa khái niệm này cho ban lãnh đạo … đây là một khái niệm hoàn toàn mới lạ đối với IBM tại thời điểm đó.” Với sự hậu thuẫn của ông Chủ tịch, Lowe và nhóm của anh sau đó đã phá vỡ mọi quy tắc của IBM và đã lập kỷ lục.
Một chiếc PC là một hộp chứa đầy các mạch điện và các bộ chuyển mạch điện tử, đó là phần cứng. Nó vô dụng cho đến khi bạn bảo nó phải làm gì bằng các chương trình hướng dẫn, và đó là phần mềm. Mỗi chiếc PC đều cần ít nhất hai phần mềm thiết yếu để có thể hoạt động. Đầu tiên, nó cần một ngôn ngữ máy tính. Đó là những gì bạn nhập vào để đưa ra hướng dẫn cho máy tính thực hiện. Ví dụ, ngôn ngữ máy tính BASIC mà Paul Allen và Bill Gates đã sửa đổi cho phù hợp với chiếc Altair. Một phần mềm khác cần thiết được gọi là hệ điều hành hướng dẫn cho máy tính biết cách kết nối bàn phím với màn hình hoặc cách lưu trữ tệp tin trên ổ đĩa… Hệ điều hành có những cái tên không thân thiện như UNIX, CPM và MS-DOS nhưng chúng đã giúp Bill Gates trở thành người giàu nhất thế giới một thời. Và câu chuyện đó diễn ra khá thú vị. Để cho ra đời các PC của mình, IBM sẽ phải mua phần mềm cho PC của họ. Lúc bấy giờ có hai ứng cử viên – một tiến sĩ máy tính Gary Kildall 39 tuổi, và một tên “quỷ máy’ bỏ học – Bill Gates, 24 tuổi.
Một hệ sinh thái xuất hiện một cách đầy đủ đã làm nên chiếc PC và sự phát triển rực rỡ của các công ty khởi nghiệp máy tính.
Phần thưởng thuộc về người khai thác phát minh
Vào năm 1980, Bill Gates và công ty nhỏ Microsoft của anh là nhà cung cấp ngôn ngữ máy tính lớn nhất trong ngành công nghiệp PC còn non trẻ. Trong khi đó, hệ điều hành CP/M cho PC do Gary Kildall phát minh ra và đã bán được 600.000 bản, đứng đầu các hệ điều hành lúc bấy giờ. Bối cảnh có thể tóm tắt như sau. Ở California, Gary Kildall đã tạo ra hệ điều hành CPM bán chạy nhất trong khi đó ở Seattle (Washington) Bill Gates là người tạo ra ngôn ngữ PC bán chạy nhất. IBM phải chọn một trong hai người này để viết hệ điều hành cho PC mới của họ. Người thắng cuộc sẽ trúng giải độc đắc, người kia sẽ bị lãng quên, trở thành một chú thích trong lịch sử PC.

Tất cả bắt đầu bằng một cuộc gọi điện thoại đến văn phòng của Microsoft vào năm 1980. Đối với Bill Gates thì đây là một cơ hội vô cùng quan trọng “Bạn biết đấy, IBM là thế lực thống trị trong ngành máy tính… Hầu hết mọi người đều nghĩ rằng các công ty máy tính chủ sẽ không công nhận PC… Nhưng giờ đây, công ty máy tính lớn nhất nói rằng ít nhất là họ sẽ đầu tư vào PC, và điều đó thật tuyệt vời.”
Khi Jack Sams và nhóm của IBM đến thì một anh chàng trẻ tuổi bước ra đưa họ tới văn phòng của Bill Gates. Họ nghĩ anh ta là nhân viên văn phòng, nhưng hóa ra đó chính là Bill Gates, dù trẻ nhưng khá quyết đoán. Jack Sams đưa ra một văn bản gọi là Thỏa thuận không tiết lộ (Non-Disclosure Agreement – NDA” yêu cầu Bill Gates không tiết lộ với bất kỳ ai về việc IBM đến và rằng IBM sẽ không nghe bất kỳ bí mật nào của Microsoft. Bill Gates đã ký ngay lập tức. Jack Sams đặt vấn đề Microsoft cung cấp trọn gói cho IBM cả ngôn ngữ máy tính và hệ điều hành. Đến lúc đó nhóm IBM mới té ngửa ra là Microsoft không có hệ điều hành nào cả.
Jack Sams nhớ lại “Khi chúng tôi phát hiện ra rằng Bill không có hệ điều hành, tôi biết Gary đã có sẵn. Vì vậy, tôi nói hãy gọi ngay cho Gary. Và Bill Gates đã gọi cho Gary Kildall và nói Gary, tôi giới thiệu một số người đến chỗ anh. Hãy đón tiếp họ tử tế, họ là những người quan trọng.”
Và thế là nhóm quan chức của IBM đã đến trụ sở một công ty nhỏ có tên Digital Research ở Pacific Grove, California, do hai vợ chồng Gary và Dorothy Kildall làm chủ. Các nhà sử học về công nghệ sau này đã ví von sự kiện IBM đến thăm Digital Research không khác gì Nữ hoàng ghé qua uống trà, hay như Đức Giáo hoàng đến để xin lời khuyên, hay giống như Đức Chúa đến thăm vậy. Và Gary và Dorothy đã làm gì? Họ đã xúc phạm đoàn của IBM1.
Jack Sams nhớ lại “Gary có một số kế hoạch khác nên anh ấy nói rằng Dorothy sẽ tiếp chúng tôi. Và thế là đoàn chúng tôi gồm có ba người đến.” Đoàn của IBM đã xuất hiện với yêu cầu không tiết lộ thông tin về IBM. “Chúng tôi đã đưa NDA nói rằng xin đừng nói với bất kỳ ai rằng chúng tôi ở đây, và chúng tôi không muốn nghe bất kỳ thông tin bí mật nào của quý vị. Dorothy đã đọc bản NDA và nói rằng cô ấy không thể ký được.” Theo Gordon Eubanks, trưởng phòng kỹ thuật của Digital Research thì “Dorothy đã đưa ra một quyết định mà khi nhìn lại, tôi nghĩ rằng đó là một quyết định ngu ngốc. Cô ấy đã làm đúng nhiệm vụ của mình, đã yêu cầu luật sư xem xét NDA. Luật sư, Gerry Davis đã rất tức giận vì bản NDA này. Nhóm quan chức IBM cảm thấy khó chịu, họ không quen chờ đợi.”2
Jack Sams nhớ lại “Thế là chúng tôi đã mất cả ngày ở Pacific Grove để tranh luận với họ, luật sư của chúng tôi với luật sư của cô ấy về việc liệu cô ấy có chấp nhận yêu cầu trong bản NDA hay không, và cuối cùng chúng tôi đã rời đi.” Nhóm quan chức của IBM hết sức bực mình với sự tiếp đón của Digital Research, đã quay trở lại Microsoft.
Bill Gates không phải là người sẽ cho đối thủ một cơ hội thứ hai. Anh đã nhìn thấy cơ hội của cả cuộc đời mình. Về cơ bản Microsoft đã cấp phép cho IBM sử dụng mọi sản phẩm mà công ty có. Nhưng IBM cần có ngay một hệ điều hành thì Microsoft lại không có. Và Bill Gates đã có một sự may mắn – yếu tố cần có để trở thành một tỷ phú. Thật không thể tin được, giải pháp lại nằm ngay thành phố bên cạnh. Có một công ty nhỏ tí do một anh chàng quỷ máy có tên là Tim Patterson lập ra đăt tên là CL Computer Products và anh ta cũng đã tạo ra một hệ điều hành rất thô sơ. Microsoft nói với IBM rằng họ sẽ mua hệ điều hành từ một công ty nhỏ, hoàn thiện nó và bảo đảm cung cấp cả hệ điều hành và các ngôn ngữ cho PC của IBM.
Hệ điều hành của Tim Patterson, đã cứu vãn được thỏa thuận của Microsoft với IBM. Patterson kể lại là anh đã mua cuốn sách hướng dẫn hệ điều hành CPM từ cửa hàng máy tính khoảng 5 USD vào năm 1976, và sử dụng nó để anh viết hệ điều hành riêng của mình và gọi là QDOS. Sau này Microsoft và IBM gọi nó là PC DOS 1.0 gần như không khác với hệ điều hành CPM của Gary Kildall. Tất nhiên, có một số sự khác biệt quan trọng: một hệ điều hành tạo ra hàng tỷ đô la doanh thu và hệ điều hành kia biến mất. Như thường lệ trong ngành kinh doanh PC, phần thưởng không thuộc về nhà phát minh mà thuộc về người khai thác phát minh. Và cuối cùng Microsoft đã đạt được thỏa thuận mua hệ điều hành của Patterson với điều khoản cho bất kỳ mục đích sử dụng nào mà Microsoft muốn với giá 50 nghìn USD.
Đây hẳn là thỏa thuận của thế kỷ nếu không muốn nói là của thiên niên kỷ, nhưng chắc chắn là thỏa thuận đã biến Bill Gates và Paul Allen thành tỷ phú. Microsoft đã mua đứt hệ điều hành mà họ cần với giá 50 nghìn USD và họ đã cấp phép quyền sử dụng cho toàn thế giới với giá lên tới 50 USD cho mỗi PC, đem lại hàng tỷ đô la cho Microsoft – một công ty khi đó có năm mươi thanh niên được lãnh đạo bởi một chàng trai hai mươi lăm tuổi.
Ngành công nghiệp PC
Tháng 8/1981 là khoảnh khắc lịch sử với sự ra đời PC của IBM và PC đã chính thức trở thành một công cụ nghiêm túc cho tất cả các doanh nghiệp, và đó là thời điểm ngành công nghiệp PC thực sự bắt đầu cất cánh. Chìa khóa cho sự thành công của Microsoft trong thương vụ này, theo Bill Gates chính là “…Cấu trúc thỏa thuận của chúng tôi là IBM không kiểm soát được việc cấp phép của Microsoft cho những người khác… Và vì vậy, chúng tôi hy vọng rằng nhiều người khác sẽ chế tạo ra các máy tương thích. Chúng tôi mong đợi điều đó sẽ xảy ra vì chúng tôi biết Intel muốn bán chip cho nhiều người hơn là chỉ bán cho IBM và thật tuyệt vời khi nhiều người bắt đầu xuất hiện và xin mua cấp phép bản quyền của chúng tôi.”

Đến cuối năm 1983, IBM đã chiếm 50% thị phần PC. Có rất nhiều công ty sản xuất PC, nhưng thứ mà công chúng muốn là của IBM. Vì vậy, để thành công, các nhà sản xuất khác sẽ phải chế tạo máy tính giống hệt IBM. Họ muốn sao chép và nhân bản IBM PC. Làm sao họ có thể làm điều đó một cách hợp pháp? Năm 1982, ba kỹ sư của Texas Instruments đã phác thảo một thiết kế PC trên một tấm giấy lót đĩa tại nhà hàng ở Houston, Texas. Họ quyết định lập một công ty khởi nghiệp lấy tên là Compaq sản xuất một phiên bản PC của IBM bằng kỹ thuật đảo ngược kỳ lạ.
Theo Rod Canion, nhà đồng sáng lập Compaq thì kỹ thuật đảo ngược là tìm hiểu cách thức hoạt động của một thứ gì đó, thường là nhằm mục đích tạo ra thứ khác hoạt động theo cùng một cách hoặc ít nhất là giống như thứ mà bạn đang cố gắng thực hiện. IBM đã làm cho việc sao chép PC trở nên dễ dàng. Bộ vi xử lý có sẵn của Intel và các bộ phận khác đến từ nhiều nguồn. Chỉ có một bộ phận là của riêng IBM, một con chip quan trọng kết nối phần cứng với phần mềm. Được gọi là ROM-BIOS là thiết kế riêng của IBM, được bảo vệ bản quyền bởi đội ngũ luật sư IBM. Compaq phải sao chép con chip theo cách nào đó mà không vi phạm pháp luật. Compaq đã tuyển 15 kỹ sư cao cấp với điều kiện là họ chưa từng biết thiết kế chip của IBM. Trong nhiều tháng mày mò và tốn hơn 1 triệu USD, họ đã thực hiện kỹ thuật đảo ngược để thiết kế một chip hoạt động giống như của IBM. Vào tháng 11/1982, Compaq công bố PC của họ và nhờ vào sức mạnh giống hệt IBM PC nhưng rẻ hơn một chút, họ đã bán được 47.000 chiếc PC lập kỷ lục về doanh số bán hàng năm đầu tiên lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ (cho đến 1982) với 111 triệu USD.
Đột nhiên, mọi người đều kiếm được tiền từ thành công của IBM. Người chiến thắng rõ ràng nhất đầu tiên là Intel, nhà sản xuất chip vi xử lý PC đã bán chip đắt như tôm tươi cho những người chế tạo các bản sao PC của IBM và làm cho chúng nhỏ hơn, nhanh hơn và rẻ hơn. IBM hiện đang phải đối mặt với hàng chục đối thủ – những cái tên quen thuộc bắt đầu xuất hiện, như Northgate, Dell… Việc tạo ra một bản sao PC dễ dàng đến kinh ngạc. Bạn có thể mua mọi thứ có sẵn để tạo ra một chiếc PC tương thích với IBM. PC là một ngành công nghiệp kỳ diệu, cứ hằng năm nó lại rẻ hơn và lại mạnh hơn. Trong một ngành công nghiệp mà giá cả đang giảm bạn phải bán nhanh, vì nếu bạn đợi thêm nữa thì sẽ mất giá. Và đó là điều mà IBM với quy trình chặt chẽ khó thích ứng.
Và các nhà sản xuất bản sao PC mua hệ điều hành của mình ở đâu? tất nhiên là Microsoft. IBM không bao giờ tưởng tượng Bill Gates sẽ bán DOS cho bất kỳ ai khác. Những năm 80 là thời kỳ bùng nổ của Bill Gates, người đã dự đoán một chiếc PC trên mọi bàn làm việc và trong mọi ngôi nhà, chạy phần mềm Microsoft. Thực tế là điều đó đã trở thành sự thật.
Khi thập niên 80 kết thúc, IBM đã đạt đến một bước ngoặt. Họ đã tạo ra một kiến trúc PC mở mà bất kỳ ai cũng có thể sao chép. Điều này là cố ý nhưng IBM luôn nghĩ rằng kỹ thuật của họ sẽ giúp họ luôn đi trước, và đó là một sai lầm. Tốc độ chậm chạp và chi phí cao của IBM khiến họ gặp bất lợi so với những nhà sản xuất tinh gọn hơn. Mọi thứ trở thành cơn ác mộng khi IBM mất đi thị phần thống lĩnh của mình. Vì vậy, trong một canh bạc lớn, họ đã đặt cược tương lai PC của mình vào một dòng máy tính mới với phần cứng độc quyền với hệ điều hành riêng của họ.
IBM đã lên kế hoạch tước đoạt thị trường từ Bill Gates bằng một hệ điều hành hoàn toàn mới, có tên là – OS/2. IBM sẽ thiết kế OS/2 nhưng vẫn yêu cầu Microsoft viết mã. Tại sao Microsoft lại giúp tạo ra thứ được cho là công cụ tự hủy diệt của họ? Bởi vì Microsoft cho rằng IBM là nguồn thành công của họ và họ sẽ chấp nhận hầu như mọi thứ để làm vừa lòng Big Blue. Tuy vậy, với sự phát triển của OS/2, sự căng thẳng thực sự bắt đầu xuất hiện. Bây giờ đã có một xung đột rõ ràng về lợi ích kinh doanh. OS/2 được lên kế hoạch để phá hoại thị trường các bản sao PC của IBM, và đó là nguồn thu chính của Microsoft qua hệ điều hành DOS. Để duy trì khả năng cạnh tranh của DOS, Gates đã đổ nguồn lực vào một chương trình mới có tên là Windows. Nó được thiết kế để cung cấp một giao diện thân thiện với người dùng thay cho DOS cũ nhàm chán. Cũng giống như Bill Gates coi OS/2 là mối đe dọa, IBM coi Windows là một nỗ lực khác của Microsoft nhằm giữ vững hoạt động kinh doanh hệ điều hành của PC cũ.
Bill Gates kể “Chúng tôi thuyết phục IBM rằng Windows là con đường tất yếu, đồ họa là con đường tất yếu, và hầu như mọi người đều hào hứng với Windows. Chúng tôi nghĩ IBM sẽ đi cùng chúng tôi.” Nhưng IBM đã dứt khoát chọn con đường riêng với hệ điều hành OS/2 của mình.
Bill Gates là một người rất có kỷ luật. Anh gác lại mọi thứ và một năm dành thời gian riêng đọc sách hai lần – khoảnh khắc quyết định trong mối quan hệ Microsoft/IBM đến trong một lần tĩnh tâm như vậy. Trước đống lửa, Bill Gates kết luận rằng việc Microsoft mù quáng đi theo IBM không đem lại lợi ích lâu dài cho Microsoft nữa. Nếu phải lựa chọn giữa OS/2, hệ điều hành mới của IBM và Windows, anh sẽ chọn Windows.
Quyết định của Bill bên lò sưởi đã chấm dứt quan hệ đối tác kéo dài mười năm giữa IBM/Microsoft và biến IBM không còn dẫn đầu mà trở thành một công ty chạy theo trong lĩnh vực kinh doanh PC và đã bị thất bại hoàn toàn. Ngày nay, IBM quay trở lại kinh doanh và thống trị máy tính chủ. Nhưng trong một thời gian, IBM đã thống trị thị trường PC. Họ đã tạo ra các tiêu chuẩn cho các PC hiện đang sử dụng và đem PC đến với thế giới doanh nghiệp. Nhưng cuối cùng, họ đã thua cuộc và rút lui ra khỏi cuộc chơi PC.
Bill Gates luôn biết mình gặp may. Không giống như nhiều người khác, mỗi sáng thức dậy ông luôn cảm thấy lo lắng về điều đó. Và đó là một lý do cho sự thành công của ông.
Năm 1980, IBM lớn gấp 3000 lần Microsoft, nhưng ngày nay Microsoft có giá trị khoảng 3.2 nghìn tỷ USD gấp 14 lần giá trị 228 tỷ của IBM (4/5/2025). Trong nhiều năm, IBM là định nghĩa của một doanh nghiệp thành công ở Mỹ – một cỗ máy đồ sộ hoạt động theo khuôn khổ và có trật tự. Trái lại Microsoft có phong cách hoàn toàn khác phản ánh người sáng lập ra nó.
Có lẽ chúng ta đã cảm nhận được vai trò của hệ sinh thái quan trọng như thế nào. Trước hết, đó là mạng lưới các cá nhân tài năng và năng động, không chỉ Jobs và Waz, Gates và Allen mà còn bao nhiều người khác như Roberts, Patterson và Kildal, Canion… Các quỹ đầu tư thúc đẩy phát triển các công ty khỏi nghiệp. Quan trọng không kém là các công ty lớn như IBM, Intel… sẵn sàng tham gia kinh doanh và hỗ trợ, hợp tác thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Không có một hệ sinh thái như thế, một vài nhân tài như Jobs và Gates có thể mãi vẫn chỉ là ‘quỉỷmáy’ vô danh mà thôi.
Phần này cho thấy, hệ điều hành Windows đã chấm dứt liên minh giữa Microsoft và IBM, đẩy Bill Gates vượt qua tất cả các đối thủ của mình. Nhưng ý tưởng cho phần mềm này đến từ đâu? Lạ kỳ thay, nó đến từ những tay quỷ máy tại Apple mà chúng ta đã biết ở phần trước. □ (Còn tiếp)
New York, 12/5/2025,
——
1. https://archive.org/details/triumph_of_the_nerds
2. Chú thích của người viết: Thỏa thuận không tiết lộ (Non-Disclosure Agreement – NDA), còn được gọi là thỏa thuận bảo mật, là hợp đồng pháp lý ràng buộc các bên phải giữ bí mật thông tin cụ thể. Thỏa thuận này thiết lập mối quan hệ bảo mật giữa bên tiết lộ và bên nhận, cấm bên nhận chia sẻ thông tin đã tiết lộ với bên thứ ba không được phép. NDA thường được sử dụng trong kinh doanh để bảo vệ bí mật thương mại, thông tin độc quyền và dữ liệu nhạy cảm khác. Ngày nay, NDA được sử dụng rất rộng rãi giữa các đối tác nghiên cứu và kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ. Tuy nhiên, vào những năm xảy ra câu chuyện nói trên, rất ít người biết đến NDA và vì vậy đã xảy ra câu chuyên nói trên.
Bài đăng Tia Sáng số 10/2025