Các quỹ thích ứng khí hậu không đến được với các cộng đồng tuyến đầu

Có nhiều rào cản khiến các cam kết tài trợ quốc tế không đến được với những cộng đồng dễ bị tổn thương nhất vì biến đổi khí hậu. Làm thế nào để thay đổi điều đó?

Các cộng đồng trên khắp thế giới đang phải đối mặt với tác động ngày càng nghiêm trọng và thường xuyên của biến đổi khí hậu. Họ ở “tuyến đầu” trong những cơn hạn hán, lũ lụt, sa mạc hóa và nước biển dâng.

Các nguồn tài chính khí hậu quốc tế được cho là sẽ giúp đỡ những cộng đồng như vậy. Trong Thỏa thuận Paris năm 2015, các quốc gia giàu nhất đã cam kết dành ra 50 tỷ USD mỗi năm để hỗ trợ cho các nước “đặc biệt dễ bị tổn thương” thích ứng với khí hậu. Tám năm sau, rõ ràng là số tiền này không đến được với các cộng đồng tuyến đầu, đặc biệt là khu vực châu Phi cận Sahara.

Năm nay, nước chủ nhà của các cuộc đàm phán khí hậu thường niên do Liên Hợp Quốc tổ chức (COP28), Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) tuyên bố sẽ tập trung vào việc “sửa chữa vấn đề tài chính khí hậu”.

Katherine Browne, nghiên cứu viên tại Viện Môi trường Stockholm, một trong những người đã nghiên cứu về tài chính khí hậu quốc tế trong bảy năm tại các sự kiện COP hàng năm và thông qua các nghiên cứu ở Madagascar, Mauritius và Namibia, nói rằng để đảm bảo tiền đến được nhiều hơn với những người cần nó nhất, trước tiên phải hiểu được tại sao tài chính không đến được với các cộng đồng tuyến đầu. Nếu không, các khoản tài trợ sẽ tiếp tục rơi vào tình trạng thiếu thốn.

Tại sao tài trợ không đến được với các cộng đồng dễ bị tổn thương?

Lý do rõ ràng nhất tại sao tài chính không đến được với các cộng đồng này đơn giản là vì không có đủ tiền. Các nước giàu đã liên tục thất hứa trong việc thực hiện cam kết 50 tỷ USD của mình. Mỗi năm, khoảng cách giữa nhu cầu và số tiền tài trợ lại tăng lên. Báo cáo Khoảng cách Thích ứng mới nhất ước tính tài chính quốc tế cho lĩnh vực khí hậu thấp hơn 10-18 lần so với nhu cầu thực tế.

Ngoài sự thiếu hụt này, cấu trúc tài chính cũng ngăn cản các cộng đồng tuyến đầu tiếp cận những hỗ trợ. Các nghiên cứu cho thấy những quốc gia nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất nhận được ít phần tài chính thích ứng hơn những gì họ đáng nhận. Hỗ trợ cho các nước châu Phi cận Sahara chỉ là 5 USD/người/năm.

Có hai rào cản chính giải thích cho sự rời rạc này. Đầu tiên là những tổn thương khí hậu bị chồng chéo với những xung đột và bất ổn chính trị. 12 trong số 20 quốc gia dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu cũng là những quốc gia bị ảnh hưởng bởi các cuộc xung đột. Họ dễ bị bất ổn chính trị và phải chịu sự thay đổi thường xuyên trong chính phủ, cộng với mức độ tham nhũng cao. Các quỹ khí hậu của Liên Hợp Quốc và nhiều nhà tài trợ lớn khác như Ngân hàng Thế giới coi các quốc gia này ít “sẵn sàng” hơn cho các dự án thích ứng với biến đổi khí hậu. Nghiên cứu của Browne cũng phát hiện ra rằng các nước giàu lo lắng tiền thuế của người dân sẽ bị mất do tham nhũng nếu đổ tiền vào các dự án ở đây.

Rào cản thứ hai là quy trình đăng ký tài chính. Các đề xuất nộp lên các quỹ khí hậu của Liên Hợp Quốc, chẳng hạn như Quỹ Khí hậu Xanh, có thể lên tới hàng trăm trang. Mỗi quỹ lại có một yêu cầu nộp đơn khác nhau. Người ta có thể mất nhiều năm trời chỉ để phát triển một đề xuất cấp vốn và nhận được tiền.

Ngay cả khi các quốc gia dễ bị tổn thương nhận được sự hỗ trợ quốc tế, vẫn còn những rào cản lớn hơn ngăn nó tiếp cận tới các cộng đồng tuyến đầu. Hiện tại, chỉ có 17% tài chính thích ứng đã đạt đến cấp địa phương. Nghiên cứu của Browne ở Madagascar và Mauritius đã tìm thấy cả rào cản về hành chính và chính trị.

Chẳng hạn, chính phủ các quốc gia cần tiêu tốn nguồn lực để quản lý các khoản tài trợ. Họ thường thuê các chuyên gia tư vấn nước ngoài đắt tiền để lập kế hoạch, thực hiện và giám sát các dự án. Những chi phí này ăn vào tiền dành cho cộng đồng địa phương. Việc tập trung vào các dự án lớn, riêng lẻ cũng tạo xu hướng dồn tiền vào một lĩnh vực và hạn chế lợi ích lan xa.

Các quỹ cũng đòi hỏi bằng chứng kết quả rõ ràng. Chính phủ các nước có thể đầu tư vào những dự án mà họ biết sẽ thành công thay vì thực hiện các cách tiếp cận sáng tạo hoặc chọn những lĩnh vực rủi ro hơn.

Chính phủ các quốc gia cũng đưa ra quyết định dựa trên lý do chính trị. Họ có xu hướng phân phối các nguồn lực – bao gồm cả tiền cho thích ứng biến đổi khí hậu – dựa trên những gì sẽ giúp họ duy trì quyền lực. Các chính quyền có nhiều khả năng tài trợ cho những bên ủng hộ họ về mặt chính trị hơn là cho đối thủ. Có thể nói, những cộng đồng dễ bị tổn thương chính bởi họ bị gạt ra ngoài lề của chính trị.

Cuối cùng, các nghiên cứu cho thấy tài chính thích ứng, giống như các khoản tài trợ phát triển, có thể bị mất do tham nhũng và quản lý yếu kém. Giới tinh hoa giàu có và quyền lực có thể “chiếm giữ” lợi ích của các dự án được quốc tế tài trợ, chẳng hạn như phân phối giống lúa không cân xứng trong một dự án góp phần nâng cao năng lực thích ứng nông nghiệp ở Madagascar.

Sửa chữa tài chính khí hậu

Không quá muộn để thay đổi dòng chảy của tài chính thích ứng để đảm bảo nhiều tiền sẽ đến được với các cộng đồng bị tổn thương hơn.

Theo Browne, bước đầu tiên là tăng kinh phí cho thích ứng. Số tiền hỗ trợ cho thích ứng với biến đổi khí hậu thực sự đã giảm vào năm 2021, năm gần nhất mà nhóm nghiên cứu có dữ liệu. Các nước giàu phải đáp ứng đủ cam kết mà họ đã đưa ra trong Thỏa thuận Paris.

Bước thứ hai là khiến các quỹ của Liên Hợp Quốc, Ngân hàng Thế giới và các nước giàu có dành một tỷ lệ tài trợ lớn hơn cho các quốc gia dễ bị tổn thương nhất. Họ phải cấp nhiều tài chính hơn, bất kể các quốc gia này có bị ảnh hưởng bởi xung đột, bất ổn và tham nhũng hay không.

Đối với các quỹ của Liên Hợp Quốc, cần phải cách đơn giản hóa và chuẩn hóa các thủ tục đăng ký. Các quỹ cũng có thể dành nhiều nguồn lực hơn để giúp các quốc gia chuẩn bị đề xuất. Bản thân các quỹ nên tập trung ít hơn vào việc đòi hỏi kết quả rõ ràng và chú trọng nhiều hơn vào việc hỗ trợ các dự án thích ứng song hành với những ưu tiên của quốc gia và địa phương.

Các quốc gia giàu có đóng góp cho các quỹ khí hậu sẽ cần phải từ bỏ một số quyền lực tiền bạc của mình. Họ sẽ phải chấp nhận việc quản trị không hoàn hảo và một số nguồn tài trợ bị mất do quản lý yếu kém và tham nhũng. Trên thực tế, điều tương tự đã có tiền lệ. Trong đại dịch COVID-19, các nước đã chấp nhận đánh đổi như vậy khi tình thế cấp bách vượt trên những lo ngại về lãng phí hoặc gian lận.

Nhưng các nhà tài trợ cũng nên thúc đẩy minh bạch nhiều hơn xung quanh các dự án. Họ có thể khuyến khích các nhóm xã hội dân sự địa phương tham gia giám sát dự án, ví dụ, bằng cách xuất bản thông tin dự án bằng ngôn ngữ địa phương.

Bước thứ ba là hãy thử nghiệm. Ví dụ, Quỹ Khí hậu Xanh hiện đang thử nghiệm tài chính thích ứng “phi tập trung” ở Namibia. Thay vì một dự án lớn duy nhất, chính phủ Namibia đã chia quỹ thành 31 khoản tài trợ nhỏ cho các tổ chức dựa vào cộng đồng. Cùng với Đại học Namibia, Browne đang kiểm tra xem liệu phương pháp này có giúp nhiều nguồn tài trợ hơn đến với các cộng đồng tuyến đầu hay không. Kết quả ban đầu rất đáng khích lệ.

Browne nói rằng sửa chữa tài chính khí hậu không đơn giản nhưng là việc cấp bách. Nếu không làm vậy thì những người dễ bị tổn thương nhất sẽ phải một mình đối mặt với các mối đe dọa khí hậu ngày càng gia tăng.

Trang Linh (The Conversation)

https://theconversation.com/climate-adaptation-funds-are-not-reaching-frontline-communities-what-needs-to-be-done-about-it-217067

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)