Các startup AI của Việt Nam còn non trẻ

Báo cáo toàn cảnh về trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam của Rubik AI, một tổ chức kết nối các nguồn lực để thúc đẩy việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong doanh nghiệp và các trường đại học và quỹ đầu tư mạo hiểm G&H, dựa trên kết quả phỏng vấn 30 doanh nghiệp trong lĩnh vực AI của Việt Nam cho thấy, đa số vẫn đang ở giai đoạn đầu, mới được thành lập dưới 2 năm và số vốn đầu tư nhận được chủ yếu dưới 200.000 USD. 

Báo cáo chỉ ra rằng, khó khăn lớn nhất đối với hệ sinh thái trí tuệ nhân tạo của Việt Nam là thiếu nguồn nhân lực. Số lượng các kĩ sư về trí tuệ nhân tạo trong các công ty là dưới 10 người. Ở Việt Nam, mới có sáu trường đại học có môn học về trí tuệ nhân tạo là Đại học Bách Khoa, Đại học Công nghệ, Đại học Việt – Pháp, Học viện Bưu chính Viễn Thông và Đại học FPT. Tuy nhiên, đây cũng không phải là môn học được đầu tư. 

Nhưng ngay cả khi có nhân lực và sản phẩm, các doanh nghiệp trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo cũng vấp phải thách thức lớn nhất là thuyết phục được thị trường áp dụng sản phẩm của mình. 29% các sản phẩm AI được ứng dụng trong lĩnh vực thương mại điện tử, 18% cho lĩnh vực logistic và giao thông vì đây là các lĩnh vực có sẵn khối lượng dữ liệu lớn đã được chuẩn hóa. Các lĩnh vực khác không dễ thu thập và tiếp cận dữ liệu. 


Thương mại điện tử có thể coi là lĩnh vực ứng dụng AI phổ biến nhất, đặc biệt là sử dụng chatbot vào trả lời tự động các khách mua hàng. Nguồn: Fiverr.com

Có sáu công ty lớn ở Việt Nam đã tuyên bố đầu tư vào lĩnh vực trí tuệ nhân tạo bao gồm VNG, VPBank, FPT, Viettel, CMC và Tiki nhưng chưa rõ sản phẩm cụ thể của họ là gì ngoài FPT có nền tảng FPT.ai giúp các doanh nghiệp phát triển các sản phẩm ứng dụng công nghệ xử lý ngôn ngữ tự nhiên. Zalo (thuộc VNG) đang bắt tay với ngân hàng Hàn Quốc Shinhan Bank để phát triển một sản phẩm công nghệ tài chính có sử dụng AI để người dùng kiểm tra tài khoản và thực hiện các giao dịch tài chính tiện dụng hơn. 

 

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)