Các startup công nghệ tại Silicon Valley của Việt Nam
Sáng kiến Vietnam Silicon Valley do Bộ KH&CN khởi xướng từ năm 2015 đã được hãng thông tấn Đức DW đánh giá là bệ phóng cho những starup công nghệ và góp phần thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ của Việt Nam phát triển.
Ứng dụng tưới tiêu tự động và tự đo lường được lượng nước tưới của Mimosatek. Nguồn: doanhnhanonline.com.vn
Trẻ trung, đổi mới sáng tạo và vốn đầu tư là những yếu tố thúc đẩy phong trào khởi nghiệp tại TPHCM, đây cũng là điều mà chính phủ đang hy vọng sẽ góp phần hiện đại hóa nền kinh tế phát triển nhanh nhất Việt Nam này.
Vào một chiều thứ sáu, Công viên Công nghệ phần mềm ở ngoại ô TP.HCM hết sức vắng vẻ. Nhưng tại một văn phòng ở công viên này, những nhà phát triển công nghệ của startup Mimosatek vẫn làm việc rất hăng say về loại công nghệ có khả năng giúp nông dân tưới tiêu cho đồng ruộng của họ.
Lê Lan Anh, COO của Mimosatek, cho biết: “Thu hút hàng triệu người làm việc, nông nghiệp vẫn là một trong những lĩnh vực hết sức quan trọng tại Việt Nam. Có một vấn đề luôn thường trực với nông dân là làm thế nào để biết rằng cây cối cần bao nhiêu nước tưới, vì vậy chúng tôi đã thiết kế một công cụ tưới tiêu tự động và tự đo lường được lượng nước tưới”.
Mimosatek chỉ là một trong số nhiều startup công nghệ ở TPHCM, một trung tâm kinh tế của Việt Nam. Từ vài năm trở lại đây, hàng trăm doanh nhân trẻ từ khắp đất nước đã tới thành phố này để thành lập công ty – cho dù họ đang phát triển những ứng dụng đổi mới sáng tạo nào như trò chơi trên điện thoại, thương mại điện tử hay những giải pháp công nghệ khác.
Sự xuất hiện này nhanh chóng được chính quyền Việt Nam ghi nhận. Với một sáng kiến mang tên Vietnam Silicon Valley, các nhà quản lý đã phân bổ các nguồn lực đầu tư để tạo môi trường cho các startup phát triển thuận lợi. Năm ngoái, chính phủ đã thông báo sẽ hỗ trợ về pháp lý và tài chính cho 2.600 startup trong vòng 10 năm tới.
Kết hợp tuổi trẻ, các nguồn lực với đổi mới sáng tạo
Bobby Liu của Topica Founder Institute, một startup về chương trình tăng tốc khởi nghiệp, cho biết nhiều người Việt Nam là những doanh nhân giỏi nhưng đó không phải là lý do duy nhất đưa TP.HCM lên vị trí của một trung tâm khởi nghiệp hàng đầu đất nước.
“50% dân số dưới 35 tuổi và nhiều người trong số đó đã đi du học”, Liu cho biết thêm là Việt Nam chuyên làm thuê (outsourced) cho nhiều công ty công nghệ thông tin của nước ngoài. “Thêm vào đó là tư duy tân tiến và chi phí sinh hoạt thấp”.
Chính phủ Việt Nam đang hy vọng sẽ có thêm nhiều người sẽ thành lập công ty. Năm 2016, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã thông báo, từ 500.000 doanh nghiệp hiện nay, Việt Nam sẽ có tới 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020. Nhưng đạt được thành công như mong đợi không phải là điều dễ dàng. Người ta ước tính, có tới 90% startup gặp thất bại, phần lớn là do thiếu nguồn vốn đầu tư.
Vào tháng 6/2015, Mimosatek đã thí điểm một công nghệ, công ty hiện đang chờ đợi thành công đến với công cụ hỗ trợ nông dân kiểm soát việc tưới tiêu qua điện thoại di động. Lê Lan Anh cho biết, “Chúng tôi đã so sánh kết quả từ việc áp dụng công cụ tưới tiêu này với kết quả mùa vụ trước đó trên một trang trại hữu cơ. Hiện tại chủ trang trại đang sử dụng sản phẩm của chúng tôi và kết quả là, ông ấy dùng nước và điện ít hơn 30%, sản lượng tăng 25%”.
Các chuyên gia cho biết, Việt Nam tràn trề cơ hội cho các doanh nhân. Giống như những nền kinh tế khác ở Đông Nam Á, Việt Nam đang đạt mức tăng trưởng rất khả quan và World Bank ước tính rằng, GDP Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,5% trong năm 2017. Thị trường nội địa của Việt Nam rất rộng lớn với hơn 95 triệu dân với tầng lớp trung lưu ngày càng mở rộng và trình độ giáo dục không ngừng được cải thiện những năm gần đây.
Gia tăng cơ hội thành công
Một trong những trường hợp thành công điển hình của Việt Nam là Ticketbox do Trần Tuấn Anh phát triển. Năm 2013, anh bắt đầu xây dựng một nền tảng online về phân phối vé tham dự các buổi hòa nhạc và các sự kiện văn hóa khác. Theo Trần Tuấn Anh, ngay trong 9 tháng đầu tiên, Ticketbox đã tăng trưởng gấp 24 lần so với quy mô ban đầu. Công ty hiện đang mở rộng tầm anh hưởng tại Singapore và Thái Lan.
“Tôi chưa bao giờ kỳ vọng trở chủ một công ty hoạt động tại ba quốc gia. Khi bắt đầu gây dựng công ty, tôi chỉ muốn làm được cái gì đó tại Việt Nam”, Trần Tuấn Anh nói.
CEO của Ticketbox tin tưởng rằng, đất nước của anh sẽ tiếp tục đem lại nhiều cơ hội cho các startup trong vòng ba đến năm năm tới. “Có quá nhiều tiềm năng ở đây, và có nhiều điều bạn có thể làm. Nếu ai muốn mua lại công ty với giá tốt thì tôi có thể sẽ chuyển nhượng và lại bắt đầu gây dựng cái gì đó mới mẻ”, anh cho biết.
Trần Tuấn Anh chờ đợi sự phát triển tiếp tục của công ty mình. “Chúng tôi đang ‘nhìn’ sang một số quốc gia khác. Malaysia, Indonesia và thậm chí là Myanmar cũng có thể là những đề xuất tốt”.
Ticketbox không chỉ là công ty duy nhất thành công. Big Cat Entertainment, công ty chuyên sản xuất các video online, đã được Asia Innovations Group, một công ty chuyên về phát triển các sản phẩm giải trí có trụ sở tại 6 quốc gia châu Á mua lại; Trương Thanh Thủy đã bán Tappy, một ứng dụng trên mạng xã hội về chia sẻ địa điểm của mình cho Weeby.co, một công ty được thành lập tại Silicon Valley; Nguyễn Hà Đông kiếm được 50.000 USD mỗi ngày qua trò chơi trên điện thoại di động Flappy Bird do anh phát triển.
Mimosatek hy vọng vào cuối năm nay khoảng 200 nông dân sẽ sử dụng sản phẩm của mình. Công ty hiện đang có 35 khách hàng. Lê Lan Anh nói, “Những gì chúng tôi đang làm rất ‘khó nhằn’. Với các startup, nguy cơ thất bại rất cao. Nhưng chỉ cần có những người tận tụy, nhiệt thành và tài năng, chúng tôi luôn luôn có thể khởi động một cách hứng khởi”.
Thanh Nhàn dịch
Nguồn: http://www.dw.com/en/tech-startups-are-finding-fertile-ground-in-vietnams-silicon-valley/a-38341348