Các startup công nghệ xanh sẽ có lợi khi hợp tác với chính phủ
Một nghiên cứu về hàng trăm công ty khởi nghiệp công nghệ xanh ở Mỹ được xuất bản trên tạp chí Research Policy cho thấy, hoạt động hợp tác của một startup tăng lên hơn 73% khi họ cộng tác với một cơ quan của chính phủ về phát triển “công nghệ sạch” – từ các tế bào pin mặt trời thế hệ mới đến các vật liệu lưu trữ điện năng.
Nghiên cứu đã cho thấy, mọi thời điểm một startup công nghệ sạch được một cơ quan chính phủ cấp phép phát triển công nghệ, công ty đó sẽ nhận được đầu tư tài chính nhiều gấp đôi so với các startup khác, cụ thể là tăng 155% một năm sau khi được cấp phép.
Phát triển mối hợp tác giữa các trường đại học và các doanh nghiệp tư nhân là một cách làm thông thường của nhiều công ty startup, tuy nhiên từ trước đến nay, việc hợp tác với chính phủ vẫn còn bị đánh giá thấp, ngay cả trong trường hợp của các công ty phát triển các công nghệ xanh, thân thiện với môi trường, các nhà nghiên cứu thực hiện công bố này cho biết.
Trong khi vai trò của các hợp tác công – tư trong những lĩnh vực như công nghệ sinh học, công nghệ thông tin đã được biết đến từ lâu nhưng đến tận bây giờ vẫn còn quá ít dữ liệu rõ ràng về sức ảnh hưởng của mối liên minh kiểu này. “Những kết quả nghiên cứu của chúng tôi đề xuất: có một số tín hiệu có thể được dùng để dò theo các hoạt động đổi mới sáng tạo và các thành công thương mại, ví dụ như các sáng chế, con số tài chính, đã tăng lên khi các công ty về công nghệ sạch hợp tác với cơ quan hoặc phòng thí nghiệm của chính phủ Mỹ”, Laura Diaz Anadon, giáo sư về chính sách biến đổi khí hậu tại trường đại học Cambridge và là đồng tác giả nghiên cứu, cho biết.
Giáo sư Claudia Doblinger – tác giả thứ nhất của nghiên cứu từ trường đại học Kỹ thuật Munich, nói: “Các phòng thí nghiệm của chính phủ đóng vai trò quan trọng không chỉ trong quá trình chống biến đổi khí hậu mà còn với cả sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ. Đây là hai chủ thể quan trọng trong nhiều thảo luận về chính sách như Green New Deal ở Mỹ”.
Các nhà nghiên cứu đã thiết lập một bộ dữ liệu mới gồm 657 startup công nghệ sạch của Mỹ và hơn 2.000 công ty đối tác được thành lập trong giai đoạn 2008 – 2012 để đánh giá sự khác biệt trong kết quả của các liên minh công tư, bao trùm lĩnh vực: điện gió, năng lượng biển, tái chế chất thải và thiết bị lưu trữ năng lượng. Khoảng 66% startup được thành lập dưới 5 năm vào 2008, với 34% giao dịch thương mại cũng được lựa chọn.
Để thấy rõ lợi ích trong mối hợp tư và đầu tư nguồn lực, các nhà nghiên cứu còn tìm hiểu các liên minh với những trung tâm công nghệ lớn của thế giới như Thung lũng Silicon – đề xuất tiềm năng cho việc xây dựng “những hệ sinh thái vùng”.
Ví dụ, Phòng thí nghiệm năng lượng tái tạo quốc gia (NREL) thuộc Bộ Năng lượng Mỹ, tọa lạc tại Colorado, là ‘một ví dụ nổi bật của những tổ chức chính phủ tại Mỹ có hợp tác với các startups năng lượng sạch”, theo các nhà nghiên cứu. Là một tổ chức quan trọng trong sự phát triển các công nghệ xanh, NREL đã cùng hợp tác với nhiều startup kể từ những năm 2000 trong lĩnh vực “chế tạo màng mỏng” như First Solar, vốn trở thành nhà sản xuất công nghệ pin mặt trời Cadmium Telluride từ năm 2009. Các nhà nghiên cứu xác nhận, NREL đã cấp hơn 260 giấy chứng nhận công nghệ kể từ năm 2000, điều này chứng tỏ giá trị đóng góp của các cơ quan chính phủ như cũng như NREL trong việc hỗ trợ các startup.
Các tác giả nghiên cứu cũng cho rằng, chính quy mô, cơ sở vật chất và tầm nhìn dài hạn của các tổ chức liên bang như Bộ Năng lượng Mỹ và 17 phòng thí nghiệm của Bộ, đã góp phần hỗ trợ một cách tự nhiên cho các startup có thể nắm bắt cơ hội và kịp thời thích nghi với các phát triển công nghệ, đáp ứng cơ hội thị trường nhanh nhất. “Các tổ chức chính phủ phải có tầm nhìn dài hạn và đóng vai trò quan trọng hơn trong thúc đẩy quá trình đổi mới sáng tạo ngành năng lượng”, giáo sư Kavita Surana từ trường đại học Maryland và đồng tác giả công bố, nhận xét.
“Ngoài các khoản tài trợ và hỗ trợ ban đầu cho thương mại hóa, thông qua việc thực hiện hợp tác để phát triển và chuyển giao kiến thức, các cơ quan chính phủ có thể thúc đẩy với các công ty khởi nghiệp tạo nên sự khác biệt. Và Quốc hội Mỹ và các tổ chức xã hội dân sự chuẩn bị tranh luận về bản chất của các chính sách như Green New Deal, các đối tác hợp tác công tư có thể là một phần quan trọng và không quá tốn kém trong các ‘gói’ xây dựng chính sách”, giáo sư Surana cho biết, hàm ý đến những tác động của vấn đề hợp tác công tư sẽ góp phần gợi mở về chính sách phát triển năng lượng sạch cho các nhà hoạch định chính sách.
Còn theo giáo sư Doblinger, để thúc đẩy mối quan hệ hợp tác lâu dài với các doanh nghiệp mới nổi, các cơ quan chính phủ nên thử nghiệm các biện pháp khuyến khích hỗ trợ các dự án hợp tác công tư. “Các sáng kiến như đầu tư nhiều hơn để nâng cao năng lực chuyển giao công nghệ, khởi sự kinh doanh trong các chương trình hoặc cho phép các nhà khoa học hoạt động trong các tổ chức của chính phủ được nghỉ một thời gian để sang làm việc cho một công ty tư nhân, có thể góp phần chuyển những hiểu biết về công nghệ sang lĩnh vực tư và khích lệ các nhà khoa học thực hiện theo”, bà nói.
Giáo sư Anadon tin tưởng, những bài học từ nghiên cứu này đáng giá với nhiều quốc gia đang muốn khuyến khích đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực năng lượng sạch, không chỉ với Mỹ. “Bởi các cơ quan thuộc bất kỳ chính phủ nào muốn thành công trong hợp tác với các startup, rõ ràng cần đầu tư hiệu quả và bền vững đi kèm với hỗ trợ chuyển giao công nghệ và truyền thông”.
“Các tổ chức chính phủ cần xem xét các kết quả nghiên cứu của chúng tôi trước khi thảo luận về việc tài trợ cho các nghiên cứu về năng lượng bền vững. Các công nghệ sạch từ mối quan hệ đối tác công tư rất cần thiết để các chính phủ đáp ứng các mục tiêu phát triển bền vững và chống biến đổi khí hậu”.
Anh Vũ dịch
Nguồn: https://www.eurekalert.org/pub_releases/2019-03/uoc-gts031519.php