Các thị trường mới nổi đang bị “thất sủng”

Quỹ IMF vừa đưa ra dự đoán, 2015 sẽ là năm thứ năm liên tiếp tăng trưởng kinh tế ở các thị trường mới nổi chậm lại.

Giống như quần áo và kiểu tóc, các thị trường mới nổi cũng có những giai đoạn thịnh hành và thoái trào trong mắt các nhà đầu tư. Sự vồ vập của giới đầu tư hồi cuối thập niên 1980 bị thay thế bằng những cuộc khủng hoảng cuối thập niên 1990. Trong thập niên đầu thế kỷ 21, các thị trường này lại trở nên nhộn nhịp, và cụm từ BRIC (viết tắt tên các quốc gia Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc) ra đời. Khi các nền kinh tế của thế giới giàu có suy thoái trong năm 2008, các thị trường mới nổi dường như là niềm hy vọng tốt nhất cho tương lai.

Nhưng mấy năm trở lại đây, sức nóng của các thị trường này lại bắt đầu “giảm nhiệt”. Có thể hiểu được lý do tại sao giới đầu tư lại thay đổi thái độ của mình. Quỹ IMF vừa đưa ra dự đoán rằng 2015 sẽ là năm thứ năm liên tiếp sức tăng trưởng kinh tế ở các thị trường mới nổi chậm lại. Hai trong số năm quốc gia thuộc nhóm BRIC là Brazil và Nga đang trong giai đoạn suy thoái kinh tế. Kinh tế Trung Quốc cũng đang chậm lại sau những bước phát triển mạnh mẽ trong các thập niên trước. Theo dự đoán của IMF, tính từ năm 2001, lợi thế của các thị trường mới nổi so với các quốc gia giàu có, xét về tỉ lệ tăng trưởng nhanh hơn, sẽ ở mức thấp nhất trong năm nay.

Ngày nay, người bi quan dễ tìm hơn người lạc quan. Andrew Haldane, nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Anh, cho rằng các thị trường mới nổi đang trở thành “làn sóng thứ ba” trong chuỗi các cuộc khủng hoảng bắt nguồn từ giai đoạn 2007-2008 với các khoản cho vay thế chấp dưới chuẩn ở Mỹ và được tiếp tục qua giai đoạn 2010-2012 trong khu vực tiền euro. Quan điểm về làn sóng thứ ba này cũng nhận được sự đồng tình trong một kết quả nghiên cứu mới đây do Goldman Sachs thực hiện.

Kết quả trưng cầu ý kiến các nhà quản lý quỹ đầu tư do Bank of America thực hiện mới đây cho thấy trong mắt các nhà đầu tư, hai rủi ro lớn nhất đối với nền kinh tế thế giới hiện nay là sự suy thoái của Trung Quốc và cuộc khủng hoảng nợ của các thị trường mới nổi.

Cội rễ vấn đề nằm ở chỗ, sự tăng trưởng chậm lại ở các thị trường mới nổi còn đi kèm với sự gia tăng của các khoản nợ công ty. Theo HSBC, ngoại trừ các khoản nợ tài chính, các công ty ở các thị trường mới nổi hiện đang có mức nợ trung bình chiếm 90% GDP; tại châu Á, các khoản nợ phi tài chính của các công ty đã tăng vọt từ mức 80% GDP năm 2009 lên tới 125% hiện nay. Tình trạng tăng trưởng kinh tế chậm chạp sẽ khiến việc thanh toán khối nợ này càng trở nên gian nan hơn, đồng thời sự suy yếu của các loại nội tệ cũng gây thêm khó khăn cho việc thanh toán phần của khoản nợ được tính bằng dollar (theo HSBC, phần nợ này chiếm dưới 1/3 tổng nợ). Kết quả trưng cầu ý kiến các nhà quản lý quỹ đầu tư do Bank of America thực hiện mới đây cho thấy trong mắt các nhà đầu tư, hai rủi ro lớn nhất đối với nền kinh tế thế giới hiện nay là sự suy thoái của Trung Quốc và cuộc khủng hoảng nợ của các thị trường mới nổi.

Lợi nhuận của các công ty không tăng trưởng nhanh nhóng như hy vọng của các nhà đầu tư. Theo tính toán của Goldman Sachs, kể từ năm 2010 tới nay, các công ty châu Á vẫn chưa đạt tới ngưỡng tăng trưởng doanh thu hai con số. John-Paul Smith, một lãnh đạo của công ty tư vấn Ecstrat, cho biết, nhìn chung hệ số ROE (tỉ số lợi nhuận trên vốn cổ phần) tại các công ty ở các thị trường mới nổi đã giảm hơn 7% kể từ cuộc khủng hoảng tài chính vừa qua.

Ông Smith lo ngại rằng kinh tế tăng trưởng trì trệ sẽ khiến các chính phủ can thiệp sâu hơn vào nền kinh tế, đưa ra các mức thuế suất cao hơn hay thực hiện các biện pháp khống chế giá cả nhiều hơn. Để chống đỡ trước sự chỉ trích trong và ngoài nước, các chính phủ cũng có thể quay sang đổ lỗi cho các nhà đầu cơ hoặc các công ty nước ngoài vì những rắc rối trong nước.

Ở chiều hướng ngược lại, tinh thần dân tộc chủ nghĩa như vậy sẽ khiến các nhà đầu tư kém tự tin hơn, làm giảm hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài và đưa đến những cuộc tháo chạy vốn khỏi thị trường. Theo ông Smith, điều này sẽ “càng gây áp lực khiến nội tệ suy yếu hơn, qua đó càng làm giảm hơn nữa mức sống của các hộ gia đình và càng khuyến khích cho sự ra đời của những chính sách dân túy.”

Rõ ràng, thái độ bi quan này đã phần nào lan tới các nhà đầu tư. Trong cuộc điều tra nói trên của Bank of America, số lượng các quỹ đầu tư có cổ phần ở các thị trường mới nổi thấp dưới mức trung bình lên đến hơn 28% so với số lượng các quỹ có cổ phần cao hơn mức trung bình. Theo ước tính của công ty tư vấn Capital Economics, trong quý ba năm nay, hơn 260 tỉ USD đã di chuyển khỏi các thị trường mới nổi. Xét trên mặt con số, đây là mức tháo chạy vốn còn lớn hơn cả giai đoạn khủng hoảng 2008-2009.

Khi các tài sản tài chính đang hoạt động kém hiệu quả và giới đầu tư đang tranh nhau tháo chạy, các nhà đầu tư có quan điểm đi ngược trào lưu lại bắt đầu băn khoăn tự hỏi liệu đây có phải là thời điểm vàng để kiếm lời hay không. Thông thường, các thị trường mới nổi giao dịch cổ phiếu với giá trị thấp hơn so với các thị trường ở các quốc gia giàu có. Tuy nhiên, vẫn có những giai đoạn ngoại lệ khi các thị trường mới nổi “được lòng” giới đầu tư, đặc biệt là trong mùa thu năm 2010. Hiện tại, giá trị giao dịch của các thị trường này đang giảm nhưng mức giảm này không lớn như thời điểm cuối thập niên 1990. Và nếu các nhà đầu tư săn lùng “hàng giảm giá” còn chưa nhận thấy những dấu hiệu cải thiện trong các đặc tính kinh tế nền tảng thì việc họ khoanh tay đứng nhìn vẫn là điều dễ hiểu.

Trang Bùi dịch

Nguồn:

http://www.economist.com/news/business-and-finance/21676693-emerging-market-assets-may-fall-more-turning-chic-once-again-among-investors-emerging

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)