Các vaccine khác nhau như thế nào?

Hiện nay có hai hướng phát triển: Vaccine với virus vector và các vaccine mRNA mới. Mục tiêu của cả hai trường phái vaccine đều giống nhau: thông qua tiêm để đưa thông tin di truyền của mầm bệnh Sars-Cov-2 vào cơ thể. Qua đó cơ thể được chuẩn bị một cách tốt nhất để đối đầu với mầm bệnh corona một khi nó xuất hiện – để sau đó tiêu diệt kẻ đột nhập.


Cho đến nay những doanh nghiệp nghiên cứu về vaccine-mRNA lại là những doanh nghiệp còn ít được biết đến: Biontech và Curevac của Đức, Moderna của Mỹ. Trong khi đó các vaccine vector lại do các tập đoàn danh tiếng làm ra như AstraZeneca của Anh và Thụy Điển và Johnson & Johnson của Mỹ. Vaccine của Nga Sputnik-V cũng dựa trên công nghệ vector. 

Phần lớn giới y tế đều nhất trí rằng, cả công nghệ mRNA lẫn các vector đều có hiệu quả tốt trong phòng chống đại dịch. Tuy nhiên lợi thế đang ngả nhiều hơn một chút về phía mRNA.
Mục tiêu của cả hai trường phái vaccine đều giống nhau: thông qua tiêm để đưa thông tin di truyền của mầm bệnh Sars-Cov-2 vào cơ thể. Qua đó cơ thể được chuẩn bị một cách tốt nhất để đối đầu với mầm bệnh corona một khi nó xuất hiện  – để sau đó tiêu diệt kẻ đột nhập. 

Các loại vaccine corona khác nhau như thế nào

Các nhà nghiên cứu trên khắp thế giới đang chạy đua để tìm ra loại vaccine hiệu quả nhất chống lại Covid-19. Tất cả các ứng cử viên vaccine đều dựa trên một nguyên tắc cơ bản giống nhau: Hệ thống tự vệ của cơ thể được làm quen với các bộ phận của coronavirus (kháng nguyên) trên cơ sở đó các tế bào miễn dịch phát triển tạo phản ứng (kháng thể) qua đó hình thành khả năng miễn dịch đối với mầm bệnh.
Hiện nay có hai hướng phát triển vaccine Covid:
– Vaccine với virus vector.
– Các vaccine-mRNA mới.
Tạm phân loại như sau (tính đến ngày 11.5. 2021)

Vaccine-mRNA: là vaccine của các hãng Biontech/Pfizer và Moderna

Vaccine-mRNA chứa các phân đoạn của vật liệu di truyền của virus corona, cái gọi là thông tin-RNA (rút gọn mRNA). Một lượng rất nhỏ chất này được tiêm vào cơ thể người, tế bào cơ thể tiếp nhận chúng và giải mã thông tin di truyền mà chúng chứa đựng trong đó. Một thời gian ngắn sau chúng tạo ra cái gọi là Spike-Protein (protein gai – đặc trưng của virus corona). Nói một cách đơn giản nó báo cho hệ thống miễn dịch biết, có vật lạ thâm nhập vào cơ thể, cần loại bỏ chúng. Trên cơ sở đó, protein ở bề mặt hệ thống đề kháng của cơ thể tạo ra kháng thể, chúng giúp nhận biết sớm sự đột nhập của virus corona và chuẩn bị cho phản ứng miễn dịch.

Nghiên cứu cho thấy toàn bộ quá trình này vô hại đối với cơ thể con người. Các hạt vật chất di truyền được đưa vào cơ thể sẽ bị tế bào cơ thể phân hủy sớm. Chúng sẽ không được gắn kết với DNA của con người. Khi mRNA của vaccine đã được phân hủy xong sẽ không có sự tiếp tục hình thành kháng nguyên (antigen).

Chỉ trong vài tuần người ta có thể tạo ra một lượng rất lớn vaccine-mRNA. Tuy nhiên cho đến thời điểm hiện nay loại vaccine này đòi hỏi phải có nhiệt độ cực thấp khi vận chuyển và bảo quản từ (-20 đến -80 độ C). Do đó loại vaccine này chỉ có thể được sử dụng tại những trung tâm tiêm chủng thích hợp. Vaccine của Moderna có một ưu thế hơn hẳn, nó có thể sử dụng rộng rãi hơn nhiều – theo nhà sản xuất thì có thể bảo quản ở nhiệt động trong phòng trong 12 tiếng đồng hồ và ở nhiệt độ trong tủ lạnh (2 đến 8°C) trong 30 ngày.

Vaccine-vector: vaccine như của AstraZeneca và Johnson & Johnson

Với vaccine dựa trên nền tảng vector, những virus vô hại với người được sử dụng làm “phương tiện vận chuyển” sẽ xâm nhập vào tế bào chúng ta. Tiếp theo, tế bào này thể hiện protein gai trên bề mặt và hệ miễn dịch của chúng ta nhận thấy “mối nguy” – điều này kích hoạt hệ miễn dịch bắt đầu sản sinh kháng thể và kích hoạt các tế bào miễn dịch khác chiến đấu với bệnh truyền nhiễm. Về nguyên tắc thì các vaccine có cơ chế giống nhau:  tại đây các tế bào của con người cũng tạo ra các bộ phận của Spike-Protein của virus corona, để hệ thống miễn dịch “nhận biết” nó phải tấn công ai. 

Trước đây đã có các loại vaccine vector được phê duyệt (như các loại vaccine-ebola). Các loại vaccine corona của các hãng  AstraZeneca và Johnson & Johnson (J&J) là vaccine-vector. Những loại vaccine này so với vaccine-mRNA có lợi thế ở chỗ có thể vận chuyển và bảo quản ở nhiệt độ từ 2 đến 8 độ C. Do đó việc sử dụng chúng trong điều kiện thông thường cũng phù hợp hơn nhiều. Vaccine của J&J còn có một ưu thế nữa, chỉ cần tiêm chủng một lần. Các loại vaccine khác hiện nay phải tiêm chủng hai lần.

Kinh nghiệm đối với Ebola 

Trước khi có corona người ta đã có kinh nghiệm với công nghệ vaccine-vector. Vaccine chống bệnh Ebola được sản xuất dựa trên công nghệ này. Trong khi đó vaccine-mRNA hầu như chưa được biết đến. Người ta bắt đầu nghiên cứu đối với công nghệ này từ cuối những năm 1990, trong đó có chuyên gia sinh hóa người Hung là Katalin Kariko, bà hiện làm việc tại Biontech và nghiên cứu tại Mỹ. Phải mất nhiều thập niên sản phẩm mới chín muồi. Ngoài các vaccine corona của Biontech và Moderna cho đến nay trên thị trường chưa hề có vaccine – mRNA nào khác. Do đó cũng vẫn còn thiếu các nghiên cứu dài hơi với công nghệ vaccine này.   

Ngược lại vaccine-vector được nghiên cứu kỹ hơn nhiều, tuy nhiên nó cũng có điều bất lợi: với những người trước đây đã tiếp xúc với virus mang mầm bệnh thông qua một lây nhiễm khác và những người đã có phản ứng miễn dịch, tác dụng của tiêm chủng có thể bị suy giảm.

Tác động phụ: Huyết khối trong tĩnh mạch não

Gần đây xuất hiện một vài trường hợp huyết khối trong tĩnh mạch não và thiếu tiểu cầu do tiêm chủng vaccine-vector của AstraZeneca và  Johnson & Johnson. Và cũng có một số trường hợp tử vong dù tỉ lệ rất nhỏ (một vài trường hợp trên một triệu liều tiêm – ND).

Mới đây các nhà nghiên cứu Đại học Oxford đã phát hiện số vụ bị huyết khối trong tĩnh mạch não ở vaccine-mRNA cũng tương tự như đối với vaccine-vector, khoảng bốn đến năm trường hợp trong một triệu người tiêm chủng lần đầu. Cho đến nay chưa phát hiện tình trạng thiếu tiểu cầu (Thrombozytopenie) khi tiêm chủng với vaccine-mRNA. 

Các nhà nghiên cứu cho rằng công nghệ mRNA có nhiều triển vọng trong tương lai, không chỉ đối với các bệnh lây nhiễm hiện nay mà còn với nhiều loại bệnh khác. Thí dụ Biontech đang thử nghiệm vaccine chống ung thư trên nền tảng mRNA. 

Nhiều nhà khoa học cho rằng họ sẽ không ngạc nhiên khi 30 năm nữa xuất hiện các loại thuốc chữa bệnh và vaccine trên nền tảng mRNA để chữa trị nhiều loại bệnh khác nhau.

Xuân Hoài lược dịch

Nguồn: https://www.wiwo.de/unternehmen/industrie/coronapandemie-wie-sich-die-impfstoffe-unterscheiden/27103590.html

Tác giả

(Visited 7 times, 1 visits today)