Cách mạng công nghiệp lần IV: Không có công thức chung
Cách mạng công nghiệp lần IV là gì, đặc trưng và tác động của nó tới nền kinh tế ra sao – các diễn giả trong và ngoài nước mới đây đã thảo luận những câu hỏi nêu trên tại một hội thảo khoa học quốc tế do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Viện Hàn lâm KHXH và Tổ chức Liên hợp quốc tại Việt Nam tổ chức tại Hà Nội.
Hội thảo khoa học quốc tế “Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những vấn đề đặt ra đối với phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam”, diễn ra ngày 25/11, đã thu hút hơn 300 đại biểu là lãnh đạo, đại diện các bộ, ban, ngành, các nhà khoa học và các tổ chức trong và ngoài nước.
Hội thảo chủ yếu tập trung làm rõ các vấn đề bao gồm: đặc trưng, tác động và hàm ý chính sách của cuộc cách mạng công nghiệp lần IV tới các nước phát triển và đang phát triển; kinh nghiệm quốc tế trong việc xây dựng các chính sách và chiến lược và chương trình phát triển quốc gia; nhận diện những thuận lợi và khó khăn của cuộc cách mạng này đối với Việt Nam; và đề xuất những định hướng chính sách phát triển cho các ngành trong bối cảnh mới.
Theo GS Mike Gregory, nguyên Giám đốc điều hành Viện Cambridge – MIT, nguyên Trưởng bộ môn chế tạo và quản lý, Đại học Cambridge, hiện nay vẫn chưa có khái niệm chính thức về cuộc cách mạng công nghiệp lần IV, nó có thể liên quan đến những công nghệ làm thay đổi cuộc sống như công nghệ thông tin giúp số hóa và kết nối bằng internet; công nghệ sinh học; công nghệ nano; vật liệu tiên tiến; hay mạng lưới vạn vật kết nối (IoT). Tuy nhiên, dù là gì thì sự tương tác giữa những công nghệ này có thể tạo ra những tác động lớn và có những hệ quả mà chúng ta không lường trước được, do vậy cần hiểu rõ để có những chính sách phù hợp ở từng quốc gia.
Hiện nay, nền công nghiệp đã thay đổi, không còn là sản xuất trong công xưởng mà dịch vụ đã phân tán hơn. Các công ty tập trung chuyên môn vào các quy trình khác nhau, có vẻ tách biệt nhưng thực tế thì vẫn nằm trong quy trình chung. Chẳng hạn như hãng Apple chỉ tập trung vào thiết kế, còn chế tạo linh kiện thì sẽ có các công ty khác nhau và nằm ở nhiều nước đảm nhận. Như vậy, khi diễn ra, cuộc cách mạng công nghiệp lần IV sẽ ảnh hưởng sâu rộng đến các nước chứ không chỉ những nước phát triển, đồng thời, nó sẽ tác động đến tất cả các ngành, GS Mike Gregory cho biết thêm.
Cũng nêu ra những tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần IV, ông Tống Viết Trung, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Viettel, cho rằng, “khi áp dụng các công nghệ cao thì các tập đoàn đa quốc gia ngày càng giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn nhân công giá rẻ và hoàn toàn có thể di rời nhà máy, đặc biệt là lĩnh vực lắp ráp, chế tạo, dệt may về các quốc gia phát triển hơn để tạo việc làm tận thu chuỗi giá trị, ảnh hưởng đến triển vọng của Việt Nam trở thành một công xưởng mới của thế giới, dẫn đến nguy cơ tăng tỉ lệ thất nghiệp, mất ổn định kinh tế xã hội nếu không có sự dịch chuyển kịp thời về cơ cấu ngành kinh tế và cơ cấu lao động”. Tuy nhiên, với lợi thế đang ở thời kì dân số vàng, tỉ lệ người ở độ tuổi lao động chiếm 68%, Việt Nam có điều kiện thuận lợi để thích ứng với công nghệ số. Cùng với việc tham gia hội nhập quốc tế sâu rộng khi kí kết nhiều chương trình, hiệp định thương mại mới, Việt Nam chắc chắn sẽ không nằm ngoài ảnh hưởng của cuộc cách mạng này, theo ông Trung.
Đề xuất định hướng
Trước những thách thức mà Cuộc cách mạng công nghiệp lần IV đặt ra, các diễn giả đã đề xuất Việt Nam cần xây dựng những chính sách và chương trình phù hợp với điều kiện đặc thù của mình.
Theo GS Mike Gregory, Việt Nam cần có cách tiếp cận mang tính hệ thống để biết được từng bước cụ thể cần làm trong giai đoạn mới và tiến hành theo từng ngành, từng lĩnh vực cụ thể thì mới mang lại tác dụng; xây dựng đội ngũ kĩ sư có hiểu biết đa ngành để có thể hiểu được và vận hành hệ thống tích hợp; có cơ chế giúp các nhà hoạt động chính sách nắm bắt được những thay đổi trên thế giới để có thể đưa ra được những chương trình thích hợp.
Còn theo ông Tống Viết Trung, Việt Nam cần sẵn sàng về nguồn nhân lực chất lượng cao, chú trọng đào tạo chuyên sâu ở đẳng cấp quốc tế đối với các công nghệ mũi nhọn.Với giáo dục quốc dân đại trà, cần tăng cường đào tạo bổ sung kĩ năng số, xóa mù về công nghệ số, trang bị kĩ năng sử dụng thiết bị số cho mọi lứa tuổi.
Cùng nhấn mạnh việc cuộc cách mạng lần thứ IV đang làm thay đổi cách thức làm việc của con người và tốc độ thích ứng với cuộc cách mạng số sẽ là yếu tố then chốt, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT, cho rằng, Việt Nam cần thay đổi toàn diện giáo dục và đào tạo để có nguồn nhân lực vừa có tinh thần khởi nghiệp, vừa có năng lực sáng tạo. Những nhân lực này cũng cần ứng dụng nhanh nhất những thành tựu mà cuộc cách mạng số tạo ra để nâng cao đột suất, đột biến cho nền kinh tế.