Cải cách thể chế và chính sách kinh tế để thúc đẩy KH&CN

Cải cách thể chế ở Việt Nam đã trở nên rất cấp bách và không thể trì hoãn khi kinh tế và xã hội đã rơi vào cuộc khủng hoảng trầm trọng. Nếu không cải cách thể chế, Việt Nam sẽ không tận dụng được tiến bộ khoa học-công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và sẽ rơi vào bẫy thu nhập trung bình với mức thu nhập rất thấp. Thể chế là nguồn gốc dẫn đến quốc gia này phồn thịnh và quốc gia khác nghèo khổ.


Đặt vấn đề

Trong chiến tranh Thế giới II và cho đến thập kỷ 1960, với cơ chế kế hoạch hóa tập trung trong quân sự và một số ngành, Liên Xô trước kia đã đạt được một số tiến bộ vượt bậc về khoa học-công nghệ trong quân sự, chinh phục vũ trụ nhưng kinh tế đã bị sụp đổ vì bị tụt hậu trong kinh tế.

Cuốn sách của Acemoglu và Robinson “ Vì sao các quốc gia thất bại – Nguồn gốc của Quyền lực, Thịnh vượng và Nghèo khó”1 năm 2012 đã tạo ra tiếng vang lớn trong công luận vì đã chứng minh chính thể chế là nguồn gốc dẫn đến quốc gia này phồn thịnh và quốc gia khác nghèo khổ. Tác giả đã chứng minh rằng cách mạng khoa học-công nghệ và vốn con người đã không thể đem lại sự thinh vượng nếu như không có cải cách thể chế vì không có luật pháp về sở hữu trí tuệ (chính ra phải dịch là tài sản trí tuệ, intellectual property), không có quyền tự do cho sáng tạo, không có sự kết nối với thị trường, không có sự kiểm soát quyền lực thì cách mạng khoa học-công nghệ cũng bất lực. Tác giả cũng chứng minh rằng thể chế yếu sẽ không ngăn cản được giới ưu tú cầm quyền cướp bóc, một đội ngũ cầm quyền ăn bám sẽ không khuyến khích đầu tư và sáng tạo vì không ai bảo đảm rằng họ sẽ không dùng quyền lực để lấy cắp kết quả của đầu tư và sáng tạo của các cá nhân khác. Đó là những thể chế khai thác hay bóc lột (extractive institutions). Điều tệ hại là những thể chế này có xu thế tự lặp lại chính nó nếu không có thay đổi căn bản nào diễn ra. Những thể chế bao dung (inclusive institutions)  bảo đảm các quyền tự do của cá nhân, khuyến khích mọi người nỗ lực vươn lên, đầu tư, làm giàu. Tại các thể chế này, quyền lực được kiểm soát, giới cầm quyền không thể tự tung, tự tác tước đoạt tài nguyên và làm giàu bất chính. Hai tác giả cũng tiên đoán Trung Quốc sẽ không thể tiếp tục tăng trưởng cao mãi nếu không cải cách thể chế.

Tác giả cũng chỉ ra rằng sau hai thế kỷ tăng trưởng kinh tế vừa qua, số các nước thịnh vượng và giàu có tăng lên rất ít trong số những nước nghèo vươn lên để trở thành giàu có.


 Nguồn: Ngân hàng Thế giới

Ta có thể thấy không ít nước nghèo nhất ở châu Phi là những nước được nhận viện trợ rất nhiều và rất lâu nhưng không thể vươn lên, không thể tiếp thu những kinh nghiệm tốt trên thế giới chỉ vì thể chế tham nhũng, không thể thực hiện nổi các cải cách đã được chỉ rõ cho họ, không thể thực hiện công nghiệp hóa.

Cuộc khủng hoảng nợ công trầm trọng ở châu Âu hiện nay trên nhiều giác độ cũng liên quan đến thể chế nhà nước, thể chế kinh tế. Đáng chú ý là những nước có chế độ phúc lợi xã hội cao nhất, rộng rãi nhất như Hà Lan, Na Uy, Thụy Điển … lại là những nước có nợ công thấp hơn nhiều những nước như Hy Lạp hay Tây Ban Nha. Nhà nước trong sạch, chuyên nghiệp, quyền lực được kiểm soát để không bị lạm dụng, chính sách sai lầm của nhà nước được giới khoa học và báo chí phát hiện sớm và phải thay đổi ngay đã cho phép những nước đó luôn thu hút được đầu tư, đổi mới khoa học-công nghệ, nâng cao năng suất lao động, thu được thuế, nhà nước đầu tư có hiệu quả, tiết kiệm nên các nước đó đã có thể thiết lập những thiên đường thực sự trên trái đất, vượt qua các cuộc khủng hoảng khác nhau mà nhà nước không mắc nợ.
Cải cách thể chế, vì vậy, được coi là then chốt để trở nên giàu có, thịnh vượng, phát triển.

Thể chế và tiến bộ khoa học-công nghệ ở Việt Nam

Trong những năm đầu của công cuộc Đổi mới, yếu tố Năng suất tổng hợp TFP (Total Factor Producivity) đã là đóng góp chủ yếu cho tăng trưởng, song những năm gần đây đã trở nên rất thấp, thấp hơn các nước trong khu vực rất nhiều và thậm chí là âm.


CIEM

Điều này phản ánh tình trạng trì trệ, yếu kém, thụt lùi trong cải cách và chính sách phát triển của Việt Nam trong những năm gần đây.

Trong các yếu tố đóng góp vào TFP có yếu tố thay đổi cơ cấu (từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ), xuất-nhập khẩu và nghiên cứu và triển khai:


Tổng Cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng

Trong những năm gần đây, do các động lực kinh tế cám dỗ và thúc đẩy, nguồn vốn và nỗ lực kinh doanh đổ vào khai thác đất đai và bất động sản, khoáng sản, rừng, biển.

Trong vòng 10 năm giá bất động sản ở Việt Nam đã tăng 10 lần và tỷ suất lợi nhuận lên đến 100% thu hút nguồn vốn rất lớn của xã hội và nay lâm vào cuộc khủng hoảng bất động sản, gây lãng phí rất lớn:

Trong bối cảnh đó, ít doanh nghiệp đầu tư vào khoa học-công nghệ để tăng trưởng bền vững là điều không có gì đáng ngạc nhiên.

Chừng nào, chính sách kinh tế còn tạo ra những cám dỗ điên cuồng như vậy thì số tín dụng 1 triệu tỷ chảy vào bất động sản là điều dễ hiểu và nghiên cứu khoa học-công nghệ chưa được doanh nghiệp và giới đầu tư coi trọng cũng hoàn toàn không có gì đáng ngạc nhiên. Rất nhiều “đại gia”, “tỷ phú” Việt Nam đã giàu lên rất nhanh trong thời gian qua không có đóng góp và đầu tư gì vào khoa học-công nghệ mà chủ yếu nhờ vào mối quan hệ, ăn chênh lệch giá về đất đai, bất động sản, phá rừng đốn gỗ, khai thác tài nguyên, tàn phá môi trường để xã hội gánh chịu. Sự bất công này bắt nguồn từ chính sách, từ lợi ích nhóm và tư duy nhiệm kỳ và sự yếu kém của thể chế.

Tham nhũng cũng làm cho người có chức quyền giàu rất nhanh và bóp méo các bậc thang giá trị xã hội.

Chính sách nhân sự hiện nay sử dụng kẻ xu nịnh, tiến thân thông qua quan hệ là chính chứ không phải thông qua cống hiến, không khuyến khích sáng tạo, dũng cảm, trung thực. Chính sách nhân sự đó phải thay đổi để có thể chấp nhận và thu hút được người tài.

Để xã hội quan tâm đến khoa học-công nghệ, cần có sự thay đổi căn bản trong các đòn bẩy động lực và chế tài, thay đổi các nấc thang giá trị của xã hội. Đối với Việt Nam điều quan trọng là phải thay đổi các động lực phát triển và tăng trưởng kinh tế, cạnh tranh bình đẳng trong nước và quốc tế, công khai, minh bạch, chứ không phải giàu lên nhờ đút lót, luồn cúi, tàn phá thiên nhiên, môi trường.

Môi trường và điều kiện cạnh tranh quốc tế đã thay đổi nhanh chóng. Nếu không nâng cao trình độ khoa học-công nghệ, tính chuyên nghiệp trong quản lý, các “đại gia”, “tỷ phú” Việt Nam sẽ chỉ là trọc phú ở trong nước và không có thương hiệu và thị phần trên trường quốc tế.

Thí dụ như cần thay đổi quy định thu hồi đất vì mục tiêu “phát triển kinh tế-xã hội”, quy định nghĩa vụ tạo việc làm của doanh nghiệp sử dụng đất, đánh thuế lũy tiến vào người đầu cơ đất và bất động sản như các nước khác đã làm. Cần chấm dứt việc huy động công an sử dụng vũ lực cưỡng chế thu hồi đất của nông dân để giao lại cho chủ đầu tư ăn chênh lệch giá.

Cải cách thể chế ở Việt Nam đã trở nên rất cấp bách và không thể trì hoãn khi kinh tế và xã hội đã rơi vào cuộc khủng hoảng trầm trọng. Nếu không cải cách thể chế, Việt Nam sẽ không tận dụng được tiến bộ khoa học-công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và sẽ rơi vào bẫy thu nhập trung bình với mức thu nhập rất thấp. Đó là viễn cảnh cần phải tránh.

Mặt khác, để doanh nghiệp an tâm đầu tư vào khoa học-công nghệ, cần:

– duy trì môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, giảm lạm phát, tín dụng với lãi suất cạnh tranh trong khu vực;
– không thay đổi chính sách quá nhanh và không dự đoán được;
– bộ máy hành chính phải chuyên nghiệp và có trách nhiệm. Hàn Quốc có bộ máy về khoa học-công nghệ bớt quan liêu hơn Nhật Bản nên Samsung và các hãng khác của Hàn Quốc đã tiến rất nhanh về khoa học-công nghệ, một số lĩnh vực đã vượt Nhật Bản.
– tôn trọng sở hữu trí tuệ, kiểm soát hàng rởm, hàng giả, cạnh tranh không lành mạnh để doanh nghiệp làm ăn chân chính có thể tồn tại và phát triển thông qua vận dụng khoa học-công nghệ.
– các doanh nghiệp phải phát triển và tăng trưởng thông qua cạnh tranh bình đẳng, tuân thủ pháp luật, có đóng góp cho xã hội chứ không bằng quan hệ, đút lót.
– Nhà nước lập các quỹ trợ giúp doanh nghiệp vận dụng khoa học-công nghệ, đầu tư đổi mới công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực.

Doanh nghiệp và khoa học-công nghệ

Thể chế nào thì có doanh nghiệp ấy. Thể chế này đã nhào nặn ra những doanh nghiệp rất giỏi trong quan hệ, đút lót, chạy thông tin, chi tiêu rất lớn về thời gian và tiền bạc cho các hoạt động đó nhưng ít hay hầu như không còn thời gian và tâm trí nào để quan tâm đến khoa học-công nghệ. Những doanh nghiệp nhỏ và quá nhỏ thiếu tính chuyên nghiệp, thiếu khả năng tài chính để đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm chỉ tồn tại nhờ lao động giá rẻ, khai thác tài nguyên, tàn phá môi trường. Con số doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động tiếp tục tăng lên từ 2011 đến nay phản ánh tình trạng bi đát của khối doanh nghiệp này trong khi khối đầu tư nước ngoài vẫn phát triển và mở rộng sản xuất.

Những tập đoàn nhà nước lớn được ưu đãi, độc quyền, có mối quan hệ với giới có quyền lực cao nhất nên không chịu áp lực cạnh tranh và sự giám sát của công luận, ít đầu tư vào khoa học-công nghệ.

Tuy tình hình kinh tế vĩ mô bất ổn định, môi trường kinh doanh xấu đi chứ không tốt lên, một số doanh nghiệp tư nhân và cổ phần đã có tiến bộ đáng kể trong đổi mới khoa học-công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh, tiếp tục phát triển. Có thể kể đến Sứ Minh Long, Ralaco, Mía Đường Lam Sơn, Xi măng Bỉm Sơn v.v. Đó là những điển hình tốt về cạnh tranh thông qua chất lượng chứ không phải thông qua giá, tiết kiệm chi phí, giảm giá thành, tận dụng phế thải, bảo vệ môi trường.

Hy vọng các điển hình này cho ta kinh nghiệm để nhân rộng hơn ra các doanh nghiệp khác.
———-
1 Daron Acemoglu và Jemes Robinson, Why Nations fail, Crown Publishers, N.Y. 2012, bản tiếng Việt do Nguyễn Quang A dịch.

Tác giả

(Visited 7 times, 1 visits today)