Cái chết Đen có thực sự đã ‘quét sạch’ một nửa dân số châu Âu?

Các nhà nghiên cứu đã dùng phấn hoa cổ đại để soi chiếu tình hình châu Âu lúc bấy giờ và đưa ra kết luận rằng phạm vi tàn phá của Cái chết Đen không dữ dội như chúng ta vẫn tưởng.


Tác phẩm “The Plague of Florence, 1348,” của Luigi Sabatelli. Nguồn: Alamy

Vào giữa những năm 1300, một loài vi khuẩn do chuột và bọ chét lây truyền đã lan tràn khắp châu Á và châu Âu, gây ra những ca bệnh dịch hạch chết người. Cái chết Đen là một trong những đại dịch khét tiếng nhất trong lịch sử, nhiều chuyên gia ước tính rằng nó đã giết chết khoảng 50 triệu người châu Âu – phần lớn người dân trên lục địa này. Ole Benedictow, một nhà sử học người Na Uy và cũng là một trong những chuyên gia hàng đầu về bệnh dịch hạch, viết vào năm 2005: “Dữ liệu đủ nhiều và phổ biến để có thể cho rằng Cái chết Đen đã quét sạch khoảng 60% dân số châu Âu”. Khi ông Benedictow xuất bản cuốn Lịch sử hoàn chỉnh về Cái chết Đen vào năm 2021, ông đã nâng con số ước tính đó lên thành 65%.

Tuy nhiên, theo một nghiên cứu mới đây, những con số đó, dù dựa trên các tài liệu lịch sử lúc bấy giờ, đã đánh giá quá cao con số thực sự của các ca bệnh dịch hạch. Bằng cách phân tích các trầm tích chứa phấn hoa cổ đại như là dấu hiệu của hoạt động nông nghiệp, các nhà khoa học Đức đã phát hiện ra rằng phạm vi tàn phá của Cái chết Đen có phần ‘chắp vá’. Một số khu vực của châu Âu thực sự đã bị thiệt hại nặng nề, nhưng vẫn có những khu vực khác yên ổn qua mùa dịch, và một số thì bị tàn phá đến thê lương. Adam Izdebski, một nhà sử học môi trường tại Viện Max Planck về Khoa học Lịch sử Nhân loại ở Jena, Đức, đồng thời là tác giả của nghiên cứu mới cho biết: “Chúng ta không thể nói rằng nó đã giết chết một nửa dân số châu Âu.”

Vào thế kỷ thứ XIV, hầu hết người châu Âu làm việc trong các trang trại, nơi đòi hỏi nhiều lao động nhằm tăng năng suất cây trồng. Nếu một nửa dân số châu  u chết trong khoảng thời gian từ năm 1347 đến năm 1352, hoạt động nông nghiệp sẽ giảm mạnh. “Một nửa lực lượng lao động sẽ biến mất ngay lập tức”, TS Izdebski nói. “Bạn không thể duy trì mức độ sử dụng đất như cũ. Nhiều lĩnh vực như chăn nuôi, trồng trọt sẽ không thể tiếp tục.” Mất đi một nửa dân số sẽ khiến nhiều trang trại bị bỏ hoang. Nếu không có đủ người chăn nuôi, sẽ không có gia súc ăn cỏ, và đồng cỏ cứ thế mà phát triển. Các loài cây ăn trái dần dần bị thay thế, thậm chí rồi sẽ trở thành những khu rừng rậm.

Theo TS Izdebski và các đồng nghiệp, nếu Cái chết Đen thực sự gây ra sự thay đổi lớn đến vậy, họ sẽ có thể ‘nhìn thấy’ nó trong các loài phấn hoa ‘sống sót’ từ thời Trung cổ. Hằng năm, một lượng lớn phấn hoa từ thực vật bay vào không khí, và một số phấn hoa rơi xuống đáy hồ và đầm lầy. Bị chôn vùi trong bùn, những hạt phấn đôi khi có thể tồn tại hàng thế kỷ.

Nhằm xem xét liệu phấn hoa có thể nói điều gì về Cái chết Đen, TS Izdebski và các đồng nghiệp của ông đã chọn ra 261 địa điểm trên khắp châu Âu – từ Ireland và Tây Ban Nha ở phía tây cho đến đến Hy Lạp và Lithuania ở phía đông – những nơi có các loại phấn hoa được bảo quản từ khoảng năm 1250 đến năm 1450. Ở một số vùng, chẳng hạn như Hy Lạp và miền trung nước Ý, phấn hoa kể một câu chuyện về sự tàn phá. Phấn hoa từ các loại cây trồng như lúa mì đã cạn kiệt. Bồ công anh và các loài hoa khác trên đồng cỏ thì tàn lụi. Phấn hoa của những loài cây phát triển nhanh như bạch dương lẫn những cây phát triển chậm như cây sồi lần lượt xuất hiện.

Nhưng đó không phải là quy luật trên toàn cõi châu Âu. Trên thực tế, trong số 21 khu vực mà các nhà nghiên cứu xem xét, chỉ có 7 khu vực đã trải qua một cuộc biến chuyển thảm khốc. Ở những nơi khác, phấn hoa ít thay đổi. Tại các khu vực như Ireland, miền trung Tây Ban Nha và Lithuania, cảnh quan đã di chuyển theo hướng ngược lại. Phấn hoa từ các khu rừng trưởng thành trở nên hiếm hơn, trong khi phấn hoa trên đồng cỏ và đất nông nghiệp thậm chí ngày càng phổ biến. Trong một số trường hợp, hai vùng lân cận có thể thay đổi theo chiều hướng khác nhau, chẳng hạn như phấn hoa cho thấy một vùng đã chuyển từ trang trại sang rừng rậm, trong khi vùng kia từ rừng rậm biến thành trang trại.


Phấn hoa dưới kính hiển vi ở độ phóng đại 40x. Nguồn: Lucrezia Masci.

Dù những phát hiện này cho thấy Cái chết Đen không thảm khốc như nhiều nhà sử học mô tả, nhưng các tác giả của nghiên cứu này cũng không đưa ra được kết luận chính xác về số người chết vì đại dịch. “Chúng tôi không thoải mái khi phải đánh liều đưa ra một con số mà chúng tôi không biết rõ”, Timothy Newfield, nhà sử học về dịch bệnh tại Đại học Georgetown và là một trong những cộng sự của TS Izdebski, cho biết.

Những điểm tương đồng

Một số nhà sử học độc lập chia sẻ rằng kết quả của nghiên cứu mới ở phạm vi châu lục này tương thích với nghiên cứu của riêng họ tại các vùng cụ thể ở châu Âu. Ví dụ, Sharon DeWitte, một nhà nhân chủng học sinh học tại Đại học Nam Carolina, đã phát hiện ra rằng những bộ xương còn sót lại tại London trong thời kỳ đó cho thấy số ca tử vong vì đại dịch khá khiêm tốn. Cô tự hỏi rằng liệu điều này có đúng với các khu vực khác ở Châu Âu hay không.

“Sự nghi ngờ này khá hợp lý, nó cung cấp bằng chứng có thật – đó cũng là điều mà những tác giả này đã làm,” TS DeWitte nói. “Thật thú vị.”

Joris Roosen, trưởng nhóm nghiên cứu tại Trung tâm Lịch sử Xã hội Limburg, Hà Lan, cho rằng trong nghiên cứu về lịch sử Bỉ của ông, Cái chết Đen không phải là một phần nổi bật. TS Roosen đã đo lường vấn đề thuế trong thời gian diễn ra Cái chết Đen bằng cách xem xét thuế thừa kế được trả ở một vùng có tên là Hainaut. Những cái chết vì bệnh dịch hạch thực sự đã khiến thuế thừa kế tăng đột biến, nhưng TS Roosen phát hiện ra rằng những đợt bùng phát khác trong các năm sau đó đã tạo ra lượng thuế thừa kế lớn hơn nhiều. “Bạn có thể theo dõi điều đó trong ba trăm năm,” ông nói.

Nhưng những phát hiện này vẫn chưa đủ để thuyết phục nhiều chuyên gia. John Aberth, tác giả cuốn The Black Death: A New History of the Great Mortality, cho biết nghiên cứu không thay đổi quan điểm của ông rằng khoảng một nửa số người châu Âu trên khắp lục địa đã chết vì bệnh này.

Theo TS Aberth, ông nghi ngờ việc bệnh dịch hạch lại có thể chừa toàn bộ các khu vực của châu Âu trong khi nó tàn phá các khu vực lân cận. “Ngay cả trong thời Trung cổ, các khu vực gắn kết với nhau bằng thương mại, du lịch, giao thương và di cư,” TS Aberth phân tích. “Đó là lý do tại sao tôi không tin vào việc toàn bộ khu vực này đã ‘trốn thoát’ thành công căn bệnh dịch hạch”.

Ông đồng thời cũng đặt câu hỏi, liệu một khu vực chuyển sang trồng cây trái có nhất thiết đồng nghĩa với việc dân số ở đó đang bùng nổ hay không. Theo ông, cư dân ở đó có thể đã bị Cái chết đen xoá sổ, và rồi những người nhập cư đã đến thay thế, chiếm lấy vùng đất trống. “Những người di cư đến một khu vực mới có thể giúp bù đắp cho những tổn thất về nhân khẩu học”.


Chôn cất những nạn nhân của Cái chết Đen ở Tournai, Bỉ. Nguồn: Thư viện Hoàng gia Bỉ

Trước lập luận này, TS Izdebski thừa nhận mọi người đã di chuyển khắp châu Âu vào thời điểm xảy ra bệnh dịch hạch. Nhưng ông cũng quả quyết số lượng người di cư được ghi chép lại quá nhỏ để thay thế một nửa dân số. Thêm vào đó, chiếu theo lập luận của TS Alberth, làn sóng di cư khổng lồ sẽ phải đến từ các khu vực khác của châu Âu, những nơi được cho là cũng đã bị Cái chết Đen xoá sổ. “Nếu bạn cần hàng trăm nghìn người đến để lấp đầy khoảng trống, họ sẽ đến từ đâu nếu ở khắp mọi nơi, một nửa dân số đã chết?”, ông đặt câu hỏi.

Monica Green, một nhà sử học độc lập suy đoán rằng Cái chết Đen có thể do hai chủng vi khuẩn Yersinia pestis gây ra – và hai chủng này có thể gây ra các mức độ tàn phá khác nhau. Cô đã đề xuất giả thuyết này sau khi xem xét DNA Yersinia được thu thập từ các bộ xương thời Trung cổ.

Trong nghiên cứu của mình, TS Izdebski và các đồng nghiệp của ông đã không xem xét khả năng đó, nhưng họ đã xem xét một số yếu tố khác, chẳng hạn như khí hậu và mật độ dân số ở các khu vực khác nhau của châu Âu. Nhưng không có yếu tố nào giúp giải thích cho phát hiện của họ. Có thể ở mỗi quốc gia, mức độ lây lan vi khuẩn của chuột và bọ chét lại khác nhau. Những con tàu đưa Yersinia đến châu Âu có thể đã cập bến một số cảng vào thời điểm không phù hợp để lây lan virus, và đến những cảng khác vào một thời điểm thuận lợi hơn.

Dẫu sao đi nữa, theo TS Izdebski, Cái chết Đen đã trao cho chúng ta một bài học có thể ứng dụng trong thời đại của coronavirus: “Chúng ta đưa ra một số yếu tố, nhưng không dễ để đoán ngay đâu là yếu tố quan trọng tác động đến sự bùng phát dịch bệnh,” ông nói, đề cập đến cách virus có thể lây lan. “Bạn không thể cho rằng dịch bệnh sẽ vận hành theo cùng một cách ở mọi nơi.”

Hà Trang tổng hợp

Nguồn: Did the ‘Black Death’ Really Kill Half of Europe? New Research Says No.

The Black Death was not as widespread or catastrophic as long thought – new study

Tác giả

(Visited 24 times, 1 visits today)