Cái tình trong giải pháp

Qua mặt 146 giải pháp gửi tới Ban tổ chức, ông Phạm Hoàng Thắng cùng 14 giải pháp lọt vào vòng chung kết và ông  đã bảo vệ thành công giá trị sáng chế có tính khác biệt trong chiếc máy gặt đập liên hợp (GĐLH). Điều dẫn ông đến chiến thắng đó là cái tình người và sự đam mê.

Năm 2007 khi máy GĐLH của Hoàng Thắng  đoạt giải nhất tại hội thi máy gặt đập liên hợp ở Trường Khánh, tỉnh Sóc Trăng, ông Thắng chậm rãi lần theo lối đi của máy gặt xem cái “giới hạn” có  rơi rớt trên đường đi hay không? Ông tự hiểu rằng nếu không đạt được những thông số lý tưởng của chiếc máy gặt thì ông không thực hiện trọn vẹn mong muốn góp công giảm tổn thất sau thu hoạch, vốn chiếm từ 11-12% sản lượng lúa. Con số tổn thất đó lên tới hàng ngàn tỷ đồng mỗi niên vụ. Vì vậy cho đến thời điểm được trao giải nhất tại hội thi sáng chế (7-11-2013) việc tiếp tục cải tiến chiếc máy gặt đập liên hợp sao cho chuyển động nhẹ nhàng, ít hao nhiên liệu, ít hao nguyên vật liệu khi làm buồng đập (không cần lớn) , kết cấu gọn- nhẹ, di chuyển nhanh trên sình lầy, năng suất thu hoạch chừng 5 ha/ ngày… hầu như chiếm hết mọi suy nghĩ của ông.

Xòe bàn tay, ông Thắng giải thích: Cứ tưởng tượng đây là những thanh kiểu thang đập lúa (bồ) xa xưa của nông dân, xen giữa khoảng cách những thang đập sẽ  làm cho trên cùng diện tích bình thường nhưng thang đập nhiều hơn, tạo khúc khuỷu sẽ làm cho lúa được tuốt hết hạt, tốc độ tuốt nhanh hơn. Răng đập được thiết kế  ở 15 độ so vòng trục tạo thành luồng gió đưa bông lúa về cuối buồng đập nhanh hơn, thổi lúa ra  khỏi sàn lẹ hơn, lực hút lúa nhanh hơn và  năng suất tuốt lúa sẽ cao hơn. Trong buồng đập, sàn đập có hai phần: đập chín và đập giũ- được thiết kế răng đối xứng để phá vỡ luồng lúa từ sàn đập chín sang đập giũ để bông lúa bung ra. Trục đập đặt xiên so trục chính 20-30 độ để đẩy lúa về cuối sàn, động tác đập lúa sẽ dễ dàng hơn.

So với đập thang truyền thống: Thang đập hợp lý, xoay, lận phía trong ra để tuốt hết lúa đòi hỏi giải pháp đồng bộ hóa để  kết hợp gặt, đập tuốt lúa- sàng sảy lấy hạt theo tỷ số thích hợp, tránh tình trạng vỡ hạt, bị nghẽn giữa chừng, giảm năng suất và hư hỏng đột xuất. “Việc bố trí thang đập, tính toán tua đập, sàn đập, trục đập và tính tỷ số truyền đồng bộ hóa… là việc khó nhất”, ông Thắng nói.

Hiện nay, những đặc điểm trong dòng máy GĐLH của Hoàng Thắng đã qua mặt máy gặt đập lúa của Trung Quốc (không gặt được lúa ướt, không di chuyển được trên sình lầy, dễ hỏng hóc) và những cơ sở làm máy gặt đập liên hợp trong nước. Nhưng ông đang đối diện với người khổng lồ Kubota ngay trên thị trường có 3,6 triệu ha đất trồng lúa, dù giá bán ra của Kubota trên nửa tỷ đồng/máy, trong khi giá máy của Hoàng Thắng chỉ bằng 50% so Kubota, thậm chí máy của ông có ưu điểm gặt cả lúa ướt, đổ ngả, tỷ lệ hao hụt thấp so Kubota, nhưng Kubota vượt trội về độ bền và có thế mạnh về phụ tùng, hơn cả Yanmar. Chính độ bền khiến Kubota gia tăng sản lượng máy bán ra, kéo theo doanh số bán phụ tùng. Khi được hỏi ông có thể trở thành đối thủ cạnh tranh với Kubota không? “Hạn chế của chúng tôi là trong nước chưa có máy móc công nghệ cao để thực hiện các chi tiết, cấu kiện với chất lượng cao, chưa có nguyên liệu sản xuất phụ tùng đúng tiêu chuẩn và chưa có đủ dịch vụ để tăng sản lượng máy xuất xưởng” , ông Thắng nói và nhấn mạnh thêm “để khắc phục những hạn chế này cần hệ thống giải pháp có tính chiến lược cho ngành cơ khí nông nghiệp chứ không riêng cơ sở của ông.
***
Ông Thắng theo đoàn khảo sát hoạt động sản xuất máy nông nghiệp ở Hàn Quốc, nhìn thực tế  suôn sẻ của họ,  nghĩ nhiều về hiện tại chong chênh của mình. Hiện nay, mỗi tháng ông chỉ xuất xưởng  3-4 máy GĐLH  nhưng đó là ngưỡng an toàn vì làm theo đặt hàng bằng vốn tự có chứ chưa dám có quan hệ nợ nần với ngân hàng. Thiếu vốn, ông Thắng sẽ không thể đặt hàng mua nguyên liệu đủ tiêu chuẩn ( hộp số, bánh xích…) với số lượng lớn, mua lẻ sẽ không bao giờ được hưởng giá sỉ! Nhưng ông không có cách nào khác.

Chiếc máy sạ hàng ra đời cũng tương tự, từ việc không tìm được một người gieo sạ, phải mướn người không chuyên nghiệp. “Nếu không tìm được người giỏi việc này thì chẳng lẽ bó tay? “ ông nhớ lại lần đầu thấy mẫu máy sạ theo hàng của Viện Lúa quốc tế và nảy ra ý định khác.

Nhận ra nhược điểm của máy sạ hàng từ IRRI: nặng nề, giá cao (2 triệu đồng/ máy), bánh xe lăn, lỗ rơi – hốc gieo không nhạy nên hạt lúa xuống không đều. Ông Thắng đã mày mò sửa đổi chiều dài trục làm việc, dùng nhựa làm “ trống” đựng lúa giống thay vì kim loại…, nên giá bán máy sạ hàng của ông chỉ còn 350.000 đồng/ máy,  dù năng lực sản xuất của xưởng gia đình nhưng ông làm cả trăm máy mỗi ngày. Người cao tuổi, phụ nữ cũng làm được, chất lượng gieo sạ tốt hơn cả những người được khen là gieo chuyên nghiệp.

Không dừng ở đó, khi đi chuyển giao kỹ thuật máy sạ hàng ở dưới quê, hình ảnh nông dân mang bình phun thuốc trừ sâu mà ngán cảnh “ no đòn” nhiễm độc hóa chất, khi đi vô vùng đang phun xịt, thuốc thấm qua da, quần áo… Ông Thắng nghĩ tới việc chế tạo chiếc máy phun thuốc trừ sâu, người kéo luôn ở phía trước, do vậy người phun không phải xông vào vùng phun xịt và không còn tình trạng bị lỗi khi quơ vòi phun không đều.

Ngày đầu mẫu máy phun thuốc trừ sâu lắp 2 bình xịt (32 lít) chào hàng, có người đặt cọc liền. Vòi phun biến thành dàn phun khi cần kéo nối dài về phía trước, chỉ cần kéo cần, van mở là thuốc tự động phun theo chuyển động từ người kéo. Hiện nay, ông lắp máy và khác biệt là cây gạt làm bụi lúa ngã tới trước và bật lại bằng dàn gạt lúa; Nhờ đó phun thuốc ở gốc, phun đều phía trước và phía sau,  liên tục. Cách làm này đã diệt rầy khá tốt. Có người mua máy phun thuốc về làm dịch vụ”, ông Thắng nói.
***
Hình ảnh xưởng thợ và cuộc sống có đồng vô- đồng ra bây giờ, đôi khi chạnh lòng nhớ lại câu chuyện 20 năm trôi qua.

Từ một anh tú tài do hoàn cảnh không thể học lên cao hơn, xốn xang khi nhìn những lực điền dốc sức đập lúa, ông tự thấy như có bổn phận phải làm điều gì đó để giảm cường độ lao nhọc cho người dân vùng đồng bằng SCL đang chuyển đổi từ trồng lúa mùa sang tăng 2-3 vụ lúa /năm. Cái tình trong suy nghĩ đó dẫn ông đến đam mê chế tạo máy tới mức thất bại tiền tỷ vẫn chưa dừng lại. Không phân định được sáng tạo hay phiêu lưu? Ông Thắng không thể chứng minh được “ ánh sáng ở cuối đường hầm” , cũng không đoán định được hiệu quả khiến lòng tin của những người thân vào những triển vọng mất dần và cuối cùng là bi kịch khi vợ chồng ông đồng ý ly hôn. Bà muốn tránh khỏi cuộc phiêu lưu còn ông thì tự hiểu rằng để tiến tới thành công, đôi khi phải trả giá.

Mỗi lần nhắc lại câu chuyện “nửa đường gãy gánh”, ông Thắng nói rằng con đường sáng tạo của mình có những khoảng tối. Ông từng hi vọng người bạn đời kiên nhẫn hơn một chút, nhìn xa hơn một chút, chịu đựng hơn một chút…nhưng điều đó đã trở thành quá đáng khi vì khát vọng sáng tạo, thỏa thích trước những công việc ở xưởng thợ, ông đã quên rằng cái gia đình bé nhỏ ấy lắt lẻo chợt rơi khỏi “vườn địa đàng”.

Được hỏi ông nghĩ gì khi nhận giải thưởng, ông nói nếu không có chính sách thúc đẩy, không có hệ thống quản trị đồng bộ hóa và hữu hiệu thì cơ sở sản xuất máy GĐLH cá thể của ông sẽ teo tóp, lụi tàn. Để khích lệ khả năng sáng tạo, chủ động sản xuất, nhà nước không chỉ hỗ trợ nghiên cứu mà sẽ tạo điều kiện sản xuất thử, làm hàng loạt…như những vườn ươm doanh nghiệp ở Cần Thơ do Hàn quốc trợ giúp, ông Thắng mơ ước, tại nơi ông khởi nghiệp có một vườn ươm như vậy.

“ Hàn Quốc, từ xưa đã có chính sách du học độc đáo cho những người đã có bằng tiến sĩ. Họ đăng ký học ở  nhiều nước theo học nhiều ngành, lĩnh vực và ngày về cùng cam kết hình thành nhóm làm việc không chỉ là bản vẽ chi tiết mà chỉ ra việc làm cụ thể cho một chiếc máy kéo, máy cày, máy gặt…cho tới chiếc xe hơi, đủ sức cạnh tranh với Nhật…ra đời theo công nghệ tiên tiến”, một người thợ cơ khí ở Cần Thơ ao ước về sự tiếp sức từ hoạt động khoa học, nói như vậy.
 

Tác giả

(Visited 5 times, 1 visits today)